Pages

Cây giống cây ăn quả

Cung cấp các loại giống cây ăn quả mới với chất lượng cây giống tốt nhất

Hoa lan giống

Cung cấp các loại lan giống như: Đai châu, Hồ điệp, Vũ nữ, Cattleya, Vanda và Dendro

Cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây trồng rừng

Cung cấp các loại cây cảnh, cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây trồng rừng như: Cây Sưa đỏ, Cây Xoan đào, Xoan ta, Mây nếp ...

Giống rau, giống cây nông nghiệp

Cung cấp các loại giống rau, giống mới, giống cây nông nghiệp ngắn ngày năng suất cao, : Cây chùm ngây, cây su su, gấc cao sản

Kỹ thuật trồng cây

Kỹ thuật trồng cây ăn quả, kỹ thuật trồng rau, kỹ thuật trồng hoa và cây cảnh.

Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Kỹ thuật trồng và chăm sóc Sứ Thái

Cây sứ không kén đất. Các loại đất như đất cát, thịt, thịt nhẹ đều trồng được sứ với điều kiện là đất phải tơi xốp và thoát nước.

1. Giới thiệu: Cây sứ sa mạc hay còn gọi là sứ Thái có tên khoa học là Adenium Obesum Balt, thuộc họ Apocynaceae (họ trúc đào), có nguồn gốc ở các nước sa mạc Phi châu. Cây sứ trồng bằng hạt có thể ra hoa sau 8 tháng đến 1 năm. Hoa sứ thường có dạng hình phễu nhỏ, xoè 5 cánh to như loa kèn bên ngoài. Tuy nhiên khi đột biến có thể nở ra đến 6-7 cánh rất lạ, đẹp...

2. Chọn đất trồng:

Cây sứ không kén đất. Các loại đất như đất cát, thịt, thịt nhẹ đều trồng được sứ với điều kiện là đất phải tơi xốp và thoát nước. Có thể trộn hỗn hợp đất trồng sứ như sau: 40 - 50% đất phù sa, cát pha hoặc thịt nhẹ, 50 - 60% chất hữu cơ như xơ dừa mục, vỏ đậu phộng mục, vỏ trấu mục. Nếu đất chua có thể bổ sung thêm vôi, phân lân. Tất cả trộn đều và có xử lý một số thuốc trừ nấm để sát khuẩn, ủ thành đống để sử dụng dần.

3. Cách trồng:

Có 2 cách trồng sứ là gieo hạt và giâm cành. Nhưng hiện nay đa số người chơi sứ đều dùng phương pháp giâm cành. Sứ trồng trong chậu là khá phổ biến vì vừa đẹp vừa dễ chăm sóc nên ít người trồng thẳng xuống đất vườn.

Chậu trồng sứ cần đục lỗ ở đáy để thoát nước, có thể độn một ít đá, gạch nhỏ dưới đáy chậu, tránh làm đất trồng bịt kín lỗ, hoặc rễ sứ chìa ra ngoài lỗ thoát nước, lâu ngày lớn lên làm bít hết lỗ thoát nước. Dùng đất trồng hoa kiểng Compomix Đầu Trâu đổ đầy đến khoảng 2/3 chậu sau đó đặt cây sứ vào, sửa ở giữa chậu, bộ rễ xoè ra cân đối. Tiếp tục thêm đất sao cho đất chỉ ngập một phần rễ và gần ngang bằng miệng chậu. Bộ củ rễ to nếu có phải nằm lên trên miệng chậu, đất trồng phải thấp hơn miệng chậu, để khi tưới nước không tràn ra ngoài.

Cây sứ trồng lâu ngày, bộ rễ phình to, phải chuyển sang chậu mới to hơn, đồng thời nâng bộ rễ cho cao lên khỏi miệng chậu, dáng cây mới đẹp.

Sang chậu mới phải đặt cây cho ngay ngắn, nâng bộ rễ lên đồng thời uốn sửa cây theo ý muốn của người chơi sứ, bỏ đất vào khoảng ngang bằng miệng chậu, tưới đủ ẩm.

4. Cách sửa bộ rễ và tạo hình:

Cây trồng được 1 - 2 năm thì có bộ rễ khá to, người trồng phải uốn sửa cho đẹp. Bộ rễ cây sứ rất dễ sửa, nhất là cây sứ trồng từ hạt lại càng đẹp vì giữa thân và bộ rễ không có eo như sứ giâm cành hoặc chiết cành. Cây sứ trồng bằng hạt có thân và củ dính liền với nhau như thân người đứng, người nằm, người quỳ gối. Hàng năm vào mùa nắng, ít mưa có thể nâng toàn bộ bộ rễ lên khỏi miệng chậu để tỉa cho thế cây đẹp hơn. Sắp xếp bộ rễ để xoè ra hợp lý, tỉa bỏ bớt các rễ con không cần thiết, mỗi vết cắt đều phải được bôi vôi. Tuỳ theo dáng bộ rễ có thể sửa theo ý muốn của người chơi sứ. Khi uốn sửa bộ rễ thì không nên tưới nước, khi vết cắt hình thành mô sẹo mới được tưới nước. Cũng có thể nhổ hết cây sứ lên, rũ sạch đất, để nơi râm mát cho mềm bộ rễ, rồi mới uốn sửa và cắt tỉa theo hình các con thú, hình người... Để cho sứ lành sẹo mới trồng trở lại, chăm sóc nơi râm mát đến khi cây ra rễ đâm chồi nhánh mới đem ra nắng và tưới nước bình thường trở lại.

Muốn cây hoa sứ có dáng thế đẹp thì cần phải uốn sửa cẩn thận. Cây sứ lâu năm to cao, cành nhánh nhiều uốn thành nhiều tầng như kiểng cổ, kiểng thế. Cần tỉa bớt những cành nhỏ dư thừa, giữ các cành đúng thế, rồi uốn theo ý muốn.

5. Bón phân:

Các loại phân hữu cơ bón thích hợp cho sứ như phân trâu, bò, heo hoai mục, bánh dầu, dùng để bón lúc trồng hoặc khi thay chậu, sửa rễ. Phân vô cơ như đạm, lân, kali, NPK, phân bón lá dùng cho bón thúc định kỳ trong năm. Tùy theo tuổi cây có thể bón phân cho sứ theo loại phân và liều lượng sau:

+ Cây sứ sau khi ra ngôi (mới trồng từ cành giâm) - dưới 6 tháng tuổi: Hòa loãng 10-15gr phân NPK 20-20-15 + TE hoặc NPK 16-12-8 + TE trong 10-15 lít nước tưới đủ ẩm, cách nhau khỏang 15-20 ngày/lần. Kết hợp dùng phân bón lá Đầu Trâu 005 phun định kỳ 7-10 ngày lần nhằm kích thích ra chồi, lá, rễ.

+ Cây sứ từ 6 tháng - 1 năm: Bón thúc định kỳ 20-30 gr phân NPK 20-20-15 + TE hoặc NPK 16-12-8 + TE/chậu, cách nhau 20-30 ngày/lần. Kết hợp dùng phân bón lá Đầu Trâu 005 phun định kỳ 7-10 ngày/lần, kích thích ra chồi, lá, rễ. Có thể sử dụng Đầu Trâu 007 phun khi muốn cho sứ ra hoa.

+ Cây sứ trên một tuổi, có hoa ổn định: Bón thúc định kỳ 20-30 gr phân NPK 20-20-15 + TE hoặc NPK 16-12-8 + TE/chậu, cách nhau 20-30 ngày/lần. Kết hợp dùng phân bón lá Đầu Trâu 005, phun định kỳ 7-10 ngày lần, kích thích ra chồi, lá, rễ. Đầu Trâu 007 kích thích ra hoa và Đầu Trâu 009 có tác dụng dưỡng hoa lâu tàn.

6.Tưới nước:

Sứ là cây chịu nắng, điều này rất phù hợp với thời tiết miền Nam, tuy nhiên cũng rất sợ úng nước, cho nên chỉ khi nào nắng khô đất mới tưới. Cây sứ vừa mới trồng, mới sang chậu hoặc cắt cành để giâm không nên tưới nhiều nước. Tưới nước cho sứ phải dùng vòi phun nhuyễn, bình phun hoặc hệ thống bơm phun.

7. Điều khiển ra hoa:

Muốn cây sứ có nhiều hoa thì không để cành sứ quá dài, cành phải được cắt sau mỗi đợt hoa tàn, cắt nhiều lần, mỗi lần chỉ cắt cao thêm một đoạn ngắn, nhiều đoạn ngắn sinh thêm ra nhiều nhánh, nhiều nhánh sẽ có nhiều hoa. Muốn sứ ra hoa vào dịp tết cần căn cứ: Nếu lượng mưa đều trong năm, khí hậu ôn hòa thì cắt cành sứ vào dịp rằm tháng 7 âm lịch. Nếu trong năm nắng nhiều, mưa ít, hạn hán kéo dài thì cắt cành sứ muộn hơn vào khoảng đầu tháng 8. Kết hợp phun định kỳ các loại phân bón lá có hàm lượng lân và kali cao như Đầu Trâu 007, Đầu Trâu 009, Đầu Trâu 701, Đầu Trâu 901. Khi thấy lá sứ chuyển từ màu xanh sang màu vàng rồi rụng, ở đầu đọt ngưng phát triển lá non có những mụn lốm đốm là thời kỳ cây đang hình thành nụ.

8. Phòng trừ sâu bệnh:

Cây sứ xanh tốt thường có nhiều sâu bệnh chính như:

- Sâu xanh: Nếu thấy trên đọt lá có những đốm đen, đó là do sâu cắn phá, ăn đọt lá non tạo thành. Nhất là sâu xanh, lúc còn nhỏ màu trắng, lớn lên màu xanh, loại sâu này ăn rất nhanh, 2-3 ngày hết cả đọt lá, có thể ăn đứt cả ngọn cây. Dùng một trong các loại thuốc Trebon, Mipcin, Vibasu, Bassa.

- Rầy bông và bọ sứ: Rầy bông thân nhỏ dẹp, có nhiều lông tơ khắp chung quanh, bọ sứ thì lớn hơn gấp đôi gấp ba rầy bông, thân hình bầu dục, cũng mang rất nhiều lông tơ và lông đuôi khá dài, thường cắn hút nhựa trên đọt lá và tiết ra một chất nhựa ngọt cho kiến ăn, đồng thời cũng làm rơi rụng rất nhiều phấn màu trắng trên ngọn cây; lâu ngày làm hư thối cả ngọn sứ. Loại rầy và bọ gây hại trên ngọn cây làm hư ngọn cây, trên trái làm hư trái, nhỏ thì rụng, trái lớn thì làm cong queo hạt lép sau này gieo không mọc lên cây con. Khi thấy phải phun thuốc không cho đẻ trứng. Nếu phát hiện rầy, lấy cọ nhỏ quét sạch cả rầy và phấn trắng. Dùng thuốc Vicidi-M 50 ND, Visher 25 ND, Vidithoate 40 ND…

- Rệp, nhện đỏ: Nhện đỏ có thân màu đỏ, cũng có nhiều lông tơ, mắt thường khó thấy được, chích hút nhựa lá non, làm cho lá non trở lên đỏ nâu rồi rụng, đọt cây trơ trụi. Hàng tháng nên phun thuốc một lần để phòng ngừa. Thuốc trừ có thể là: Trebon, Bi 58, Kelthane, Viphensa 50ND, D-C Ttron Plus….

- Bệnh thối nhũn: Bệnh thối nhũn là phổ biến nhất ở cây sứ Thái, rất khó trị. Lúc đầu có thể là một chấm đen rồi lan ra rất nhanh, nếu không phát hiện kịp cây sẽ bị thối mềm nhũn. Nhất là trong mùa mưa, có thể làm cho chết cả cây chỉ sau vài ngày.

Nguyên nhân: Có thể do vi khuẩn gây ra, khi độ ẩm quá cao hoặc do các vết thương từ sâu rầy gây ra.

Phòng trị: Cắt bỏ hết chỗ nào bị thối mềm nhũn, đến hết chỗ lõi cây có đốm đen, nếu không sẽ tiếp tục lây lan thối hết cả cây, lấy vôi bôi vào vết cắt để sát trùng. Dùng thuốc Batocide 12WP, Viben-C, Newkasuran 16.6 BTN…

- Bệnh đốm vàng trên lá: Lá sứ sau khi gặp mưa hoặc gió lớn thường sinh ra nhiều đốm nhỏ trên lá màu vàng hoặc nâu như bị phỏng, rồi lan nhanh ra cả lá, sau này sẽ khô quéo lại hoặc rơi rụng. Có khi ăn vào thân cây làm cây mềm thối nhũn từ trên cành xuống qua thân, khi lan đến gốc là cây chết. Có thể do nấm gây ra và lây lan rất nhanh ra cả cây.

Phòng trị: Bệnh thường phát triển vào mùa mưa nên khi thấy lá vừa bị đốm vàng là phải cắt bỏ ngay và phun thuốc trừ nấm như Topsin, Appenearb, Dithane, zineb, oxyclorua đồng… Cây sứ bị bệnh rất khó trị nên phải thường xuyên theo dõi để phòng trừ kịp thời.

Kỹ thuật trồng hoa cát tường

Cát tường là loại hoa thích hợp với thời vụ dài ngày, giờ chiếu sáng tối ưu trong ngày từ 16-18 giờ sẽ cho hoa to và đẹp

- Tên tiếng Việt: cát tường, kiết tường, lan tường.

- Tên tiếng Anh: Lisianthus.

- Tên khoa học: Eustoma grandiflorum (Raf) Shinn, danh pháp 2 phần là Eustoma russellianum, thuộc họ Long đởm.

Hoa cát tường có nguồn gốc từ miền Tây nước Mỹ, có khả năng chịu lạnh tốt. Cát tường là cây thân thảo, có màu xanh lá cây, tùy thuộc vào giống cây, điều kiện thổ nhưỡng mà có thể là cây ngắn ngày hay cây lâu năm (1-2 năm). Lá trơn, mọng nước.

Hoa đối xứng, có hình chuông, lưỡng tính, tự thụ, có dạng hoa đơn và hoa kép với nhiều màu sắc như: kem, tím, vàng, hồng, hồng phai, tím đậm, trắng viền tím…. Hạt có kích thước rất nhỏ, với nội nhũ dầu nhiều, phôi mầm lớn, khi chín hạt có màu đen nhánh.

Cây hoa cát tường có 2 loại: giống hoa kép và giống hoa đơn với nhiều màu sắc khác nhau. Thời gian từ khi gieo hạt tới khi cho hoa kéo dài từ 7 – 8 tháng. Cây cao từ 15 – 120 cm tùy giống. Lá đơn mọc đối, không có lá kèm, có hình ô van hay hình bầu dục.
Yêu cầu sinh thái: Hoa cát tường phát triển tốt ở điều kiện sánh sáng vừa phải (70-80 Klux ánh sáng tự nhiên) do vậy về mùa hè cần phải có lưới nilon màu che bớt ánh sáng. Cát tường là loại hoa thích hợp với thời vụ dài ngày, giờ chiếu sáng tối ưu trong ngày từ 16-18 giờ sẽ cho hoa to và đẹp. Nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng và phát triển từ 18-20°C vào ban ngày, 15-18°C vào ban đêm. Nếu nhiệt độ ban đêm thấp dưới 15°C sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng, ban ngày cao hơn 28°C hoa sẽ nở sớm, do bị rút ngắn thời gian sinh trưởng bình thường nên chất lượng hoa không cao. Thời gian từ khi gieo hạt cho tới khi cây ra hoa trung bình 20-23 tuần tùy theo giống và thời vụ. Dựa trên các điều kiện này người trồng hoa cần bố trí thời gian gieo trồng cho phù hợp với tiêu thụ thì mới đem lại lợi nhuận cao.

Các giống hoa cát tường: Cát tường có nhiều giống nhưng tập trung vào 2 loại chính: hoa đơn và hoa kép.

Giống hoa kép

- Nhóm Avilia: nhóm này thích hợp ở điều kiện ánh sáng yếu và nhiệt độ mát. Do vậy nhóm giống này thường trồng vào vụ đông. Các màu thường là trắng ngà, viền xanh, hồng cánh sen, đỏ tía.

- Nhóm Balboa: nhóm này thích hợp nhiệt độ và cường độ ánh sáng cao hơn. Thích hợp trồng vụ xuân đến hè. Phát triển tốt ở điều kiện quang chu kỳ ngày dài. Các màu thường là xanh, viền xanh, xanh tía.

- Nhóm Catalina: thích hợp với điều kiện ngày dài và thời tiết ấm áp. Các màu thường là xanh tía và màu vàng.

- Nhóm Candy: thích hợp với cường độ ánh sáng trung bình và quang chu kỳ ngày ngắn. Nhóm này cho hoa nở đồng loạt và có nhiều màu để chọn lựa.

- Nhóm Echo: Nhóm này là nhóm phổ biến trong giống hoa cát tường. Không thích hợp với cường độ ánh sáng quá cao hay thấp, thích hợp cho vụ đông xuân. Các màu phổ biến trong giống này là xanh bóng, xanh tía, hồng, hồng tía, trắng tuyền.

- Nhóm Mariachi: Nhóm này thích hợp trồng trong chậu. Đặc điểm giống này là có số cánh hoa nhiều, cánh hoa mỏng hơn các giống khác nên nhìn rất đẹp. Các màu phổ biến trong giống này là trắng, hồng, hồng nhạt, xanh…

Giống hoa đơn

- Nhóm Flamenco: là nhóm thích hợp với cường độ ánh sáng cao và quang chu kỳ ngày dài. Thân hoa dài và mạnh. Các màu là xanh bóng, hồng, vàng, trắng.

- Nhóm Heidi: thích hợp với cường độ ánh sáng trung bình và quang chu kỳ ngày ngắn. Có nhiều màu để chọn lựa.

- Nhóm Laguna: là nhóm thích hợp với cường độ ánh sáng cao và quang chu kỳ ngày dài. Thân hoa dài khoảng 48 cm, một cây trung bình có ba thân và 25 nụ hoa. Có hai màu là xanh đậm và xanh tía.

- Nhóm Malibu: thích hợp với cường độ ánh sáng trung bình và trong mùa xuân và mùa thu. Có nhiều màu là hoa cà, xanh đậm, trắng, hồng, trắng viền xanh.

- Nhóm Yodel: Thân hoa dài khoảng 45 - 50cm. Có nhiều màu là xanh đậm, xanh, hoa cà, hồng phấn, hồng, trắng.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc:

- Gieo ươm cây giống: Dùng khay vỉ chuyên dụng để gieo ươm vì hạt giống hoa cát tường rất nhỏ (19.000 hạt/gam). Giá thể tốt nhất là 30% xơ dừa + 30% đất mùn + 25% đất đỏ Ferralit + 5% supe lân + 10% phân chuồng hoai mục. Gieo hạt, tưới đủ ẩm thường xuyên 70-80%, giữ ở nhiệt độ 20-220C, sau 10-12 ngày cây mọc; sau khoảng 3 tháng khi cây có 2-3 bộ lá ổn định thì đem trồng ra ruộng được.

- Trồng cây: Đất được cày bừa kỹ, phơi ải tốt, bón lót nhiều phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục có bổ sung thêm 50kg/1.000m2 phân tổng hợp NPK (16:16:8) bằng cách rải đều trên mặt luống rồi dùng cuốc xới đều sâu 20cm trước khi trồng cây. Lên luống rộng 130cm, cao 15-20cm, rãnh luống rộng 30cm. Trồng 5-6 hàng trên mặt luống cách nhau 15-18cm, cây này cách cây kia 10-12cm, mật độ khoảng 50-60 cây/m2. Trồng xong, ngày tưới 2-3 lần (5 giờ sáng, 10 giờ sáng và 2 giờ chiều) để cho cây con nhanh bén rễ. Sau 10-15 ngày, khi cây con đã bén rễ, giảm tưới xuống còn 1-2 lần/ngày tùy thời tiết trời râm hay nắng. Khi cây đã lên xanh cần dùng lưới nilon đen để che bớt 30-40% ánh sáng nhằm giúp tăng chiều dài cành hoa, tăng chất lượng hoa sau này.

Tuy nhiên vào các tháng mùa xuân, mùa đông (miền Bắc), mùa mưa (Nam bộ) cần tháo bỏ lưới che để hạn chế nấm bệnh phát sinh, phát triển và gây hại. Sau trồng khoảng 1 tháng cần dùng lưới nilon có kích thước lỗ 15 x 20cm để căng làm giàn đỡ cho cây hoa khỏi đổ ngã, giữ cho cành hoa được thẳng. Lớp đầu tiên cách mặt luống 30cm, lớp thứ 2 cách lớp đầu tiên 15-20cm. Sau trồng 10-13 tuần, cây bắt đầu ra nụ đầu tiên. Tiến hành tỉa bỏ nụ đầu để giúp các chồi bên ra hoa đồng loạt. Bón thúc cho hoa vào các giai đoạn: 20kg NPK (16:16:8) + 10kg kali trắng/1.000m2 sau khi trồng 3 tuần; 30kg NPK (20:20:15) + 10kg kali trắng/1.000m2 sau trồng 6 tuần; 30kg NPK (15:5:20)/1.000m2 sau trồng 9 tuần; Sau thu hoạch lần một 2 tuần, bón thúc 20kg NPK (16:16:8) + 10kg kali trắng/1.000m2; sau thu hoạch lần một 4 tuần, bón thúc 30kg NPK (20:20:150 +10kg kali trắng/1.000m2. Thường xuyên kiểm tra, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nhất là các loại bọ trĩ, bọ phấn, bệnh héo vàng, héo xanh, lở cổ rễ….

Thu hoạch: Cắt hoa vào buổi sáng khi hàm lượng đường trong cành còn cao sẽ bảo quản hoa tươi được lâu hơn. Cắt cành khi có 4 hoa hé nở với thị trường tại chỗ, nếu phải vận chuyển đi xa thì cắt khi hoa mới có 2 hoa hé nở và giữ hoa ở nhiệt độ 160C trong suốt quá trình vận chuyển.

Kỹ thuật trồng cây Hoa Báo Xuân

Hoa báo xuân sinh trưởng trong các điều kiện mát ẩm, không phịu nắng, đất tơi xốp, trung tính hoặc hơi chua nhiều mùn

Hoa báo xuân (Primula malacoides) còn gọi là cỏ anh đào hạt nhỏ, họ hoa Báo xuân, nguyên sản ở Tây Nam Trung Quốc. Lá hình trứng, mặt sau có phấn trắng, mép răng c ưa. Hoa dài 20-30cm, hoa tự hình tán 2-6 tầng, lưng đài hoa màu trắng, có mùi thơm. Tràng hoa có nhiều màu, đỏ sẫm, hồng, đỏ, tím trắng ..... Hạt nhỏ, màu nâu, quả nứt. Cây đ ược trồng trên bờ công viên, vườn đá non bộ.

Hoa báo xuân sinh trưởng trong các điều kiện mát ẩm, không phịu nắng, đất tơi xốp, trung tính hoặc hơi chua nhiều mùn. Nhân giống bằng cách gieo hạt. Gieo vào mùa hè có thể nở hoa, gieo vào mùa thu cây mọc chậm, mùa xuân năm sau mới ra hoa. Thông thường sau khi thu hái hạt cần gieo ngay, không để quá 6 tháng.

Do hạt bé nên gieo hạt phải chú ý, trước hết tưới thấm đất sau đó trộn hạt với eát khô rắc đều lên và che tấm nilông không cần phải phủ đất, giữ nhiệt độ 15-20 độ C, Sau 7 ngày nảy mầm, khi cây con có lá thật cấy cây vào bầu cho đến khi cây ra 5-6 lá có thể trồng vào chậu.

Khi trồng cây vào chậu cần chú ý trộn đất. Có thể dùng 3 phần đất lá mục, 1 phần phân hoại, 1 phần cát. Để bảo vệ bộ rễ sau khì hoa nở phải bảo đảm đất chậu ẩm mát, khi mọc chồi mới lại thay chậu.

Cần chú ý để nơi khô mát, tưới nước, mỗi tuần bón phân một lần. Mùa khô nóng cần phải che 30-40%, khi thu hái hạt phải chờ hạt chín rồi thu hái đồng loạt.

Cây hoa báo xuân thường gặp bệnh trắng lá do nhiệt độ thấp, độ ẩm cao bộ rễ khó hút nước. Nếu phát hiện lá bị trắng nên kịp thời chuyển cây vào nơi nhiệt độ cao, thông thoáng, đồng thời phải xới đất làm giảm lượng nước trong đất, để khôi phục sinh trưởng bình thường.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa hướng dương

Hoa hướng dương - Pelargonium hortorum Balley thuộc cây thân cỏ sống nhiều năm. Mùa hoa dài, có thể ra hoa mùa hè, tháng 10 đến tháng 4-5 năm sau cũng có thể ra hoa.

Hướng dương ưa ấm, đất tơi xốp sợ ngập úng, nhiệt độ cao cây mọc kém, cây ngủ nghỉ. Cây hướng dương có thể trồng chậu, đất chậu thường dùng là đất lá rụng trộn với đất cát, thêm một ít bột xương. Mỗi năm thay chậu 1 lần vào tháng 8-9. Trước lúc thay chậu cần tỉa thưa, chỉnh hình, cắt bớt rễ. Hàng năm vào tháng 4 đem cây ra ngoài nơi thoáng gió. Để cho cây không ngừng ra hoa tăng cường tưới phân loãng, 10 ngày tưới 1 lần. Tưới nước bình thường không nên tưới nhiều nước. Đến mùa hè nóng cây bước vào ngủ nghỉ, nên đưa cây vào nhà bệ cây. Mùa thu là mùa ra hoa cần kết hợp tưới nước bón ít phân loãng.

Sau mùa hoa cần tỉa cành, xúc tiến phân nhánh. Cây hướng dương mọc nhanh hàng năm đề phải tỉa cành, mỗi năm 3 lần: mùa xuân, mùa hè và mùa thu. Căn cứ vào sinh trưởng của cây cần để cây có 3-5 cành chính, các cành dài cũng phải được tỉa bớt. Cây hướng dương mọc được 1 năm chỉ cần cắt ngắn ít cành. Sau khi tỉa cành thường đòi hỏi một thời gian hồi phục, nên sau đó nửa tháng phải bón thúc phân, cho cây không. Ngưng ra chồi nở hoa. Để tránh cây mọc quá cao, cần phải hái ngọn, cho mọc nhánh bên và nhiều hoa.

Nhân giống cây hoa hướng dương thông thường dùng phương pháp giâm cành. Giâm cành vào mùa xuân tỷ lệ sống cao hơn mùa thu. Cánh làm cụ thể là: Cắt đầu cành có chồi đỉnh 6-8cm, cắt các đốt phía dưới, cắt bỏ lá gốc, sau khi vết cắt khô, cắm vào chậu cát hoặc sỏi, sâu 1/8 đến 1/2 cành giâm, rồi tưới nước đẫm. Sau đó 2 ngày tưới 1 lần, để ở nhiệt độ 18-20 độ C. Sau 20 ngày mọc rễ và chờ khi cây con cao 2-3cm là đưa vào chậu, chậu để nơi râm, khi cây mọc chồi mới có thể chuyển vào nơi quản lý bình thường.

Nhân giống huệ tây bằng phương pháp nuôi cấy vẩy củ

Huệ tây hiện được trồng bằng củ nên tốc độ nhân giống chậm, cần nghiên cứu những phương pháp nhân nhanh gống Huệ tây bằng con đường nuôi cấy vẩy củ.

Hoa huệ tây (Lilium longiflorum, Liliaceae) là một loại hoa có kích thước lớn, mùi thơm mát dịu, có nhiều màu sắc đẹp.

Ở Việt Nam, giống hoa Huệ tây trắng được trồng nhiều ở Đà Lạt, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.

Mấy năm gần đây, hoa Huệ tây là mặt hàng xuất khẩu cho nên việc cung cấp giống hoa chất lượng tốt cho sản xuất trở thành một vấn đề quan tâm.

Do được nhập trồng ở Đà Lạt đã nhiều năm, không được định kỳ phục tráng giống nên hiện nay giống Huệ tây Đà Lạt đang trên đà thoái hoá trầm trọng do các bệnh virus gây ra, đặc biệt là các bệnh virus khảm lá.

Huệ tây hiện được trồng bằng củ nên tốc độ nhân giống chậm, cần nghiên cứu những phương pháp nhân nhanh gống Huệ tây bằng con đường nuôi cấy vẩy củ.

I - VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NUÔI CẤY

Tách lấy vẩy  của củ hoa Huệ, rửa sạch bằng xà phòng, sau đó rửa qua cồn 70° trong 40 giây, dùng nước cất vô trùng rửa lại từ  3 đến 6 lần và cuối cùng vẩy được khử trùng bằng  HgCl2 (2%) trong 5 phút. Trước khi sử dụng, dùng nước cất vô trùng rửa sạch vẩy để tránh chết mẫu.

Các mẫu vô trùng được đặt vào môi trường nuôi, đựng trong ống nghiệm đóng chặt bằng nút bông đã được khử trùng ở 121°C (1 atm).

Môi trường nuôi cấy là môi trường MS (Murashige-Skoog, 1962) đã được cải tiến, có thành phần như bảng 1.

Điều kiện phòng nuôi cấy: ánh sáng (3000 lux), số giờ chiếu sáng: 16h/ngày, nhiệt độ 23-25°C.

Sau khoảng thời gian nuôi các mẫu vẩy trong điều kiện từ 5 đến 8 tuần, chúng tôi nhận được từ 4-6 chồi trên một vẩy, các chồi này tiếp tục phát triển thành cây non với rễ phát triển mạnh.

II- NHÂN NHANH GIỐNG CÂY CON BẰNG PHƯƠNG PHÁP TÁCH VẨY

Để tăng hệ số nhân giống cũng như  làm sạch bệnh của cây, chúng tôi tiếp tục tiến hành tách vẩy từ những cây con thu được trong ống nghiệm và cấy trong môi trường tương tự. Chúng tôi thu được nhiều cây con có đủ lá và rễ để trồng ra ngoài.

III- ĐƯA CẤY RA KHỎI ỐNG NGHIỆM VÀ CHẾ ĐỘ CHĂM SÓC CÂY CON

1- Đưa cây ra khỏi ống nghiệm

Để hạn chế đứt rễ khi ra cây, chúng tôi đã giảm nồng độ thạch của môi trường nuôi cấy những cây chuẩn bị đưa ra đất xuống 7g/l.

Cây con lấy từ ống nghiệm được rửa nhẹ nhàng bằng nước sạch cho hết lớp thạch bám quanh gốc.

2- Chế độ chăm sóc cây con

Cây được trồng vào khay đựng loại đất cát thịt hoặc đất pha cát, trộn lẫn với phân chuồng và phân hoá học.

Để diệt các côn trùng hại củ, phải bơm thuốc Basudin, Furadan vào trong đất. Trong 15 ngày đầu, cây con cần được che nắng và mỗi ngày được tưới một lần bằng dung dịch dưỡng Knôp pha loãng 50% (Knudson C).

Theo dõi và phun thuốc trừ sâu bệnh.

Trong vòng 6 tháng, cây ra hoa và cho thu hoạch hoa đồng loạt.

IV- KẾT LUẬN

Quy trình nhân nhanh giống hoa Huệ tây bằng phương pháp nuôi cấy vẩy củ cho phép tạo ra được số lượng lớn cây giống trong thời gian ngắn, phục tráng giống hoa Huệ tây Đà Lạt đang trên đà thoái hoá hiện nay.

Nhân giống bằng vẩy củ có thể chủ động trong cung cấp giống theo từng thời vụ trong năm, để bảo quản giống khi cần thiết, đồng thời có thể thu hoạch hoa đồng loạt đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Aartrijk V.J, Blom-Barnhoorn G.J, 1980; Acta Horticulturae, V. 109, 297-302.

2- Aartrijk V.J, Blom-Barnhoorn G.J,1981: Scientia Horticulturae, V.14, 261-268.

3- Bigot C, 1970: Bull. Soc. Bot. Fr. Mérn.V.117, 66-72.

4- Holdgate P.D, 1977: Plant cell, tissue and organ culture. Edited by Reuiert.J and Bajaj Y.P.S

Nhân giống cây hoa bát tiên

Để nhân giống loài hoa này, người ta có thể gieo bằng hạt, nhưng rất lâu ra bông có thể mất hàng năm nên ít người áp dụng.

Bát tiên (Euphorbia milii) là loài hoa tuy mới được du nhập vào nước ta, nhưng do có nhiều giống, mỗi giống có một mầu sắc hoa khác nhau, rất đẹp và dễ thương, mặt khác chúng rất phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu của nước ta (nhất là vào mùa khô ở các tỉnh phía Nam), nên đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của người chơi.

Để nhân giống loài hoa này, người ta có thể gieo bằng hạt, nhưng rất lâu ra bông (có thể mất hàng năm) nên ít người áp dụng. Vì thế, những cơ sở sản xuất giống hoa thường áp dụng phương pháp giâm cành. Nhân bằng phương pháp này tuy rất đơn giản, nhưng nếu không biết cách sẽ rất dễ bị thất bại. (Nhất là những người chơi hoa không chuyên, muốn tự tay mình tạo thêm giống để đỡ tốn tiền mua giống). Có trường hợp sau khi giâm một thời gian, toàn bộ cành giâm đều bị thối.

Sau đây xin mách các bạn cách làm để đạt được tỷ lệ thành công cao:

Chọn những nhánh có độ dài khoảng 20-25 cm, không quá non. Lấy dao sắc cắt rời nhánh tại vị trí sát với thân chính (chỗ nhánh bị thắt lại). Khi cắt phải dùng dao thật sắc, để chỗ cắt không bị bầm giập.

Cắt xong, các bạn đem giâm bằng một trong hai cách:

- Cách thứ nhất: Đem cắm chỗ vết cắt vào nước (cho ngập khoảng 2-3 cm) đặt vào chỗ mát, sau một thời gian nhánh sẽ mọc rễ. Khi rễ ra dài 1-2 cm thì đem trồng. Để cho nhanh ra rễ các bạn có thể pha thêm thuốc kích thích ra rễ vào nước (thuốc này có bán ở cửa hàng phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật).

- Cách thứ hai: Sau khi cắt, đưa nhánh vào chỗ mát, có mái che. Chờ khi nào vết cắt khô nhựa, lành vết sẹo thì đem giâm. Để kích thích cho nhánh mau ra rễ, cắt xong các bạn chấm thuốc kích thích ra rễ như Rootone, Rooting Powder, Dryroot-2... vào chỗ vết cắt.

Sau khi nhánh ra rễ (theo cách thứ nhất) hoặc sau khi chỗ cắt khô nhựa, lành sẹo (theo cách thứ hai) thì đem giâm nhánh vào chỗ mát. Tưới nước giữ cho đất hơi ẩm (nhớ không được tưới quá nhiều nước vì sẽ làm cho chỗ vết cắt bị thối lan dần lên phía trên. Nhiều người giâm cành bị chết cũng vì lý do này). Giâm xong che mưa nắng cho cành giâm. Khi nào thấy đất hơi khô thì phun sương để giữ ẩm. Khi cành giâm đâm chồi, nẩy tược thì tăng thêm nước tưới, tạo cho đất vừa đủ ẩm là được.

Với những cành ở sát mặt đất, cũng có thể nhân giống bằng cách lấy dao sắc cắt đứt khoảng 2/3 đường kính của nhánh (cắt sát với thân chính) khi chỗ cắt khô nhựa, lành vết sẹo thì đắp đất chùm lên chỗ cắt. Khi thấy chỗ cắt ra rễ thì tách nhánh rời khỏi cây mẹ, giâm vào chỗ mát để tạo cây mới.

Muốn có tỷ lệ thành công cao, các bạn nhớ là trước khi cắt cành để giâm khoảng 1 tháng, cần ngưng bón phân đạm, có thể bón thêm một ít phân lân và kali. Hạn chế tưới nước để cây hơi cằn lại một chút.

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Cúc sao nháy

Hoa Cúc Sao Nháy này cũng rất phổ biến, từ miền cao đến thấp đều có trồng làm cây cảnh ở vườn nhà hoặc nơi công cộng. Vì thế chắc các bạn yêu hoa cũng có lần ngắm nhìn hoa sao nháy mảnh mai với nhiều màu sắc lấp lánh giữa không gian

Hoa Sao Nhái hay còn gọi là Cánh bướm thuộc chi Chi Cúc vạn thọ tây, danh pháp khoa học là Cosmos. Tên Việt Nam là hoa cánh bướm, cúc sao nháy hay hoa chuồn chuồn. Nó là một chi của khoảng 20-26 loài thực vật sống một năm hay lâu năm trong họ Cúc (Asteraceae), có nguồn gốc tại các vùng đất nhiều bụi rậm và bãi cỏ của Mexico (tại đây có nhiều loài nhất), miền nam Hoa Kỳ (Arizona, Florida), Trung Mỹ và miền bắc Nam Mỹ kéo dài về phía nam tới Paraguay.

Riêng tại khí hậu xứ ta, loài Hoa Cúc Sao Nháy này cũng rất phổ biến, từ miền cao đến thấp đều có trồng làm cây cảnh ở vườn nhà hoặc nơi công cộng. Vì thế chắc các bạn yêu hoa cũng có lần ngắm nhìn hoa sao nháy mảnh mai với nhiều màu sắc lấp lánh giữa không gian. Nhờ vậy, các nhà thực vật đồng ý đặt tên là hoa Sao Nháy, được ghi vào bộ sổ các loài hoa đẹp đến ngày nay. Để giới thiệu thêm đặc tính của loài hoa cúc này, xin góp vài điều hiểu biết cho các bạn yêu thích hoa này:

Nhìn hình ảnh của cây hoa Sao Nháy, cây Cúc này được lấy tên cosmos mà ta gọi cho đúng nghĩa, là một loại thân thảo rất mảnh mai, mọc thành bụi, cao từ 60 đến 80cm, cho những cọng hoa dài như tăm nhang, gắn trên đầu một nụ hoa tròn, đến nỗi khi nở thành một cái hoa tròn có 8 cánh, đường kính 4-6cm vươn cao làm thành một thảm hoa nhiều màu hồng, trắng, đỏ lung linh trước gió. Nhìn xa hơn, nếu ta có dịp chụp ảnh đứng giữa vườn hoa sao nháy, thì ta như ở giữa bầu trời đầy các vì sao lấp lánh, nhấp nháy như tên gọi thông thường. Cho nên khi nào ta muốn trồng làm cảnh ở vườn nhà, tất yếu phải chọn một vùng đất rộng, thoáng không gian thì mới làm nổi bật được khung cảnh của các vì sao cosmos. Cũng vì thân thảo yếu ớt, quả mảnh mai mà cúc sao nháy ít khi nào sử dụng vào công dụng hoa cúc cắt cành như các anh em cùng giống loài, nên ta ít thấy bày bán, trưng bày hay cúng kiếng. Tuy nhiên không vì lý do này mà sao nháy bị kém phát triển, trái lại càng ngày sao nháy càng được ưa chuộng là loại hoa làm cảnh đẹp cho vườn nhà ở các nơi, nhờ vào bản tính gầy giống, trồng trọt dễ dàng.

Hột hoa cosmos có thể thu hái dễ dàng sau một lứa trồng cây hoa làm cảnh. Khác với các loài cúc anh em với cosmos thì hoa sao nháy tự thụ phấn lấy để sau khi hoa tàn rồi cho nhiều hạt, đầu có 2 móc nhỏ mỗi hạt. Sau khi toàn cây bắt đầu khô héo thì hạt cũng vừa chín tới, có màu vàng đen, vỏ cứng thì ta có thể thu hạt để trồng cho mùa tới dễ dàng. Chớ như thông thường thì cúc vàng, cúc đại đóa v.v... đều là loại hoa cúc thuộc vào hàng cao cấp dùng làm hoa cắt cành, rất khó lấy hạt để làm giống nên phần lớn là phải lấy được con của cây mẹ mà làm cành tuya gầy giống (bouture).

Về kỹ thuật trồng cosmos, từ lâu nay, ta có hai kỹ thuật áp dụng. Việc thứ nhất, ta gieo hạt cosmos tại vườn ươm hẳn hoi. Với những luống ươm rộng 1,20m, dài tối đa 10 mét, ta cũng cuốc, nỉa xới cùng với 50 ký phân chuồng thật hoai và 200g phân hoá học (3 chất NPK) trộn lẫn vào một lượt với phân chuồng để bón lót cho líp 10 m2 ươm. Sau đó, ta tưới tắm trong vòng 6 - 7 ngày cho ấm đất luống ươm, là có thể gieo hạt. Nhờ hạt như tăm nhang, dài cỡ 5 - 6 mm nên có thể bóc từng nhúm hạt mà rải thưa và đều trên mặt luống, hoặc rắc hạt theo hàng dài (chia làm 5 hàng, cách nhau 20 phân trên luống rộng 1,2 mét...). Rắc hạt xong ta nhớ xới xáo nhẹ đất, và nhớ phủ một lớp cỏ hoặc rơm trên mặt luống, đồng thời, tưới hàng ngày cho đủ ấm chờ hạt nảy mầm. Sau một tuần, cây mọc lên, ta mới bỏ rơm, cỏ đậy mặt líp ra, thì cây ươm con bắt đầu tăng trưởng. Khi cây con bắt đầu cao lối một gang tay, thân to cỡ 5 - 6 mm để đủ sức ra ngôi đem trồng ngoài vườn. Thông thường ta có 2 cách ra ngôi, như sau

1/ Nơi trồng đã dọn đất vào phân sẵn sàng để trồng, thì ta nên nhổ tung cây con ở luống ươm đem ra cấy thẳng vào vườn có sẵn líp đang chờ. Chăm sóc tưới như thường lệ, đừng để cây bị héo khô.

2/ Ta cũng có thể cấy cây con vào bầu nylon và chăm sóc thêm một thời gian cho cây cứng cáp, chờ dịp mang ra trồng thẳng vào vườn công cộng hoặc vườn nhà để mau có hoa vào các dịp cần thiết lễ lộc theo yêu cầu. Sau 30 đến 40 ngày cấy ra ngôi đó, không bỏ bê chăm sóc thì các cây trưởng thành bắt đầu ra nụ hoa tròn, để tuần sau các cánh hoa nở rộ khắp vườn lấp lánh màu sáng trắng, đỏ, hồng, làm tăng thêm vẻ đẹp thiên nhiên.
Việc thứ nhì, cách thức trồng thẳng ra vườn cũng thuận tiện, đỡ công chăm sóc và gầy giống ở vườn ươm, lại rút ngắn thời gian trổ hoa sau ngày gieo hạt. Chỉ cần chăm sóc, làm cỏ sạch, tỉa nhổ cây ở vuông trồng quá rậm, để cây phát triển đều cho nhiều hoa không kém gì hơn lối trồng phải lấy cây con.

Hướng dẫn cách trồng cây hoa sao nháy

Chỉ cần đất trồng hay giá thể thoát nước và duy trì ẩm độ tốt là có thể gieo hạt, có thể dùng đất trồng cây hay tro trấu trộn phân bò hoai mục

Cây hoa sao nháy bao gồm nhiều màu hoa, cây sao nháy hoa vàng chanh hay vàng cam thường được trồng phổ biến do đặc tính dễ trồng và ít công chăm sóc lại dễ thu hạt giống, riêng hoa sao nháy màu hồng tím hay trắng có cánh hoa to có nguồn gốc hạt giống từ Thái Lan, người ta còn gọi là cây sao nháy Mỹ. Đối với những vùng nông thôn thường hái những đọt lá non cây sao nháy vàng để ăn kèm như một loại rau rừng với mùi thơm rất khác biệt.

1. Gieo hạt và chọn đất trồng cây sao nháy

Đối với cây sao nháy hoa màu vàng thì có thể thu hái hạt khi thấy hoa đã vàng khô nhưng tỷ lệ nẩy mầm ít đảm bảo, riêng cây sao nháy Mỹ thì phải mua hạt được nhập từ nước ngoài về.

Chỉ cần đất trồng hay giá thể thoát nước và duy trì ẩm độ tốt là có thể gieo hạt, có thể dùng đất trồng cây hay tro trấu trộn phân bò hoai mục ( hoặc phân trùn quế) với tỷ lệ 3:1.Còn đất dùng trồng cây sao nháy thì dùng giá thể gồm tro trấu xơ dừa phân bò hoai theo tỷ lệ 2:0,5:0,5.

Dùng tay tạo mặt phẳng một lớp đất gieo hạt dầy 10-12 cm hay đựng trong chậu nhựa có miệng rộng từ 20-25 cm, gieo hạt theo luống hay rải đều trên lớp đất, dùng một ít phủ bên trên hạt sau khi gieo một lớp 2-3cm, dùng vòi nước nhẹ tưới đều 2-3 lần/ ngày đủ ẩm.

Tránh nước mưa làm xói đất gieo hạt, có thể lấy lưới lan che hay đưa chậu vào nơi thoáng mát.

Sau 5-7 ngày hạt giống hoa sẽ bắt đầu nứt vỏ mọc cây con. Khi thấy cây con cao từ 7-10 cm, có 3-4 cặp lá thì bắt đầu nhổ cây đem ra trồng ngoài luống đất theo khoảng cách 20×20 hay trồng sang chậu ( 1-3 cây trong một chậu chựa 20-25 cm).Cho đất vào 2/3 chậu nhựa, dùng tay nén chặt vùng đất xung quanh gốc cây con cố định rễ, tưới nước ngày 2 lần, sau vài ngày đưa cây ra nắng hoàn toàn.

2. Bón phân và tưới nước

Thời gian từ khi gieo đến khi cây sao nháy đóng nụ khoảng 45 ngày, cây sao nháy có thể sống khoảng 3 tháng nếu được bón phân tưới nước đầy đủ, lưu ý không để cây bị héo thiếu nước sẽ dễ hư cây.

Tưới cây vào sáng sớm bằng vòi có tia nước nhẹ tránh làm hư lá cây, nếu cây trồng ngoài đất thì tưới một lần vào buổi sáng đẫm nước, còn trồng trong chậu thì phải tưới ngày 2 lần do chậu mau khô hơn.

Bón phân theo định kỳ làm nhiều đợt chủ yếu dùng cho cây sao nháy trồng trong chậu:

- Sau khi cấy cây con ra chậu từ 7-10 ngày thì bón 1 muỗng cà phê phân hạt NPK 16.16.8 rải đều mặt chậu kèm xới nhẹ đất, bón lúc chiều mát sau khi tưới nước.

- Khi thấy cây có rễ mọc nổi lên trên bề mặt thì bổ sung thêm lớp đất trồng hay giá thể lớp 3-4 cm.Cây sao nháy cao khoảng 20 cm thì dùng tay ngắt bỏ đọt non ( hay còn gọi là bấm cơi ngọn) để cây cho nhiều nhánh bên sẽ ra hoa nhiều hơn. Trường hợp không bấm cơi thì cây trồng trong chậu sẽ rất cao dễ ngã đổ, cây trồng ngoài đất thì không cần bấm cơi ngọn.

- Khi cây sao nháy cao 25-30 cm và ra nhiều  nhánh bên ( khoảng được 28-30 ngày) thì cho thêm muỗng cà phê phân NPK có hàm lượng P hay K cao giúp cây có nhiều hoa và màu sắc bền rực rỡ.

3. Phòng trừ sâu bệnh

Cây hoa sao nháy ít khi bị sâu bệnh tấn công, có thể phun thuốc trừ sâu bệnh khi cây con vừa cấy ra ngoài.Trường hợp có cây bị khô héo rủ thì nhỗ bỏ để cách ly nguồn bệnh.Khi trồng cây hoa sao nháy có mưa kéo dài thì dùng vitamin B1, phân bón lá… để tăng đề kháng cho cây trồng.

Khi cây bắt đầu có nụ sắp ra hoa cũng cần thêm một đợt thuốc BVTV kết hợp phân bón lá dưỡng hoa để phòng trừ sâu làm thối hoa.

Quy trình sản xuất hoa phăng

Xin giới thiệu quy trình sản xuất hoa phăng đã được các nhà khoa học ở Viện Di truyền nông nghiệp nghiên cứu và ứng dụng.

Thời vụ trồng: Tại các vùng Đà Lạt, Tam Đảo, Sa Pa có thể trồng quanh năm. Còn tại vùng Đông Bắc bộ nên trồng vào vụ đông (tháng 9) và đông xuân (từ tháng 11 đến tháng 12).

Làm đất: Cần cày bừa kỹ trước khi trồng, chú ý vệ sinh đất cẩn thận bằng cách bón vôi cho đất (20-25kg/sào), rắc đều trên mặt ruộng. Ngoài ra cũng có thể dùng CuCl2 phun nồng độ 0,2-0,3%. Sau đó tiến hành lên luống, đánh rạch. Mặt luống rộng 0,9-1m, rãnh rộng 0,45m. Khoảng cách giữa các hàng 15-20cm, cây cách cây 10-15cm, mật độ trồng: 8.000-9.000 mầm/sào. Cuối cùng san bằng mặt luống và đập đất mặt nhỏ.

Phân bón (dùng cho 1 sào): 400kg phân chuồng hoai mục, 25-30kg đạm, 20kg lân, 10kg kali cùng các loại phân vi lượng khác có chứa Cu, Co, Mg, Mn... Lưu ý, không dùng phân chuồng tươi để bón vì sẽ tạo ra mầm bệnh cho hoa, sinh nấm thối rễ. Bón lót toàn bộ phân chuồng, 3/4 phân lân, bón thúc 1/4 lượng lân còn lại, tiếp đó bón thúc đợt 1: 3kg đạm + 1kg kali (hoà vào nước để tưới). Bón thúc đợt 2: 5kg đạm + 2kg kali, cứ như vậy 10-20 ngày bón thúc một lần. Cũng có thể sử dụng thêm một số loại phân bón qua lá để tăng năng suất hoa.

Chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh: Không để cây bị khô hạn, cứ 3-5 ngày tưới nước 1 lần. Sau trồng 7-10 ngày cây bắt đầu bén rễ thì tưới nước bằng phân pha loãng, kết hợp làm cỏ, phá váng. Sau 30-40 ngày, bắt đầu tỉa chồi nách của hoa (lưu lại ở thân chính 2-3 mầm), vặt bỏ toàn bộ cành nhánh trên thân và gốc, tiếp tục vun xới cho cây, làm giàn, giữ cho cây kín gió. Hoa Phăng thường gặp phải các bệnh thối xám, héo vàng, đốm nâu, héo vi khuẩn... do đó cần theo dõi và có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Thu hoạch: Tiến hành cắt hoa khi đã có 1-2 cánh hoa hé nở, khi cắt hoa cần để lại gốc 2-3 lá để nuôi cây, cắt xong bó lại từng bó, bọc bên ngoài bằng giấy báo, để trong bóng tối và khuất gió, sau đó cho 1/3 gốc vào bể nước để giữ hoa được tươi.

Quy trình trồng và chăm sóc hoa cẩm chướng

Người ta quen gọi cẩm chướng bởi vì hoa có nhiều màu sắc đẹp, giống như bức trướng bằng gấm nhiều màu sắc

Hoa có nguồn gốc từ Địa Trung Hải và chuyển vào Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ 20. Hoa trồng trong bồn, trong công viên, thông thường là sản xuất hoa cắt và thích hợp ở nhiều vùng sinh thái khác nhau.

Hoa cẩm chướng thơm thuộc họ Caryophyllaceae, đặc điểm thân mảnh, có các đốt ngắn mang lá kép, bé, thân gãy khúc nhiều, thân bò là chính, trên mặt lá có ít phấn trắng, hoa nhiều màu sắc, hoa đơn nhiều hơn hoa kép, lông nhỏ, ít bị sâu bệnh. Thân phân nhánh nhiều, có đốt dễ gãy giòn, lá cẩm chướng mọc đối phiến lá nhỏ dày, dài, không có răng cưa, mặt lá thường nhẵn.

Hoa mọc đơn từng chiếc một ở nách lá hoa kép có nhiều màu sắc ngay trên cùng một bông, quang mang nhiều hạt, có từ 330 – 550 hạt.

Yêu cầu ngoại cảnh


Nhiệt độ thích hợp cho hoa cẩm chướng là 18°C – 20°C, hoa ưa đất thịt nhẹ, tơi xốp, có nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, đất thoát khí, giữ ẩm tốt, đạt yêu cầu sau cơn mưa nước rút nhanh, trời nắng hạn đất không chóng khô. Độ chua đất thích hợp là 6 – 7, mùa hè thích hợp những nơi dãi nắng, mát, độ ẩm 60 – 70%, mùa hè yêu cầu mát mẻ.

Kỹ thuật trồng

Cây hoa thường được trồng bằng chồi (vô tính) ngọn, nhưng ít người làm mà thường gieo hạt. Chọn những cây khỏe, có hoa đẹp, không sâu bệnh, màu hoa tươi, sặc sỡ, hoa to và cây để lấy hạt làm giống không nên cắt hoa, chỉ để giống ở cây chính vụ. Hạt hoa khó nảy mầm, phải bảo quản tốt hạt giống.

Đất phải làm kỹ, nhỏ mịn, lên luống phẳng, thông thường luống rộng 80cm, mặt luống 60cm, đất phải xử lý Foocmalin (hay Fooc mol) 40%; pha 5 cc foocmalin 40% vào 3 – 5 lít nước phun ướt đất, đậy nilon ủ 7 – 10 ngày.

Phân bón: 10kg phân chuồng mục, 1kg Tecmo phốt phát, 1kg vôi bột, 0,5kg kali sunphát, trộn đều rải trên đất, xới nhẹ để trộn. Có thể rạch hàng nông hay gieo trên mặt luống, nếu rạch hàng cách nhau 5 –1 0cm, hạt trước khi gieo trộn với tro hay cát rắc cho đều. Hạt rắc xong phủ 1 lớp đất bột mỏng, phủ một lớp rơm rạ mỏng, sau khi gieo 4 – 6 ngày, hạt sẽ mọc, tưới nhẹ đủ ẩm 2 lần trong 1 ngày.

- Khi cây gieo cao 2- 3cm, nhổ tỉa trồng thưa trên các luống vườn ươm với khoảng cách 5 x 5cm, cây được 10 – 12 cm thì đưa trồng nơi cố định ngoài ruộng SX.

- Hoa trồng mùa hè cũng được, nhưng hoa xấu, thời vụ chủ yếu là đông xuân, muốn trồng để cho hoa ngày tết thường gieo hạt khoảng tháng 8 – 9 như các giống hoa khác.

- Cây non ở tại vườn ươm khoảng 25 – 27 ngày rồi mới trồng ra ruộng mật độ 25 x 30cm.

Nhân giống vô tính bằng ngọn

Thường nhân giống bằng hạt nhưng vì nhập hạt quá đắt nên người ta phải giâm bằng chồi và ngọn. Bằng phương pháp này chúng ta chủ động thời vụ, lượng cây giống, nhanh ra hoa, sử dụng cây mẹ lấy giống là F1. Ta tách ngọn từ nách lá cây mẹ, tiến hành giâm từ tháng 8, ta chọn cây mẹ F1 sinh trưởng khỏe, ngắt ngọn, vạt bớt lá già lá bánh tẻ, xử lý qua aNAA cắm vào cát ẩm trong nhà giâm cành. Nên xây dựng nhà giâm cành kiểu làm tạm.

Cách làm: Đóng cọc xung quanh luống, đổ đất phù sa lên, sau đó đổ 10cm cát sạch đáy sông, phải làm sao luống cao 20 – 30cm, xử lý foomalin nồng độ 2 – 3% 10 ngày trước khi giâm cành. Cắm cách 2 – 3cm cho 1 cây, hàng ngày phun ẩm. Khoảng 10 – 15 ngày sau thì ra rễ. Khi nào kiểm tra có tới 90% số cây ra rễ thì mở giàn che, giàn che có thể mở từ từ, sau khi mở giàn che phải phun thuốc trừ nấm ngay. Thời kỳ đầu tuyệt đối không tưới nước phân, mà dùng phương pháp phun N:D.K tỷ lệ 1:1:1 phun 5 ngày một lần, lần thứ 3 là 3%.

- Chọn đất trồng cẩm chướng phải cao ráo, đất tốt, nhiều mùn luống cao tránh nắng, luống rộng 1,2 – 1,5m, cao 20 – 25cm.

- Mật độ khoảng cách bằng trồng với khoảng 30 x 30cm, sau khi trồng, ở mỗi gốc cây cắm 1 que nhỏ, rồi buộc nhẹ cây vào que để bảo vệ. Sau khi trồng ta tưới nước phân chuồng loãng tỷ lệ 1/200; lượng N:p:K = 1:1:1, tưới thường xuyên 20 ngày/lần cho tới khi cây ra nụ.

- Khi cây ra nụ, bón N:p:K = 1:2:3 dạng phân là urê, tecmôphotphat, K2SO4. Nếu cần ngắt ngọn thường xuyên để nhân giống thì N:p:K = 1:3:2. Cẩm chướng trồng bằng ngọn sau 70 – 85 ngày thì bắt đầu ra hoa.

- Cẩm chướng thơm hay bị bệnh đốm và lở cổ rễ do vi khuẩn gây nên, nên phải xử lý đất bằng Falizan… và phun Bactoudes khi phát bệnh.

Kỹ thuật nhân giống hoa sen

Nhân giống hoa sen thường dùng phương pháp tách cây nhưng cũng có thể gieo hạt. Có thể trồng cây hoa sen vào đầm, ruộng, vào chậu hoặc vại.

1. Phương pháp tách cây

Trước hết phải làm công tác chuẩn bị. Nếu trồng hoa sen lớn cần chuẩn bị vại (không đục lỗ) trong vại bỏ đất trồng giàu dinh dưỡng, đổ nước vào làm thành bùn (vớt bỏ vật tạp) và thêm một ít phân gà phân lợn làm phân lót. Thời gian trồng nên vào mùa xuân hè, khi nhiệt độ lên tới 25 độ C.

Hoa sen ưa mọc nơi đủ ánh sáng, ấm áp. Chậu và vại nên đặt ở nơi hướng đông nam, tránh gió. Ngoài ra, khi đào ngó sen làm giống của cây năm trước, cần đào cây chồi đỉnh có 2 đốt hoàn chỉnh, đem chồi đỉnh đặt nghiêng vào trong bùn, sâu 15-20cm, sau khi trồng 1 tuần không nên đổ nước, để cho ngó sen cố định trong bùn, xúc tiến nảy chồi. Khi mới mọc lá nhỏ, cuống lá dài mềm, lá nổi trên mặt nước. Tùy theo lá nổi và độ dài cuống mà đổ nước. Từ khi trồng đến khi ra hoa mất khoảng 110 ngày.

2. Phương pháp gieo hạt


Nói chung, hạt sen có vỏ rất cứng. Chọn hạt sen có vỏ, dùng mũi dao bóc đỉnh hạt khoảng 2-3mm, làm cho nước có thể ngấm vào, bỏ vào nước ngâm 2-3 ngày, chờ hạt phình lên gieo vào chậu (đất chậu được xử lý giống như phương pháp tách cây). Sau đó bỏ chậu vào vại nước, giữ 3-4cm nước trên mặt chậu. Để 8-10 ngày trong điều kiện nhiệt độ 25-30°C, sẽ có chồi nhỏ, rồi lớn dần thành lá, đến năm thứ 2 cây sẽ ra hoa.

Tài liệu kỹ thuật hướng dẫn trồng hoa cẩm chướng

Cẩm chướng thuộc nhóm cây ngày dài vì thế vào những mùa dài ngày năng suất hoa Cẩm chướng rất cao. Đất trồng hoa Cẩm chướng cần phải giàu mùn, giàu chất hữu cơ và thật thông thoáng, thoát nước tốt.

Có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải, nhập vào Pháp từ thế kỷ 18. Hiện nay đã được lai tạo thành nhiều giống mới với đặc điểm hoa to, màu sắc sặc sỡ, có khả năng kháng bệnh nấm mạch.Hoa Cẩm chướng thích hợp trồng ở những vùng có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ thích hợp từ 10-25°C hoa Cẩm chướng thuộc nhóm cây ngày dài vì thế vào những mùa dài ngày năng suất hoa Cẩm chướng rất cao. Đất trồng hoa Cẩm chướng cần phải giàu mùn, giàu chất hữu cơ và thật thông thoáng, thoát nước tốt.Độ PH thích hợp là 6,5 – 7,0. Giống hoa Cẩm chướng được nhân vô tính từ cành giâm bằng chồi nách lấy từ gốc mẹ sạch bệnh trong nhà kính hoặc bằng phương pháp nuôi cấy mô thực vật.

NHỮNG VẤN ĐỀ KỸ THUẬT

1/ Điều kiện tự nhiên

1.1/ Nhiệt độ:

Nhiệt độ tác động mạnh mẽ đến hoạt động quang hợp, hô hấp, hấp thụ các chất dinh dưỡng trong đất của cây trồng… Nhiệt độ không khí cao thúc đẩy quang hợp, làm cho hoa nở nhanh hơn… nhưng quá cao ( >40°C ) thì lại ức chế sự sinh trưởng của cây. Nhiệt độ không khí thấp làm cho cây con chậm lớn, hoa khó nở, cành nhánh phát triển kém, cây khó hấp thụ dinh dưỡng khoáng.

Nhiệt độ trong đất cao giúp bộ rễ cây phát triển mạnh, tăng khả năng hút nước và các chất dinh dưỡng trong đất. chênh lệch biên độ nhiệt ngày và đêm không quá lớn giúp cho việc trồng hoa Cẩm chướng có chất lượng cao. Trong đó nhiệt độ ban đêm rất quan trọng đối với chất lượng hoa.

1.2/ Độ ẩm không khí:

Độ ẩm không khí ảnh hưởng đến hoạt động sinh lý cây trồng và sự thoát hơi nước của bộ lá. Độ ẩm không khí thấp làm cho cây mất nước nhanh, ngược lại, độ ẩm không khí quá cao là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển làm cho sản phẩm hoa không đạt yêu cầu về mặt chất lượng.

1.3/ Ánh sáng:

Là nguồn năng lượng giúp cây trồng chuyển hóa dinh dưỡng, tạo nên những bộ phận dự trữ trong cây. Đối với cây hoa, cường độ ánh sáng và thời gian chiếu sáng ( trong ngày) ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng và ra hoa, cường độ ánh sáng thấp hay quá cao đều gây tác động xấu đến quá trình quang hợp. Thời gian chiếu sáng trong ngày ảnh hưởng rất lớn đến quá trình ra hoa của cây và phụ thuộc vào đặc tính của từng nhóm cây ( cây ngày ngắn, cây ngày dài).

1.4/ Đất trồng:

Là nơi sinh sống và là nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu cho cây trồng. Đất trồng hoa cần phải giữ nước tốt và thông thoáng để đảm bảo cho sự hô hấp của bộ rễ. Độ mùn trong đất cao giúp cho cây hoa phát triển tốt.

Thông thường cây hoa phát triển tốt ở PH = 6-7. Đất quá chua (PH thấp) hoặc quá kiềm ( PH cao) đều làm rễ khó phát triển, một số dinh dưỡng trong đất chuyển qua dạng khó tiêu làm cho cây không hấp thụ được.

2/ Điều kiện kỹ thuật hạ tầng

2.1/ Nhà kính

Việc xây dựng nhà kính nên làm đơn giản và có hiệu quả, nhưng phải đạt một số yêu cầu thiết thực để có thể thời tiết đúng trong nhà kính. Khi xây nhà kính bị quá thấp thì độ ẩm ướt càng tăng cao và nhiệt độ cũng gia tăng. Do đó, nhà kính bằng nhựa phải đạt từ 3 đến 4m3 không khí/ 1m2 bề mặt sàn ( tương ứng nhà kính cao 3-4m).

Để có sự lưu thông không khí tốt trong nhà kính, không nên làm nhà kính quá lớn dưới một mái ( tối đa 100 x 50m = 5000 m2 mỗi cái) và cần thiết kế để cuốn được mái hai bên

2.2/ Hệ thống tưới

Để trồng hoa Cẩm chướng thành công cần trang bị hệ thống tưới phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Trong ba tuần lễ đầu tiên sau khi trồng cần phải có các vòi tia phun nước để tưới khi cấy còn quá nhỏ. Sau đó, dần dần sẽ đổi cách tưới nước ( mỗi luống có ba ống tưới). Nước cần phải lọc qua bộ lọc cát để ngăn chặn bã đi qua ống nước phải bảo đảm có chất lượng tốt khi cung cấp. Bảo đảm cây trồng có thể bay hơi từ 1m2 là 5 lít trong ngày.

2.3/ Vật tư hỗ trợ khác

Đất trồng hoa Cẩm chướng cần được phủ khoảng bốn đến năm lớp chất liệu hỗ trợ trong quá trình canh tác. Đất trồng Cẩm chướng cần độ thông thoáng tốt, PH từ 6,5 – 7,2. để đạt độ PH trên cần bón vôi, vùi trấu, rơm rạ, cỏ vào đất trước khi trồng

Hoa cẩm chướng trồng cắt cành có cành hoa cao nên dễ bị đổ ngã, do vậy cần làm nhiều tấm lưới đỡ cây. Tầng dưới cùng nên làm bằng dây kẽm, đan ô vuông 15cm x 15cm ( hoặc 12,5cm x 12,5cm) cách mặt luống 15cm, những tầng kế tiếp cách nhau 20cm với chất liệu nilon.

3/ Kỹ thuật canh tác


3.1/ Làm đất, bón lót

Hoa Cẩm chướng có thể trồng thành công trên bất cứ loại đất nào nếu đảm bảo được yếu tố thoát nước thông thoáng.

Nên cày đất đến độ sâu 40-60cm để làm đất tơi xốp trước khi tổ chức trồng cây. Nếu có điều kiện, nên phân tích mãu đất để xác định lượng phân bón hợp lý.

Để đảm bảo cho cây hoa Cẩm chướng có thể phát triển một cách ổn định và ít bị các loại bệnh hại tấn công , nên thực hiện việc xử lý diệt các mầm bện có trong đất trước khi trồng cây. Có thể sử dụng methyl bromide để xử lý (50-70gr/m2), sau khi xử lý nên tưới đất đẫm và liên tục từ 10-12 ngày để loại bỏ những phần hóa chất còn dư thừa.

pH đất thích hợp cho hoa Cẩm chướng sinh trưởng và phát triển là 6,5.

Sử dụng phân bón lót: ( tính cho 1000m2)

Phân chồng hoai: 15.000- 25.000kg ( tương đương 20-30m)
Phân super lân: 100-200kg
Phân K2SO4 20-50kg
Phân MgSO4 10-15kg

Đất sau đã được bón lót, cày tơi xốp thì tiến hành lên luống cao 30cm, rộng 1,2m rãnh 40cm, san bằng mặt luống. Rải 4 dây tưới nhỏ giọt ( nếu có ), rải lưới sắt tầng 1 ( ô lưới 12,5 x 12,5cm hoặc 15 x 15cm).

3.2/ Cây giống và trồng cây


Cây giống Cẩm chướng có thể được nhân bằng kỹ thuật cấy mô thực vật hay giâm chồi nách. Chồi làm giống không quá già cũng không quá non, dài 8-10cm sau khi cắt tỉa, được xử lý thuốc kích thích ra rễ ( NAA, IBA, IAA với nồng độ 1000ppm ngâm từ 3-5 giây) hoặc được chấm vào thốc kích thích dạng bột như: Rootone…

Sau khi xử lý, chồi được cắm vào giá thể với mật độ 2,5 x 2,5cm (hoặc 3x3cm). che mát và giữ ẩm ổn định bằng cách phun sương 2-3 lần/ ngày. Có thể giâm hom vào trong vĩ xốp, giữ nơi râm mát và giữ ẩm thường xuyên ở 85%, nhiệt độ vườn ươm lý tưởng nhất là 20 – 400C. giá thể giâm hom tùy theo từng khu vực có thể sử dụng đất mùn, mụn sơ dừa đã xử lý…

Cành giâm sau 25- 35 ngày có thể nhổ đem trồng. Chọn những cây có bộ rễ tốt dài từ 2-3cm để trồng là tốt nhất, không nên để cành giâm ra rễ quá dài và không nên trồng những cây có bộ rễ quá yếu sẽ làm chết cây con, khi đem trồng cây con sẽ lâu hồi phục.

Tưới nước cho ẩm đều với ẩm độ đạt khoảng 85%, trồng cây với mật độ 20-25 cây/m2. Trồng theo quy cách 4 hàng trên luống, khoảng cách hàng cách hàng là 20cm, cây cách cây là 16cm, hàng ngoài trồng dày, các hàng trong trồng dzích dzắc. Nên trồng cạn với bầu cây nổi lên mặt đất 1/3, không để vùi lấp cổ rễ vì quá sâu cây khó phát triển và dễ bị nấm lở cổ rễ làm chết cây con.

3.3/ Chăm sóc từ khi trồng đến khi thu hoạch


+ Tưới nước: Những ngày mới trồng cây cần tưới sương 3 lần/ngày để cây mau hồi phục sau đó chỉ cần tưới 2 lần/ngày, giữ vừa đủ ẩm, chỉnh sửa những cây ngã đổ.

Nên tưới nước cho cây vào buổi sáng (7-10h). Cần xem xét nhu cầu nước của cây trước khi tưới. Hoa Cẩm chướng có bộ rễ dễ bị tổn thương nguyên nhân là do tưới nhiều nước và đất không thoát nước.

Thừa nước cây dễ đổ ngã, thân bị nứt, lá già chuyển sang màu vàng, gốc rễ dễ bị nhiễm bệnh. Thiếu nước lá nhỏ, cây phát triển chậm, cằn cỗi, cây dễ héo khi trời nắng nóng, cây ốm yếu, đốt ngắn, cháy đầu lá.

+ Bẻ ngọn: Bẻ ngọn giúp cho các mầm hai bên phát triển và cho ra cành đồng đều

Cây con SKT được 4 tuần thì bẻ ngọn lần 1, giữ lại 5-6 cặp lá ( tùy theo giống). Nên tưới đẫm trước khi bẻ ngọn ( ngọn giòn dễ bẻ, không làm thân cây bầm dập), sau khi bẻ ngọn 2 ngày mới tưới nước trở lại để vết thương khô mặt, hạn chế nhiễm nấm khuẩn.

Tiếp tục bẻ ngọn lần 2 ở tuần thứ 8-9 đối với 1-2 ngọn lớn nhất, chỉ để lại 2 cặp lá. Số ngọn còn lại là 4-5 ngọn.

+ Tỉa nụ: Cẩm chướng đơn cần tỉa bỏ những nụ hoa phụ. Từ những cây hoa Cẩm chướng tiêu chuẩn, nên ngắt bỏ những nụ bên để nụ hoa chính có cơ hội phát triển.

Đối với Cẩm chướng chùm ( Cẩm chướng nhỏ) cần tỉa bỏ nụ chính ( chồi cuối cùng ở giữa), để lại những nụ phụ. Việc tỉa chồi và sửa cây vào ô lưới phải được thực hiện thường xuyên.

4/ Phân bón:

Đạm (nitơ) có tác dụng thúc đẩy sự tăng trưởng cây trồng. Dư thừa đạm sẽ gây ra sự thiếu hụt lượng lân, kali tương ứng, cây phát triển kém, cuống hoa bị mềm và lá rất dễ bị nhiễm bệnh, màu hoa nhợt nhạt. thiếu đạm cây sẽ không có độ xanh tươi và thiếu sức sống, ít lá và lá bị cuốn.

Kali làm cho cuống hoa khỏe mạnh, rắn chắc. Thiếu kali cây tăng trưởng yếu kém. Thừa kali lá có màu xanh thẫm và hạn chế sự tăng trưởng.kali cần được bổ sung cho cây trong suốt quá trình canh tác.

Canxi (vôi) là một yếu tố chất lượng quan trọng. cây trồng được cung cấp đầy đủ canxi sẽ làm cho cuống lá và hoa mạnh khỏe, tươi tốt, có sức đề kháng tốt chống lại sâu bệnh. Thiếu canxi cây trồng sẽ rất dễ bị nhiễm bệnh, nụ hoa bị chết khô; đầu rễ cây bị chết, càng gây khó khăn cho việc hấp thụ canxi

Cây Cẩm chướng cần rất nhiều Bo hơn các loại cây trồng khác. Thiếu Bo làm cho cuống hoa giòn và dễ gãy trong khi thu hoạch hoa, làm cuống lá nứt nẻ;

Ngoài việc bón lót trong khâu làm đất đã nêu trên, trong quá trình canh tác hoa Cẩm chướng cần được bổ sung phân bón năm như sau:

Kg nguyên chất/ 1000m2 / 1 vụ 18 tháng

N ( đạm) P2O5 ( lân) K2O MgO ( magiê) CaO (vôi)
140 104 215 25 85
Các loại phân bón có thể sử dụng để phối trộn và bón cho hoa Cẩm chướng như DAP , NPK 12-10-18, Nitrophoska, Super lân, Dynamiclitter, Urê, SA, KNO3, K2SO4, , Ca(NO3)2, MgSO4, MgNO3, CuSO4, Borac…

Phương pháp bón phân ( dùng cho 1000m2)

+ Thời kỳ sinh trưởng và phát triển chồi: Bao gồm giai đoạn phát triển của cây từ lúc trồng đến khi chồi bắt đầu hình thành nụ hoa đầu tiên và giai đoạn phát triển của chồi giữa các lứa.

Lượng phân bón nguyên chất sự dụng là


N 6,3kg/ lần
P2O5 2,7 kg/ lần
K2O 6,0kg/ lần

Bón 20 ngày/ lần. tổng cộng có 7 lần bón trong giai đoạn này

+ Thời kỳ chồi mang hoa: cây bắt đầu có nụ đến trước giai đoạn khai thác hoa 2 tuần.

Lượng phân bón nguyên chất sử dụng là

N 3,2kg/ lần
P2O5 2,0 kg/ lần
K2O 4,8kg/ lần

Bón 2 tuần/ lần. tổng cộng có 13 làn bón trong giai đoạn này

+ Thời kỳ khai thác hoa

Lượng phân bón nguyên chất sử dụng là

N 4,2kg/ lần
P2O5 2,6 kg/ lần
K2O 8,6kg/ lần

Bón 2 tuần/ lần. tổng cộng có 13 làn bón trong giai đoạn này

5/ Sâu bệnh hại

Cần lưu ý sâu bệnh hại thường có sự khởi đầu bằng cách rất đơn giản. mầm bệnh có thể phát triển mạnh nếu gặp điều kiện thuận lợi, nhất là độ ẩm, bất cứ khu vực nào có ẩm độ cao trong cây như trong cuống lá, cành, thân hay hoa sẽ là nơi thuận lợi cho bệnh hại phát triển. nếu cuống lá và thân cây khô thì bệnh khó có thể phát triển.

Sâu rầy và bệnh tật được phòng chống tốt nếu duy trì được tính bảo vệ thường xuyên cho cây trồng. có thể sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật khác nhau để ngăn chăn nấm bệnh, sâu hại phát triển.

5.1/ Những loại nấm bệnh thường gặp trên hoa Cẩm chướng:

Lở cổ rễ ở giai đoạn cây con do nấm Rhizoctonia solani.

Cháy lá do Septonia dianthi ( trong điều kiện trồng ngoài trời vào mùa mưa ).

Đốm vòng do Alternaria dianthi: làm cho lá bị khô héo.

Gỉ sắt do Uromyces caryphyllinus: làm cho thân lá bị nứt có bột đen.

Nấm mạch do Fusarium oxysporum.f.dianthi: làm cành úa dẫn đến cây chết.

Thối hoa do Botrytis cinerea, làm cho nụ hoa không nở.

Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas caryphyllinus: làm nứt gối thân, thối ướt rễ.

Thối nhánh và cuống lá do Fusarium avennaceum: làm héo và rụng ở nách cây, thối đọt và nhánh bị cắt của những cây già

Héo đọt, mục thân do Fusarium graminearum: làm mục thân, héo đọt với biểu hiện là các sọc đỏ tía dọc theo thân

Thối búp hoa do Fusarium Poae: làm búp hoa có màu nâu úa, thối. cánh hoa nở không đều nhau.

Thối thân do Phytophthora nicotianae: làm thân bị ướt, thối ở bên ngoài chuyển sang màu nâu, sau đó là thối rễ, các tán lá bị chết.

Thối thân và rễ do Phytophthora spp: làm tán lá bị héo và vàng, lá chết, ngoài thân có những vệt nâu và có những vệt nâu quanh các đốt.

Đốm lá Septoria: làm xuất hiện những đốm màu xám trắng trên lá non.

Đốm Baterial do Pseudomonas andropgonis: hình thành những đốm đen ướt màu xanh đậm hình thành trên lá và sau đó nhanh chóng chuyển sang màu nâu, lá bị trắng nhợt và cuối cùng là lá bị nhăn.

Đường vằn Cẩm chướng do Carnation mottle viruts: làm chất lượng của hoa và cây giảm và có thể làm cho màu cánh hoa bị bạc.

Phòng trừ nấm lở cổ rễ: sử dụng Benlate C phun ngay sau trồng 5-6 ngày.

Phòng trừ nấm Alternaria, sử dụng Mancozeb, Zineb.

Bệnh gỉ sắt sử dụng Bayfidan, Anvil, Daconil.

Bệnh héo rũ ( nấm mạch) do Fusarium, sử dụng Topsin M, Rovral.

Bệnh nứt thân do vi khuẩn  Pseudomonas caryphyllinus, sử dụng Topsin M, Streptomycin, Tetracylin.

5.2/ Những loại sâu hại thường gặp trên hoa Cẩm chướng:

Sâu xám (sâu đất), cắn phá ngang thân.

Sâu xanh đục nụ hoa…

Aphididae species rệp mè: làm cây xây xát và vẹo lá, làm mất màu và mất độ sáng của hoa.

Tetranychidae species: ve-ve hai đốm: chích hút làm những lá bị nhiễm bệnh nhợt đi, héo, trở nên vàng và cho thấy các mạng

Thripidae species: rệp thiên lôi: chích hút làm héo cây và ảnh hưởng đến chất lượng của hoa

Haterodera trifolii: bệnh giun nang: ký sinh trong rễ làm cây bị còi cọc, nhiều nhánh và rễ màu nâu với nhiều bao nang chứa đầy trứng giun gây tác hại cho bộ rễ

Meloidogyne spp: giun tròn ký sinh: làm cây bị còi cọc với những hột mụn hay những vết u lên với nhiều cỡ ở phần rễ. khi bị phá nặng thì lá bị vàng đi

5.3/ Bệnh sinh lý

Thiếu BO: lá bị ngắn và dày đặc. Búp gần nở bị chết sau đó mọc rất nhiều nhánh con ở các   nách. Hoa thường bị méo mó và ít có đài hoa. Sự thiếu BO thường xảy ra vào mùa hè và mùa thu bởi vì cây phát triển mạnh ở những mùa này.

Thiếu canxi: đầu lá bị vàng và chết ( cháy đầu lá). Các chồi mọc ra quá nhiều và thường yếu ớt, nhợt nhạt và ốm. số hoa nở và chất lượng hoa trên các cây già bị ảnh hưởng.

Cháy Hypochlori: ngọn và cây con bị cháy, đặc biệt ở những cây cắt ra được nhúng vào

Nhiễm độc Methyl Bromide: cháy ở các tán lá, thường xảy ra một đoạn của cây. Cây hoa Cẩm chướng thường nhạy với lượng bromide dư trong đất.
THU HOẠCH VÀ CHĂM SÓC SAU THU HOẠCH

1/ Cắt, bó hoa

Cành cây thường được cắt bằng dao bén. Dùng hai tay cắt nhanh. Đặt cành cây đã thu hoạch lên trên giàn lưới hoặc treo trên các dây căng bên dưới luống hoa.

Trong thời kỳ thu hoạch hoa, hai ngày cắt một lần. nếu hoa được bó quá sớm sẽ giảm độ bền của hoa khi cắm vào bình. Hoa Cẩm chướng chùm được cắt khi chúng trổ từ 3 nụ và đã có màu nhưng trước khi cánh hoa bắt đầu chớm nở. một cành hoa Cẩm chướng theo tiêu chuẩn là sau khi cắt, các hoa được nở đều.

2/ Bảo quản

Không nên để hoa đã thu hoạch vào nơi có nhiệt độ cao ( nhất là tránh ánh nắng mặt trời). không nên thu hoạch suốt ngày nóng bức. khi cắt bó đến đâu thì tập trung lại và đưa vào nơi thoáng mát. Đặt hoa ngay vào dung dịch xử lý để làm giảm rác hại của ethylene và làm cho
 hoa cắm vào bình có tuổi thọ cao.

Bảo quản trong kho lạnh ở nhiệt độ từ 4-6°C để giữ cho hoa được tốt.

3/ Phân loại, bó và đóng gói

Tiêu chuẩn chất lượng của hoa

Cành hoa không bị hư hại bởi sâu rầy, bệnh tật hay bảo quản chất cặn hóa học không lưu ở trên cành.

Các cánh hoa đều cùng phát triển như nhau được bỏ vào hộp.

Hoa phải được cắt tỉa đúng thời điểm của năm

Cành chính phải đủ mạnh để các nụ hoa nở rộ và không bị rũ.

Cách thức sắp xếp phân loại:

Cành 3 nụ: cao 50-55 cm
Cành 4 nụ: cao 60-65 cm

Không phải số nụ hoa trong một cành quyết định chất lượng của hoa.

Chất lượng giấy gói ngoài tốt sẽ bảo quản được chùm hoa tránh sự hư hại. người ta thường dùng giấy gói răng cưa để gói cành hoa. Nên nhớ phải để phòng lạnh trước khi cho vào gói. Sử dụng một hộp chất lượng tốt, khi đóng gói phải giữ các nụ hoa ở vị trí thoải mái cũng như khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Kỹ thuật trồng cây Cẩm chướng

Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cẩm chướng. Những điều cần biết để có được những cây cẩm chướng ra hoa đẹp nhất.

Cẩm chướng là loài ưa sáng, cho nên phải đủ ánh sáng mới sinh trưởng tốt. Cẩm chướng ưa sống nơi mát mẻ, không chịu nóng, nhiệt độ thích hợp từ 12-20°C. Cẩm chướng ưa đất thịt, hơi kiềm, nhiều mùn, tơi xốp và thoáng nước. Đất trồng phải giữ ẩm tránh liên canh và ngập nước. Vào mùa thu, nhiệt độ thích hợp gieo hạt là 18- 20°C. Sau khi gieo 1 tuần có thể nảy mầm, nhưng phải qua di chuyển cây và nuôi cây con sau 2-3 tháng có thể thành cây.

Đất trống phải được xử lý, khử trùng bằng xông hơi, phải đủ lượng mùn và nước phân tốt mới bảo đảm đủ dinh dưỡng cho cây sống. Phải định kỳ phun thuốc phòng trừ bệnh hại. Sau khi nhân giống cây mẹ từ 15-20 ngày, cây cao được 20 - 40cm phải hái ngon chỉ để cây cao 10cm (4 - 5chồi), làm cho cây mọc nhiều cành bên và khống chế chiều cao cây 20-30cm. Mỗi tuần lấy một chồi khoẻ để làm cành giâm, đồng thời phải cắt bỏ những chồi yếu. Gốc cành giâm phải có vỏ của thân nhưng không làm tổn thương cây mẹ, phải tránh dùng dao có nấm vi khuẩn gây vết thương.

Giữ sinh trưởng tốt cho cây mẹ, mùa sinh trưởng phải bón phân. Mỗi ha bón 15 kg NH4NO3, 45kg KNO3, 5kg B, 35kg Ca (NO3)2. Pha chế thành dung dịch theo tỷ lệ 10-8, 4-6 tuần phun 1 lần.

Mật độ trồng 25 x 25cm hoặc 30 x 30cm, mỗi mét vuông có thể trồng 10-15 cây, lúc trồng phải trồng nông. Từ lúc trồng đến lúc ra hoa ngắn nhất là 100 - 110 ngày, dài nhất là 150 ngày. Cần căn cứ vào nhu cầu của thị trường mà điều chỉnh thời gian trồng. Hái ngon có thể quyết định số lượng hoa, thời kỳ ra hoa và trạng thái sinh lý của cây. Thông thường phải cắt ngọn từ gốc lên 6 đốt. Trong sản xuất thường áp dụng 4 phương pháp hái ngọn sau:

- Hái ngọn đơn: Hái đỉnh ngọn cây có thể mọc 4-5 cành, thời gian ra hoa có thể ngăn nhất.

- Hái ngọn nửa đơn: Sau khi hái ngọn chính, cành bên mọc đủ dài, trên một cây lại hái một nửa cành. Như vậy trên một cây có 2-3 ngọn bên. Phương thức này làm giảm số lượng hoa lần đầu nhưng lượng hoa ổn định tránh được lúc nhiều hoa lúc ít hoa.

- Hái ngọn đôi: Sau khi hái ngon chính, cành bên mọc đến độ dài nhất định thì hái toàn bộ cành bên. Phương pháp này trong cùng một thời gian sẽ hình thành rất nhiều cành hoa, số lượng hoa tập trung. Nhưng dễ làm cho cành hoa lần sau yếu nên trong thực tế ít dùng.

- Hái ngọn đơn và bỏ cành dài: Lúc đầu giống như hái ngon đơn rồi tiến hành bỏ các cành dài, sau khi mọc 2 tháng phải thường xuyên loại bỏ cành dài. Như vậy sẽ giảm bớt được lượng hoa ra sớm và trong nhiều năm bảo đảm luôn có hoa, nâng cao sản lượng.

Hái ngọn lần đầu sau khi trồng khoảng 30 ngày, cây con mọc được 6 -7 đốt. Tránh hái vào sáng sớm, chiều tối hoặc lúc có mưa, phải hái từ gốc lên 5-6 đốt và giữ cây ổn định. Khi cắt lần thứ 2 phải tiến hành lúc cành bên mọc 5-6 đốt và giống như cách thứ nhất. Sau khi hái ngọn cành bên bắt đầu sinh trưởng và uốn cong ra ngoài, phải căng dàn để giữ cây. Cứ 15cm một tầng dàn, cư ly các tầng dàn là 25cm, trong quá trình sinh trưởng phải căng 2-5 tầng dàn lưới.

Cây con sau khi trồng phải tưới nước để bộ rễ và đất tiếp xúc nâng cao tỷ lệ sống nhưng đất quá ẩm dễ làm cho cây thối, nhiệt độ cao cũng vậy. Cho nên sau khi trồng không lâu phải tiến hành tưới nước bên hàng cây để bộ rễ tiếp xúc đất. Thông thường khi nhiệt độ 15°C, cây sinh trưởng nhanh không lo có bệnh thối rễ, nên tăng lượng nước tưới. Mùa hè nên tưới vào sáng sớm hoặc chiều tối, mùa đông tưới vào buổi trưa. Bón phân lót phải đủ, bón thúc phải loãng. Phương pháp bón phân khoa học là định kỳ phân tích dinh dưỡng lá để điều chỉnh tỷ lệ các chất trong phân bón thúc.

Khi thiếu nhiều nguyên tố vi lượng, mặc dù cây chưa xuất hiện trệu chứng bệnh nhưng sinh tổng hợp của cây vẫn bị ảnh hưởng. Thường cây hoa cẩm chướng thiếu B,biểu hiện hiên ở đốt nhành cuối thân hơi thô, bệnh nặng làm cho hoa biến dạng. Trong mùa hè nóng nực thường ít có hiện tượng thiếu B, dùng dung dịch có Ca, K, P, B để bón. Trong khi bón phân mùa đông phải bảo đảm cho cây sống trong điều kiện ấm áp, cần lượng phân gấp 3 lần mùa hè. Lượng phân hoá học bón thúc pha loãng trong 1 000 lít nước như sau: 245g Ca (NO3)2; 411g KNO3; 82g NH4NO3; 164g MgSO4; 82g axit phosphoric; 41g cát B, 2-3 tuần bón 1 lần. Ngoài ra trong điều kiện khắc nghiệt có thể bón thêm nước giải 0,1%, KH2PO4 0,2-0,3 % hiệu quả rất tốt.

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất năm sau, năm đầu tiên phải tiến hành tỉa thưa, thời gian tỉa thưa vào cuối tháng 6 khi cây đã cao được 25-30cm. Trước khi cắt lá 1 tuần phải ngừng tưới nước, sau khi cắt mới tưới. Cây con năm thứ 2 rất ít phải tỉa. Khi nhiệt độ thấp lượng nước tưới nhiều hoặc phân bón nhiều, tỷ lệ N,P,K không thoả đáng, nhất là P quá nhiều dễ dẫn đến nứt cuống và đài hoa. Để hạn chế cần điều chỉnh nhiệt độ ban ngày phải thoáng gió, tưới vừa nước, không khô quá hoặc ẩm quá. Trong 1-2 tuần khi có hoa cần lấy dây nilông buộc lại hoặc khi nụ hoa to bằng hạt đậu dùng Streptomycin 30ppm để xử lý. Trồng cây hoa cẩm chướng phải luân canh để tránh bênh hại. Cần luân canh với các loài cây có rễ nông.

Đất trồng cây hoa cẩm chướng cũng phải có thời gian cho đất nghỉ và cày ải. Thời gian đất nghỉ là vào tháng 7-8 mùa đông vào tháng 12-2. Muốn có hoa cung cấp liên tục cho thị trường ta phải lập kế hoạch trồng, chăm sóc hái ngọn, quản lý nhiệt độ thật hợp lý.(Nguồn: Trồng hoa ngày Tết, 2005).

- Nhiệt độ ảnh hưởng đến nhiều yếu tố về chất lượng sản xuất. Trong trường hợp nhiệt độ hài hoà thích hợp cho việc tăng trưởng hoa cẩm chướng. Nhiệt độ ban đêm rất quan trọng đối với chất lượng hoa

- Sự khác biệc giữa nhiệt độ ban ngày và ban đêm đủ để giảm nhiệt độ ban đêm vừa phải trong việc trồng hoa cẩm chướng có chất lượng cao. Nếu các dữ liệu thời tiết trong khu vực được gửi đến Hilverda B.V., chúng tôi sẽ hướng dẫn nếu thấy thời tiết thích hợp cho việc trồng hoa cẩm chướng. Việc quan trọng là có mương thoát nước mưa, bởi vì rất có nhiều mưa trong mùa hạ hay đông (tuỳ theo từng vùng).

- Việc này bao hàm ngay cả trong nhà kính với máng xối rộng và cứng, nhưng không quá lớn so với diện tích trồng của nhà kính. Vấn đề thông gió cũng phải được chú trọng, nếu nhà kính được xây không lớn và nếu những nhà kính nầy có các cửa thông gió tốt. Giảm nhiệt độ và độ ẩm trong nhà kính có thể đạt được nếu có đầy đủ thông gió.

Nhiệt độ thích hợp cho hoa cẩm chướng là 18°C – 20°C, hoa ưa đất thịt nhẹ, tơi xốp, có nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, đất thoát khí, giữ ẩm tốt, đạt yêu cầu sau cơn mưa nước rút nhanh, trời nắng hạn đất không chóng khô. Độ chua đất thích hợp là 6 – 7, mùa hè thích hợp những nơi dãi nắng, mát, độ ẩm 60 – 70%, mùa hè yêu cầu mát mẻ. Kỹ thuật trồng

Cây hoa thường được trồng bằng chồi (vô tính) ngọn, nhưng ít người làm mà thường gieo hạt. Chọn những cây khỏe, có hoa đẹp, không sâu bệnh, màu hoa tươi, sặc sỡ, hoa to và cây để lấy hạt làm giống không nên cắt hoa, chỉ để giống ở cây chính vụ. Hạt hoa khó nảy mầm, phải bảo quản tốt hạt giống. Đất phải làm kỹ, nhỏ mịn, lên luống phẳng, thông thường luống rộng 80cm, mặt luống 60cm, đất phải xử lý Foocmalin (hay Fooc mol) 40%; pha 5 cc foocmalin 40% vào 3 – 5 lít nước phun ướt đất, đậy nilon ủ 7 – 10 ngày. Phân bón: 10kg phân chuồng mục, 1kg Tecmo phốt phát, 1kg vôi bột, 0,5kg kali sunphát, trộn đều rải trên đất, xới nhẹ để trộn. Có thể rạch hàng nông hay gieo trên mặt luống, nếu rạch hàng cách nhau 5 –1 0cm, hạt trước khi gieo trộn với tro hay cát rắc cho đều. Hạt rắc xong phủ 1 lớp đất bột mỏng, phủ một lớp rơm rạ mỏng, sau khi gieo 4 – 6 ngày, hạt sẽ mọc, tưới nhẹ đủ ẩm 2 lần trong 1 ngày.

- Khi cây gieo cao 2- 3cm, nhổ tỉa trồng thưa trên các luống vườn ươm với khoảng cách 5 x 5cm, cây được 10 – 12 cm thì đưa trồng nơi cố định ngoài ruộng SX.

- Hoa trồng mùa hè cũng được, nhưng hoa xấu, thời vụ chủ yếu là đông xuân, muốn trồng để cho hoa ngày tết thường gieo hạt khoảng tháng 8 – 9 như các giống hoa khác.

- Cây non ở tại vườn ươm khoảng 25 – 27 ngày rồi mới trồng ra ruộng mật độ 25 x 30cm. Nhân giống vô tính bằng ngọn

Thường nhân giống bằng hạt nhưng vì nhập hạt quá đắt nên người ta phải giâm bằng chồi và ngọn. Bằng phương pháp này chúng ta chủ động thời vụ, lượng cây giống, nhanh ra hoa, sử dụng cây mẹ lấy giống là F1. Ta tách ngọn từ nách lá cây mẹ, tiến hành giâm từ tháng 8, ta chọn cây mẹ F1 sinh trưởng khỏe, ngắt ngọn, vạt bớt lá già lá bánh tẻ, xử lý qua aNAA cắm vào cát ẩm trong nhà giâm cành. Nên xây dựng nhà giâm cành kiểu làm tạm. Cách làm: Đóng cọc xung quanh luống, đổ đất phù sa lên, sau đó đổ 10cm cát sạch đáy sông, phải làm sao luống cao 20 – 30cm, xử lý foomalin nồng độ 2 – 3% 10 ngày trước khi giâm cành. Cắm cách 2 – 3cm cho 1 cây, hàng ngày phun ẩm. Khoảng 10 – 15 ngày sau thì ra rễ. Khi nào kiểm tra có tới 90% số cây ra rễ thì mở giàn che, giàn che có thể mở từ từ, sau khi mở giàn che phải phun thuốc trừ nấm ngay. Thời kỳ đầu tuyệt đối không tưới nước phân, mà dùng phương pháp phun N:D.K tỷ lệ 1:1:1 phun 5 ngày một lần, lần thứ 3 là 3%.

- Chọn đất trồng cẩm chướng phải cao ráo, đất tốt, nhiều mùn luống cao tránh nắng, luống rộng 1,2 – 1,5m, cao 20 – 25cm.

- Mật độ khoảng cách bằng trồng với khoảng 30 x 30cm, sau khi trồng, ở mỗi gốc cây cắm 1 que nhỏ, rồi buộc nhẹ cây vào que để bảo vệ. Sau khi trồng ta tưới nước phân chuồng loãng tỷ lệ 1/200; lượng N:P:K = 1:1:1, tưới thường xuyên 20 ngày/lần cho tới khi cây ra nụ.

- Khi cây ra nụ, bón N:P:K = 1:2:3 dạng phân là urê, tecmôphotphat, K2SO4. Nếu cần ngắt ngọn thường xuyên để nhân giống thì N:P:K = 1:3:2. Cẩm chướng trồng bằng ngọn sau 70 – 85 ngày thì bắt đầu ra hoa.

- Cẩm chướng thơm hay bị bệnh đốm và lở cổ rễ do vi khuẩn gây nên, nên phải xử lý đất bằng Falizan… và phun Bactoudes khi phát bệnh.

Kỹ thuật nhân giống hoa ngàn sao

Hoa ngàn sao là loại hoa đẹp trồng cắt cành dùng làm trang trí và làm nền cho các loài hoa khác. Cành hoa gồm nhiều bông nhỏ li ti màu trắng, nhìn xa giống những ngôi sao nhỏ nên được gọi là Hoa ngàn sao

Hoa ngàn sao có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, trồng phổ biến nhiều nhất ở Đông Châu Âu và miền Tây Trung Quốc. Hiện nay, Hoa ngàn sao được trồng phát triển mạnh ở Đà Lạt và có năng suất cao. Hoa ngàn sao có thể nhân giống bằng hạt hoặc giâm cành. Tuy nhiên, tỷ lệ nảy mầm kém, cây phát triển không đồng nhất và đặc biệt là tỷ lệ nhiễm bệnh héo rũ, chết tươi được truyền từ cây mẹ sang cây con là rất cao. Chúng tôi xin giới thiệu phương pháp nuôi cấy đỉnh sinh trưởng có thể tạo ra được một số lượng cây sạch bệnh có chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu trồng hoa hiện nay. Quy trình nhân giống như sau:

- Môi trường tạo mẫu ban đầu: là môi trường ½ MS, có chứa 30 g/l đường, 8 g/l agar và BA (0.5 - 0.7 mg/l).

- Môi trường nhân chồi: là môi trườmg MS có bổ sung 0.6 ml/l BA, 8 g/l và 40 g/l đường.

- Môi trường ra rễ: là môi trường ½ MS, 20 g/l đường và bổ sung 0.5 mg/l IBA.

Cách đưa cây ra bầu đất và chế độ chăm sóc:

Sau 2 tuần nuôi cấy, cây mô đều ra rễ, đến ngày 20, rễ cây đạt chiều dài 2-3 cm, lấy ra ngoài rửa sạch aga và trồng vào vĩ xốp (112 lỗ). Tưới nước dạng phun sương trong tuần đầu tiên và giữ ẩm bằng cách che bao Nylon.

Qua tuần thứ 2 cây bắt đầu phát đọt non, sử dụng NPK phun lên lá để cung cấp thêm nguồn dinh dưỡng cho cây chóng lớn. Cuối tuần thứ 4 cây mô có thể trồng ra ngoài đồng ruộng.

Chú ý: Có thể sử dụng cây cấy mô trồng thành luống để khai thác ngọn non giảm giá thành chi phí sản xuất giống.

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Kỹ thuật trồng hoa cúc pha lê

Cúc Pha lê là giống cúc nuôi cấy mô, lại được trồng trong thời điểm vụ Đông Xuân nên khi trồng bà con cần lưu ý đến cách chăm sóc. Đặc biệt là quy trình điều chỉnh ánh sáng phải tốt để đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Trồng cúc Pha lê hay cúc Bách Nhật tuân thủ theo đúng yêu cầu kỹ thuật sẽ giúp cây ra hoa 2 lần trong một năm.

Lượng phân bón cho 1ha hoa cúc: 15 - 20 tấn phân hữu cơ + 140kg N + 120kg P2O5+ 100kg K2O (căn cứ lượng phân khoáng nguyên chất của mỗi loại để quy ra thành số lượng phân thương phẩm khi sử dụng).

Bón lót toàn bộ phân chuồng + 2/3 số lượng phân lân + 2/3 số lượng phân kali và 1/4 số lượng phân đạm. Bón thúc số lượng phân còn lại, chia đều cho 3 lần bón sau: Lần 1 lúc cây cúc phân cành mạnh và chuẩn bị phân hoá mầm hoa; lần 2 lúc cây bắt đầu ra nụ và lần 3 lúc cây ra hoa.

Việc bón thúc nên bón vào lúc chiều mát, bón xong thì tưới nước. Tốt nhất dùng phân vô cơ trộn với phân hữu cơ pha loãng để tưới từng gốc cúc. Có thể dùng thêm phân bón lá để tăng năng suất và hoa cho phẩm chất tươi đẹp hơn.

Khi sử dụng cần chú ý đến thời điểm phát triển của cây hoa, mục đích cần đạt được để điều chỉnh liều lượng, nồng độ cho phù hợp. Riêng đối với loại thuốc GA3 thường dùng đẩy nhanh tốc độ vươn ngọn, cần chú ý không dùng muộn, liều lượng cao.

Riêng đối với giống cúc pha lê, hiện có biện pháp để giúp giống này sau khi thu hoạch lần đầu có thể nảy mầm, sinh trưởng và phát triển tốt để thu hoạch hoa đợt 2 nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích. Với việc áp dụng “công thức” mới kết hợp với một số loại thuốc để kích thích cúc pha lê tái sinh bộ rễ, tăng cường hút chất dinh dưỡng nuôi cây giúp cúc tái sinh từ gốc cũ.

Cụ thể, cúc pha lê sau khi thu hoạch sẽ để khô đất trong vòng 2 tuần cho vết cắt ở gốc liền da sau đó rải vôi, phun nước khử nấm và một số loại sâu bệnh ký sinh vẫn còn đọng lại ở trong đất và gốc cúc.

Cùng với việc rải vôi khử trùng, dùng 1 lít BIO-9 USA hoà với 100 lít nước sử dụng cho 22.500 gốc cúc nhằm tăng cường sự phát triển của bộ rễ, làm giảm tỷ lệ già cỗi của cây.

Tiếp đó, lấy 1 lít men vi sinh + 1 lít supefit + 10 gói rong biển phun cho 500m2 gốc cúc vào buổi chiều tối với mục đích làm đất tơi xốp, tăng cường tái sinh bộ rễ của cúc pha lê sau khi đã thu hoạch đợt đầu.

Với cách làm này, ngoài việc không phải bỏ tiền mua giống cúc non để trồng mới (theo giá thị trường hiện nay 1 sào cúc pha lê mất 6 triệu đồng tiền giống), sau khi cúc nảy mầm, mỗi gốc sẽ cho từ 4 đến 5 mầm.

Chỉ để lại mỗi gốc 2 mầm để cây phát triển thành hoa thương phẩm, số còn lại cắt bán cho các vườn ươm thu về trên dưới 6 triệu đồng/sào.

Một số bệnh thường gặp trên cây hoa Cúc

Do điều kiện thời tiết bất lợi, cây cúc bị suy yếu nên khả năng bị các loại bệnh tấn công là không tránh khỏi, dưới đây là các loại bệnh thường gặp và cách phòng trừ

* Bệnh đốm đen (Black spot)

Đặc điểm: Lúc đầu trên bề mặt lá xuất hiện những chấm nâu đen, sau chuyển thành màu đen, từ mép lá lan vào trong phiến lá. Vết có hình tròn, hình bán nguyệt hoặc hình bất định không đều. Cây bị bệnh làm lá rụng dần. Các chồi non cũng bị lây bệnh.

Nguyên nhân: Do nấm Curvularia, thuộc loài nấm bất toàn gây nên. Nhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển từ 22-26°C, ẩm độ >85% Nấm tồn tại trong đất và lan truyền qua các hoạt động khác của con người.

Phòng trừ: Làm vệ sinh xung quanh vườn, tránh đọng nước lại trên lá. Nên tưới nước vào buổi sáng. Năng vặt bỏ lá già, lá bị bệnh. Dùng các loại thuốc hóa học sau:

Anvil 2 SC nồng độ 0,05-0,1%

Topsin nồng độ 0,05-0,1%

Maneb BTN nồng độ 0,1-0,3%.

* Bệnh gỉ sắt


Đặc điểm: Mặt trên lá xuất hiện những chấm nhỏ, nổi màu vàng da cam hoặc màu gỉ sắt, về sau các vết này có màu vàng nâu, hơi đỏ. Bệnh hại mặt dưới lá, chồi non, cuống lá, đôi khi hại cả thân cây làm cho thân teo tóp lại. Nếu không chữa kịp thời bệnh lan rộng cả mặt lá, làm cho cây cháy lá, lá vàng, rụng sớm.

Nguyên nhân gây bệnh: Do nấm Puccinia Chrysanthemi gây ra. Bào tử nấm lan truyền trong không khí, trên tàn dư gây bệnh còn sót lại, gặp điều kiện ẩm độ cao nhiệt độ thích hợp (18-21°C), bệnh phát triển mạnh.

Phòng trừ: Thu dọn tàn dư lá bệnh đem đốt. Làm vệ sinh vườn cây, tạo độ thông thoáng, bón phân cân đối cho cây cứng, khỏe mạnh. Phun thuốc phòng trừ bằng các loại:

Bavistin nồng độ 0,12-0,2%,

Zineb BTN nồng độ 0,1-0,3%,

Topsin-M 70NP nồng độ 0,05-0,1%.

* Bệnh phấn trắng

Đặc điểm: Vết bệnh xuất hiện trên lá non, trên những phần non của cây đang tăng trưởng, dạng bột màu trắng xám như bột phấn, hình bất định. Mặt dưới lá mô chuyển sang màu vàng nhạt. Bệnh này làm cho lá khô héo rụng sớm, nụ thối, hoa nhỏ không nở được, hoặc nở lệch về một bên.

Nguyên nhân: Do nấm Didium Chrysanthemi gây ra. Nấm này chỉ phát triển thuận lợi ở nhiệt độ 15-25°C. Nếu nhiệt độ cao hơn 33°C, nấm sẽ chết sau 24 giờ.

Phòng trừ:

- Cắt hủy cành lá bị bệnh.

- Bón Kali để tăng sức chống chịu cho cây.

- Thay đổi thời điểm trồng cúc (để tránh thời điểm bệnh phát triển mạnh).

Dùng các loại thuốc:

- Kasuran 0,15%,

- Derosal 0,1-0,15%,

- Ridomil MZ 72WP nồng độ 0,3% phòng trừ rất hiệu quả.

* Bệnh đốm vòng


Đặc điểm: Vết bệnh thường xuất hiện từ mép lá, màu xám nâu, hoặc xám đen hình tròn, hoặc bất định, xung quanh vết bệnh có quầng vàng rộng. Sau đó, từ mép lá, chóp lá, vết bệnh lan vào phiến lá làm lá thối đen và rụng.

Nguyên nhân: Do nấm Alternara sp gây ra. Nấm này phát sinh mạnh ở độ ẩm >85% và nhiệt độ thích hợp từ 20-28°C.

Phòng trừ:

- Kịp thời phát hiện bệnh, vặt bỏ lá bị bệnh.

- Khơi nước, không để ruộng đọng nước, úng nước.

- Dùng các loại thuốc như: Topsin-M 70NP nồng độ 0,05-0,1%, Aliette 80NP nồng độ 0,25%.

* Bệnh lở cổ rễ


Đặc điểm: Phần cổ rễ sát mặt đất có vết bệnh màu xám nâu, lở loét, rễ bị thối mềm, thân lá tự nhiên bị héo dần và héo khô. Khi nhổ cây lên, thấy gốc dễ bị đứt, chỗ vết đứt, bị thối nham nhở.

Nguyên nhân:

Bệnh do nấm Rhizoetonia Solani gây ra

Phòng trừ: Đất trồng cúc phải tơi xốp, thoát nước. Hạn chế việc xới xáo làm đứt gốc, rễ tạo điều kiện cho nấm xâm nhập. Dùng các loại thuốc phòng trừ như:

- Fundazol 50WP nồng độ 0,2%

- Rovral 50WP nồng độ 0,15%.

* Bệnh héo xanh vi khuẩn

Đặc điểm: Đây là bệnh hại cúc rất phổ biến ở vùng nhiệt đới ẩm. Nó tồn tại lâu trong đất, lan truyền theo nước tưới xâm nhập vào cây qua các vết thương và di chuyển vào trong bó mạch. Bệnh thường xảy ra vào lúc cây đang tăng trưởng đến xuất hiện nụ, làm lá non bị héo trước vào buổi trưa, nắng. Khi điều kiện khí hậu thuận lợi, triệu chứng héo cả cây diễn ra rất nhanh sau 1-2 ngày và cây héo hoàn toàn khi lá cây vẫn còn xanh. Nếu bệnh diễn biến chậm, rễ bất định xuất hiện nhiều trên thân. Chẻ dọc thân thấy mô mạch phần thân dưới và rễ hóa nâu. Cắt ngang thân, rễ cây bị bệnh nhúng vào nước sẽ thấy dòng vi khuẩn trắng đục trào ra từ mạch dẫn có dạng dịch nhầy.

Nguyên nhân: Bệnh do loại vi khuẩn Pseudomonas Solanacearum gây ra.

Phòng trừ: Với loại bệnh này, hiện nay chưa có thuốc hóa học phòng trị đặc hiệu. Chỉ có thể dùng các biện pháp hạn chế: làm thủy lợi tốt, bón nhiều phân hữu cơ, tủ đất cho cây và tránh làm rễ bị tổn thương khi chăm sóc cây. Nhổ bỏ ngay cây bị bệnh, diệt trừ cỏ dại và phòng trừ môi giới truyền bệnh như rệp, bọ rầy. Chọn cây giống sạch bệnh, tránh sát thương cơ giới. Một loại thuốc kháng sinh có thể làm hạn chế sự phát sinh, phát triển của bệnh này là Streptomixin phun ở nồng độ 100-150ppm.

Nhân giống cúc Pha lê bằng phương pháp nuôi cấy mô

Trồng cúc Pha lê nếu không lấy giống từ vườn gốc thì rất dễ bị thái hóa, hoa không đẹp, giống cúc pha lê ở vườn gốc chỉ có được bằng cách nuôi cấy mô.

Hoa cúc Pha Lê là một loại có nguồn gốc từ đất nước mặt trời mọc, du nhập vào nước ta chủ yếu là giống CN 93 và CN98 mà có khả năng sống được cả 4 mùa. Tuy nhiên, trồng cúc Pha lê nếu không lấy giống từ vườn gốc thì rất dễ bị thái hóa, hoa không đẹp. Mà giống cúc pha lê ở vườn gốc chỉ có được bằng cách nuôi cấy mô.

Từ giống gốc nguyên chủng đem vào nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm sau 2-3 tháng cho ra vườn ươm. Sau đó khoảng 2-4 tuần có thể cắt cành hom để trồng, cho ra hoa thương phẩm. Vườn trồng cây cấy mô là vườn đầu dòng chuyên cung cấp cành giống để trồng thương phẩm. Có thể trồng trong chậu để bán nguyên chậu trong dịp tết hoặc trồng thành vườn để cắt bán cành hay trồng thành luống trong vườn nhà tạo cảnh quan…

Cách trồng cũng khá đơn giản như trồng các loại hoa cúc khác. Chọn đất phù sa nhiều mùn, bón lót phân chuồng, phân hữu cơ để hoa bền. Giai đoạn bón thúc mới dùng một ít phân NPK. Sau khi trồng cành từ 2,5 đến 3 tháng thì ra hoa. Mỗi cành ra một đoá, nếu cắt ngọn thì cành ra nhiều nhánh nhiều đoá nhưng nhỏ hơn - tuỳ theo cách chơi của mỗi người. Thông thường, hoa đúng tiêu chuẩn có đoá to từ 6-8cm, cánh mỏng, thẳng, màu vàng sặc sỡ, chiều cao cây khoảng 60-70 cm cao hay thấp, chủ yếu do con người điều tiết và tuỳ cách chơi của mỗi người.