Cây mận, tùy theo phương ngữ vùng miền, miền Bắc
và miền Nam Việt Nam, dùng để chỉ 2 loại cây khác nhau, ở miền Bắc thì
Mận chỉ loài cây thuộc chi Mận mơ, còn miền Nam thì từ Mận chỉ loài cây
thuộc họ Đào Kim Nương, mà miền Bắc gọi là cây Roi.
Từ Mận trong tiếng Việt dùng để gọi 2 nhóm loại cây/trái khác nhau, tùy theo các phương ngữ :
Theo phương ngữ miền Bắc Việt Nam, mận là loại cây thuộc chi Mận mơ có
quả thịt, da tía, lục nhạt, tím, vàng, đỏ hoặc xanh có vị ngọt hơi chua:
- Mận ta (Prunus salicina)
Một số loại mận khác:
- Mận châu Âu (Prunus domestica)
- Mận anh đào (Prunus cerasifera)
- Mận gai (Prunus spinosa)
Theo phương ngữ miền Nam Việt Nam, mận là một số loại cây thuộc họ Đào kim nương mà phương ngữ Bắc gọi là Roi, bao gồm:
- Roi hoa trắng (Syzygium samarangense), hay mận.
- Roi hoa đỏ (Syzygium malaccense), hay mận đỏ, mận hồng đào.
Bài viết này, chúng tôi giới thiệu từng loại mận theo cách gọi của từng vùng miền :
1. Mận ta (Prunus salicina)
Mận (Prunus salicina, đồng nghĩa Prunus triflora hay Prunus thibetica),
hay mận Bắc, mận Trung Quốc, mận Nhật Bản, là một loài cây rụng lá nhỏ
bản địa tại Trung Quốc thuộc Chi Mận mơ. Nó cũng được trồng trong các
vườn cây ăn quả ở miền bắc Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc.
Mận cùng thuộc chi Prunus, phân chi Prunus với một số loài khác như mơ
ta (cũng được trồng tại miền bắc Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Triều
Tiên), mận gai, mận anh đào, mận châu Âu...
Cây mận
Mận
có thể cao đến 10 mét (33 ft), và có chồi màu nâu đỏ. Các lá dài từ
6–12 cm và rộng 2,5–5 cm, cạnh lá có rặng cưa. Những bông hoa xuất hiện
vào đầu xuân, có đường kính 2 cm với năm cánh hoa màu trắng.
Quả mận là loại quả hạch có đường kính 4–7 cm và có thịt màu hồng-vàng;
quả có thể được thu hoạch vào mùa hè. Khi chín, có thể ăn sống quả.
Sử dụng
Tại Trung Quốc, quả mận được ướp với đường, muối, và cam thảo. Tại Nhật
Bản, quả được sử dụng khi còn ương để làm hương liệu cho một loại rượu
mùi gọi là sumomo shu (すもも酒), và tại Trung Quốc cũng có loại rượu làm từ
quả mận.
Quả mận cũng được sử dụng trong Đông y.
Trồng trọt
Có nhiều giống mận khác nhau được trồng tại Trung Quốc, một số là giống
lai. Mận cũng được trồng phổ biến tại Nhật Bản và Triều Tiên. Ở Việt
Nam, các tỉnh miền núi phía bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La có nhiều
chủng ngon, như mận hậu, mận Tam Hoa, mận Lạng Sơn, mận Vân Nam. Ở Miền
Nam Việt Nam, vùng trồng mận nổi tiếng là trại Hầm với các chủng mận Đà
Lạt, mận đỏ, mận đỏ bạch lạp, mận vàng, mận Vân Nam.
Các giống mận được cải giống rất lớn tại Nhật Bản và từ đó được đưa đến
Hoa Kỳ trong nửa sau của thế kỷ 19, tại đây nó đã được gây giống và
trồng phổ biến hơn, quả cũng lớn hơn. Nhiều giống mận Mỹ đã được xuất
khẩu đi nhiều nước, bao gồm cả chính Nhật Bản, nơi xuất xứ của nó.
Hầu hết mận tươi được bán trong các siêu thị Bắc Mỹ là loài Prunus
salicina. Mận cũng là cây trồng được phát triển trên quy mô lớn ở một số
nước khác, chẳng hạn, chúng là loại quả hạch thống trị trong ngành cây
ăn quả tại Tây Úc.
2. Mận châu Âu (Prunus domestica)
Mận châu Âu (danh pháp hai phần: Prunus domestica, đôi khi được đề cập
với danh pháp Prunus × domestica) là một loài mận mơ với nhiều giống
khác nhau. Loài này có nguồn gốc được cho là lai giữa mận gai (Prunus
spinosa) và mận anh đào (Prunus cerasifera var. divaricata). Đây là loài
mận được trồng nhiều nhất tại châu Âu, và hầu hết mận khô được làm từ
quả của loài này.
Thông thường cây mận châu Âu là một cây bụi lớn hay một cây nhỏ. Cây có
thể có gai, với hoa màu trắng, xuất hiện vào đầu xuân. Quả có kích thước
khác nhau, có thể lên đến 8 cm từ bên này sang bên kia, và thường có vị
ngọt, song một số giống có thể hơi chua.
Phân loại
European Garden Flora công nhận ba phụ loài mặc dù các nghiên cứu khoa học khác ủng hộ việc phân loại chính xác hơn:
- P. domestica ssp. domestica
- P. domestica ssp. insititia – mận tía và mận rừng
- P. domestica ssp. intermedia – mận trứng (bao gồm mận Victoria)
- P. domestica ssp. italica –
- P. domestica ssp. pomariorum –
- P. domestica ssp. prisca –
- P. domestica ssp. syriaca – mận hoàng hương
Các phân loài có thể lai giống dễ dàng, do vậy có nhiều dạng lai trung
gian được tìm thấy: độ ngọt và độ chua của chúng có thể khác nhau, màu
sắc quả biến đổi từ màu tím xanh, đến đỏ, cam, hay lục nhạt.
3. Mận anh đào (Prunus cerasifera)
Prunus cerasifera là một loài mận được biết đến với cái tên thông dụng
là mận anh đào hay mận myrobalan. Đây là loài bản địa tại châu Âu và
châu Á.
Loại mận anh đào hoang dã là cây bụi lớn hay cây nhỏ cao từ 6–15 m, là
loài rụng lá và lá cây dài 4–6 cm. Đây là một trong những loài cây châu
Âu đầu tiên trổ hoa vào mùa xuân, thường bắt đầu vào giữa tháng hai. Hoa
mận anh đào có màu trắng và kích thước trên 2 cm, với năm cánh hoa. Quả
mận anh đào là loại quả hạch, có đường kính 2–3 cm, có vỏ quả màu vàng
hay đỏ. Quả mận anh đào có thể ăn được và đạt đến độ chín từ đầu tháng
bảy đến giữa tháng chín.
Loài này có thể được tìm thấy với tình trạng mọc hoang dại, tại những
nơi nó thoát khỏi việc được trồng và trở thành cây nhập tịch, như ở Bắc
Mỹ.
Trồng mận anh đào có thể cho quả, lá và hoa với nhiều màu sắc. Một số
giống có quả ngọt và có thể ăn tươi, trong khi một số giống khác có quả
chua và tốt hơn là được dùng làm mứt.
Mận anh đào là một loại cây cảnh phổ biến được trồng tại sân vườn hay
khu phong cảnh, do nó trổ hoa từ rất sớm. Nhiều giống cây mới đã được
phát triển, nhiều trong số chúng có lá màu tím như 'Atropurpurea'. Các
giống lá màu tím cũng có quả màu tím sẫm, và do vậy khá hấp dẫn. Mận anh
đào có hoa màu tráng hoặc hồng. Giống 'mây dông' có lá màu đỏ tươi thẫm
màu tím. Các loài khác như 'Lindsayae', có lá màu lục. Một số loài mận
anh đào lá tím được sử dụng để làm bonsai và các dạng cây cắt tỉa khác.
4. Mận gai (Prunus spinosa)
Mận gai (danh pháp hai phần: Prunus spinosa) là một loài mận bản địa ở
châu Âu, Tây Á, và cục bộ ở tây bắc châu Phi. Đây cũng là loài cây nhập
tịch cục bộ tại New Zealand và miền đông Bắc Mỹ.
Mận gai là một loại cây rụng lá có kích cỡ cây bụi lớn hay cây nhỏ cao
đến 5 m, vỏ cây hơi đen và các cành rậm rạp, cứng và có gai. Lá cây có
hình bầu dục, dài 2–4.5 cm và rộng 1.2–2 cm, mép là có răng cưa. Hoa mận
gai có đường kính 1,5 cm, với năm cánh hoa màu trắng kem; hoa xuất hiện
trước khi trổ lá vào đầu xuân. Mận gai là loài lưỡng tính và được côn
trùng thụ phấn. Quả mận gai có đường kính 10–12 milimét (0,39–0,47 in),
có màu đen với một lớp phấn màu tím xanh, chín vào mùa thu, và vẫn được
thu hoạch theo lối truyền thống, ít nhất là ở Anh Quốc, và tháng 10 hay
tháng 11 sau đợt sương giá đầu tiên. Quả mận gai có lớp thịt mỏng.
Mận gai thường xuyên bị nhầm lẫn với P. cerasifera (mận anh đào), đặc
biệt là vào đầu mùa xuân khi hoa mận anh đào ra hơi sớm hơn so với mận
gai. Ta có thể phân biệt dựa vào màu hoa, mận gai có màu trắng kem và
mận anh đào màu trắng thuần. Ta cũng có thể phân biệt chúng vào mùa đông
do tập quan cây nhỏ hơn sẽ cứng hơn, các nhánh cây góc rộng ở mận gai;
vào mùa hè với việc lá cây mận gai tương đối hẹp hơn, gấp hơn hai lần
chiều rộng; và vào mùa thu nhờ màu sắc của vỏ quả — quả mận gai màu tím
đen còn quả mận anh đào có màu vàng hay đỏ.
Mận gai có một tứ bội (2n=4x=32) nhiễm sắc thể.
5. Roi hoa trắng (Syzygium samarangense), hay mận.
Roi (cũng gọi là: gioi, doi (phương ngữ miền Bắc Việt Nam), hay mận
(phương ngữ miền Nam Việt Nam),hoặc đào(phương ngữ miền Trung Việt Nam))
(danh pháp hai phần: Syzygium samarangense), thuộc chi Trâm của họ
Myrtaceae. Do tên gọi roi được chia sẻ với một vài loài khác cùng chi
nên trong bài gọi là roi hoa trắng.
Roi hoa trắng là loài bản địa của Philippines, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Samoa.
Trồng và sử dụng
Roi hoa trắng là cây thường xanh nhiệt đới, cao đến 12 m, lá dài 10–25
cm và rộng 5–10 cm broad. Hoa màu trắng, đường kính 2,5 cm, có bốn cánh
và nhiều nhị. Quả mọng, hình chuông, ăn được, màu trắng đến đỏ đậm, màu
tía, thậm chí có giống màu đen, cây mọc hoang có quả dài 4–6 cm. Hoa và
quả không chỉ mọc từ nách lá mà có thể mọc ở gần như bất kì điểm nào
trên thân cây và nhánh cây. Khi quả chín, cây tiếp tục ra hoa và có thể
đạt đến 700 quả mỗi cây.
Cây roi hoa trắng được trồng nhiều ở Việt Nam, Đài Loan, Thái Lan, Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ và Sri Lanka.
Xem thêm về Roi hoa trắng tại đây : http://blogcaycanh.vn/cay_canh/d/cay-man-canh-cay-roi
6. Roi hoa đỏ (Syzygium malaccense), hay mận đỏ, mận hồng đào.
Roi
(cũng gọi là: gioi, doi (phương ngữ miền Bắc Việt Nam), hay mận đỏ,
điều đỏ, mận hồng đào (phương ngữ miền Nam Việt Nam)) (danh pháp hai
phần: Syzygium malaccense), thuộc chi Trâm của họ Myrtaceae. Do tên gọi
roi (gioi, doi) được chia sẻ với một vài loài khác cùng chi nên trong
bài gọi là roi hoa đỏ.
Quả roi hoa đỏ hình thuôn, màu đỏ sẫm, một số giống có màu trắng hay hồng. Thịt quả màu trắng bao quanh một hạt lớn.
Cây roi hoa đỏ sinh trưởng tốt ở vùng khí hậu nhiệt đới với lượng mưa
trung bình hằng năm không thấp hơn 1520 mm. Hoa nở đầu mùa hè và ra quả
trong ba tháng sau đó.