Rễ vú sữa thường ăn nông, nhiệt
độ của đất cao vào mùa nắng sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ, do đó cần phải tủ
gốc giữ ẩm bằng rơm rạ, cỏ khô để giữ ẩm cho đất
A . GIAI ĐOẠN MỚI TRỒNG ĐẾN 3 NĂM TUỔI
1. Thời vụ trồng:
Nếu chủ động nước tưới có thể trồng bất cứ thời điểm nào trong năm; tuy nhiên trồng vào mùa mưa sẽ ít tốn công tưới.
2. Chuẩn bị đất trồng:
- Thiết kế vườn:
+ Vẽ sơ đồ vườn theo mương, liếp để quản lý, chăm sóc, ghi chép nhật ký canh tác.
+ Đào mương, lên liếp: nếu trồng mới trên đất ruộng nên đào mương sâu 1 – 1,5 m, bề mặt liếp rộng 7 – 10 m.
+ Bố trí hệ thống đê bao, cống bọng để tưới – tiêu chủ động.
+ Trồng cây chắn gió: chú ý trồng cây chắn gió vì cây vú sữa dễ bị lật
gốc, tét nhánh vì vậy cần phải trồng cây chắn gió; đặc biệt là những
vườn ở ven sông lớn. Hàng cây chắn gió phải thẳng góc với hướng gió
thường thổi tới. Hàng cây chắn gió còn giúp giữ độ ẩm cho vườn, cây
quang hợp tốt (do lượng CO2 ổn định hơn), tránh được đổ ngã khi có gió
lớn, cây thụ phấn và đậu quả cũng tốt hơn.
- Chuẩn bị đất để lên mô trồng: chọn đất mặt ruộng, đất bùn ao, đất vườn cũ, xử lý khoảng 1 – 1,5 kg vôi/mô, phơi 15 – 30 ngày trước khi trồng.
- Chất mô: theo sơ đồ đã thiết kế, đường kính mô từ 0,8 – 1m, cao 0,4 – 0,7m.
- Trộn phân hữu cơ đã hoai mục với Trichoderma để tăng vi sinh vật đối
kháng trong đất khống chế nấm bệnh. Có thể dùng chế phẩm EM để thúc đẩy
phân mau hoai và cung cấp thêm vi sinh vật hữu ích cho cây trồng.
- Bón phân lót: mỗi mô bón 10–15kg phân hữu cơ hoai (đã ủ ở phần trên), 0,3kg super lân, 0,1kg DAP .
3. Cách trồng:
a. Mật độ
(khoảng cách): Tùy theo chiều rộng mặt liếp mà bố trí số hàng cây. Với
liếp rộng 7 - 8m thì bố trí trồng một hàng cây ở giữa liếp, khoảng cách
8m/cây, mật độ 12 - 13 cây /1000m2. Với liếp rộng 9 - 10m, trồng hai
hàng theo kiểu nanh sấu. Có thể trồng xen rau màu hoặc cây ăn trái ngắn
ngày trong 1 - 3 năm đầu để tăng thu nhập.
b. Cách đặt cây:
Khoét lỗ trên mô vừa với bầu cây con (khoảng 20 – 25 cm), cắt bớt gốc
cành ghép (treo bầu), xé bỏ bao nilon (đựng bầu đất), đặt cây con vào
hố, dùng dao cạo nhẹ lớp vỏ nơi tiếp xúc giữa cành ghép và gốc ghép lấp
đất đến nơi vừa cạo vỏ giúp hình thành 1 lớp rễ mới sau khoảng vài tháng
trồng; ém đất chặt, dùng 3 cây cọc để cố định cây con, chú ý che nắng
cho cây.
4. Chăm sóc:
- Dùng rơm tủ gốc để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại.
- Làm cỏ để tránh sự cạnh tranh dinh dưỡng, nên cắt bớt cỏ trong vườn, hạn chế dùng thuốc diệt cỏ trong vườn cây ăn trái.
- Tưới nước: cần cung cấp nước đầy đủ cho cây vú sữa, mỗi tuần tưới 3 - 5
lần, mỗi lần tưới 20 - 30 lít nước/cây nhất là vào mùa nắng để giảm tỷ
lệ cây chết và giúp cây phát triển nhanh đặc biệt trong 3 năm đầu. Nên
giữ mực nước trong mương cách mặt liếp ít nhất 40 cm.
- Bón phân:
+ Sau khi trồng đến một năm: sử dụng 70–80ml Greenfield 555 tưới gốc +
20g Urê, hoà phân vào nước để tưới, mỗi tháng nên bón phân 1 lần
+ Cây 1 – 3 năm tuổi: bón 1–2 kg hỗn hợp gồm Urê, Greenfield 555, NPK
16–16–8 (hoặc 20 – 20 – 15), với tỉ lệ 1:3:1; chia làm 4 lần bón trong
năm, lượng phân bón tăng dần theo độ lớn của cây (năm đầu dùng 1kg phân,
sau đó tăng dần)
- Tỉa cành tạo tán: trong các năm đầu nên tỉa cành để cây vú sữa có cành
phân bố theo 4 hướng, tạo cho cây có tán tròn đều. Chú ý tỉa bỏ cành
vượt, cành trong tán cây, cành bị sâu bệnh
B . GIAI ĐOẠN CÂY TỪ 3 NĂM TUỔI TRỞ LÊN
1. Tủ gốc giữ ẩm:
Rễ vú sữa thường ăn nông, nhiệt độ của đất cao vào mùa nắng sẽ ảnh hưởng
đến bộ rễ, do đó cần phải tủ gốc giữ ẩm bằng rơm rạ, cỏ khô để giữ ẩm
cho đất. Nên tủ cách gốc để tránh sâu bệnh tấn công.
2. Làm cỏ và trồng xen:
Nên làm cỏ thường xuyên trong các năm đầu để hạn chế sự cạnh tranh dinh
dưỡng và loại bỏ nơi trú ẩn của sâu bệnh. Đến năm thứ tư trở đi tán cây
rộng dần và công làm cỏ sẽ giảm. Để giảm bớt công làm cỏ và tưới nước,
trong các năm đầu nên dùng rơm rạ phủ gốc và trồng xen một số cây ngắn
ngày khác để tăng nguồn thu nhập.
3. Bồi bùn:
Hàng năm cần bồi bùn vào mô trồng, nên phơi khô bùn sau khi vét mương
rồi sau đó bồi vào mô. Công tác bồi bùn cần tiến hành thường xuyên hàng
năm, ngay cả khi cây đã lớn và sau khi định hình mương liếp hoàn chỉnh.
Việc vét mương bồi liếp vừa có tác dụng cải tạo hệ thống mương tưới
tiêu, nâng cao dần mặt liếp, vừa có tác dụng cung cấp một phần dinh
dưỡng cho cây vú sữa.
4. Tưới tiêu:
Để cây vú sữa phát triển nhanh hơn, cần phải tưới nước đầy đủ nhất là
trong những năm đầu. Nếu vườn cây vú sữa chưa có hệ thống đê bao ngăn lũ
thì phải bố trí hệ thống thoát nước tốt vì cây vú sữa không chịu được
ngập úng.
Giai đoạn cây ra hoa và mang trái tưới nước thường xuyên 2–3 ngày/ lần giúp cây ra hoa, đậu trái tốt hơn.
5. Tỉa cành, tạo tán:
Hàng năm, sau khi thu hoạch, phải vệ sinh vườn bằng cách tỉa bỏ những
cành mọc đứng trong tán, cành gãy, cành sâu bệnh, cành khô, già cổi,
cành phụ ốm yếu mọc liên tiếp trên cùng một cành chính, cành mọc gần mặt
đất; tỉa thấp lại cành chính khống chế chiều cao của cây không quá
4–4,5m để tiện chăm sóc, thu hoạch sau này.
Đối với cây quá già cổi: cây cho lá nhỏ, trái nhỏ, chậm ra nhánh mới; để
trẻ hóa vườn cây vú sữa này cần cưa bỏ từ 30–60% số cành để cây phát
triển cành mới, số cành mới phát triển sẽ cho trái lớn hơn, tốt hơn vào
các vụ sau.
Sau mỗi vụ thu hoạch nên cưa bỏ 1–2 cành vươn cao, ít lá và có biểu hiện
sinh trưởng, năng suất kém nhất trên tán cây. Cưa ngắn các cành này còn
30–50 cm tính từ gốc cành. Vết cưa nghiêng 45 độ để tránh đọng nước.
Sơn phủ bề mặt vết cưa bằng dung dịch sun-phát đồng. Khoảng 15 - 20 ngày
sau dưới mỗi vết cưa sẽ phát triển 5 - 15 chồi mới, nên tỉa bớt số chồi
mới chỉ giữ lại 2 - 3 chồi khỏe và ở vị trí đều quanh cành. Khi chồi
mới phát triển đến chiều dài 50 - 60cm thì tiến hành loại bỏ đỉnh sinh
trưởng để kích thích chồi phân cành.
* Lưu ý quan sát và phòng trừ sâu hại cho cành mới, cành này có khả năng cho trái sau 12 - 18 tháng.
6. Bón phân:
Từ năm thứ tư sau khi trồng, cây vú sữa bắt đầu cho trái; vì vậy lượng
phân bón cho cây cũng tăng dần lên để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cây. Bón
2 – 3 kg hỗn hợp gồm Urê, DAP, NPK 16 – 16 – 8 (hoặc 20 – 20 – 15), với
tỉ lệ 1:1:1; chia làm 4 lần bón trong năm bón vào lúc cây ra hoa, đậu
trái, nuôi trái và trước thu hoạch 1 – 2 tháng. Lượng phân bón trên áp
dụng cho cây 4 – 5 năm tuổi.
Cây vú sữa từ năm thứ 5 sau khi trồng, bước sang giai đoạn cho trái ổn
định, và cũng là bắt đầu giai đoạn kinh doanh. Nên bón 4 lần phân vào
các giai đoạn: sau khi thu hoạch làm gốc để cây chuẩn bị ra hoa, đậu
trái, nuôi trái và trước thu hoạch 1 - 2 tháng. Liều lượng phân bón thay
đổi, tăng dần theo tuổi cây từ 6 năm đến trên 20 năm (lúc đầu bón số
lượng nhỏ, tăng dần theo từng năm). Mức phân đề nghị cho cây 5 năm tuổi
như sau :
· Lần 1: Bón
vào giai đoạn xử lý ra hoa sớm với 5–10 kg phân hữu cơ hoai/cây và 3 – 6
kg gồm NPK (20 - 20 - 15 hoặc 16 - 16 - 8), Urê và phân lân theo tỉ lệ
1/1/1.
· Lần 2: Bón vào giai đoạn đậu trái lúc trái bằng nút áo với lượng 2 – 4 kg phân/cây gồm Urê và DAP theo tỉ lệ 2/1.
· Lần 3: Bón vào giai đoạn nuôi trái, lúc trái có đường kính khoảng 2cm, với 2 – 3 kg phân NPK/cây (dạng phân như nói trên).
· Lần 4: Bón vào giai đoạn trước thu hoạch 1 – 2 tháng với liều lượng 1 – 2 kg phân NPK/cây.
Các lần bón phân cách nhau từ 2,5 – 3 tháng.
Phương pháp bón: Trước khi bón phân nên tiến hành thu dọn toàn bộ vật
liệu tủ gốc rồi bón lên mặt liếp (mô) hoặc xới rảnh sâu 5-10 cm ở 2/3
đường kính tán cây, bón phân vào rãnh. Sau khi bón phân nên che phủ gốc
bằng các vật liệu hữu cơ và tưới nước liên tục 5-7 ngày cho phân tan vào
đất.
7. Phòng trừ sâu bệnh:
Sâu bệnh hại vú sữa thì có nhiều loại, nhưng ở giai đoạn nuôi trái lớn
như bạn yêu cầu thì nên chú ý những đối tượng chính dưới đây:
- Sâu đục trái
(Alopia sp.) phá hại từ khi trái còn nhỏ cho đến khi đã già và chín, có
thể làm rụng hoặc hư cả trái, giảm phẩm chất trái. Khi mới thấy một vài
trái non bị hại thì phun ngay, phun 2-3 lần cách nhau 7-10 ngày/lần
bằng các loại thuốc Tiper 25EC, Tizonon 50EC, SauAba 3.6EC, Newgreen
2.0EC, Vibasu, Sagolex, Oncol, Netoxin, Lorsban…
- Bệnh thối trái
do nấm Lasio diplodia Theobromac và Colletotrichum sp. xâm nhập từ khi
trái còn nhỏ gây ra. Vết bệnh lúc đầu chỉ là một đốm nhỏ màu đen, gặp
thời tiết ẩm bệnh phát triển mạnh, lây lan nhanh khắp trái, làm trái khô
đen và rụng, tỷ lệ trái hư khá cao, đôi khi lên tới 20-25%. Phòng trừ
bằng cách vệ sinh vườn cho thoáng, tránh lây lan; nhặt và tiêu hủy trái
rụng vì bệnh. Phun các loại thuốc như: Tipo-M 70BHN, Tinomyl 50WP,
Lâmbac 35SD, Tipozeb 80WP, Awin 100SC, Carbenzim 500FL, Thio-M 500SC,
Score, Antracol, Daconil, Nustar hay Benomyl…2-3 lần, cách nhau 10-15
ngày/lần.Trái sau thu hoạch có thể xử lý bằng nước nóng 520C trong 10
phút cũng ngừa được bệnh thối trái.
8. Thu hoạch:
Từ khi đậu trái đến khi thu hoạch vú sữa là 180 - 200 ngày, mùa thu
hoạch vú sữa Lò rèn tập trung vào tháng 2 và tháng 3 (dương lịch). Khi
chín vỏ vú sữa lò rèn có màu hột gà sáng bóng.
Vỏ vú sữa mỏng nên dễ bị giập, trầy sướt; khi chín cuống trái dễ bị sút
ra nên khi thu hoạch phải thật nhẹ nhàng và khéo léo, không để trái trực
tiếp xuống đất vì nấm bệnh từ đất sẽ xâm nhập vào trái qua cuống hoặc
vết thương.
Nên bao trái để tránh trầy sướt khi vận chuyển. Trong thời gian tồn trữ,
vận chuyển không nên để trái tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời
vì sẽ làm tổn thương vỏ trái, không nên che nắng trái bằng tấm nilon vì
nilon hấp thu nhiệt sẽ làm nám vỏ trái.
Khi chất trái vào thùng, vào giỏ…nên lót giấy hoặc vật liệu xốp và không nên chất quá 4-5 lớp /giỏ.