Pages

Cây giống cây ăn quả

Cung cấp các loại giống cây ăn quả mới với chất lượng cây giống tốt nhất

Hoa lan giống

Cung cấp các loại lan giống như: Đai châu, Hồ điệp, Vũ nữ, Cattleya, Vanda và Dendro

Cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây trồng rừng

Cung cấp các loại cây cảnh, cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây trồng rừng như: Cây Sưa đỏ, Cây Xoan đào, Xoan ta, Mây nếp ...

Giống rau, giống cây nông nghiệp

Cung cấp các loại giống rau, giống mới, giống cây nông nghiệp ngắn ngày năng suất cao, : Cây chùm ngây, cây su su, gấc cao sản

Kỹ thuật trồng cây

Kỹ thuật trồng cây ăn quả, kỹ thuật trồng rau, kỹ thuật trồng hoa và cây cảnh.

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

Bón phân giúp xoài ra hoa sớm để thu trái nghịch vụ

Bón phân giúp xoài ra hoa sớm để thu trái nghịch vụ

Cần chú trọng phân chuồng và phân lân trong giai đoạn này. Lượng phân bón nhiều hay ít tùy theo độ tuổi và tình trạng sinh trưởng của cây

Sau khi thu hoạch trái vào tháng 4-5 (âm lịch), tiến hành cắt cành, tạo tán, loại bỏ các cành sâu bệnh, cành khuất trong tán. Vun xới quanh gốc (từ gốc cho tới hết bóng tán lá) và bón phân cho cây quanh tán ở độ sâu 15-20 cm.

Đặc biệt, cần chú trọng phân chuồng và phân lân trong giai đoạn này. Lượng phân bón nhiều hay ít tùy theo độ tuổi và tình trạng sinh trưởng của cây (cây to, nhiều tuổi nên bón nhiều phân hơn).

- Từ 4-5 năm tuổi: 10-15 kg phân hữu cơ + 2-3 kg NPK mỗi gốc.

- Từ 10-12 năm tuổi: 20 kg phân hữu cơ + 4-5 kg NPK mỗi gốc, sau đó tưới nước, giữ ẩm thường xuyên cho cây.

Đến khoảng đầu tháng 8 dương lịch (tháng 6 âm lịch), tiến hành cắt tỉa lần 2 (tỉa chồi vượt, chồi không đạt tiêu chuẩn) rồi hòa 1-2 kg tưới quanh gốc đồng thời xịt phân bón lá ba lần, mỗi tuần một lần.

Sau tỉa cành, bón phân lần 2, xoài sẽ ra chồi, lá non, chờ khoảng 45-75 ngày cho lá già. Trước khi phun KNO3 khoảng 20-30 ngày không được tưới nước cho cây. Phun với nồng độ 1,5-2% (có thể hòa KNO3 với Atonik hoặc 8 g Thiên nông + 10 cc Agriplex vào một bình 10 lít phun thật đều, ướt đẫm tán lá).

Lưu ý: KNO3 chỉ có tác dụng phá vỡ tình trạng mầm ngủ chứ không có tác dụng giúp cây chuyển chồi thành mầm hoa hay ép ra hoa.

Khoảng ba tuần và 8-10 tuần sau khi đậu trái, bón đạm và ka-li theo tỷ lệ 1:1, có thể bón NK hoặc phân đơn: 0,4-1 kg u-rê +0,3-0,5 kg kali/gốc/lần.

Có thể cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây dưới dạng phân bón qua lá bằng các loại có chứa vi lượng. Phun khoảng ba lần, mỗi lần cách nhau ba tuần, phun lần đầu lúc 2-3 tuần sau khi đậu trái. Trong giai đoạn này không nên bón phân lân vì phân lân thường khó phân giải, muốn cây hút được phân lân nuôi trái, nên bón vào giai đoạn sau thu hoạch và trước khi cây ra hoa.
QH - ND - Theo tài liệu khuyến nông

Bón phân cho xoài

Bón phân cho xoài

Xoài là cây đòi hỏi nhiều chất dinh dưỡng và có phản ứng mẫn cảm đối với các nguyên tố dinh dưỡng. Bón phân cho xoài rất cần thiết để đạt năng suất cao và góp phân khắc phục hiện tượng cây ra quả cách năm.

- Khi cây còn nhỏ: Lượng phân bón cho một cây là: 300-500g phân NPK (16:16:8) + 300g urê

Bón làm 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa. Hoà phân vào nước tưới cho cây hoặc đào các hố nhỏ, khoảng 4-5 hố quanh gốc cây, hoặc xẻ rãnh vòng quanh gốc, cách gốc 0,5m. Bón phân vào hố hoặc rãnh rồi lấp kín đất.

- Khi cây đã trưởng thành: Lượng phân bón được tăng dần qua các năm trong phạm vi lượng phân nêu sau đây:

2-5kg phân NPK (16:16:8)+1,5-3kg urê.

Chia làm 2 lần để bón: vào đầu mùa mưa khi xoài đang có quả và tháng 9,10 trước khi xoài ra hoa.

Những năm được mùa, xoài cho nhiều quả, cần bón nhiều phân hơn để năm sau vẫn giữ được năng suất của cây.

Nếu thấy cây ra nhiều lá và lá bóng láng cần giảm bớt lượng phân đạm.

Trước khi ra hoa nên phun các loại phân bón lá hoặc phân vi lượng để đảm bảo cho xoài có đủ các nguyên tố dinh dưỡng cần thiết và kích thích cho cây ra nhiều hoa, đậu nhiều quả.

Khi thấy xoài bị nứt thì có thể là do thừa kali hoặc thiếu canxi. Lúc này cần bón bổ sung vôi, hoặc phun Na(NO3)2 hoặc bón CaSO4.

Xoài bị thiếu kali cho quả nhỏ, chát. Vì vậy, cần bón đủ K để qủa xoài to và ngọt.

Sử dụng phân bón cho cây xoài

Sử dụng phân bón cho cây xoài

Xoài cũng có nhu cầu rất lớn đối với dinh dưỡng, nhưng hiện chưa có số liệu về mặt này. Việc bón phân cho xoài ở ta chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm.

Xoài ưa đất có tầng sâu, nhưng lại không kén đất về mặt hóa học. Độ pH đất thích hợp cho xoài là 5,5 - 7,5. Tuy nhiên, xoài có thể trồng được cả ở những đất chua hơn và kiềm hơn miễn là không có tầng đá hoặc đá ong quá nông và có tầng nước ngầm đủ sâu. Xoài cũng có nhu cầu rất lớn đối với dinh dưỡng, nhưng hiện chưa có số liệu về mặt này. Việc bón phân cho xoài ở ta chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm.

Lượng phân bón khuyến cáo cho cây xoài như sau:

· Bón lót khi trồng: Mỗi hố bón 20 - 25 kg phân chuồng hoai + 2,5 kg Super Lân + 1 kg KCl. Đem trộn tổng số phân với 2 phần đất lớp mặt rồi rải quanh gốc cây. Nếu có côn trùng trong đất phá gốc, rễ cây thì cần trộn thêm thuốc sát trùng cần thiết.

· Bón cho cây thời kỳ KTCB: Năm thứ nhất mỗi cây bón 170 g urê (73 g N) + 112 g Super lân, 114 g KCl (68 g K2O). Các năm sau bón tăng dần theo cách năm thứ 2 gấp đôi năm thứ nhất, năm thứ 3 gấp 3 v.v.. Như vậy đến năm thứ 10 bón mỗi cây 1,7 kg urê + 1,12 kg Super lân + 1,14 kg KCl.

· Bón thời kỳ cho quả: Một số tác giả cho rằng, sản lượng xoài đạt cao nhất nếu bón cho mỗi cây 1 kg N + 0,87 kg P2O5 + 1,66 kg K2O.

Các loại phân chuồng và lân bón sớm khi thu hoạch vào tháng 6 - 7, hoặc trước khi phân hóa hoa. Đạm và lân có thể bón 2 lần vào các tháng 1 - 2 khi vừa ra hoa và tháng 6 - 7 khi hình thành đọt mới.

Các tác giả Dương Minh, Võ Thanh Hoàng, Lê Thanh Phong, Võ Hùng Nhiệm (1999) cũng đưa ra quy trình bón phân cho xoài với 300 - 500 g phân NPK 16-16-8 + 300 g urê/cây/năm ở thời kỳ KTCB. Vào thời kỳ kinh doanh bón tối thiểu 2-5 kg phân NPK 16-16-8 + 1,5-3 kg phân urê/cây/năm. Tuy nhiên, bón theo cách này về lâu dài thì kali sẽ bị thiếu.

Sử dụng phân NPK

Ngoài việc bón phân trước khi trồng cây, trong các năm KTCB cần chọn loại phân có tỷ lệ NPK 3:2:1 hay 2:1:1 như 14-8-6; 14-9-9-6; 18-8-8-6; 19-7-8; 20-15-7; 20-10-10 v.v.. mà bón. Khi cây bước sang thời kỳ kinh doanh chọn các loại phân có tỷ lệ NPK 4:1:4 hay 3:1:3 (như NPK 20-7-25) để bón cho xoài ở các tuổi như sau.

Năm thứ nhất: Tính toán để lượng bón cho 1 gốc xoài là 78 g N.

Năm thứ 2: Tính lượng phân bằng cách nhân 78 với 2 = 156 g N/ cây.

Năm thứ 3: Tính lượng phân bằng cách nhân 78 với 3 = 234 g N/ cây.

Năm thứ 4: Tính lượng phân bằng cách nhân 78 với 4 = 312 g N/ cây.

Cứ như vậy cho đến năm thứ 10 ta cần bón cho mỗi gốc là 780 g N/ cây. Lượng phân có thể tăng tối đa đến 1 kg N/ cây thì dừng lại.

Phân bón cho xoài chưa có trái nên chia 2 lần, bón vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Bón cho xoài có trái cũng chia 2 lần: Lần 1 vào đầu mùa mưa (lúc xoài mang trái) và lần 2 vào tháng 9-10 dương lịch (trước khi ra hoa)

Sử dụng phân "Con Ó đen" chuyên dùng cho cây ăn quả của Xí nghiệp Phân bón Chánh Hưng bón cho xoài kinh doanh như sau:

(Phân F1 có hàm lượng N: P2O5: K2O là 20-10-10; phân F2 có hàm lượng N: P2O5: K2O là 8-18-8; phân F3 có hàm lượng N: P2O5: K2O là 15-10-20)

- Bón phân trước khi ra hoa (tháng 9-10): Dùng F2 (8-18-8), bón 3-5 kg/ cây.

- Bón phân khi trái đang lớn (tháng 4-5): Dùng F3 (15-10-20), bón 3-4 kg/cây.

Lượng phân bón thay đổi nhiều ít tùy thuộc vào độ lớn của cây và năng suất thu hoạch dự kiến. Cây càng lớn và sản lượng càng cao thì mức bón càng tăng, ngược lại nếu cây nhỏ, còi cần giảm lượng phân bón/cây.

Thâm canh cây xoài ở phía Bắc

Thâm canh cây xoài ở phía Bắc

Viện Nghiên cứu Rau quả đã nhập nội giống xoài từ Trung Quốc và Australia để chọn lọc được một số giống xoài, trong đó có giống GL1 và GL6 có khả năng sinh trưởng và phát triển ở các tỉnh phía Bắc cho năng suất cao, thâm canh tốt.

Quy hoạch vùng trồng

Hai giống GL1 và GL6 trước mắt chỉ nên trồng trong vườn nhà. Vùng trồng là các tỉnh đồng bằng sông Hồng, khu vực thấp một số tỉnh miền Trung, miền núi, nơi có nhiệt độ không quá thấp, không có sương muối, không bị ảnh hưởng của mưa phùn mùa xuân.

Kỹ thuật thâm canh

Mật độ trồng: Do có khả năng áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên mật độ trồng tăng lên: với giống GL1 800-850 cây/ha (khoảng 3x4m); giống GL6 từ 1.100-1.300 cây/ha (khoảng cách 3x3m hoặc 3x2,5m).

Nhân giống: Nhân giống bằng phương pháp ghép cành. Nên dùng 2 giống xoài địa phương là xoài LHP và XB làm gốc ghép cho hai giống GL1 và GL6.

Cách trồng: Trồng mới đào hố vuông từ 80-100cm. Bón lót 50kg phân chuồng+2kg Super lân + 100kg urê+10kg KCl. Trong 3 năm đầu bón trung bình 3,5kg Supe lân + 0,8g urê + 0,5kg LCl/cây/năm. Năm sau bón tăng hơn năm trước từ 1,2-1,5 lần. Sau 3 năm cây cho quả. Sau khi thu hoạch tiến hành:

- Cắt cành: cắt để lại lộc đầu tiên của năm trước, từ đợt thứ 2 đến đợt lộc cuối (mang quả bỏ đi); cắt bỏ toàn bộ cành trong tán.

- Phun Boocdo 1% định kỳ 1-1,5 tháng/lần, dừng phun khi cây ra hoa. Xử lý Culta vào đất, phun KNO3 lên lá với lượng và nồng độ tương ứng Culta 30g/cây 5 tuổi; KNO3 1-2%. Xử lý Culta từ tháng 9-11, sau xử lý sớm nhất khoảng 70-90 ngày cây ra hoa, phun KNO3 lên lá khi đợt lộc cuối năm đã chuyển già. Sau phun 70-90 ngày cây ra hoa. Nên xử lý muộn để hoa nở vào trung tuần và cuối tháng 3, thu hoạch vào cuối tháng 7, đầu tháng 8

- Tiến hành bao quả vào đầu tháng 5 với túi chuyên dụng có kích thước 20x30cm.

Thu hoạch: Từ khi đậu quả đến thu hoạch từ 120-130 ngày. Thu quả vào ngày nắng, để vào nơi râm, không để xuống đất và phơi ngoài nắng. Rửa sạch vỏ để ráo nước rồi cho vào rấm với lượng 2g đất đèn (CaC2) cho 1kg quả, rấm trong 48 giờ, sau đó xếp ra ngoài để quả chín tự nhiên.

NTNN, 1/9/2003


Một số kinh nghiệm xử lý ra hoa trên xoài cát Hòa Lộc

Một số kinh nghiệm xử lý ra hoa trên xoài cát Hòa Lộc


Sau đây là một số kinh nghiệm của tôi đúc kết từ thực tế nhiều năm trồng xoài cát Hòa Lộc trên diện tích 4.000 m2, và quá trình học tập, trao đổi kinh nghiệm qua tham dự tập huấn – hội thảo của cơ quan khuyến nông và sinh hoạt câu lạc bộ khuyến nông.

Đầu tiên, để cho cây xoài được thông thoáng nhằm giảm bớt sự đeo bám của sâu, rầy, hạn chế được độ ẩm ướt dưới gốc cây trong mùa mưa, khi thu hoạch xong tôi thường cắt tỉa những cành kém hiệu quả là cành không đủ sức để ra đọt, tạo tán nhằm để cho ánh nắng chiếu rọi vào thân cây. Sau đó tôi tiến hành xới gốc, bón phân vi sinh kết hợp phân hóa học để cho cây phục hồi, tạo cành mới (liều lượng phân bón tùy thuộc vào tán lá và tuổi cây). Sau đó khoảng 8 - 10 ngày, khi kiểm tra nhận thấy nhú mầm đọt thì xử lý thuốc trừ sâu, thuốc trị nấm bệnh theo sự khuyến cáo của nhà sản xuất (nếu xịt bằng máy thì có thể giảm liều lượng thuốc còn lại 80%) để bảo vệ cho đọt phát triển tươi tốt và hạn chế sâu bệnh tấn công đọt non. Giai đoạn này có thể bổ sung thêm phân bón lá nhằm giúp cho đọt phát triển nhanh, mạnh.

Quá trình xử lý ra hoa: khi đọt đạt được màu xanh lụa, có thể cắt bỏ bớt những đọt không thể ra hoa rồi sau đó xử lý Paclo với liều 40 - 50g/cây (theo kinh nghiệm thì nên tưới vòng vào thân chiều cao khoảng 1m từ gốc tính lên để không ảnh hưởng đến bộ rể của cây). Đến khoảng 60 - 70 ngày thì xử lý ra hoa. Lựa chọn thuốc xử lý ra hoa tùy mỗi người nhưng bản thân tôi dùng Dola, khoảng 500g cho thùng 100 lít nước với thuốc trừ sâu, thuốc trị nấm bệnh. Nếu thấy đọt quá già thì tôi cộng thêm khoảng 1,5kg Kali đỏ cho thùng 100 lít nước để hạn chế sự ra đọt.

Sau khi xử lí được khoảng từ 12 - 15 ngày thì cây nhú mầm hoa, lúc đó sẽ xử lý thuốc trừ nấm bệnh với thuốc trừ sâu. Vào mùa mưa cần phải sử dụngAntracol hoặc Amista liều lượng theo khuyến cáo nhà sản xuất (đối với thuốc hóa học thì nên thay đổi thuốc vì sử dụng một loại nhiều lần sẽ dễ bị sâu bệnh kháng thuốc). Theo kinh nghiệm bản thân đã áp dụng biện pháp này nhiều năm cho hiệu quả rất cao.

Đến khi trái được 25 ngày tuổi thì sử dụng thuốc phòng trị các bệnh thông thường.

Lưu ý trong thời gian ra hoa nên thận trọng khi xử lý thuốc, vì hoa xoài cát rất mẩn cảm với thuốc hóa chất và thời tiết. Nếu khi hoa nở mà lạm dụng phân bón qua lá hay khi gặp trời mưa hoặc mù sương muối thì hoa sẽ bị đen (theo tôi thì không nên sử dụng phân bón qua lá giai đoạn này, vì hàm lượng phân lân rất cao, nếu sử dụng nhiều sẽ làm da trái có màu xanh, lượng xơ trong trái rất nhiều làm cho trái chậm lớn, trái không đạt theo yêu cầu, da trái sẽ bị đốm đen).

Hiệu quả kinh tế của mô hình qua theo dõi các năm vừa qua: Với 4.000 m2 chi phí sản xuất bình quân cho 1 vụ xoài, dao động từ 22 – 25 triệu đồng, sản lượng bình quân 3 tấn (năng suất 7,5 tấn/ha). Với giá bán bình quân 22.000đ/kg, tổng thu nhập 66 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng.

Võ Văn Hận - CTV khuyến nông xã Hòa Hưng, Cái Bè - Tiền Giang, 20/03/2015