Pages

Cây giống cây ăn quả

Cung cấp các loại giống cây ăn quả mới với chất lượng cây giống tốt nhất

Hoa lan giống

Cung cấp các loại lan giống như: Đai châu, Hồ điệp, Vũ nữ, Cattleya, Vanda và Dendro

Cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây trồng rừng

Cung cấp các loại cây cảnh, cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây trồng rừng như: Cây Sưa đỏ, Cây Xoan đào, Xoan ta, Mây nếp ...

Giống rau, giống cây nông nghiệp

Cung cấp các loại giống rau, giống mới, giống cây nông nghiệp ngắn ngày năng suất cao, : Cây chùm ngây, cây su su, gấc cao sản

Kỹ thuật trồng cây

Kỹ thuật trồng cây ăn quả, kỹ thuật trồng rau, kỹ thuật trồng hoa và cây cảnh.

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

Kỹ thuật chống nứt vỏ quả vải thiều

Kỹ thuật chống nứt vỏ quả vải thiều


Thời tiết mưa, nắng xen kẽ như hiện nay, vải thiều rất dễ bị nứt vỏ, thối quả, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Nắng mưa xen kẽ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh sương mai, thán thư phát sinh, gây hại mạnh làm cho quả vải thối, mã xấu.


Kỹ thuật chống nứt vỏ quả vải thiềuĐể khắc phục tình trạng này, bà Đỗ Thị Luyến, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang) khuyến cáo các chủ vườn cần thu hoạch ngay những loạt quả chín.

Đối với những vườn vải quả còn xanh (từ 10-15 ngày nữa mới được thu hoạch), chủ vườn cần thường xuyên theo dõi, khi phát hiện bệnh sử dụng ngay một trong số các loại thuốc hóa học sau: Carbendazim, Difenocanazole, Tebuconazo, Carmanthai 80wp hỗn hợp… phun theo hướng dẫn trên bao bì. Chú ý, những vườn vải đã chín nếu bị bệnh không được phun thuốc.

Những vườn vải trồng ở vùng trũng cần tạo rãnh, khơi thông mương máng để thoát nước vào ngày mưa. Đối với vườn vải khô hạn, chủ vườn chú ý thường xuyên duy trì độ ẩm để khi gặp mưa vải sẽ không bị nứt đồng loạt. Cắt tỉa bớt quả hoặc dùng giá chống để những chùm vải không bị trĩu sát mặt đất.

Giai đoạn này, tuyệt đối không được bón phân cho cây vải tránh nứt và thối quả do thừa chất dinh dưỡng. Không thu hoạch quả lúc trời quá nắng vì vải sẽ bị khô, héo, màu thâm và giảm chất lượng cũng như giá trị kinh tế.
Theo Báo Bắc Giang

Kỹ thuật trồng và chăm sóc xoài cát Hòa Lộc

Kỹ thuật trồng và chăm sóc xoài cát Hòa Lộc


Xoài cát Hòa Lộc là loại quả đặc sản ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Loại quả này không chỉ có vị thơm ngon đặc biệt mà còn mang lại giá trị kinh tế cao. Cùng tìm hiểu kỹ thuật trồng xoài cát Hòa Lộc - bí quyết làm giàu cho ngành trồng trọt


Để xoài cát Hòa Lộc được mùa bội thu, bạn cần lưu ý đến các kỹ thuật trồng cây và chăm sóc cây như sau:

1. Thời vụ trồng xoài cát Hòa Lộc

Xoài cát ưa khí hậu mát mẻ, ẩm ướt. Vì vậy thời điểm tốt nhất để trồng loại quả này là vào đầu mùa mưa từ tháng 5 -7 dương lịch. Tuy nhiên ở những nơi có đủ nước tưới và có khả năng che mát thì có thể trồng vào bất cứ thời gian nào trong năm đều được.

2. Cách làm đất trồng cây xoài

Lên liếp cao từ 50 – 80cm, rộng 70cm để đảm bảo gốc cây không bị úng nước khi trời mưa. Đối với những nơi đất thấp thường xuyên bị ngập úng thì bà con nên trồng cây trên mô; đường kính mô rộng từ 60-80cm, cao 30-60cm.

Trước khi trồng nên dùng phân chuồng trộn với tro trấu và đất vườn trồng với nhau theo tỉ lệ 2 đất + 1 phân chuồng + 1 tro trấu, trộn thêm với 0,2 – 0,3 phân NPK 16:16:8 để làm mô trồng cây.

3. Khoảng cách trồng cây xoài cát Hòa Lộc


Khoảng cách trồng lí tưởng là 8m x 8m hoặc 10m x 10m. Tuy nhiên nếu bà con trồng thâm canh thì có thể trồng với khoảng cách 6m x 6m nhưng bà con cần cắt tỉa cành, tạo tán từ sớm để cây nhận được đầy đủ ánh sáng.

4. Bón phân

Tùy theo điều kiện đất đai và cây phát triển mà bón phân cho thích hợp; bạn có thể tham khảo liều lượng bón phân như sau:

– 2 năm đầu: Bón 150 – 300 g phân 16 – 16 – 8 và 100 – 200g Ure/cây/năm hoặc pha 1 muỗng canh phân 16 – 16 – 8 với ½ muỗng ure/thùng 10 lít, tưới vào gốc (5 – 6 gốc/thùng) định kỳ 30 ngày/lần.

– Cây 6 – 8 năm tuổi : Bón theo công thức 1,09 – 0,9 – 0,96 kg NPK/cây/năm. Chia làm 3 đợt bón như sau:

+ Sau khi thu hoạch: bón 550 – 300 – 240g NPK/cây/năm

+ Trước khi xử lý ra hoa 30 ngày, bón theo công thức 180 – 300 – 240 g NPK/cây/năm

+ Sau khi đậu trái 2 tuần bón 360 – 300 – 480 g NPK/cây/năm

5. Tưới nước

Sau khoảng thời gian khô hạn của mùa khô cần tưới đủ nước để cây ra hoa và kết trái.

6. Tỉa cành, tạo tán

Tỉa cành, tạo tán cho cây phát triển.

Bấm ngọn cây sau 1 năm tuổi (khoảng 3 – 4 lần ra đọt) ở vị trí cách mặt đất khoảng 0,6 – 1 m để có nhiều chồi bên. Sau khi cắt ngọn, chỉ giữ lại từ 3 – 4 chồi theo hướng đều nhau, chúng không cùng 1 điểm xuất phát là tốt nhất. Khi cành ngang có khoảng 2 – 3 lần đọt, tiếp tục bấm ngọn cành này. Chú ý giữ lại từ 3 – 4 chồi mọc theo các hướng tạo cân đối cho tán cây.

Cắt tỉa phải được thực hiện thường xuyên hàng năm, sau mỗi kỳ thu hoạch để loại bỏ những cành sâu bệnh và chuẩn bị cho sang năm ra hoa và kết trái.

7. Bảo vệ hoa và trái

Cần thường xuyên chăm sóc cây để nhanh chóng phát hiện ra những dấu hiệu bất thường xuất hiện trên cây để xử lí kịp thời. Bà con cũng cần phải thường xuyên phun thuốc bảo vệ thực vật để cây được mạnh khỏe.

Những kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Xoài Cát Hòa Lộc được chia sẻ trên đây hi vọng sẽ giúp ích được cho bạn trước khi trồng xoài cát hòa lộc để tăng thêm thu nhập
Tổng hợp

Kỹ thuật trồng Nho từ hạt

Kỹ thuật trồng Nho từ hạt

Cách trồng cây Nho về cơ bản là không khó, xong để nho cho ra quả đúng thời điểm, cho năng suất cao thì lại là vấn đề khác. Cùng tìm hiểu ngay cách trồng cây nho sau đây

I. LỰA GIỐNG:

1. Giống nho:


Lựa chọn giống nho bạn thích, ươm hạt giống, chọn cây khỏe, không sâu bệnh.

2. Thời vụ trồng :

Bạn nên trồng nho vào các tháng 11, 12 và tháng 1 năm sau.

Tốt nhất là sau khi mùa mưa vừa kết thúc.

3. Chuẩn bị đất:

Loại đất thích hợp để trồng nho là thịt pha cát, pH = 5,5-7,5; đất cao, có khả  năng thoát nước tốt.

4. Mật độ, khoảng cách trồng:

Hàng cách hàng: 2,5 m, cây cách cây (1,5-2,0 m)

5. Tưới và tiêu nước:

Sau khi trồng cần tưới nước ngay.

Trời nắng 4-5 ngày tưới một lần (Chú ý bạn không được để đất khô)

Trời mưa cần tìm mọi cách thoát nước nhanh để tránh ngập úng.

6. Cắm choái làm giàn:

Khi cây nho cao khoảng 25 –30 cm, bạn cần tiến hành cắm choái, và cột cây nho vào choái.

Nên làm thêm giàn lưới, nên bố trí mặt giàn để tạo được khoảng trống. Về cơ bản là bạn phải làm sao cho giàn nho càng thông thoáng càng tốt.

7. Bón phân cho nho thời kỳ cây con

Thời kỳ cây con sẽ kéo dài khoảng 7-8 tháng. Giai đoạn này nên  bón phân khoảng 2 tháng một lần.

Cách bón: Nên bón xung quanh gốc sau đó kết hợp xới xáo xung quanh vùng rễ, lần đầu cách gốc 20 cm, các lần kế tiếp xới xa dần gốc, bón xong cần tưới nước ngay.

8. Tạo cành cấp 1, cấp 2:


Khi cây nho đã có cành vượt khỏi giàn 30-40 cm bạn đã có thể tiến hành bấm ngọn để tạo cành cấp 1.

Tốt nhất là nên chọn giữ lại 2-3 cành cấp 1 khoẻ.

Tạo cành cấp 2 khi cành cấp 1 đã dài khoảng 120cm, bấm ngọn cành cấp 1 và chừa lại 40 cm.

9. Tỉa trái:


Cần tỉa trái sớm để tập trung dinh dưỡng nuôi trái, giúp cho trái to và tạo điều kiện cho chùm nho được thông thoáng, hạn chế sâu bệnh.

Nên tỉa trái sớm khi trái kích cở bằng hạt bắp (đường kính khoảng 7 mm) và tỉa lập lại sau đó 15 ngày. Nên tỉa trái đều 4 phía chùm quả.

10. Tưới nước:

Khi trời nắng: từ 5-7 ngày tưới một lần. Nếu có điều kiện nên tưới nước kết hợp với tủ gốc bằng rơm rạ để tăng cường sự giữ ẩm cho cây.

Khi trời mưa: tìm cách thoát nước càng nhanh càng tốt.

II. Sâu hệnh hại chính trên cây nho và biện pháp phòng trừ trong sản xuất nho an toàn:

1. Yêu cầu:

Bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, dùng thuốc BVTV có nguồn gốc tự nhiên.

2. Biện pháp tổng hợp để phòng trừ sâu bệnh hại nho:

a. Biện pháp canh tác:

Bón phân cân đối .

Làm giàn nho bạn nên cách ly nhau tạo sự thông thoáng.

Cần vệ sinh đồng ruộng thu dọn cáctàn dư thực vật, tỉa bỏ bớt trái lá bệnh, chồi nách, chồi yếu đem ra khỏi vườn tiêu hủy. Tuyệt đối bà con không được đổ xuống mương nước.

Khi đang có các dịch bệnh xảy ra nên cần tìm cách hạn chế sự lây lan từ ruộng này sang ruộng khác.

Trên một vùng bà con nên tổ chức cùng cắt nho một lúc sẽ rất thuận lợi cho công tác chăm sóc cũng như hạn chế sâu bệnh lây lan .

Duy trì mật độ cành hợp lý: 6-8 cành/m2 .

Thường xuyên loại bỏ những cành, chồi nách yếu.

Không nên trồng xen các cây như xoài, ớt, hành, tỏi dưới giàn nho hoặc gần giàn nho .

b. Sử dụng thuốc sinh học:

Ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học. Hiện nay đã có khá nhiều loại thuốc sinh học có hiệu quả như: Aztron, Dipel, NPV, Seba …

III. Thu hoạch:

Thu hoạch: vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

Đúng thời gian sinh trưởng của giống cây là từ 100-115 ngày, tuỳ theo mùa.

Đúng màu sắc của giống: màu đỏ tươi, đỏ sậm. Màu đỏ đều chùm quả.

Ăn có vị ngọt, mùi thơm.
Nguồn: sưu tầm

Mô hình trồng chuối trái vụ và kỹ thuật điều khiển chuối ra quả trái vụ

Mô hình trồng chuối trái vụ và kỹ thuật điều khiển chuối ra quả trái vụ

Cây chuối có tên khoa học là Musa sapientum L., thuộc họ Musaceae. Chuối là loại cây ăn quả nhiệt đới, ngắn ngày, dễ trồng và cho sản lượng khá cao, trung bình có thể đạt năng suất 20-30 tấn/ha. Hiện nay, trên thế giới, nước đạt năng suất chuối cao nhất là Goatemala 100 tấn/ha. Chuối có giá trị kinh tế khá lớn và là mặt hàng xuất khẩu của nhiều nước.

Ở nước ta, khí hậu bốn mùa đều phù hợp cho chuối phát triển, từ Bắc đến Nam, đồng bằng cũng như miền núi, ở đâu và mùa nào cũng có chuối. Chuối đối với người Việt Nam là rau, là quả, là lương thực, thực phẩm. Sản lượng chuối ở ta hàng năm cũng khá, ngoài việc tiêu thụ nội địa, chúng ta còn xuất khẩu một lượng khá lớn. Tuy vậy, so với nhiều nước xuất khẩu chuối thì năng suất trồng chuối nước ta còn thấp. Vì vậy, việc giúp bà con nông dân nắm được những kinh nghiệm trong kỹ thuật trồng chuối, nhằm nâng cao năng suất là hết sức cần thiết.

Trồng chuối trái vụ

Điều kiện sinh thái của cây chuối:

– Nhu cầu về nhiệt độ: Chuối sinh trưởng và phát triển thuận lợi trong phạm vi 25-35°C. Khi nhiệt độ giảm đến 10°C thì quả chuối nhỏ, phẩm chất kém, sinh trưởng chậm. Chuối sợ rét và sương muối, khi gặp sương muối kéo dài lá chuối sẽ xám lại và héo khô. Như vậy, ở nước ta, nhất là các tỉnh miền Nam, Nam Trung bộ, bình quân nhiệt độ hàng năm lớn hơn 24°C, nên có lượng nhiệt rất tốt cho chuối phát triển.

– Nhu cầu về nước: Hàm lượng nước trong các bộ phận cây chuối rất cao, trong thân già 92,4%, trong rễ 96%, trong lá 82,6% và trong quả 96%. Độ bốc hơi của lá rất lớn, dưới ánh nắng mặt trời, sức tiêu hao nước của chuối từ 40-50mg/dm2/phút. Với giống chuối tiêulùn, cần từ 15-20 lít nước/ngày tuỳ theo trời râm hay trời nắng. Chú ý vào mùa đông ở nước ta thường khô hanh, ít mưa nên cần có biện pháp tưới ẩm để cung cấp đủ nước cho chuối.

– Nhu cầu về ánh sáng: Chuối có khả năng thích ứng trong phạm vi cường độ ánh sáng tương đối rộng. Cho nên lượng ánh sáng ở điều kiện nước ta cũng cho phép cây chuối sinh trưởng và phát triển tốt.

Nên trồng chuối từ loại chồi nào

Hình thức nhân giống chuối chủ yếu là nhân giống vô tính. Người ta thường dùng loại chồi con để trồng. Chồi con được hình thành từ những mầm ngủ mọc trên thân ngầm của chuối, thường có 2 loại chồi con: chồi con đuôi chiên và chồi con lá rộng. Theo nhiều kinh nghiệm, loại chồi con đuôi chiên được sử dụng trồng tốt nhất. Nó được sinh ra khoảng tháng 4 đến tháng 6. Trong điều kiện đầy đủ ánh sáng, nhiệt độ thích hợp, loại chồi non này sinh ra rất nhanh, tốc độ sinh trưởng rất mạnh. Chồi này rất sung sức, khi trồng mau bén rễ, tốc độ hồi sinh nhanh, sinh trưởng mạnh và mau ra buồng, sản lượng cao.

Ngoài chồi con, ở một số nơi đã chọn củ chuối (thân ngầm) để nhân giống, ở nước ta chưa áp dụng nhiều nhưng ở Trung Quốc, các nước châu Phi, châu Mỹ đã áp dụng nhiều phương pháp trồng bằng củ chuối. Theo họ, phương pháp này có lợi ở những mặt: dễ vận chuyển, con giống mọc ra từ củ tương đối đồng đều nên khi trồng dễ chăm sóc và thu hoạch, hệ số nhân giống cũng tương đối cao vì khi ta bổ một củ ra đem trồng có thể đạt được từ 4 đến 6 cây con.

Yêu cầu về loại đất trồng chuối: Chuối là loại cây dễ trồng, yêu cầu về đất không quá nghiêm khắc. Tốt nhất đối với chuối là đất thịt nhẹ, đất pha cát, đất phù sa (tốt hơn cả), đất thoáng có cấu tượng tốt và độ xốp cao. Về hóa tính đất, chuối rất cần các chất khoáng trong đất như N, P, K, Ca, Mg, trong đó hai yếu tố chính là N và K. Kết quả phân tích hàm lượng các chất khoáng trong giống chuối tiêu lùn cho thấy:

Chất khoáng Hàm lượng (kg/tấn quả tươi)

N 1,0 – 2,0
P 0,18 – 0,22
K 4,3 – 4,9
Ca 0,09 – 0,21
Mg 0,11 – 0,32

Chuối mọc bình thường trong đất có pH từ 4,5-8, tốt nhất trong khoảng 6-7,5. Trường hợp đất quá chua hoặc quá kiềm có thể gây ra hiện tượng thiếu vi lượng trong đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của chuối.

Mật độ trồng chuối thích hợp: Mật độ trồng dày hay thưa phụ thuộc vào giống chuối. Đối với giống càng thấp cây, tán lá hẹp như chuối tiêu lùn, chuối ngự có thể trồng dày, còn các loại như chuối tiêu vừa, chuối tiêu cao, chuối lá, chuối gòn,…lại trồng thưa hơn. Ở các vườn chuối nước ta, mật độ trồng phổ biến khoảng trên dưới 1.000 cây/ha (với chuối tiêu vừa và lùn), khoảng cách trồng: 3m x 3m (1100 cây/ha) hoặc 3m x 2,5m (1.300 cây/ha). Tuy nhiên, so với các nước khác, mật độ trồng nước ta quá thưa nên năng suất thấp hơn nhiều. Theo nhiều kinh nghiệm cho biết, ở nước ta đối với giống chuối tiêu lùn, có thể trồng 20.00-2.500 cây/ha. Tuy nhiên, khi trồng mật độ dày cần phải chú ý: Chọn cây con thật đồng đều nhằm tránh hiện tượng lấn át, tranh giành dinh dưỡng và ánh sáng giữa các cây; chú ý bón phân đúng mức và phòng tránh kịp thời bệnh đốm lá cho cây; trồng dày hợp lý có tác dụng tốt cho vườn chuối, vườn sớm được che bóng, ít cỏ dại, tạo điều kiện nóng ẩm phù hợp với cây chuối và tốt hơn cả là tăng năng suất chuối.

Mùa vụ trồng chuối phù hợp:
Đối với khí hậu nước ta, chuối có thể trồng quanh năm đều sống được, vì vậy về mặt thời vụ không yêu cầu nghiêm ngặt lắm. Tuy nhiên, nếu để đạt đến năng suất cao và phẩm chất chuối tốt, bà con cũng cần chú ý đến thời vụ. “Giêng trúc lục tiêu” tức là kinh nghiệm về mùa vụ trồng tre và chuối hợp lý, tức tháng giêng (ÂL) trồng tre, tháng sáu (ÂL) trồng chuối. Đối với các giống chuối gòn, chuối lá mật, chuối ngự,… có thể trồng được vụ xuân (tháng 2-3 ÂL), nhưng với chuối tiêu thì phải trồng vụ thu (tháng 6-7 ÂL) và cây sẽ ra hoa vào tháng 6-8 năm sau, đến tháng 9-11 thu hoạch, lúc này năng suất, phẩm chất chuối tiêu rất tốt. Vì vậy mà trong dân gian cũng đã có kinh nghiệm ăn chuối: vào mùa nóng thì nên ăn chuối gòn, chuối lá, còn vào mùa rét thì ăn chuối tiêu ngon hơn.

Bón phân, tưới nước cho chuối

Đạm (N), Lân (P), Kali (K) đều rất cần thiết bón cho chuối. N ảnh hưởng đến năng suất chuối, K liên quan đến sự phát triển chiều cao và P có tác dụng tạo phẩm chất quả tốt, chống sâu bệnh. Lượng bón phân tuỳ thuộc vào sản lượng thu hoạch. Đối với nước ta, qua các thí nghiệm cho thấy liều lượng N, P, K thích hợp bón cho 1 cây chuối tiêu trong 1 năm ở đất phù sa ven sông là: 100-200g N nguyên chất, 20-40g P nguyên chất, 250-300g K. Hàm lượng chất hữu cơ trong đất trồng chuối nhất thiết phải đạt 3-4% là tốt, nếu thấp hơn phải bón phân hữu cơ. Đối với chuối thường bón 30-50kg phân chuồng cho một gốc một năm. Có thể phủ cỏ, vỏ cà phê, mùn cưa, lá thông,…một lớp dày 30-40cm quanh gốc chuối để dần thành mùn và giữ ẩm cho đất cũng rất tốt. Hoặc có thể trồng cây phân xanh để tạo chất hữu cơ cho đất. Nên nhớ vào các tháng 7-8-10 sau khi trồng là giai đoạn bón thúc quan trọng, giúp nâng cao năng suất và phẩm chất chuối.

Chuối có nhu cầu nước cao, chịu hạn kém, cho nên cần lưu ý tưới nước đủ cho chuối. Một nghiên cứu đã cho biết một cây chuối có diện tích bộ lá 13,5m2 cần 50-70kg nước để thoát nước trong một phút.

Những kinh nghiệm khác: Ngoài những kinh nghiệm về kỹ thuật, bà con nông dân cần chú ý thêm: chọn cây con đem trồng nên chọn cây cao từ 0,6-1m và đã có trên dưới 10 lá, trước khi trồng phải gọt sạch rễ và cắt bớt lá. Khi chuối ra hoa cần phải cắt hoa đực và hoa trung tính (tức cắt bắp chuối), có tác dụng làm quả to hơn. Vườn chuối phải trồng luân canh thì năng suất mới cao. Mùa mưa không nên đi lại, cày xới trong vườn chuối. Và quan trọng phải theo dõi sâu hại chuối và có cách phòng trừ hiệu quả.

Kỹ thuật trồng cây bòn bon năng suất cao

Kỹ thuật trồng cây bòn bon năng suất cao

Bòn bon là một loại cây ăn quả thuộc họ dâu đất, kết chùm ở thân và ở cành, trồng lâu năm đem lại giá trị kinh tế khá bền vững

Bòn bon có nguồn gốc ở Đông Nam Á, phân bổ nhiều ở Thái Lan, Indonesia, Philippies, Malaysia và Việt Nam.

Cây Bòn bon cao khoảng 15 – 20m, lá kép long chim, cụm hoa đơn độc hoặc từng chùm ở trên thân hay trên cành to, hoa lưỡng tính, Quả nhỏ hình cầu màu vàng rạ, võ quả có lông nhung có 4-5 múi, nhưng thường chì có 1-2 hạt. Phấn thoái hóa không thụ phấn được cho nhụy. Hạt vì vậy gọi là vô giao (apomitic) giống hệt cây mẹ.

Cây Bòn bon cần được chăm sóc đúng kỹ thuật mới đạt năng suất, tránh sâu bệnh


Cây Bòn bon được coi là một trong những loại cây ăn quả phát dục chậm nhất trồng từ hạt 10-15 năm mới ra hoa kết quả.Tuy không yêu cầu cao lắm về đất, nhưng tốt nhất là đất sâu, thoát nước, nhiều mùn có thể là đất pha cát, li mông (bùn), li mông pha cát mịn, hoặc cát pha li mông. Quan trọng nhất là phải thoát nước và nước ngầm không được quá gần mặt đất.

Là cây của rừng nhiệt đới ẩm, không chịu lạnh. Vùng trồng Bòn bon phải có nhiệt độ trung bình 270c và chênh lệch ít giữa các tháng, lượng mưa phải trên 100mm. Tuy nhiên do được thuần hóa ở các vùng khác nhau nên yêu cầu sinh thái cũng không đòi hỏi quá khắc nghiệt, Bòn bon không chịu được nước úng, bòn bon ưu những nơi mát mẻ, như ở ven rừng, không có ánh nắng chói chang, không gió đặt biệt là khi ra hoa kết quả.

Cách trồng cây Bòn bon đúng kỹ thuật

Bòn bon có thể trồng bằng hạt từ 10 -15 năm thì ra hoa kết quả. Để rút ngắn thời gian, có thể nhân giống bằng phương pháp vô tính: ghép mắt hoặc ghép cành lên gốc ghép ươm từ hạt. Nhân giống bằng phương pháp chiết cành thời gian ra rễ lâu (2 tháng) phải để cành chiết trên cây 5-6 tháng mới cắt.

Khi trồng cây, cần chuẩn bị hố đào 60 x 60 x 60 cm dưới bỏ 5 kg phân hữu cơ hoai, phân gà, vịt là tốt nhất, chăm tưới đặt biệt khi trời hạn.Khoảng cách cây và hàng trồng Bòn bon thích hợp nhất là 6 m x 6 m. Ở vùng đất phì nhiêu có thể trồng  khoảng cách 7 m x 7 m hoặc 8 m x 8 m. Nếu trồng xen với cây ăn quả khác như sầu riêng, chôm chôm thì nên để khoảng cách 10m  theo khoảng cách trồng sầu riêng, chôm chôm.

Bòn bon là loại cây ăn quả cần có bóng râm mát. Do đó người trồng cần có kế hoạch chuẩn bị bóng râm mát trước khi trồng chúng. Cây cho bóng mát phù hợp nhất là cây chuối. trồng chuối thời gian đầu cần theo dõi đừng để chuối đẻ cây con nhiều, rậm rạp, để mỗi góc từ 2-3 cây là vừa (có thể dùng thân chuối hoặc lá chuối phủ gốc giữ ẩm vào mùa nắng).

Nếu muốn trồng cây bóng mát lâu dài 4 năm trở lên thì có thể trồng cây Me dại. Cây Me dại thân mọc thẳng cao, lá nhỏ nên bóng mát không dày đặc mà lấp ló mặt trời, ngoài ra trồng xen trong vườn dừa cũng tốt. Có thể trồng xen với sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, cà phê,....Trồng Bòn bon không cây bóng mát, cũng được nhưng cần quan tâm che đậy (thời gian che ít nhất 18 tháng ), chăm sóc kỹ, tưới nước giữ độ ẩm cho cây.

Cách chăm sóc cây Bòn bon

Trồng 2 -3 năm đầu cần thiết phải có bóng râm cho cây con.

Làm cỏ quanh gốc cách 1m 2 lần 1 năm khi cây còn nhỏ, ủ gốc bằng rơm, cỏ khô, không nên dùng thuốc trừ cỏ phun dưới tán cây.Trong năm đầu, hớt ngọn cây vài ba lần cho cành khung khỏe lên. Sau đó chỉ cắt cành chiếc và cành bị sâu bệnh.5 năm đầu khi cây chưa ra quả, bón mỗi cây 400-1500 gr phân NPK 3 lần trong năm, mỗi năm tăng thêm 200 gr, Khi cây bắt đầu cho ra quả thì tăng phân từ 1500 gr lên 4000 gr (khoảng năm thứ 10) và tiếp tục tăng thêm 500 gr sau đó ổn định ở mức 4kg/năm bón làm 2 lần – một lần trước khi ra hoa lần sau khi kết quả.

Về phòng ngừa sâu bệnh:Cây Bòn bon rất dễ bị sâu đục quả, nhện đỏ, rệp sáp.Khi cây còn nhỏ thì dùng thuốc, cây lớn khó phun thì dùng các phương pháp phòng là chính, vệ sinh cây, vệ sinh vườn, cải tạo môi trường, v.v.v. Ngoài ra có một số loại bệnh nguy hiểm hại cây như bệnh hại rể cây, bệnh thán thư trên quả…

Thời gian thu họach và bảo quản: Bòn bon thu hoạch quả vào tháng 7-8 sau khi ra hoa khoảng 3 tháng.Không thu hoạch Bòn bon sau khi mưa. Thu từng chùm không bứt từng quả. Quả Bòn bon rất dễ bị xây xát làm quả thâm đen.

Quy trình để có trái chôm chôm chất lượng cao

Quy trình để có trái chôm chôm chất lượng cao

Chôm chôm (Nephelium lappaceum L.) là loài cây vùng nhiệt đới Đông Nam Á, thuộc họ Sapindaceae (họ bồ hòn). Tên gọi chôm chôm (hay lôm chôm) tượng hình cho trạng thái lông của quả loài cây này.

1. Giới thiệu: Cây chôm chôm là giống cây trồng khởi nguyên ở Đông Nam Á. Ngày nay được trồng trong vùng có vĩ độ từ 15° nam tới 15° bắc gồm châu Phi, châu Đại Dương, Trung Mỹ và đặc biệt càng ngày càng gia tăng ở Úc châu và quần đảo Hawai. Cây chôm chôm thích ứng cho những vùng đất không ngập nước. Do đó, ở Việt Nam, chôm chôm được trồng chủ yếu ở các tỉnh thuộc lưu vực sông Đồng Nai và nam Trung Bộ.

2. Những đặc tính chủ yếu:

Cây chôm chôm có thể cao 8 tới 10 m, lá đơn, phiến lá hình trái xoan, đầu và đuôi lá nhọn, mọc cách, màu xanh tới xanh đậm, ngọn búp có lớp bao màu hơi đỏ. Hoa tự chùm ở đầu cành, đài từ 3 đến 5 mm, tỏa mùi thơm dịu. Trái chín 15-18 tuần sau khi kết quả. Mỗi chùm đậu quả độ trên dưới 20 trái. Mỗi năm chôm chôm có 2 mùa trái. Mỗi cây trưởng thành có thể cho thu hoạch từ 5.000 đến 6.000 trái mỗi mùa (độ 60-70 kg).

Chôm chôm là cây ra hoa nhiều, song tỉ lệ hoa thụ rất thấp, tỉ lệ quả chị từ 1 đến 3%. Sự thúi (hư) quả xảy ra nặng trong 3 tuần đầu khi thụ tinh và nhẹ hơn trước khi quả chín. Có lẽ nguyên nhân chính là thiếu dinh dưỡng (thiếu phân).

Bầu noãn của hoa chôm chôm có hai tâm bì (lá noãn), nhưng thông thường chỉ có một tâm bì phát triển thành quả (hiếm khi cả hai phát triển thành quả). Thời gian phát triển mất từ 13 tới 16 tuần lễ. Tỉ lệ phần thịt quả tăng nhanh từ tuần lễ thứ 9 cho tới tuần lễ thứ 13 và chậm hẳn từ tuần lễ thứ 13 tới tuần lễ thứ 16 (lúc thu hoạch).

3. Đặc tính sinh thái cơ bản:

Chôm chôm là loài cây có thể trồng từ xích đạo cho đến vĩ tuyến 18° nhưng thường để kinh doanh có hiệu quả thì nên trồng đến vĩ tuyến 14°, độ cao thích hợp từ 0 – 700 m, lượng mưa trung bình hàng năm từ 2000 – 5000 mm, nhiệt độ bình quân từ 22°C – 30°C, nghĩa là nên trồng ở các tỉnh miền Nam, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.

Chôm chôm có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất phù sa thoát nước tốt, đất thịt pha cát, đất đỏ bazan.

Cây chôm chôm được phân bố ở nhiều nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Philippinnes, Việt Nam.

4. Giá trị dinh dưỡng và ý nghĩa kinh tế:

Thành phần hóa học cây chôm chôm:

Chôm chôm là loài cây có quả hoặc để ăn tươi, hoặc đóng hộp dưới nhiều hình thức, để dự trữ hoặc xuất khẩu. Hạt chôm chôm có thành phần dầu cao nên cũng được dùng để sản xuất dầu ăn hay xà phòng. Cây và rễ chôm chôm cũng có thể dùng cho việc sản xuất dược phẩm và màu. Ở Việt Nam, người làm vườn chôm chôm có mức thu nhập tương đối cao so với các ngành Trồng Trọt khác.

Hạt chôm chôm chứa 35-40% chất dầu béo đặc, có cấu trúc của hạt ca cao, có mùi dễ chịu, gồm phần lớn là arachidin, cùng với olein và stearin. Vỏ quả chứa tanin và một saponin độc. Vỏ cây và quả xanh có chứa tanin.

5. Yêu cầu điều kiện ngoại cảnh:

Ánh sáng có ảnh hưởng tới sự chuyển biến màu của vỏ quả, tức là sự chuyển biến của sắc tố anthocyanins. Quả ở ngoài sáng đỏ tươi, đẹp hơn quả trong bóng rợp.

Lượng mưa và độ ẩm rất quan trọng nhất là trong thời gian quả phát triển cần nhiều nước. Những quả nhỏ khi chín thường là kết quả của sự thiếu nước trong những tuần lễ đầu của quá trình phát triển quả. Như vậy nếu làm quả ra sớm, nghĩa là phần đầu của quá trình phát triển nằm trong mùa nắng thì vườn cần được tưới nước. Ngược lại mưa thất thường vào đầu mùa mưa làm cho quả dễ bị nứt vì lúc này ruột quả phát triển quá mạnh so với phần vỏ. Theo ghi nhận của nhiều nhà làm vườn tại Thái Lan có những năm tỉ lệ nứt quả trên giống chôm chôm nổi tiếng vỏ mỏng (rongrien) lên đến trên 50%. Mỗi quả chôm chôm có độ 400 cái râu (lông), trên mỗi râu có nhiều khẩu bào làm thoát hơi nước mạnh, vì thế hễ ẩm độ không khí thấp sẽ làm các râu queo lại, chuyển qua màu nâu đen, kém chất lượng.

6. Nhân giống:

Chôm chôm có thể nhân giống bằng hạt hoặc chiết nhánh. Hoa chôm chôm hoặc có giống đực, hoặc có 2 giống, không có khả năng tự thụ phấn để tạo quả, cần có côn trùng (ong bướm) để phân nhụy.

7. Cách trồng:

Khoảng cách trồng là 10 m x 10 m hoặc 12 x 12 m.

Chuẩn bị hố trồng:

Hố trồng có kích cỡ vuông 80 cm xx 80 cm, sâu 75 cm. Khi đào hố nên để riêng đất trên mặt (lớp đất phía trên đến 30 cm) ra một bên và đất ở lớp phía dưới ra một bên.

Lượng phân cho mỗi hố: 10 kg phân hữu cơ hợc phân chuồng hoai, 0,2 – 0,3 kg Super lân trộn đều với đất mặt lấp đầy hố. nếu không đủ đất thì lấy thêm đất mặt ở xung quanh và rải thuốc chống mối.

Sau đó tưới đẫm nước (hoặc có ít nhất 2 đến 3 cơn mưa) cho hỗn hợp dất + Phân phân hủy nhanh.

Ở những nơi thoát nước tốt như đất đỏ bazan, đất thịt pha cát chỉ cần lấp đầy hố để sau khi tưới nước đất lún xuống mặt hố sẽ hơi thấp hơn mặt đất bình thường khoảng 10 – 15cm. Đối với vùng đất thoát nước kém thì phải lấp đất cao hơn mặt hố từ 10-15 cm, sau khi tưới nước, đất lún xuống bằng mặt đất tự nhiên là vừa.

Hố trồng phải chuẩn bị xong trước khi trồng từ 10 đến 15 ngày.

Riêng đối với đất phù sa đồng bằng sông Cửu Long tuỳ theo độ cao của thủy cấp mà đắp ụ hoặc lên liếp tối thiểu cao hơn mặt nước từ 80 – 100 cm và hố trồng căn cứ vào mặt liếp mà vận dụng.

8. Chăm sóc:

Hai biện pháp quan trọng là bón phân và tưới nước:

- Bón phân: cần bón đầy đủ và cân đối, lượng phân và tỉ lệ các loại phân thay đổi theo tính chất của đất, độ lớn của cây và sản lượng cây. Khảo cứu của các tác giả Thái Lan cho biết trong thời kỳ cây tăng trưởng (kiến thiết cơ bản) cần bón N-P-K theo công thức 16-16-16. Trong thời kỳ thu hoạch theo tỉ lệ N-P-K là 12-12-17 và trong khi nuôi quả là 13-13-21. Cần bón từ 2 đến 3 lần mỗi năm, lượng phân tăng mỗi năm 0,5 kg. So với cách bón phân tại nước ta thì bà con ta chú trọng nhiều vào phân đạm hơn các loại phân khác.

Sự tưới nước thất thường sẽ dẫn đến các hiện tượng sau:

+ Quả không đồng đều, lúc thiếu nước quả nhỏ hơn bình thường.
+ Quả có thể bị nứt, nhất là giai đoạn đầu của quá trình phát triển quả đã phát triển xong phần vỏ ở thời kỳ thiếu nước tiếp theo là giai đoạn phát triển ruột quả ở thời kỳ thiếu nước khiến phàn ruột phình ra, vỏ bị tức nên nứt toạc ra, hiện tượng này cũng gặp nhiều loại trái như chuối, cam, mít..... Hiện nay ở một số nước, biện pháp tưới nước nhỏ giọt được coi là lý tưởng vì giữ độ ẩm điều hoà hơn, đỡ tốn nước (trường hợp Long Khánh), kiểm soát phân tốt hơn ....

Xử lý ra hoa: Chôm chôm cũng phải tỉa cành như nhãn: sau mỗi mùa thu hoạch tỉa bỏ các cành đã mang trái bằng cách bấm sâu vào các cành này vì chúng đã kiệt nhựa để cành mới sinh ra. Tất cả các cành bệnh, cành vượt, cành khuất trong tán nên tỉa bỏ. Sau đó bón phân căn bản để cây mau tích lũy lại các chất dự trữ trong thân càng sớm, như vậy khi xử lý ra hoa mới có hiệu quả. Một số biện pháp xử lý ra hoa thông thường đã được một số nơi áp dụng như sau: xiết nước vào đầu mùa khô từ 3-6 tuần tùy độ lớn, sức sinh trưởng của cây và đặc điểm của đất, sau đó bón phân nhử (bón ít) và tưới nhử (tưới ít) vài ngày trước khi bón đậm, tưới đậm và đều trở lại, cây sẽ ra hoa sớm hơn bình thường. Một số nhà vườn còn làm thêm việc khoanh vỏ. Sự khoanh vỏ nên làm thận trọng vì khi mạch bị chận lại, hệ thống rễ sẽ thiếu dinh dưỡng, nếu lạm dụng thái quá cây có thể chết.

9. Phòng trừ sâu bệnh:

Phun hóa chất

- Thuốc trừ sâu bệnh: quả chôm chôm hay bị sâu đục quả, ruồi đục quả, và giống như nhiều vùng trồng chôm chôm khác trên thế giới là bị bệnh phấn trắng nghiêm trọng, tại Long Khánh bà con gọi là bệnh "râu kẽm". Chùm quả bị nhiễm bệnh sẽ bị rụng hoặc còi cọc như vậy cần sử dụng thuốc trừ nấm để phun lên quả ngay ở giai đoạn còn non.

- Chống hiện tượng quả bi: Các chất điều hòa tăng trưởng được dùng khá phổ biến ở Thái Lan trên cây chôm chôm (ở nước ta vùng trồng sơ ri ở Gò Công Đông đã dùng nhiều). Có hai loại bông được sinh ra trên các cây khác nhau: Bông đực và bông lưỡng tính.Vì bông đực không thể cho quả nên các người trồng tỉa có khuynh hướng loại bỏ cây đực qua công việc chọn giống, ghép cây... Điều này dẫn đến không đủ nguồn hạt phấn để thụ cho các hoa lưỡng tính. Trong một số trường hợp hiện tượng quả điếc, hay còn gọi là "quả bi" xuất hiện những quả này có rất ít thịt. Để khắc phục hiện tượng này tại một số vùng trồng tại Thái Lan người ta phun chất NAA (naphthalene acetic acid). Nồng độ biến động từ 40-160 mg/lít (40-160 ppm) phun ở giai đoạn nụ trước khi bông nở. Khi quả đã thụ rồi để tăng kích thước quả cho chôm chôm rongrien, người ta lại phun NAA ở nồng độ 125 ppm (125 mg/l), nếu dùng đặc hơn quả sẽ bị nhỏ lại.

10. Thu họach và bảo quản:

* Thu hoạch:

- Thu hoạch lúa 90% trái trên cây đã chuyển sang màu vàng, vàng đỏ hoặc màu đỏ tùy theo giống chôm chôm.
- Tùy theo thời giá có thể thu hoạch sớm hoặc trễ hơn 10 ngày.
- Thu hoạch lúc trời mát.
- Dùng kéo cắt từng chùm. Các chùm trên cao có thể dùng thang hoặc dùng móc kéo. Thu hoạch lúc trời mát.
- Không để quả dính đất, dính bụi.
- Không để ánh nắng chiếu vào quả.
- Chọn nơi thoáng mát, trải đệm cói hoặc lá chuối khô, chất một lớp mỏng chôm chôm lên phía trên.

* Cắt tỉa:

- Dùng kéo mũi nhọn tỉa bỏ những trái sâu, trái teo, thối, khô trên chùm chôm chôm.
- Dùng kéo sắc cắt bỏ các lá chôm chôm tránh làm mát nước
- Cắt bỏ phần cuống quá dài. Cuống chỉ chừa 20 – 30 cm.

* Làm sạch:

- Hạn chế tối đa việc cọ rửa vì có thể làm dập chôm chôm
- Chỉ rửa những trái bị kiến, rệp, dính đất. Dùng vòi nước có áp lực mạnh xịt vào trái. Sau đó rửa lại bằng nước mưa.

* Đóng gói:

- Xếp trái vào cần xé hoặc rổ nhựa được lót lá chuối tươi hoặc lá sen tươi để giữ ẩm và tránh làm dập chôm chôm. (20 kg/cần xé hoặc 10 kg/rổ nhựa).
- Phủ kín cần xé bằng lá chuối tươi hay bao ẩm.
- Đặt chôm chôm nhẹ nhàng vào cần xé hoặc rổ nhựa. Một lớp cuống trái quay vào giữa, lớp sau cuống trái quay ra ngoài.

* Vận chuyển:

- Tránh lắc xốc khi vận chuyển
- Bảo đảm chôm chôm được thông thoáng khi vận chuyển
- Phun nước thường xuyên khi chôm chôm bị khô

* Bảo quản: Chôm chôm được bảo quản tốt nhất trong các chum, vại bằng sành. Chum có thể giữ ẩm và mát khi ta đặt chúng vào trong chậu có đựng ít nước. Nước sẽ thấm qua thành chum và bay hơi làm mát trong chum. Do đáy chum bị ướt nên cần lót một lớp bẹ chuối hoặc vỉ tre hoặc các vật liệu khác để trái không bị ướt.