Pages

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Giới Thiệu Về Cây Dứa

Cây dứa - Hay còn gọi là thơm là một trong những loại cây cho quả được nhiều người ưa thích vì hương vị thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng

Quả của cây dứa chứa 11-15% đường tổng số (trong đó saccaraza chiếm 1/3 còn lại là đường glucoza và fructoza), 0,6% axit (trong đó axit xitric chiếm 87%, còn lại là axit malic và một số axit khác). Quả dứa chứa nhiều loại vitamin: vitamin A có 130 IU; B1: 0,08mg; B2: 0,02mg; C: 4,2mg/100g; các chất khoáng có Canxi: 16mg; photpho: 11mg; sắt: 0,3mg; đồng: 0,07mg. Thành phần cấu tạo hữu cơ chủ yếu của dứa là: protein: 0,4g; lipit: 0,2g; gluxit: 13,7g; xenluloza: 0,4g; nước 85,3g.

Ngoài ra, trong quả của cây dứa còn có enzim bromelin là loại enzim giúp tiêu hóa rất tốt. Người ta đã chiết xuất và sản xuất ra chế phẩm bromelin dùng trong công nghiệp thực phẩm, thuộc da, vật liệu làm phim. Sản phẩm phụ của công nghiệp chế biến quả cây dứa được dùng làm nguyên liệu để lên men chế biến thành thức ăn gia súc.

Quả của cây dứaSau khi thu hoạch quả, lá cây dứa có thể dùng để lấy sợi (trong lá có 2-2,5% xenlulô). Sản phẩm dệt từ sợi dứa bền, đẹp, chất lượng tốt hơn sợi đay. Thân cây dứa chứa 12,5% tinh bột, là nguyên liệu dùng để lên men chuyển hóa thành môi trường nuôi cây nấm và vi khuẩn.

Các giống Dứa trồng ở nước ta

- Cây Dứa hoa Phú Thọ:

Còn gọi là giống dứa Queen cổ điển. Giống này có những đặc điểm điển hình của nhóm dứa Queen: quả nhỏ, mắt nhỏ, lồi, gai ở rìa là nhiều và cứng,v.v… Dứa hoa Phú Thọ được nhập nội vào Việt Nam khoảng đầu thế kỷ 20. Sau đó được trồng rải rác ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Ưu điểm nổi bậc của giống cây dứa này là thịt quả vàng, giòn, rất thơm và hấp dẫn, nên người ta thường trộn vào nước ép các loại quả khác để tạo ra mùi thơm đặc trưng. Giống này dễ tính, chịu được đất xấu, đất chua, dễ ra hoa trái vụ.

- Cây Dứa Na hoa:

Thuộc nhóm Queen: mắt nhỏ, lồi, khi chín vỏ quả và thịt đều có màu vàng. So với dứa hoa Phú Thọ lá ngắn và to hơn, quả cũng to hơn. Bình quân khối lượng quả là 0,9-1,2kg/quả. Khi chín nước trong thịt quả cũng nhiều hơn. Đây là giống dứa được trồng khá phổ biến ở các vùng trồng tập trung. Giống này có ưu điểm là dễ trồng, có thể duy trì được năng xuất đến vụ thứ 2, thứ 3 nếu được chăm sóc tốt vá áp dụng các biện pháp kỹ thuật thích hợp.Cây Dứa Na hoa có hệ số nhân giống cao nên có khả năng dễ dàng mở rộng diện tích ở những vùng đất trồng đồi trọc. Nhược điểm của giống này là có mắt sâu, quả hơi bầu dục, nên đồ hộp khó đạt được năng suất lao động cao. Tỷ lệ cái/nước cũng không cao, vì vậy hiệu quả kinh tế thấp.

- Cây Dứa Kiên Giang và dứa Bến Lức (thuộc nhóm dứa Queen):

Trong điều kiện khí hậu ở các tỉnh phía Nam, cây sinh trưởng mạnh, quả có kích thước lớn hơn so với khi trồng ở các tỉnh phía Bắc. Dứa này có những đặc điểm giống dứa Na hoa. Quả dứa Kiên Giang có dạng hình trụ, mắt quả to hơn và thịt quả có nhiều nước hơn so với dứa Bến Lức. Hai giống này được trồng phổ biến ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

- Dứa Cayen Chân Mộng:


Lá phần lớn không có gai, trừ một ít gai ở đầu mút lá. Phiến lá, long máng sâu, có nhiều phấn ở mặt dưới, nhất là ở phía gốc lá. Giống này được nhập vào ViệtNamvào đầu những năm 40, được trồng ở một số địa phương miền Bắc, chủ yếu trong một số đồn điền của người Pháp. Chân Mộng thuộc tỉnh Phú Thọ, là một trong những nơi tiếp nhận giống này. Vì vậy, về sau người ta gọi giống này là dứa Cayen Chân Mộng. Đến nay giống này chưa được trồng nhiều diện tích, nhưng giống có ưu điểm là cho năng suất cao, quả to, dễ thao tác trong chế biến làm đồ hộp, có chất lượng cao cả về thành phần sinh hóa lẫn tỷ lệ cái/nước. Hiện nay giống này đang được chú ý mở rộng diện tích.

- Nhóm các giống dứa Spanish:

Ở nước ta có nhiều giống, màu sắc vỏ quả khi chín rất khác nhau: đỏ vàng, vàng xanh, xanh tím, xanh đen, xanh lá mạ… Khối lượng quả cũng rất khác nhau. Phẩm chất quả rất khác nhau.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét