Pages

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Quy trình trồng và chăm sóc hoa cúc thương phẩm

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bến Tre đã trồng và hoàn thiện quy trình chăm sóc hoa cúc tại địa phương.

Hiện nay, trên thị trường thành phố Bến Tre mỗi ngày tiêu thụ trung bình khoảng 1.000 cây hoa cúc vàng cắt cành. Trong các dịp lễ, hội thì lượng hoa tiêu thụ gấp 3-4 lần ngày thường, vì thế tiềm năng cho thị trường tiêu thụ hoa cúc cắt cành tại Bến Tre tương đối lớn. Trong thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bến Tre đã trồng và hoàn thiện quy trình chăm sóc hoa cúc tại địa phương.

A. Thời vụ trồng:
Các giống cúc phụ thuộc rất lớn vào chế độ quang kỳ và nhiệt độ môi trường.

Giống cúc vàng hè: Trồng quanh năm.

Giống cúc pha lê và cúc đại đóa: trồng vụ đông (vào dịp Tết âm lịch).

B. Chuẩn bị đất: Tùy từng loại đất sẽ có phương pháp cải tạo cho phù hợp cho sự phát triển tốt cây cúc. Khu vực trồng cây cúc cần được thoát nước tốt, pH đất từ 6,0-6,5.

Đất cát: mụn dừa: phân vi sinh (tỷ lệ 4:4:2), hoặc đất thịt nhẹ, tơi xốp, thoát nước tốt; đất nên được phơi từ 7-10 ngày sau mỗi vụ trồng.

Đất được xới 40-50m, tơi nhỏ, khử tuyến trùng bằng các thuốc tổng hợp như: Fastac, Sherpa, Sumi-alpha.

Lên luống cao khoảng 20-30cm, bề rộng luống 1,2 m, bề mặt luống bằng phẳng, tưới ẩm vừa phải trước khi trồng cây.

C. Kỹ thuật trồng và chăm sóc:

1. Chọn cây giống: Chọn những cây giống cao 4-5cm, rễ ra đều từ 1-2cm, cây to khỏe, lá xanh tốt, không sâu bệnh.

2. Khoảng cách trồng: Phải căn cứ vào giống, đất tốt hay xấu. Đối với cúc pha lê, đại đóa thì khoảng cách thích hợp là 15x15 cm, mật độ 50-60 cây/m2. Đối với cúc vàng hè để nhiều hoa, khoảng cách thích hợp là 18x18cm, mật độ 40-45 cây/m2.

3. Kỹ thuật trồng: Dùng cây nhỏ (hoặc dùng ngón tay) soi lỗ để trồng, cần dùng tay ấn chặt gốc cây. Sau khi trồng xong cần tưới ướt đẫm luống ngay (tưới bằng vòi phun hoặc thùng tưới).

4. Kỹ thuật tưới: Cây cúc cần tưới nước trong suốt quá trình sinh trưởng của cây, nhưng không cần tưới nhiều, trời nắng tưới 2 lần/ngày. Khi tưới nước cần lưu ý: cây mới trồng cần được tưới nhẹ nhàng, tránh để cát, đất dính trên lá, nhất là các lá gần gốc.

5. Bón phân: Thời gian tưới phân là lúc sáng sớm hoặc chiều mát, sau khi tưới phân khoảng 5-10 phút cần tưới nước xả nhằm chống cháy lá.

Trong thời gian thắp điện:

- 3 ngày sau khi trồng (SKT), bón Antonik nhằm kích thích rễ phát triển (liều lượng theo nhà sản xuất).

- 6,7 ngày SKT, tưới Antonik lần 2. Phun thuốc phòng trừ sâu ăn lá và các thuốc kích thích sự phát triển của cây.

- 10 ngày SKT, tưới phân bón lá Rong biển (liều lượng theo nhà sản xuất).

- 15 ngày SKT, tưới Ure (3kg/500m2).

- 30 ngày SKT, tưới phân Rong biển kết hợp với Ure.

- 40 ngày SKT, tưới Canxi nitrat với liều lượng 5kg/500m2.

- 45 ngày SKT, tưới NPK (20-20-15) (5kg/500m2).

- 65-70 ngày SKT, tưới phân Rong biển và NPK (20-20-15) (5kg/500m2).

Khi ngắt điện:

- 5 ngày sau, tưới NPK (5-30-30), 15g/10 lít nước.

- 10 ngày sau, tưới NPK tím (15-15-20), 2kg/500m2.

- 20 ngày sau, tưới NPK (5-30-30), 15g/10 lít nước.

- 30 ngày sau, tưới KNO3 (2kg/500m2).

- 35 ngày sau, tưới NPK (5-30-30), 15g/10 lít nước.

- 40 ngày sau, tưới NPK (5-30-30), 15g/10 lít nước.

- 45 ngày sau, tưới NPK tím (15-15-20), 2kg/500m2.

- 47 ngày sau, tưới NPK (5-30-30), 15g/10 lít nước.

- 50 ngày sau, tưới NPK tím (15-15-20), 2kg/500m2.

6. Thắp đèn (thắp điện): Đối với cúc pha lê, cúc đại đóa cần thắp đèn ngay ngày trồng đầu tiên, giống cúc vàng hè không cần thắp đèn.

- Cách thắp điện: Khoảng cách 4m2/bóng đèn 75watt, chiều cao của bóng là 1,0-1,2m so với đỉnh cây, khi cây cao hơn thì nâng giàn bóng điện lên.

- Thời gian chiếu sáng: Chiếu sáng thêm 4 giờ vào buổi tối, thường từ 6 giờ tối đến 10 giờ tối. Bóng đèn được mắc ở giữa luống để ánh sáng tỏa đều ra cả luống cúc.

- Ngắt điện: Thời gian ngắt điện tùy từng loại hoa cúc, cúc đại đóa là 2 tháng 22 ngày, cúc pha lê là 2 tháng 29 ngày.

7. Cắm cây định hình tạo dáng chậu hoa:

- Đối với cúc trồng trong chậu (chậu xi măng và chậu tre), khi cây cúc cao khoảng 35-40 cm, tiến hành cắm cây định hình chậu cúc. Các hình thường tạo dáng là hình tháp, cầu vòng,… Trong quá trình sinh trưởng cần liên tục chỉnh sửa, xoay tán để tạo hình cho cây cúc được cân đối.

- Cây dùng để cắm: Có thể dùng tre chẻ nhỏ, trúc, sậy,… nhưng yêu cầu là cây cứng, chắc chắn, và mỗi cây cúc được giữ bởi một cây cắm.

- Đối với cúc trồng ngoài luống để thu hoạch hoa cắt cành thì đa số có thân cao nên dễ bị ngã, để đảm bảo cho cây thẳng đứng, các cành phân bố đều thì trong quá trình trồng cần phải cắm cọc, căng dây giữ cây. Khi cây cao khoảng 20 cm, thì căng dây.

- Cách tiến hành: Đầu tiên, cắm cọc xung quanh luống, dùng dây ny-lon buộc vào cọc tạo hình lưới. Mắt lưới vuông, kích thước 10 x 10 cm, mỗi mắt lưới là một cây. Khi cây cao dần thì nâng dây lên dần hoặc tạo thêm một tầng ở phía bên trên.

8.  Tỉa cành và tỉa nụ:

- Tỉa cành: Cần tỉa tất cả các chồi nách của cây (cây trồng chậu và cây trồng luống), công việc này tiến hành thường xuyên hàng ngày, tỉa ngay khi chồi mới nhú (khoảng 1 cm), nên tỉa chồi nách vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Khi nụ vừa xuất hiện thì các nụ mọc xít nhau, sau đó thì cuống nụ dài ra, nụ sẽ tách xa nhau. Tỉa nụ hoa cần làm đồng loạt, kịp thời, nếu tỉa quá sớm dễ làm gãy nụ chính, nếu tỉa quá muộn sẽ bị tiêu hao dinh dưỡng nhiều nên cuống của hoa chính nhỏ, ảnh hưởng đến phẩm chất và độ thẩm mỹ của hoa sau này. Nếu trồng cúc lấy một hoa (trồng ngoài luống) thì chỉ giữ lại hoa chính trên cây, tỉa bỏ tất cả các hoa phía dưới. Nếu trồng cúc trong chậu: có thể để từ 1-3 hoa. Thời gian tỉa nụ tốt nhất khi cuống nụ dài khoảng 1 cm, nên tỉa vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát.

9. Xử lý cận thu hoạch: Trước khi thu hoạch 10-15 ngày, tưới phân Kali clorua (2kg/500m2). Trước khi cắt hoa cần tưới nước đẫm gốc.

10. Thu hái hoa: Chọn những cành có hoa nở khoảng 2/3 số cánh hoặc nở gần hoàn toàn cánh vòng ngoài, cắt thân cúc (dùng kéo cắt cành) cách mặt đất khoảng 10 cm, cắt vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

11. Xử lý hoa sau thu hoạch: Hoa sau thu hoạch cần cho vào nhà hoặc nơi mát để xử lý sơ bộ.

- Phân loại cành, tỉa bỏ lá già, cắt cành lại cho đều sau đó ngâm vào dung dịch Silver thiosulphate 0,1%, ngập sâu cành từ 8-10 cm, thời gian ngâm 10 phút.

D. Phòng trừ sâu bệnh:

- Sâu đất: Loại sâu này thường cắn ngang gốc cây, đặc biệt là cây mới trồng. Chúng thường hoạt động vào ban đêm. Phòng trừ bằng các loại thuốc tổng hợp như: Fastac, Sherpa, Sumi-alpha.

Phòng trừ sâu đất phải phun ngay sau khi trồng và chỉ phun 1- 2 lần trong tuần đầu tiên.

- Sâu cắn lá, ngọn: Loại sâu này thường cắn trên lá, ngọn, thân cây và hoa. Phun định kỳ để phòng trừ bằng các thuốc tổng hợp như: Fastac, Sherpa, Sumi-alpha.

- Rầy rệp, bọ trĩ: Chúng chích hút nhựa cây làm ngọn cây không phát triển bình thường được, làm hoa biến dạng, đổi màu. Dùng các loại thuốc chứa hoạt chất Imidacloprid (Admire, Confidor, Jono,...).

- Nhện đỏ: Nhện chích hút làm cây kém phát triển. Sử dụng các loại thuốc chứa hoạt chất Abamectin (Vectimec, Abatin,...), hoặc thuốc có gốc lưu huỳnh (Kumulus).

- Ruồi đen: Chích hút và đẻ trứng trên lá. Ấu trùng nở từ trứng đục lá tạo nên các đường rãnh ở mặt dưới của lá. Dùng các loại thuốc hoạt chất Abamectin (Vectimec, Abatin,...), Clothianidin (Datotsu,...).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét