Pages

Cây giống cây ăn quả

Cung cấp các loại giống cây ăn quả mới với chất lượng cây giống tốt nhất

Hoa lan giống

Cung cấp các loại lan giống như: Đai châu, Hồ điệp, Vũ nữ, Cattleya, Vanda và Dendro

Cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây trồng rừng

Cung cấp các loại cây cảnh, cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây trồng rừng như: Cây Sưa đỏ, Cây Xoan đào, Xoan ta, Mây nếp ...

Giống rau, giống cây nông nghiệp

Cung cấp các loại giống rau, giống mới, giống cây nông nghiệp ngắn ngày năng suất cao, : Cây chùm ngây, cây su su, gấc cao sản

Kỹ thuật trồng cây

Kỹ thuật trồng cây ăn quả, kỹ thuật trồng rau, kỹ thuật trồng hoa và cây cảnh.

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Giới thiệu một số giống mít và cách trồng

Giống mít MĐN06 có nguồn gốc ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai được tuyển chọn trong Hội thi cây mít giống tốt ở miền Đông Nam bộ năm 2001. Giống mít MĐN06 vừa đáp ứng được các chỉ tiêu cho công nghệ chế biến và vừa phục vụ ăn tươi.

Mít1. Giới thiệu giống

1.1. Giống mít MĐN06

Giống mít MĐN06 có nguồn gốc ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai được tuyển chọn trong Hội thi cây mít giống tốt ở miền Đông Nam bộ năm 2001. Cây sinh trưởng phát triển tốt, tán cây cân đối, kháng sâu bệnh hại quan trọng, đặc biệt là bệnh thối gốc chảy nhựa do nấm Phytophthora spp. gây hại. Có trái sau trồng 2-3 năm tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc. Giống mít MĐN06 vừa đáp ứng được các chỉ tiêu cho công nghệ chế biến và vừa phục vụ ăn tươi.

- Đặc điểm phẩm chất (cây thành thục)

+ Trọng lượng quả trung bình: 9-11 kg/quả
+ Năng suất trung bình: 80-120 kg/cây/năm (cây 10 năm tuổi);
+ Màu vỏ quả: Xanh vàng; dạng quả thon đều;
+ Thịt múi: Màu vàng tươi; ráo dòn; ngọt và có mùi thơm, có lớp lụa bọc múi ;
+ Tỷ lệ ăn được (thịt múi): 40-42%. Độ brix thịt múi 25-27%.

1.2. Mít Khanun vàng

Giống mít Khanun vàng có nguồn gốc nhập nội từ Thái Lan. Cây sinh trưởng phát triển tốt, tán cây nhỏ hơn giống mít MĐN06, mẫn cảm với bệnh thối gốc chảy nhựa do nấm Phytophthora sp. gây hại. Có trái sau trồng 15-20 tháng tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc. Khả năng cho trái nhiều tháng trong năm. Giống mít Khanun vàng phù hợp cho ăn tươi. Một số chỉ tiêu chưa đáp ứng được yêu cầu của công nghệ chế biến như không có lớp lụa bọc múi, thịt múi hơi nhiều nước, màu vàng nhạt, xốp…

- Đặc điểm phẩm chất (cây thành thục)

+ Trọng lượng quả trung bình: 7-9 kg/quả
+ Năng suất trung bình: 15-20 quả/cây/năm (cây 5 năm tuổi);
+ Màu vỏ quả: Xanh hơi vàng; dạng quả thon đều;
+ Thịt múi: Màu vàng nhạt; thịt múi hơi nhiều nước, xốp; ít ngọt và có mùi thơm nhẹ.
+ Tỷ lệ ăn được (thịt múi): 40-45%. Độ brix thịt múi 18-24%.

1.3. Mít lá lớn

Giống mít lá có nguồn gốc nhập nội từ Thái Lan. Cây sinh trưởng phát triển tốt, tán cây lớn, lá xanh đậm, dày và to, mẫn cảm với bệnh thối gốc chảy nhựa do nấm Phytophthora sp. gây hại. Có trái sau trồng 18-24 tháng tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc. Khả năng cho trái nhiều tháng trong năm. Giống mít lá lớn phù hợp cho ăn tươi. Một số chỉ tiêu chưa đáp ứng được yêu cầu của công nghệ chế biến như không có lớp lụa bọc múi, thịt múi hơi nhiều nước, màu vàng nhạt, xốp…

- Đặc điểm phẩm chất (cây thành thục)
+ Trọng lượng quả trung bình: 8-12 kg/quả
+ Năng suất trung bình: 15-20 quả/cây/năm (cây 5 năm tuổi);
+ Màu vỏ quả: Xanh hơi vàng; dạng quả thon đều;
+ Thịt múi: Màu vàng nhạt; thịt múi hơi nhiều nước, xốp; ít ngọt và có mùi thơm nhẹ.
+ Tỷ lệ ăn được (thịt múi): 40-45%. Độ brix thịt múi 18-24%.

1.4. Mít Viên Linh

Giống mít Viên Linh có nguồn gốc nhập nội từ Thái Lan. Cây sinh trưởng phát triển tốt, tán cây nhỏ hơn giống mít MĐN06, mẫn cảm với bệnh thối gốc chảy nhựa do nấm Phytophthora sp. gây hại. Có trái sau trồng 18-24 tháng tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc. Khả năng cho trái nhiều tháng trong năm. Giống mít Viên Linh phù hợp cho ăn tươi. Một số chỉ tiêu chưa đáp ứng được yêu cầu của công nghệ chế biến như không có lớp lụa bọc múi, thịt múi hơi nhiều nước, màu vàng nhạt, xốp…

- Đặc điểm phẩm chất (cây thành thục)
+ Trọng lượng quả trung bình: 7-10 kg/quả
+ Năng suất trung bình: 15-20 quả/cây/năm (cây 5 năm tuổi);
+ Màu vỏ quả: Xanh hơi vàng; dạng quả thon đều;
+ Thịt múi: Màu vàng nhạt; thịt múi hơi nhiều nước, xốp; ít ngọt và có mùi thơm nhẹ.
+ Tỷ lệ ăn được (thịt múi): 40-45%. Độ brix thịt múi 18-24%.

2. Tiêu chuẩn mít ăn tươi và chế biến

2.1. Tiêu chuẩn mít nghệ cho ăn tươi

Mít thu hoạch đúng độ chín;
Múi màu vàng, có mùi thơm đặng trưng;
Độ brix từ 20-30%;
Múi mít không bị sượng, úng nước hay sậm màu bất thường;
Không nhiễm dòi đục trái, sâu bệnh hay vật lạ;
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;

2.2. Tiêu chuẩn mít nghệ cho chế biến

Mít thu hoạch đúng độ chín;
Múi mít có mùi thơm và màu vàng đặc trưng;
Độ brix từ 25-30%;
Múi mít ráo, dòn;
Múi mít có lớp lụa bọc múi;
Múi mít không bị sượng, úng nước hay sậm màu bất thường;
Không nhiễm dòi đục trái, sâu bệnh hay vật lạ;
Bảo quản sau sấy 2 -3 tháng không bị mất màu vàng tươi;
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

3. Kỹ thuật trồng

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có thể trồng một số loại giống mít sau tùy vào mục đích sử dụng. Giống mít MĐN06 phục vụ chế biến và ăn tưới. Giống mít Khanun vàng, mít lá lớn, mít Viên Linh phục vụ ăn tươi. Tuy nhiên những giống này dễ nhiễm bệnh thối gốc và đen sơ.

3.1. Khoảng cách trồng

- Tuỳ theo giống, phương pháp nhân giống và vùng đất trồng mà khoảng cách trồng thay đổi cho phù hợp.

- Đối với giống mít MĐN06: Trồng với khoảng cách 7x7m; 7 x 8m hoặc 8 x 8m.

- Đối với nhóm mít cho quả sớm như mít Khanun vàng, mít lá lớn, mít Viên Linh: Trồng với khoảng cách 5 x 6m, 6 x 6m hoặc trồng dày hơn ngay tư đầu với khoảng cách 4 x 4m, khi cây khép tán thì cách 1 cây tỉa 1 cây.

3.2. Thời vụ trồng: Trồng vào đầu mùa mưa. Nếu chủ động tưới nước có thể trồng được quanh năm.

3.3. Cách trồng

- Chuẩn bị hố trồng: Đào hố trước khi trồng ít nhất 4 tuần, hố có kích thước 60 x 60 x 60 cm. Lượng phân bón lót cho mỗi hố: 10 – 20kg phân hữu cơ hoai; 1kg phân super lân; 0,5kg vôi và 200g phân NPK (16-16-8) trộn đều với đất mặt sau đó cho toàn bộ hỗn hợp vào hố. Bổ sung thêm vôi từ 500 – 800 kg/ha nếu đất chua.

- Cách trồng: Đặt cây và dùng dao cắt đáy bầu, sau đó rạch theo chiều dọc của bầu để kéo bao nilon lên và lấp đất lại ngang mặt bầu. Khi đặt cây phải xoay mắt ghép hướng về chiều gió chính để tránh tách mắt ghép. Sau trồng cắm cọc giữ chặt cây con. Trồng xong thì tưới nước ngay nếu không có mưa. Phủ rơm rạ khô xung quanh gốc cây sau trồng (cách gốc 20-30cm) giúp duy trì độ ẩm của đất và hạn chế cỏ dại mọc.

Quy trình trồng và chăm sóc cây mít nghệ

Mít nghệ gồm hai giống là mít nghệ Viên Linh và mít nghệ MĐN06H, nhưng phổ biến hơn cả là giống mít Viên Linh, cả hai giống mít nghệ đều cho trái to, múi mít vàng óng, giòn dai và ít sơ với vị ngọt vỏ xanh

Quy trình trồng mít nghệI. KỸ THUẬT TRỒNG

1/ Giống trồng:

• Đặc điểm của giống Viên Linh:

+ Dạng trái bầu hơi dài, gai nhỏ đồng đều, trung bình 10 kg/trái
+ Thịt trái màu vàng óng
+ Độ ngọt vừa phải 180 đến 240 độ Brix
+ Tỉ lệ bột trong thịt trái vừa phải, đường trong thịt trái không quá nhiều.
+ Thịt trái khô giòn và dai không có nhiều nước, thịt không nhão, bảo quản được lâu.
+ Tỷ lệ thịt trái 45% đến 50%.
+ Là giống thu hoạch sớm, từ khi trổ bông đến khi thu hoạch 120 – 130 ngày.
+ Là giống thích hợp cho ăn tươi.

• Đặc điểm của giống MĐN06H

+ Quả tròn đều, to, trọng lượng trung bình 14 kg
+ Vỏ quả màu xanh khi chín
+ Múi màu vàng tươi
+ Thịt trái dòn, ít xơ

2/ Kỹ thuật trồng và canh tác:

* Đất trồng mít

- Mít thích hợp với nhiều loại đất, nhưng đất phải thoát nước tốt không được ngập úng.
- Đào hố kích cỡ: 60cm x 60cm x 60cm trở lên, bón lót bằng các loại phân rác hoai mục, hoặc cây phân xanh ủ cho hoai.
-  Bón lót trước khi trồng:
+ 01 kg vôi/hố (sau khi đào hố xong tiến hành bón vôi ngay)
+ Phân chuồng đã qua xử lý (XPF): 3 kg/hố
+ Lân Lâm Thao: 0,5 kg/hố
+ Chế phẩm Nolatri: 20g/hố
+ Phân NPK (20-20-15-TE+) : 50 g/hố
+ Bón 50 g thuốc Nokap/hố

- Cách bón:

+ Bón vào hố 3 kg phân chuồng, phân lân và 20g chế phẩm Nolatri, sau đó trộn đều.
+ Bón NPK xuống
+ Phủ lên 01 lớp đất mặt mỏng
+ Bón thuốc Nokap để phòng sâu và mối gây hại
+ Trồng cây vào nén chặt đất cho rễ cây và đất tiếp xúc nhau cây mau bén rễ.

* Mật độ, khoảng cách trồng:
- Hàng x hàng = 7m; Cây x cây = 6m (đất nghèo dinh dưỡng thì trồng dày hơn có thể là 6x5m hoặc 6x6m)

* Thời vụ trồng: Thường trồng vào tháng 05 – 06 dương lịch, ưu điểm của vụ này vào mùa mưa, cây đủ độ ẩm để phát triển. Tuy nhiên nếu có đủ nước tưới trong mùa khô thì trồng trong mùa khô cũng được..

* Chuẩn bị cây giống: Cây ghép mắt, gốc ghép trên 01 năm tuổi, cây cao 20 cm trở lên đựng trong bầu nylon đen kích cỡ 30 x 11 cm.

* Cách đặt cây giống:

+ Đặt cây sao cho bầu cây nằm ngang mặt đất, chú ý phần ngay mắt ghép phải nằm trên mặt đất.
+ Cây mít nếu trồng quá sâu rễ mít dễ bị nấm tấn công gây hại.
+ Trồng xong lấp đất chặt gốc để rễ mau tiếp xúc với đất
+ Vào mùa nắng khi đất khô cần tủ gốc bằng rơm hoặc cỏ khô để giữ ẩm.

II. KỸ THUẬT CHĂM SÓC

1/ Tưới nước:

Các lô mít sau khi lắp đặt hệ thống tưới xong, tưới lần đầu cho thật đẫm nước. Sau đó kiểm tra lượng nước tưới đủ bảo đảm cho cây thì những lần tưới sau định kỳ 05 ngày tưới 01 lần

- Thời gian tưới mỗi lần tuỳ thuộc vào tính chất đất của từng lô và phụ thuộc vào lưu lượng nước mạnh yếu của từng lô nhưng sau khi tưới xong đất phải có độ ẩm sâu xuống ít nhất là 30 cm.

2. Tiả cành, tạo tán.

- Phương pháp tỉa cành, tạo tán:
+ Để 03 cành cấp 1 đối xứng nhau cách mặt đất 50 m trở lên.
+ Tỉa bỏ bớt các cành nhánh cấp 1 nhỏ nằm san sát nhau trên thân chính, khoảng cách giữa các cành cấp 1 trên thân chính nên để là khoảng 20-30 cm trở lên.
+ Trên cành cấp 1 có rất nhiều cành cấp 2, cấp 3 và cấp 4, nên tỉa bỏ bớt các cành cấp 2, 3, 4 đi , khoảng cách giữa 2 cành cấp 2 nên để lại là từ 10 cm trở lên và nên để đối xứng nhau để tạo cho tán cây có bộ khung cân đối và thông thoáng để giảm bớt khả năng gây hại của sâu ăn lá.
+ Nếu cây xuất hiện quả nên tỉa bỏ bớt, chỉ chừa lại 2 quả mọc trên thân chính ở năm thứ 03 cho trái bói. Từ năm thứ 4 trở đi, tùy khả năng của từng cây mà quyết định để số lượng trái nhiều hay ít.
- Khống chế chiều cao cây không quá 5-7m, tỉa bỏ những cành mọc thấp (<1m).

3. Bón phân cho cây.


* Cây năm 1:

- Sau trồng 02 tháng: bón 50 g phân NPK
- Sau trồng 04 tháng: bón 50 g phân NPK
- Sau trồng 06 tháng: bón 100 g phân NPK
- Sau trồng 12 tháng: bón 100 g phân NPK

* Cây năm 2: bón 1,5 kg phân NPK, chia làm nhiều lần bón để hạn chế phân bị mất đi do bốc thoát hơi và rửa trôi. Những lô mít bị mất sức nhiều do nắng hạn có thể bổ sung 150 g phân urê/gốc và chia làm 02 lần bón, mỗi lần bón 75gam.
này, lần sau móc 01 hố đối xứng hố cũ và bón vào.

* Cây năm 3: bón 2 kg phân NPK, chia làm nhiều lần bón để hạn chế phân bị mất đi do bốc thoát hơi và rửa trôi.

* Phương pháp bón:

- Phân urê dễ tan, bón trực tiếp vào gốc khi đất có độ ẩm và sau khi bón phải tưới nước cho phân tan hết.
- Phân NPK: nếu bón nổi khó tan thì bón vùi, lần này móc 01 hố bón một bên
- Mỗi tháng bón phân 1 lần vào lần tưới thứ 3 trong tháng (tức là ngày 20 hàng tháng).

5. Phòng trừ sâu bệnh hại cho cây

- Định kỳ 02 tháng phun phòng 01 lần thuốc ngừa nấm hồng và sâu đục thân.
- Thường xuyên kiểm tra sâu bệnh hại để phun thuốc phòng và trị cục bộ kịp thời, nếu phát hiện sâu đục thân thì dùng kim tiêm, tiêm thuốc vào đường đục hoặc lấy gòn chấm thuốc bít đường đục lại.
- Đầu mùa mưa tiến hành quét thuốc Boocdor vào gốc cây để phòng bệnh xì mủ thân.
- Định kỳ 03 tháng bón 01 lần thuốc Nokap II để phòng mối và tuyến trùng gây hại rễ và  phun phòng chế phẩm Trichoberma phòng bệnh trên thân cây mít.

Phun xịt một số bệnh phổ biến:

- Sâu đục trái, dưỡng trái
+ Loại thuốc: Motox, BI58 kết hợp một số loại phân dưỡng trái
+ Cách phun: phun ướt đều quanh tán lá, trái
- Sâu đục thân: Nếu thấy đường đục sâu đục thân thì dùng que kẽm cho vào đường đục để giết chết sâu sâu đó pha một ít thuốc hạt dùng kim tim bơm vào đường đục hay lấy bông gòn chấm thuốc rồi bít lỗ đường sâu đục lại.
- Sâu ăn lá và bệnh hại thân cành:
- Trị bệnh héo đen đầu lá: dùng dung dịch Bordeaux nồng độ 1%: Dùng trị bệnh héo đen đầu lá. Dùng vôi sống, sulfat đồng và nước với tỷ lệ 1:1:100. Hòa tan hoàn toàn 1 kg sulfat đồng trong 80 lít nước và 1 kg vôi trong 20 lít nước còn lại. Dung dịch trên được lọc để loại bỏ tạp chất, tiếp theo đổ từ từ dung dịch sulfat đồng vào dung dịch vôi và trộn đều; tuyệt đối không làm ngược lại. Dùng cây sắt được mài sáng và nhúng vào dung dịch thuốc đã pha trong 1 - 2 phút, nếu bị sét là do có pH thấp cần điều chỉnh tăng thêm lượng vôi. Nếu pha đúng cách dung dịch có màu xanh dương và chậm kết tủa. Dung dịch thuốc sử dụng ngay sau khi pha chế vì thuốc dễ bị phân hủy nếu để lâu.
- Trị nấm hồng: dùng dung dịch Bordeaux nồng độ 5%: Dùng chủ yếu để trị bệnh nấm hồng. Pha sulfat đồng, vôi sống và nước với tỷ lệ 1: 4: 15. Hòa tan hoàn toàn 1 kg sulfat đồng trong 5 lít nước và 1 kg vôi trong 10 lít nước còn lại. Cách pha tương tự như dùng cho nồng độ 1%.
- Phòng nấm Phythopthora: Phun đại trà vào gốc cây dung dịch Tricoderma (Nolatri) để phòng nấm Phythopthora gây hại.
+ Loại thuốc: Nolatri
+ Nồng độ phun: 200 ml/bình 16 lit

Chú ý:

- Không dùng các dụng cụ bằng sắt, nhôm để pha và sử dụng dung dịch Bordeaux, vì thuốc có khả năng ăn mòn. Tốt nhất nên dùng dụng cụ bằng nhựa, thép không rỉ.
- Pha và sử dụng trong ngày, không lưu trữ vì giảm hiệu quả trị bệnh.

6. Thu hoạch và bảo quản

Độ già thu hoạch khi trái mít từ 100 - 120 ngày sau trổ hoa. Trái mít có mùi thơm nhẹ, gai nở đều. Khi thu hoạch dùng kéo cắt cành cắt ngang cuống trái và tránh để trái va trạm, chày xước và tiếp xúc xuống đất. Thu hoạch đúng độ chín, sau khi thu hái có thể sau 2-4 ngày mít sẽ tự chín ở nhiệt độ bình thường. Sau khi thu hoạch cần bảo quản mít ở nơi thoáng, không để trái tiếp xúc trực tiếp xuống đất. Mít có thể bảo quản được 3 - 4 tuần ở nhiệt độ 11-13°C.

Quy trình trồng rau bắp cải an toàn

Khác với sản xuất rau thông thường, sản xuất rau an toàn (RAT) đòi hỏi yêu cầu khắt khe trong cả quá trình sản xuất.

Cải bắpNgoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn về đất trồng, nước tưới, khâu giám sát đầu vào, quy trình gieo trồng chăm sóc, đến khâu thu hoạch tiêu thụ sản phẩm đều phải đảm bảo theo các tiêu chuẩn quy định, vi vậy đòi hỏi phải có một mô hình trồng RAT thích hợp mới đảm bảo được các tiêu chuẩn quy định. Dưới đây xin giới thiệu quy trình kỹ thuật sản xuất rau bắp cải an toàn.

1. Điều kiện sản xuất rau an toàn:

- Chọn đất không bị ô nhiễm, không chịu ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, bệnh viện và các nguồn ô nhiễm khác.

- Nguồn nước tưới là nước sạch: nước sông có dòng chảy luân chuyển không bị ô nhiễm hoặc nước giếng khoan sạch.

- Không sử dụng phân chuồng tươi hoặc nước phân tươi để bón hoặc tưới.

- Thu hoạch đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật.

2. Qui trình sản xuất:

2.1. Thời vụ :

- Các tỉnh phía Bắc có 3 thời vụ:

+ Vụ sớm: Gieo hạt vào tháng 7, trồng tháng 8.

+ Vụ chính: Gieo hạt tháng 8, trồng tháng 9.

+ Vụ muộn: Gieo hạt tháng 11, trồng tháng 12.

- Các tỉnh phía Nam, gieo tháng 10, trồng tháng 11.

2.2. Vườn ươm và yêu cầu kỹ thuật:

- Đất vườn ươm: chọn đất thịt nhẹ, cao, dễ thoát nước. Tiến hành dọn sạch cỏ dại, làm đất kỹ. Lên luống cao 25 cm, rộng 0,8 – 1m, rãnh rộng 25 cm.

- Bón lót phân: Mỗi ha bón 20 – 25 tấn phân chuồng mục và 10 – 15 kg phân lân super, phân rải đều khắp mặt luống, dùng cào đảo đều trộn lẫn phân với đất. Vét đất ở rãnh lấp phủ lên mặt luống một lớp đất dày 1,5 – 2 cm.

- Lượng hạt giống: hạt giống có tỷ lệ nảy mầm > 85%, gieo 0,28 – 0,30 kg hạt và thu được 3 – 4 vạn cây đủ trồng cho 1 ha. Lượng hạt gieo 1,5 – 2,0g/m2.

- Gieo hạt: Gieo hạt xong cào nhẹ hoặc dùng tay xoa nhẹ, đều trên mặt luống cho đất phủ kín hạt. Dùng trấu phủ kín mặt luống, tưới nước đủ ẩm.

- Tưới nước:
Sau khi gieo hạt phải tưới nước liên tục 3 – 5 ngày đầu, 1 – 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Khi hạt đã nảy mầm ngừng tưới 1 – 2 ngày, sau đó cách 1 ngày tưới 1 lần. Trước khi nhổ cây đem trồng, ngừng tưới nước 3 – 4 ngày để luyện cây con. Trước khi nhổ cây trồng phải tưới nước trước 4 – 5 giờ để khi nhổ cây không bị đứt rễ.

- Bón phân thúc: Sau khi cây có 2 lá thật dùng phân chuồng ủ mục ngâm nước pha loãng tưới cho cây con (lượng phân 1,5 – 2,0 tấn/ha).

- Tỉa cây: Khi cây có 1 lá thật thì tỉa lần 1 ở những chỗ cây quá dày. Khi cây có 3 lá thật tỉa lần 2, để cây cách cây 5 – 6 cm.

- Tiêu chuẩn cây giống tốt: cây con 25 – 30 ngày tuổi, có 5 – 6 lá thật, phiến lá tròn, đốt sít, mập, lùn.

2.3. Làm đất, trồng, chăm sóc bắp cải:

* Yêu cầu đất trồng:
Đất tơi nhỏ, sạch cỏ; luống rộng 100 – 120 cm, cao 15 – 20 cm, rãnh luống 20 – 30 cm. Vụ sớm, làm mặt luống mui luyện để thoát nước. Vụ chính và vụ muộn, làm luống phẳng.

* Mật độ trồng: Cây trồng hai hàng kiểu nanh sấu.

- Vụ sớm: mật độ 33.000 – 35.000 cây/ha, khoảng cách 60 x 40 cm.

- Vụ chính và vụ muộn: mật độ 27.000 – 30.000 cây/ha, khoảng cách 60 x 50 cm.

* Lượng phân và cách bón:

- Lượng phân bón cho 1ha: 20 – 25 tấn phân chuồng hoai mục, 350 – 400 kg super lân, 300 kg đạm urê, 200 kg phân kali.

- Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, phân lân. Rạch hai hàng trên mặt luống bón phân, sau đó lấp đất hoặc bón theo hốc trồng cây.

- Bón thúc lần 1: Thời kỳ hồi xanh, sau trồng 7 – 10 ngày, bón 70 kg urê và 60 kg kali sunfat hoà tưới vào gốc kết hợp xới vun làm cỏ vét rãnh.

- Bón thúc lần 2: Thời kỳ trải lá bàng, sau trồng 20 – 25 ngày, bón 150 kg urê và 80 kg kali sunfat, bón cách gốc 20 cm kết hợp xới xáo làm cỏ lấp phân.

- Bón thúc lần 3: Thời kỳ cuốn bắp, sau trồng 30 – 35 ngày, bón nốt lượng phân còn lại, có thể bón vào gốc hoặc hòa nước tưới.

Chú ý: Trước khi thu hoạch 30 ngày ngừng bón phân đạm.

* Tưới nước: Sau khi trồng, tưới đủ ẩm vào buổi sáng và chiều mát cho đến khi cây hồi xanh. Sau khi vun, bón thúc đợt 1 và 2, tưới rãnh cho nước ngấm 2/3 rãnh, sau đó tháo hết nước.

* Bảo vệ thực vật: Thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM).

- Trước khi trồng cây phải vệ sinh đồng ruộng, cày lật đất sớm để diệt nguồn sâu non và nhộng của các loại sâu khoang, sâu xám, sâu xanh.

- Có thể trồng xen với cà chua để giảm mật độ sâu tơ.

- Luân canh với lúa nước (2 vụ lúa và 1 vụ rau), nếu ở vùng chuyên canh rau nên luân canh với cây họ đậu, họ cà và họ bầu bí để tránh bệnh sương mai và thối nhũn.

- Trước khi trồng cây: xử lý đất bằng thuốc hạt Basudin với liều lượng 25 kg/ha; xử lý cây giống bằng dung dịch thuốc Sherpa 20EC nồng độ 0,1% hoặc Regent 800 WG nồng độ 1g/10 lít nước, trong 5 – 10 giây rồi vớt ra để khô nước mới đem trồng.

- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu xám, giết các ổ trứng sâu khoang, sâu xanh.

- Nếu có nhiều sâu tơ và rệp, sử dụng luân phiên giữa các nhóm thuốc: thuốc sinh học (BT, Delfin 32 BIU, Dipel 3.2WP, Aztron 700 DBMU, Xentari 35 WDG…); thuốc hoá học (Sherpa 20 EC, Atabrron 5EC, Regent 800WG, Pegasus 500SC) và thảo mộc (HCĐ 95 BTN, Rotenone, Nembon A-EC, Nimbecidin 0,03EC…) để tránh sự quen thuốc của sâu. Khi xuất hiện các bệnh sương mai, thối nhũn, nhổ bỏ cây bị bệnh, vệ sinh đồng ruộng tránh lây lan.

- Ngừng phun thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch 20 ngày.

2.4. Thu hoạch và bảo quản:

- Thu hoạch khi bắp cuốn chắc, khối lượng trung bình 1 – 2,5 kg/cây, tuỳ theo giống, đủ độ tuổi sinh trưởng. Loại bỏ lá già, lá ngoài, lá giập nát, không ngâm nước.

- Cải bắp bảo quản nhiệt độ 0 – 2 độ C, độ ẩm 92 – 95% trong thời gian 4 – 8 ngày.

5 loại củ dễ tìm có chứa chất chống oxy hóa

Chất chống oxyhoa được tìm thấy nhiều trong các loại trái cây và rau quả, thảo dược. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh lợi ích của chúng đối với sức khỏe trên nhiều mặt.

Tỏi một nhánh lý sơnTrong cơ thể khỏe mạnh, gốc tự do sinh ra có giới hạn, không quá thừa để gây hại. Bởi vì bên cạnh các gốc tự do luôn có hệ thống các chất chống oxy hóa “nội sinh” cân bằng lại, vô hiệu hóa các gốc tự do có hại. Tuy nhiên, khi cơ thể yếu, sự cân bằng này bị phá vỡ. Lúc đó, cơ thể cần các chất chống oxy hóa từ ngoài vào. Đó là beta-caroten, chất khoáng selen, các hợp chất flavonoid, polyphenol… Những chất này có trong rau củ.

1. Củ tỏi


Có thể là một chất chống oxy hóa lâu đời nhất và phổ biến nhất của thiên nhiên. Đây là loại thảo dược được sử dụng như một loại gia vị quan trọng trong ẩm thực. Nó được coi như một loại kháng sinh tự nhiên được biết trong nhiều thế kỷ nay. Tỏi giữ cho trái tim của chúng ta khỏe mạnh hơn bằng cách giảm cholesterol và huyết áp. Nó tăng cường hệ miễn dịch, giúp lưu thông máu và có một vai trò quan trọng trong việc phòng chống ung thư. Tỏi cũng giúp giữ cho tính đàn hồi trẻ trung của da và làm chậm quá trình lão hóa cho làn da của người sử dụng. Đây là những chất chống oxy hóa tự nhiên tốt nhất của thiên nhiên có thể cung cấp cho cơ thể.

2.Củ cải đỏ

Betanin và vulgaxanthin trong củ cải đỏ có khả năng chống oxy hóa, chống viêm và giải độc. Củ cải đỏ cũng rất tốt cho thị lực và các mô thần kinh.Các nhà khoa học đã chứng minh, các chất chống oxy hóa có thể ngăn chặn khối u phát triển và giám sát sự phát triển của tế bào bất thường. Nó đặc biệt có tác dụng trong việc phòng chống ung thư vú, tuyến tiền liệt, phổi, ruột kết và ung thư thận.

3. Khoai lang

Rất giàu beta-carotene, selenium, anthocyanin, vitamin A, vitamin C và vitamin E. Do đó, nếu muốn cơ thể mình có nhiều chất chống oxy hóa để tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, chống lão hóa thì không nên bỏ qua loại thực phẩm này. Vitamin C, vitamin B6, beta-carotene và mangan trong khoai lang giúp khoai lang có tính kháng viêm rất cao, làm mờ vết thâm, phòng chống bệnh mãn tính không lây. Ăn khoai lang 1 – 2 lần/tuần sẽ giúp cung cấp nhiều sinh tố có lợi, chất khoáng, chất xơ… Khoai lang không những làm căng da mà còn giảm nếp nhăn trên mặt, ngăn ngừa các bệnh về da như viêm da…

4. Cà rốt

Nguồn phong phú của beta-carotene, selenium, lutein, vitamin A, vitamin C và vitamin E. Cà rốt có rất nhiều màu như: đỏ, vàng, tía, cam… và cả màu trắng. Cà rốt đỏ có chứa lucopen, một dạng caroten có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim và ung thư. Cà rốt vàng giàu xantofin, bổ cho mắt. Cà rốt tía có chứa một loại sắc tố hoàn toàn khác là antoxian có tác dụng như chất chống oxy hóa mạnh. Lutein có nhiều trong cà rốt màu cam, một trong những sắc tố hoàn thành sắc màu của điểm đen trong võng mạc người. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều cà rốt vì lượng carorten có trong cà rốt sẽ không thể chuyển hóa thành vitmin A, gây ứ đọng ở gan, gây ra những chứng bệnh vàng da, ăn không tiêu, mệt mỏi…

5. Củ dền


Nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều lợi ích từ củ dền cho sức khỏe, khuyến cáo nên dùng loại củ này trong bữa ăn thường ngày. Nghiên cứu của các nhà khoa học ĐH Wake Forest (Mỹ) cho rằng, củ dền chứa chất chống oxy hóa tên gọi acid alpha-lipoic, làm hạ mức đường trong máu, tăng độ nhạy insulin, ngăn ngừa sự mất cân bằng oxy hóa ở bệnh nhân đái tháo đường giúp tăng cường sự oxy hóa ở não, làm chậm lại quá trình mất trí nhớ ở người già. Ngoài ra, chất choline có trong củ dền còn giúp cải thiện giấc ngủ, tốt cho trí nhớ và đặc biệt là tăng vận động cơ nên có thể giúp tăng cường thành tích thể dục thể thao đồng thời giúp duy trì cấu trúc màng tế bào, hỗ trợ cho sự dẫn truyền xung thần kinh, tham gia vào quá trình hấp thu mỡ và giảm bớt sự viêm mạn tính.

Ngoài danh sách trên, rau bina và ngũ cốc cũng là những nguồn chất chống oxy hóa rất lớn mà làm cho bữa ăn hàng ngày đa dạng và đầy đủ các vitamin hơn, giúp chúng ta phát triển một lối sống, một phong cách ăn thật lành mạnh.

Vị thuốc từ cây sau sau

Sau sau có tên khác là sau trắng, cây thau, cổ yếm, có nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Bộ phận dùng làm thuốc là quả - lộ lộ thông, lá - phong hương diệp, rễ - phong hương căn, nhựa - phong hương chi. Ngọn lá non được dùng làm thực phẩm.

Cây sau sau làm thuốcTheo Đông y, quả có vị đắng, mùi thơm, tính bình; tác dụng khứ phong, hoạt lạc, lợi thủy thông kinh. Lá: vị đắng, tính bình; tác dụng thanh nhiệt giải độc, thu liễm chỉ huyết. Nhựa: vị ngọt, cay, tính ấm; tác dụng thông khiếu, khai uất, khứ đàm, hoạt huyết giảm đau. Rễ: vị đắng, tính ấm; tác dụng khứ thấp, chỉ thống. Quả có tác dụng khứ phong, hoạt lạc, lợi thủy thông kinh; chữa phong thấp, đau nhức khớp xương, tâm vị đau trướng, thủy thũng, tiểu tiện khó, mề đay, viêm da, chàm.

Cách dùng sau sau làm thuốc:

- Chữa sâu răng, đau răng: Nhựa cây sau sau đốt cháy, phần còn lại tán nhỏ, xỉa vào chỗ đau.

- Chữa nổi mẩn, mề đay, lở ngứa: Dùng lá hoặc vỏ cây nấu lấy nước, lau rửa hoặc tắm.

- Chữa mụn nhọt, đòn đánh đau nhức, phong thấp sưng đau: nhựa sau sau 40g, nhựa thông 40g, sáp ong 10g, dầu vừng 10g. Đun cho tan, đánh đều cho loãng, để nguội phết lên giấy và dán vào chỗ đau.

- Chữa phong thấp, lưng gối đau, chân tay co quắp, toàn thân tê buốt: lộ lộ thông 20g, tùng tiết 20g. Sắc uống. Không dùng cho phụ nữ có thai.

- Trị tai điếc đột ngột: cát căn 30g, xuyên khung 15g, toàn quy 15g, xích thược 15g, thạch xương bồ 15g, tam thất 10g, nga truật 10g, hương phụ 10g, hồng hoa 10g, lộ lộ thông 12g, uy linh tiên 12g, địa long 12g. Sắc uống, ngày 1 thang, uống 2 lần; uống trong 15 – 30 ngày.

- Trị sữa ít, sữa không thông: lộ lộ thông 60g, toàn qua lâu 1 quả, xác rắn 1 cái. Tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g, uống với rượu loãng.

- Trị sán khí do hàn: lộ lộ thông 12g, diên hồ sách 12g, lệ chi hạch 12g, cát cánh 4g, quế chi 6g, sài hồ 6g, hồi hương 4g, mộc hương 4g, thanh bì 8g, hương phụ 12g, quất hạch 12g, trạch tả 12g, vân linh 12g. Sắc uống.

- Trị đau thần kinh tọa: lộ lộ thông 10g, cam thảo 10g, tàn giao 10g, địa long 10g, ngưu tất 10g, độc hoạt 10g, phục linh 10g, mộc hương 5g, thương truật 5g, đương quy 10g, tang ký sinh 15g. Sắc uống.

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Các bài thuốc dùng thảo dược trị tàn nhang

Tàn nhang là do tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời hoặc phong tà xâm nhập, nguyên nhân bên trong thì liên quan nhiều với thận thủy bất túc.

Bạch phục linh trị nám tàn nhangTàn nhang là do tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời hoặc phong tà xâm nhập, nguyên nhân bên trong thì liên quan nhiều với thận thủy bất túc. Tàn nhang hay phát sinh ở vùng mặt, thường về mùa hè hoặc sau khi phơi nắng nhiều thì tàn nhang đậm màu hơn và nhiều hơn, mùa đông nhạt màu hơn. Bệnh hay gặp ở phụ nữ có nước da trắng trẻo.

Đông y chia tàn nhang thành 2 thể: Thể thận thủy bất túc và thể phong tà ngoại bác.

Thể thận thủy bất túc: do thể chất hơi yếu, thận thủy bất túc không thể thượng vinh vùng mặt, hư hỏa uất kết ở huyết phận khiến vùng mặt xuất hiện chấm tàn nhang màu đen nhạt.

Thể phong tà ngoại bác: phần nhiều do thể chất huyết nhiệt nội ẩn, lại bị phong tà bên ngoài xâm nhập vào, đấu với huyết nhiệt ở da thịt khiến phát sinh ra chứng tàn nhang. Nếu phơi nắng thì huyết nhiệt càng thịnh, huyết nhiệt lại sinh phong thì tàn nhang càng thêm nhiều.

Sau đây, xin giới thiệu một số bài thuốc đắp và rửa mặt trị chứng tàn nhang:

Bài 1: bạch phục linh đem nghiền thành bột mịn, cho một ít mật ong hòa đều thành dạng hồ. Tối trước khi đi ngủ dùng nước ấm rửa sạch mặt, rồi dùng dung dịch hồ trên bôi lên mặt. Sáng dậy rửa sạch mặt bằng nước ấm. Phương này là một nghiệm phương mà người thời xưa hay dùng chữa chứng nám da vùng mặt và chấm tàn nhang trên mặt. Trong bài bạch phục linh kiện tỳ lợi thủy, tiêu ẩm nên chữa được chứng tàn nhang. Mật ong càng thêm hiệu quả làm đẹp, trừ tàn nhang và còn giúp tư dưỡng làn da.

Bài 2: hạnh nhân
bỏ vỏ, giã nát nhuyễn, sau đó dùng lòng trắng trứng gà hòa đều thành dạng hồ. Mỗi tối trước khi đi ngủ, rửa mặt sạch bằng nước ấm rồi thoa đều dung dịch này lên mặt. Sáng dậy, rửa sạch mặt bằng nước ấm. Đây là một nghiệm phương cổ có tác dụng khử phong tán nhiệt, trừ tàn nhang dưỡng da, ngoài ra còn trừ mụn trên mặt khiến làn da trắng mịn đẹp đẽ.

Bài 3: Bạch truật ngâm trong dấm hoặc nấu với dấm cho nở. Hằng ngày, dùng nước thuốc để lau rửa mặt. Đây là phương cổ nghiệm dùng chữa tàn nhang và nám đen trên mặt. Trong phương này, bạch truật có vị đắng cam, tính ôn vào kinh tỳ vị; bổ tỳ ích khí, táo thấp lợi thủy, tiêu đờm thủy, trục phong thủy kết sưng ở da. Dùng dấm điều chế, chủ yếu vì dấm có tác dụng chữa trị đờm tủy huyết bệnh, tán ứ giải độc và tịn tàn nhang. Bạch truật và dấm hợp dùng có thể khu phong trục đờm, tán ứ giải độc, trừ tàn nhang. Trong Bản thảo cương mục, Lý Thời Trân nói rằng phương này chữa trị tàn nhang rất hiệu quả.

Atisô dễ trồng, nhiều công dụng

Atisô là loại cây lá gai lâu năm có nguồn gốc từ miền Nam châu Âu - quanh Địa Trung Hải, được người cổ Hy Lạp và La Mã trồng để lấy hoa làm rau ăn.

Trồng actisôAtisô có thể cao đến 1,5 - 2m, lá dài từ 50 - 80cm, du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ 20, được trồng ở Sa Pa, Tam Đảo, và nhiều nhất là ở Đà Lạt. Atisô tốt cho tim mạch, hệ tiêu hóa, giảm cholesterol, giảm lượng đường máu, giải độc gan…

Hiện nay trên thế giới có các dạng giống chính về atisô như sau:

- Dạng chuyên bông:
Cây thấp, tán nhỏ, mật độ trồng dày, thời gian sinh trưởng ngắn. Mục đích chính là thu hoạch bông nên có năng suất bông cao và chất lượng ngon.

- Dạng chuyên lá: Cây cao, tán rộng, lá lớn thường chứa hoạt chất cynarin cao, mật độ trồng thưa, thời gian sinh trưởng dài. Mục đích chính là thu hoạch sản phẩm lá để đưa vào chế biến dược liệu.

- Dạng trung gian bông và lá:
Chiều cao và tán cây ở mức độ trung bình, có thể trồng để sử dụng hai mục đích là thu hoạch bông và lá.

Có 2 vụ trồng: Vụ sớm vào tháng 5 – 6, vụ muộn vào tháng 7 - 8. Nếu trồng atisô vì mục đích cung cấp sản phẩm lá điều chế dược liệu thì nên trồng vụ sớm và chỉ trồng ở vùng đất cao ráo. Mật độ trồng, khoảng cách giữa các cây là 65 – 70cm nếu trồng dày và 80 - 90cm nếu trồng thưa.

Về đất trồng, atisô thích hợp với điều kiện đất nhiệt trung bình, hàm lượng hữu cơ 5 – 7%, giữ ẩm và thoát nước tốt. Ẩm độ đất trong vụ khô cần trên 80%, tuy nhiên nếu ẩm độ đất quá cao và kéo dài trong vụ mưa sẽ dễ gây bệnh chết cây con.

Độ pH thích hợp là 6 – 6,5. Đối với điều kiện đất Đà Lạt thì hàng năm phải bón vôi để duy trì độ pH ổn định, nhất là vùng đất thấp. Đất trồng nên chọn đất nhẹ đến trung bình (đất podzolic vàng đỏ), loại đất tốt, thoát nước, giữ ẩm tốt. Nên thực hiện chế độ thâm canh, hay trồng hai vụ liên tiếp, sẽ giảm năng suất và sâu bệnh nhiều. Tốt nhất nên luân canh với các cây họ đậu, rau và hoa.

Đất trồng được bón bằng phân chuồng đã ủ hoai mục và super lân, vôi bột.
Quy cách luống ươm: 1,2 – 1,3m; trồng: 4 – 5 hàng, cây x cây: 15 – 20cm.

Sau khi trồng phủ cỏ khô để giữ ẩm và tưới nước 2 lần/ngày (nếu trời nắng). Giữ ẩm sau 7 – 10 ngày dỡ bỏ lớp che phủ ra. Sau cây hồi sinh bén rễ sử dụng DAP, NPK 16-16-8 để bón thúc 2 lần.

Có thể sử dụng các loại phân bón lá để phun xịt cây con sinh trưởng tốt. Chú ý không nên sử dụng chế độ bón phân đạm cao sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cây con.

Để phòng trừ sâu bệnh cho vườn ươm định kỳ 7 ngày/lần xịt các loại thuốc như: rovral, moncerew, zineb, topsin và các loại thuốc sâu như: sumicidin, pegasus…

Phân biệt cây hoàn ngọc có công dụng trị bệnh

Ở Việt Nam hiện nay có 2 loại cây mà dân gian thường gọi nhầm chung tên là hoàn ngọc và phân biệt là HN âm, HN dương.

Cây hoàn ngọcThời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đưa khá nhiều thông tin về tác dụng trị bệnh của trà Hoàn ngọc. Nhiều bạn đọc nêu thắc mắc họ đang sử dụng cây Hoàn ngọc (HN) có dạng lá nhỏ màu đỏ tía để trị bệnh, liệu có đúng là cây hoàn ngọc có khả năng trị bệnh?

Phân biệt cây hoàn ngọc có công dụng trị bệnhTheo PGS.TSKH Trần Công Khánh, nguyên cán bộ giảng dạy Trường đại học dược Hà Nội, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền (CREDEP), ở Việt Nam hiện nay có 2 loại cây mà dân gian thường gọi nhầm chung tên là  hoàn ngọc  và phân biệt là HN âm, HN dương.

Cây mà bạn đọc sử dụng và đang phân vân có thể đó là hoàn ngọc dương, hoặc nhớt tím, hoàn ngọc đỏ (vì ngọn, lá non và thân có màu đỏ tía – theo dân gian). Khoa học đã chứng minh và khẳng định rằng đây không phải là cây HN mà là cây bán tự mốc, tên khoa học là Hemigraphis glaucescens C.B Clarke, họ Ô rô (Acanthaceae). Bán tự mốc chủ yếu được dùng trong dân gian, chưa có công trình nào nghiên cứu về tác dụng trị bệnh của loại cây này.

Cây mà dân gian gọi là HN âm hay nhật nguyệt, nội đồng, lay gàm, dièng tòn pièng (Dao), nhần nhéng (Mường), tu lình, nó mới chính là cây HN thật. Năm 1987, PGS.TSKH Trần Công Khánh đã xác định được tên khoa học của nó là Pseuderanthemum palatiferum (Wall.) Radlk., thuộc họ Ô rô (Acanthaceae), và đặt tên chính thức cho cây thuốc là xuân hoa, nhưng ngày nay người dân vẫn quen gọi là hoàn ngọc.

Đến nay, đã có hàng chục công trình nghiên cứu của PGS.TSKH Trần Công Khánh từ thực vật, đến hóa học và tác dụng sinh học của cây thuốc này, đã được công bố trên các tạp chí khoa học ở trong và ngoài nước. Có thể nói,PGS. TSKH Trần Công Khánh là một trong những người đặt nền móng khoa học cho việc ứng dụng của cây thuốc này ở Việt Nam.

Cây hòan ngọc là một cây bụi, cao 1 – 3m, sống nhiều năm, thân non mềm màu xanh lục, thân già hoá gỗ màu nâu, nhiều cành mảnh. Lá mọc đối, cuống lá dài 1,5-2,5cm, phiến lá mềm, hình mũi mác… Hiện nay, cây xuân hoa được trồng khá phổ biến ở Việt Nam để làm thuốc.

Loại cây này đã được các nhà khoa học nghiên cứu sản xuất thành dạng trà túi lọc với chiết xuất từ lá và rễ cây, có chứa chất Flavonoid rất quí (lợi cho tim mạch, động mạch vành…) là tác nhân chính làm tăng tuổi thọ, do có khả năng làm tan xơ vữa động mạch, cặn máu… Bên cạnh đó, còn có tác dụng  bảo vệ tối đa tế bào gan, phòng chống sự tích tụ mỡ trong gan, giúp tăng cường bài tiết, loại bỏ chất độc (giải độc nhanh). Hỗ trợ trị rối loạn tiêu hoá, dạ dày, hành tá tràng, viêm thận cấp, các chứng bệnh phổi, u xơ tuyến tiền liệt, giảm đau khi bị ung thư gan… phòng và chữa bệnh rất hiệu quả, đặc biệt những bệnh phổ biến hiện nay như: huyết áp, đường huyết cao, tiểu đường, các dạng bệnh do nhiễm độc, vi nấm, nhiễm khuẩn, rối loạn chức năng…

Chia sẻ thông tin trên để bạn đọc tham khảo chứ không phải cổ súy cho việc dùng cây trị bệnh. Bởi như dân gian đã đúc kết: Sai một li đi một dặm, dùng cây không đúng sẽ gặp phải nhiều hệ lụy, không những không khỏi bệnh mà còn có nguy cơ rước họa vào thân.

Rau củ quả giàu estrogen

Lượng estrogen tăng quá cao có thể gây ra chứng chuột rút hoặc mất ngủ. Trong khi đó, tình trạng mệt mỏi, loãng xương hay trầm cảm có thể xảy ra khi estrogen bị suy giảm nghiêm trọng.

Phụ nữ sắp bước vào độ tuổi mãn kinh thường phải đối mặt với sự thay đổi bất thường của estrogen – loại hóc môn có vai trò điều chỉnh hoạt động của cơ quan sinh sản ở phụ nữ. Một chế độ ăn uống lành mạnh với những thực phẩm có hàm lượng estrogen cao được xem là biện pháp an toàn để bổ sung estrogen cho cơ thể thay cho việc phải sử dụng thuốc – vốn luôn đi kèm với nhiều tác dụng phụ. Dưới đây là những thực phẩm giàu estrogen có ích cho sức khỏe của bạn.

1. Củ dền

Củ dền đỏ có nhiều estrogenRau củ quả giàu estrogenNhờ hàm lượng phytoestrogen (estrogen có nguồn gốc từ thực vật) dồi dào, củ dền là lựa chọn tối ưu cho những ai đang muốn cân bằng mức estrogen trong cơ thể. Loại rau củ này còn nổi tiếng về khả năng cung cấp chất sắt, giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu.
2. Cà rốt

Cà rốt là một trong những loại rau mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và sắc đẹp của phụ nữ. Chúng không chỉ cung cấp nhiều estrogen mà còn có chứa các chất chống ô-xy hóa giúp hạn chế những triệu chứng khó chịu trong thời kình tiền mãn kinh vốn có nguyên nhân từ sự suy giảm estrogen.

3. Dưa leo (dưa chuột)

Rau củ quả giàu estrogenLoại rau này cung cấp nhiều nước và phytoestrogen. Do đó, hãy ăn nhiều dưa leo hơn trong mùa hè để bổ sung estrogen và cung cấp thêm nước cho cơ thể khi thời tiết quá nóng.

4. Đậu nành và những sản phẩm từ đậu nành

Nhóm thực phẩm có nguồn gốc từ đậu nành có chứa một lượng lớn các phytoestrogen nên sẽ hỗ trợ kịp thời cho tình trạng mất cân bằng hóc-môn đang diễn ra trong cơ thể. Đậu hủ, sữa đậu nành, sữa chua đậu nành… đều là những nguồn cung cấp phytoestrogen an toàn và hiệu quả. Chúng còn giàu các khoáng chất như sắt, can-xi, giúp phòng ngừa bệnh loãng xương và chứa ít chất béo nên không làm tăng cân.

5. Hạt mè (vừng)

Trong hạt mè tập trung một lượng lớn các phytoestrogen, đặc biệt là nhóm các lignan. Do đó, sử dụng hạt mè thường xuyên trong các món ăn là cách để bạn hạn chế tình trạng thiếu estrogen trong cơ thể.

Hạt lanh là một trong những nguồn cung cấp phytoestrogen có chất lượng nhất. Lượng phytoestrogen trong loại hạt này chủ yếu là các lignan với hàm lượng khoảng 85,5 mg trong 30g hạt lanh.

7. Đậu phộng

Cũng giống như hạt lanh, trong đậu phộng có rất nhiều các lignan – một trong các loại estrogen có nguồn gốc từ thực vật. Loại hạt này là món ăn vặt giàu dinh dưỡng, giúp bạn có cảm giác no lâu nên rất tốt cho những người đang muốn giảm cân.

8. Tỏi

Rau củ quả giàu estrogenLoại gia vị nằm trong dòng họ hành là nguồn cung cấp các isoflavonoid – loại estrogen có hoạt tính mạnh nhất. Tỏi còn có tác dụng kháng khuẩn, giúp chữa trị hiệu quả nhiều chứng bệnh, đặc biệt là những bệnh do vi khuẩn, vi rút gây ra như cảm, cúm…

Giá trị dinh dưỡng của cây hoàn ngọc

Có hàm lượng lớn nhất là 2 chất lupeol và betulin. Đây là 2 chất tritecpen có phổ hoạt tính sinh học rộng, đã có rất nhiều công trình khoa học trên thế giới công bố về hoạt tính sinh học của các chất này

Tác dụng của cây hoàn ngọcLâu nay người tiêu dùng đã khá quen thuộc với sản phẩm trà Hoàn Ngọc trên thị trường, nhưng có thể chưa phân định được tác dụng khác nhau giữa lá và rễ cây hoàn ngọc. Theo các nhà khoa học, quá trình nghiên cứu các thành phần của cây hoàn ngọc, đã phân định được những chất khác nhau và có tác dụng khác nhau từ lá và rễ…

Giá trị dinh dưỡng của cây hoàn ngọcTheo TS Nguyễn Thị Minh Hằng – Viện Hóa sinh biển: Cây Hoàn Ngọc có tên khoa học là (Pseuderanthemum palatiferum (Nees) Raldk.) đã được sử dụng trong dân gian từ rất lâu để chữa một số bệnh. Bộ phận được sử dụng chủ yếu trong dân gian là lá cây. Từ năm 2007, DNTN Trà Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh đã phối hợp với Viện Hóa sinh biển để nghiên cứu về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của cây hoàn ngọc.

Trong quá trình nghiên cứu, từ rễ cây hoàn ngọc, các nhà khoa học của Viện Hóa sinh biển đã phân lập được một số chất có khả năng kháng u thuộc lớp chất tritecpen. Có hàm lượng lớn nhất là 2 chất lupeol và betulin. Đây là 2 chất tritecpen có phổ hoạt tính sinh học rộng, đã có rất nhiều công trình khoa học trên thế giới công bố về hoạt tính sinh học của các chất này.

Trên cơ sở các kết quả đã nghiên cứu về thành phần hóa học của rễ cây hoàn ngọc, trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ tạo chế phẩm hỗ trợ phòng chống khối u từ cây hoàn ngọc” các nhà khoa học đã xây dựng một quy trình chiết xuất được chế phẩm trong đó có tổng hàm lượng lupeol và betulin lớn hơn 80% và đã thử khả năng kháng u của chế phẩm này cùng một số chế phẩm khác từ cây hoàn ngọc.

Bà Bùi Kim Nga, giám đốc DNTN Trà Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh cho biết, lá và rễ cây hoàn ngọc đều đã được nghiên cứu về hoạt tính. Tác động của lá và rễ có những ứu thế khác nhau. Dịch chiết 80% etanol của lá hoàn ngọc khô đã được nghiên cứu sơ bộ về độc tính. Kết quả cho thấy dịch chiết này không thể hiện độc tính cấp và bán cấp trên chuột thực nghiệm ở các liều 1000 mg/kg chuột và 2000 mg/kg chuột qua đường uống và không thể hiện độc tính đối với các tế bào lành tính ở nồng độ 50 µg/mL.

Trước đây dân gian dùng lá cây để khôi phục sức khỏe cho người ốm yếu, mệt mỏi, người già, suy nhược thần kinh, làm việc quá sức, khủng hoảng về tinh thần và thể lực; chữa cảm cúm, rối loạn tiêu hóa; chấn thương, dùng như nước uống và thuốc đắp. Hoàn ngọc có thể chữa viêm loét đại tràng, trĩ nội; đau gan xơ cổ trướng, viêm đường tiết niệu; đau mắt đỏ, mắt trắng, đau không rõ nguyên nhân…

Nhóm của PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, Viện Hóa học (Viện KHCN Việt Nam) nghiên cứu từ lá cây hoàn ngọc thu hái tại Hà Nội đã phân lập được các chất β- sitosterol, phytol, 3-O-(β-D-glucopyranosyl)-sitosterol, hỗn hợp stigmasterol và poriferasterol, 1-triacoltanol, glycerol 1-hexadecanoate, axit palmitic và axit salicylic.

Còn nghiên cứu từ rễ cây hoàn ngọc thu hái tại vườn trồng của DNTN Trà Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh đã phân lập được một số hợp chất tritecpen có hoạt tính sinh học giá trị là lupeol, betulin và lupenone. Rễ cây cũng chứa một số tritecpen khác là epifriedelanol và axit pomolic với hàm lượng nhỏ. Ngoài ra, nó còn chứa một số chất thuộc các lớp chất khác như b-sitosterol, b-sitosterol glucoside… Hai thành phần chính của rễ cây cũng đã bước đầu được nghiên cứu về hoạt tính gây độc tế bào đối với ba dòng tế bào ung thư vú MCF-7, ung thư gan Hep-G2 và ung thư biểu mô KB. Betulin có hoạt tính trên cả ba dòng tế bào được thử MCF-7 (IC50 6,65 µg/ml), Hep-G2 (IC50 32 µg/ml) và KB (IC50 26 µg/ml), còn lupeol có tác dụng đối với dòng tế bào ung thư vú MFC-7 với IC50 là 18,29 µg/ml.

Năm 2010, P. Padee và cộng sự ở Trường Đại học Mahasarakham, Thái Lan đã nghiên cứu tác dụng hạ đường huyết của cao dịch chiết 80% etanol lá cây hoàn ngọc trên chuột bị bệnh tiểu đường bình thường và chuột bị bệnh tiểu đường do streptozotocin. Kết quả cho thấy, dịch chiết đã có tác dụng hạ đường huyết trên chuột bị tiểu đường. Dịch chiết cũng có tác dụng ngăn chặn các biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra và tăng cường chức năng của gan và thận.

Năm 2011, nhóm nghiên cứu của P. Khonsung ở Đại học Chiềng Mai, Thái Lan đã cho biết dịch chiết nước của lá cây hoàn ngọc tươi có tác dụng hạ huyết áp và làm giảm nhịp tim.

8 axit amin thiết yếu tạo nên giá trị dinh dưỡng của cây hoàn ngọc


Axit amin là thành phần chính tạo nên giá trị dinh dưỡng riêng biệt của các phân tử protein, rất cần thiết cho sự sống. 8 loại axit amin thiết yếu có trong cây HN cụ thể là:

1. Phenylalanine: Bồi bổ cho não, tăng cường trí nhớ, tác động trực tiếp đến não bộ, tạo ra vitamin D nuôi dưỡng làn da.

2. Lysine: Giúp cơ thể tăng khả năng hấp thụ canxi, giúp xương chắc khỏe, duy trì trạng thái cân bằng nitơ có trong cơ thể, tránh dãn cơ, mệt mỏi; giúp cơ thể tạo ra chất kháng thể và điều tiết hormone truyền tải thông tin.

3. Leucine: Rất quan trọng trong quá trình điều chỉnh hàm lượng đường trong máu; tốt cho bệnh nhân mắc chứng “hyperglycemia” hoặc những người mong muốn đốt cháy chất béo nhanh chóng. Hơn nữa, loại axit amin này còn có chức năng duy trì lượng hormone tăng trưởng để thúc đẩy quá trình phát triển mô cơ.

4. Isoleucine: Đóng vai trò sống còn trong quá trình phục hồi sức khỏe sau thời gian luyện tập thể dục thể thao. Giúp điều tiết lượng đường glucose trong máu, hỗ trợ quá trình hình thành hemoglobin và đông máu.

5. Threonine: Hỗ trợ hình thành collagen và elastin – hai chất liên kết các tế bào trong cơ thể. Ngoài ra, nó rất tốt cho hoạt động gan, tăng cường hệ miễn dịch và thúc đẩy cơ thể hấp thụ mạnh các dưỡng chất.

6. Valine: Axit amin này chữa lành tế bào cơ và hình thành tế bào mới, đồng thời giúp cân bằng nitơ cần thiết. Ngoài ra, nó còn giúp phân hủy đường glucose trong cơ thể.

7. Tryptophan: Có hai chức năng quan trọng, một là được gan chuyển hóa thành niacin (vitamin B3), hai là cung cấp tiền chất của serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh giúp cơ thể điều hòa sự ngon miệng, giấc ngủ và tâm trạng.

8. Methionine: Chứa lưu huỳnh có tác dụng bảo vệ đặc hiệu tế bào gan, chống nhiễm độc. Methionine còn được dùng như một yếu tố ngăn ngừa tế bào gan thoái hóa mỡ.

Kỹ Thuật Trồng Xoài Úc

Quả to tròn, trọng lượng trung bình 800 g/trái, hương vị ngọt nhẹ, thịt trái cứng chắc, rất ít xơ, khi chín có màu vàng ửng hồng rất đẹp trên u vai quả. Từ ra hoa đến thu hoạch khoảng 04 tháng.

Xoài úcI. Các Giống Xoài

1. XOÀI R2E2

Quả to tròn, trọng lượng trung bình 800 g/trái, hương vị ngọt nhẹ, thịt trái cứng chắc, rất ít xơ, khi chín có màu vàng ửng hồng rất đẹp trên u vai quả. Từ ra hoa đến thu hoạch khoảng 04 tháng.

1. XOÀI KP (Kensington Pride)

Quả hình dạng tròn, có trọng lượng trung bình 400 g/trái, hương vị ngọt thơm, rất ít xơ, khi chín có màu vàng ửng hồng nhẹ trên u vai quả. Từ ra hoa đến thu hoạch khoảng 03 tháng.

II. Kỹ Thuật Trồng & Chăm Sóc

1. MẬT ĐỘ TRỒNG:

Hàng cách Hàng: 07 m; Cây cây Cây: 06 m. Khoảng 240 cây/ha.

2. QUY CÁCH HỐ TRỒNG CÂY:

Hố đào hình vuông, mỗi cạnh 0,5m; chiều sâu hố từ 0,7 – 1m. Định hướng cho bộ rễ ăn sâu xuống dưới, tránh đỗ ngã khi mùa mưa bão tới.

3. CÁCH TRỒNG CÂY CON:

Trộn lẫn phân hữu cơ (10 kg) + DAP (0,2 kg) với đất trong hố cho đều. Lột bỏ bao ny-lon, đặt vào hố trồng sao cho mặt bầu cây con ngang bằng mặt hố, nén chặt quanh gốc cây và tưới đủ ẩm.

4. TẠO HÌNH, TỈA CÀNH:


a. Tạo hình: Bấm ngọn cách gốc 0,7m; chọn 3 chồi khỏe phân bố đều. Khi 3 chồi này được 2 tầng lá, bấm ngọn dưới đọt lá 2. Tương tự như vậy cho các đợt chồi kế tiếp trong khoảng 2 năm đầu.

b. Tỉa cành: Thường xuyên tiến hành sau vụ thu hoạch xoài. Tỉa bỏ các đầu cành có cuống trái, cành bên trong tán, cành sâu bệnh, cành tăm.

5. BÓN PHÂN:

a. Giai đoạn 03 năm đầu sau khi trồng: Dùng phân NPK công thức 20:20:15. Hai năm đầu bón 0,5 kg/cây/năm; năm thứ ba bón 1 kg/cây/năm. Chia làm hai lần bón: mưa giông và đầu mùa mưa chính.

b. Giai đoạn thu hoạch trái: Lượng phân (Bảng kèm theo) chia làm hai lần bón: 2/3 ngay sau thu hoạch, 1/3 khi cây bắt đầu trổ bông.

Khi cây bắt đầu trổ bông, phun thêm vi lượng chứa Bo để tăng đậu trái. Sau ra hoa một tháng phun thêm phân vi lượng chứa Ca để tránh nứt trái, tăng chất lượng trái, giảm bệnh trên trái.

Tuổi cây     Urê (g/cây)     Super lân (g/cây)     K2SO4 (g/cây)
4 – 5     456     375     420
6 – 7     609     500     560
Thời kỳ cho trái ổn định     1.087 – 2.174     1.000 – 2.000     1.000 – 2.000

6. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH CHÍNH:

a. Rầy bông xoài (còn gọi là rầy nhảy):
Gây hại trên đọt non, lá non nhưng nặng nhất là trên hoa làm hoa bị khô và rụng. Nó tạo ra vết thương từ đó nấm bệnh dễ xâm nhập (thán thư), đồng thời nó tiết ra mật ngọt làm nấm bồ hóng phát triển mạnh gây ra đen trái và lá. Phòng trị bằng các thuốc: Trebon, Applaud, Actara, Butyl, … lưu ý khi phun vào chiều mát và tránh thời điểm hoa nở.

b. Sâu đục trái: Gây hại nặng từ khi trái non đến khi trái gần chín. Sâu đục vào đầu trái gây thối và rụng trái, làm giảm sản lượng đáng kể. Nó lây lan nhanh trong phạm vi chùm trái. Trái rụng nhộng trong đó sẽ trưởng thành và vũ hóa thành bướm. Để phòng trị, trước hết phải gom và hủy bỏ toàn bộ trái rụng, sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm lân hữu cơ, carbamate và cúc tổng hợp.

c. Ruồi đục trái: Tấn công mạnh khi trái lớn, làm trái hư và rụng, đây là đối tượng kiểm dịch thực vật của nhiều nước trên thế giới. Phòng trừ bằng các bẫy dẫn dụ (Vizubon, protein). Đối với các giống xoài không cần màu sắc thương phẩm dùng bao trái bọc lại. Tiêu hủy trái rụng. Sử dụng các thuốc nhóm lân hữu cơ, carbamate và cúc tổng hợp.

d. Bệnh thán thư: Gây hại nặng trên hoa và trái xoài. Trên hoa nó làm người ta lầm tưởng hoa hư do sương muối, trên trái nó gây hại nặng trong quá trình tiêu thụ. Sử dụng các thuốc gốc Cu trước mùa ra hoa xoài, khi xoài ra hoa ta dùng các sản phẩm khác như Ridomil, Antracol, Daconil, Mancozeb … (thuộc nhóm lưu huỳnh hữu cơ), carbendazim. Lưu ý khi phun vào chiều mát và tránh thời điểm hoa nở.

Bộ giống cà rốt trồng vụ đông

Cà rốt trồng trên đất bãi, đất phù sa sông, cần đảm bảo đủ ẩm cho cây mọc đều và phát triển tốt. Tỉa, định cây theo đúng mật độ. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện sâu bện để phòng trừ.

Trồng cà rốtCà rốt là cây rau ăn củ chiếm diện tích và sản lượng khá lớn trong cơ cấu giống rau trồng trong vụ đông tại các tỉnh ĐBSH: Hải Dương 1.300-1.500ha/năm, Thái Bình trên 200 ha/năm, Nam Định trên 200 ha/nă... Năng suất trung bình 35-40 tấn/ha, thu 100-150 triệu đồng/ha/vụ (Hải Dương).

Tuy nhiên, năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất cây cà rốt ở các tỉnh không ổn định. Sản phẩm sản xuất ra chưa đạt chất lượng không cao, đôi khi chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên nhân chính, do bộ giống, nguồn giống trồng không chủ động, biện pháp kỹ thuật truyền thống áp dụng không phát huy được tiềm năng, năng suất và chất lượng của giống...

Với những hạn chế của sản xuất cà rốt trên, Viện Cây lương thực - CTP trong 2 năm (2009-2010) tiến hành thực hiện nội dung đề tài: Nghiên cứu tuyển chọn bộ giống và xây dựng biện pháp kỹ thuật sản xuất an toàn cho cây cà rốt ở các tỉnh ĐBSH. Kết quả đã xác định được 4 giống cà rốt nhập nội và biện pháp kỹ thuật canh tác tổng hợp ICM theo VietGAP cho cà rốt tại các tỉnh ĐBSH.

1. Giống Ti-103 của Nhật Bản.

Thời gian sinh trưởng trong khoảng 115-125 ngày, thân lá xanh đậm, cứng khỏe, tán gọn, chiều dài lá 55-60 cm, tổng số lá 12-14 lá. Củ đẹp, vỏ nhẵn, ít mắt, ít phân nhánh, hình trụ, màu vàng da cam sẫm, chiều dài củ 16-18 cm, đường kính củ 5,3-5,8cm, khối lượng củ trung bình 260-280 gam. Năng suất thực thu trong vụ đông sớm đạt 35-40 tấn/ha (gieo hạt 5/9-25/9), chính vụ đạt 45-50 tấn/ha (gieo hạt 25/9-10/10). Chất lượng củ tốt, thích hợp thị hiêu tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu. Hạt giống cà rốt TI-103 đang được bán tại các công ty, đại lý kinh doanh hạt rau giống trên thị trường các tỉnh phía Bắc.

2. Giống New Kuroda, giống Neu Kuroda improved và Super 44.

Ba giống cà rốt này có đặc điểm gần giống nhau. Thời gian sinh trưởng trong khoảng 120-130 ngày, thân lá phát triển mạnh, lá xanh đậm, tổng số lá khoảng 14-16 lá, chiều dài lá 65-70cm. Củ dài, nhẵn, hình trụ hơn thóp phần đuôi củ. củ dài 20-22 cm, đường kính củ 4,5-4,7 cm, khối lượng củ khoảng 210-230 gam. Năng suất đạt 33-35 tấn/ha (vụ sớm) và 40-45 tấn/ha (chính vụ). Chất lượng tốt, thích hợp thị hiêu tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu. Hạt giống cà New Kuroda, giống Neu Kuroda improved và Super 44 đang được bán tại các công ty, đại lý kinh doanh hạt rau giống trên thị trường các tỉnh phía Bắc.

* Kỹ thuật trồng cà rốt được áp dụng cho các tỉnh ĐBSH như sau:


Thời vụ gieo: Vụ sớm (gieo 15 tháng 8 - 5 tháng 9, thu hoạch vào tháng 11-12), chính vụ (gieo 15 tháng 10 - 5 tháng 11, thu hoạch tháng 12 - 1 năm sau), vụ muộn ( gieo 15 tháng 11- 5 tháng 12, thu hoạch tháng 3 - 4 năm sau).

- Kỹ thuật gieo hạt: Luống rộng: 0,8 - 1,0 m, cao: 0,3 m, rãnh 0,3 m. Trên mặt luống xẻ 3 hàng theo chiều dọc sâu 3-5cm cách nhau 20cm để gieo hạt. Lượng hạt cần: 2,8-3,0 kg/ha (100 gam/360m2). Mật độ cây sau khi tỉa, vun xới lần 1 là 375.000 cây/ha, khoảng cách trồng (20 x 8) cm.

- Cà rốt trồng trên đất bãi, đất phù sa sông có thể áp dụng công thức phân bón: 5 tấn phân hữu cơ vi sinh + 600 kg NPK: 16-8-16-13S+TE + 100 kg đạm urê hoặc dùng 5 tấn phân hữu cơ + 900 kg NPK: 7:7:14 + 100 kg đạm urê.

- Cần đảm bảo đủ ẩm cho cây mọc đều và phát triển tốt. Tỉa, định cây theo đúng mật độ. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện sâu bện để phòng trừ. Bệnh sương mai: các loại thuốc sử dụng: Curate 72 WP, Ridomil MZ 72 WP, Daconil 72WP, nồng độ 0,2-0,25% phun vào buổi chiều mát, không mưa. Xử lý đất trước khi gieo hạt bằng vôi bột và duy trì độ ẩm đất ổn định 70-75% trước khi thu hoạch 20-25 ngày sẽ hạn chế bệnh thối củ. Dùng 2 loại thuốc: Eska 250Ec và Emaben 3.6WG phong trừ sâu vẽ bùa

- Chú ý, trước khi thu hoạch 20-25 ngày, không bón bổ sung thêm phân bón và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Duy trì độ ẩm đất 70-75% để nâng cao chất lượng củ và an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm.

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Một số lưu ý khi ăn chay

Ăn chay đang dần trở thành xu hướng ẩm thực trong cuộc sống trên khắp thế giới. Trong nhịp sống hiện đại nhiều áp lực, mọi người thường tìm đến những quán ăn chay để giảm đi nặng nề trong cuộc sống, cũng là cách phòng bệnh hiệu quả.

Ăn chay khoa học và đúng cáchĂn chay là một chế độ ăn uống bao gồm các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, hoàn toàn không sử dụng các loại thịt hoặc các sản phẩm có từ quá trình giết mổ. Chủ nghĩa ăn chay đã có từ lâu đời, đến nay đã có rất nhiều người nổi tiếng, nhiều ngôi sao trong làng giải trí theo chủ nghĩa ăn chay như Tổng thống Bill Clinton, ca sĩ Alicia Silvetone, ca sĩ Beyoncé…

Ăn chay để phòng bệnh

Khi chuyển sang chế độ ăn chay, chúng ta thường có xu hướng tránh xa các chất kích thích, tăng hoạt động thể lực, tập yoga, thiền… khả năng chịu đựng stress cao và khả năng phòng bệnh cũng tốt hơn.

Người ăn chay hoàn toàn không dung nạp thịt, mỡ nên ít có nguy cơ béo phì hơn người ăn mặn. Nhờ đó mà họ ít có nguy cơ mắc các bệnh do béo phì như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh động mạch vành…

Các nghiên cứu cho thấy, thức ăn chay chứa nhiều chất xơ và ít acid béo hòa tan, giảm nguy cơ ung thư đại tràng. Thức ăn chay còn chứa nhiều chất có thể ngừa ung thư như các chất chống oxy hóa và một số hóa chất thực vật. Nghiên cứu ở các nước cho thấy, tỷ lệ người ăn chay mắc bệnh và tử vong vì bệnh tim mạch thấp hơn hẳn so với người ăn mặn.

Người ta cho rằng thức ăn chay chứa nhiều chất xơ, ít chất béo, ít cholesterol, tỷ lệ giữa chất béo không no và chất béo no cao. Vì vậy, thói quen ăn chay giúp cho lượng cholesterol trong máu, nhất là loại LDL, thấp hơn hẳn so với người ăn chay có dùng sữa và người ăn thịt. Lượng mỡ trong máu tùy thuộc nhiều vào số lượng và loại chất béo mà người ăn chay ăn vào.

Ngoài ra, người ăn chay ít bị sỏi thận, giảm bệnh gout và giảm hẳn các triệu chứng của bệnh khớp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng ăn chay không phải là phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp, nhưng ăn chay trường có tác dụng trong việc phòng ngừa bệnh. Tuy người ăn chay cũng bị loãng xương như người ăn mặn, nhưng nhờ chế độ ăn không có thịt, nhiều estrogen thực vật kết hợp với hoạt động thể lực nhiều là những yếu tố giúp phòng chống loãng xương.

Một số lưu ý khi ăn chay

Ăn chay đúng cách mới tốt cho sức khỏe. Vì vậy, trước khi quyết định chuyển sang ăn chay, chúng ta cần lưu ý những điều sau:

Đừng chuyển quá nhanh sang chế độ ăn chay

Chúng ta không nên chuyển sang chế độ ăn chay ngay lập tức mà cần có thời gian và quá trình luyện tập dần dần thì mới làm quen được với chế độ ăn uống mới. Không thể đòi hỏi cơ thể qua một đêm phải thích ứng ngay với chế độ ăn chay.

Trước hết, hãy tăng những món ăn từ những thực phẩm thực vật trong bữa ăn hằng ngày, đồng thời giảm bớt lượng thực phẩm từ động vật. Sau một thời gian chuyển đổi từ từ, chúng ta sẽ thích nghi với chế độ ăn chay hoàn toàn.

1. Bổ sung vitamin B12

Hầu hết vitamin B12 chỉ có trong các thực phẩm từ động vật. Vì vậy, khi chuyển sang chế độ ăn chay hoàn toàn, chúng ta cần phải lựa chọn những thực phẩm được bổ sung vitamin B12 hoặc uống thêm những viên bổ sung vitamin B12. Vitamin B12 giữ cho những tế bào máu và tế bào thần kinh hoạt động hiệu quả và giúp tạo ra DNA.

Thiếu vitamin B12 sẽ làm cơ thể mệt mỏi, táo bón, ăn không ngon, giảm cân ngoài ý muốn, và một số vấn đề về thần kinh như trầm cảm. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng vitamin B12 cần bổ sung.

2. Bổ sung sắt

Sắt trong thực phẩm có hai dạng: (1) sắt trong các thực phẩm từ động vật (là dạng heme) và (2) sắt trong các thực phẩm từ thực vật (là dạng non-heme). Dạng heme dễ dàng được hấp thụ vào cơ thể, trong khi dạng non-heme khó được hấp thụ hơn. Do đó, nếu ăn chay hoàn toàn, chúng ta cần cung cấp nhiều sắt ở dạng non-heme hơn để cơ thể hấp thụ đủ lượng sắt.

Những thực phẩm chay cung cấp nhiều sắt là: các loại rau củ, hạt hướng dương, nho khô, các loại rau lá xanh. Chúng ta cũng có thể sử dụng những viên uống bổ sung sắt.

Ngoài ra, vitamin C giúp tăng cường sự hấp thụ sắt vào cơ thể. Khi bổ sung sắt, hãy đồng thời bổ sung vitamin C. Những thực phẩm giàu vitamin C là ớt chuông, trái cây họ cam chanh và bông cải xanh.

3. Bổ sung protein


Dù ăn chay hoàn toàn nhưng chúng ta phải đảm bảo cung cấp đủ protein cho cơ thể. Protein sẽ được chuyển hóa thành các axit amin, có nhiệm vụ đảm bảo cho các tế bào phát triển và tái tạo.

Lượng protein cần thiết hằng ngày là 0,8 gam cho mỗi kilo cân nặng. Những thực phẩm chay chứa nhiều protein là: đậu nành, đậu lăng, các loại đậu, các loại hạt, thịt chay (làm từ đạm đậu nành).

4. Đừng thay thế đạm động vật bằng các loại thức ăn nhanh

Thay thế thịt bằng các loại bánh mì trắng và các loại thực phẩm ăn nhanh là một thất bại của người muốn ăn chay để giảm cân. Thay vì chọn ăn nhiều loại thực phẩm giàu đạm, vitamin và khoáng chất, chúng ta lại ăn các loại thức ăn nhanh ít giá trị dinh dưỡng mà lại có quá nhiều calori. Hậu quả là đói bụng, luôn có cảm giác thèm ăn và tăng cân.

5. Tranh cãi quanh đạm đậu nành


Nói chung, vẫn còn tranh cãi quanh việc nạp nhiều đạm đậu nành thì lợi hay hại. Mặc dù các nhà khoa học vẫn còn đang tranh luận về những ảnh hưởng của đậu nành đối với ung thư và tim mạch, có một điều chắc chắn là tiêu thụ quá nhiều thịt chay đậu nành được cho là tồi tệ hơn tiêu thụ sản phẩm động vật chất lượng cao.

Thịt chay thường được xử lý với nhiều muối và chất bảo quản, do đó, hãy đọc nhãn cẩn thận. Các nguồn đậu nành lành mạnh là đậu hũ non, đậu hũ, sữa đậu nành và đậu nành trái của Nhật.

6. Ăn chay vẫn cung cấp đủ canxi cho cơ thể

Người trưởng thành trong độ tuổi từ 19 đến 50 có nhu cầu canxi khoảng 1.000mg mỗi ngày. Chế độ ăn chay hoàn toàn cung cấp đủ nhu cầu canxi này và những người ăn chay có nguy cơ gãy xương ngang với những người ăn mặn.

Vì vậy, chúng ta nên chú ý ăn thực phẩm thật đa dạng, đặc biệt là những thực phẩm giàu canxi như: rau cải xoăn, cải thìa, hạnh nhân, đậu nành, cam, quýt… và những thực phẩm chay được bổ sung canxi như: ngũ cốc, đậu hũ… Những thực phẩm này cũng giàu vitamin D nên sẽ giúp cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả hơn.

Mẹo để luộc rau ngon

Luộc là phương pháp chế biến thức ăn đơn giản nhất nhưng không phải ai cũng biết luộc đúng cách.

Một số mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn có thêm hiểu biết về phương thức đơn giản nhất trong việc nội trợ đồng thời bảo toàn được dinh dưỡng cũng như hương vị cho các món rau luộc.

Rau luộc đúng cáchLuộc rau không chỉ đơn giản là cho rau vào nước sôi, đợi rau chín rồi vớt ra. Càng giản tiện trong quy trình bao nhiêu, càng cần phải có bí quyết bảo đảm độ hấp dẫn cho các món ăn bấy nhiêu.

1. Muối và nước đá

Để giữ rau sau khi luộc vẫn giữ được màu xanh tự nhiên đồng thời có vị giòn và không bị nát, bí quyết dành cho bạn là muối và nước đá lạnh. Quy trình như sau:

- Chuẩn bị các loại rau, thái miếng theo ý thích của bạn.

- Cho nước vào nồi đun sôi trên lửa cao. Chờ nước thật sôi mới cho rau vào luộc; thêm ít muối vào để giữ màu cho rau. Tỷ lệ hợp lý là một muỗng cà-phê muối trên mỗi nửa lít nước luộc. Thời gian luộc rau khoảng 2-5 phút tùy theo từng loại rau. Sau 30 giây, đảo rau và thử nghiệm độ chín. Khi rau chín vớt ra và thả vào bát nước đá.

- Khi rau nguội, vớt ra và để ráo. Làm như thế, rau sẽ ngon, giòn và không bị nát.

2. Dầu ăn

Khi luộc rau, bạn có thể cho một chút dầu ăn vào nồi nước luộc. Dầu ăn sẽ phủ một lớp mỏng bên ngoài, giúp rau của bạn xanh và bóng hơn. Đồng thời, lớp dầu ăn còn có thể giúp rau xanh lâu hơn mà không bị đổi màu. Tuy nhiên nước luộc sẽ có váng mỡ, tùy theo khẩu vị của gia đình mà có thể sử dụng hoặc không.

3. Chanh hoặc giấm

Một vài giọt chanh hoặc giấm cũng rất hữu ích trong việc giữ màu một vài loại rau củ như súp lơ, cà rốt. Chúng cũng rất hữu ích trong việc tăng thêm hương vị các loại rau củ.

Một lưu ý đặc biệt khác bạn nên nhớ, khi luộc bất kì rau củ nào cũng nên đậy nắp vung, để nước ngập phần rau. Khi rau chín tới phải vớt ra ngay, vừa bảo toàn vitamin trong rau lại không làm mất màu xanh. Hãy thưởng thức rau luộc càng sớm càng tốt để món ăn được ngon miệng và tận dụng được nhiều dinh dưỡng.

Cách dùng cây thù lù làm rau

Thực tế cho thấy cây mọc ở vùng có độ cao so với mặt nước biển ăn bùi và thơm hơn cây mọc ở vùng đồng bằng, đặc biệt là khi cần làm thuốc người ta thường tìm đến cây rau Tầm Bóp của các vùng núi cao.

Theo quyển  Cây có vị thuốc  ở Việt Nam của Phạm Hoàng Hộ, cây thù lù thuộc họ cà – Solanaceae và có 3 loài:
Cây thù lù cảnh - Physalis alkekengi L
Thù lù kiểng , tên khoa học là Physalis alkekengi L
Cây tầm bóp - thòm bóp - hay thù lù canh - Physalis angulata L
Thù lù canh, tên khoa học Physalis angulata L
THù lù nhỏ - Physalis minima L
Thù lù nhỏ, tên khoa học Physalis minina L

Cả 3 loài đều có vị thuốc và được dùng như rau trong đó thù lù cạnh hay còn gọi là cây tầm bóp được sử dụng phổ biến nhất.

1. Cách dùng cây thù lù làm rau

1.1 Sử dụng lá và đọt non làm rau

Dân gian Việt Nam đã sử dụng rau Tầm bóp từ rất lâu và ở các vùng quê không ai không biết đến rau Tầm bóp, trước đây khi kinh tế còn gặp nhiều khó khăn vào những thời kỳ giáp hạt, rau Tầm bóp được sử dụng như một loại rau “cứu đói”.

Thực tế cho thấy cây mọc ở vùng có độ cao so với mặt nước biển ăn bùi và thơm hơn cây mọc ở vùng đồng bằng, đặc biệt là khi cần làm thuốc người ta thường tìm đến cây rau Tầm Bóp của các vùng núi cao.

Do những đặc tính như vậy nên hiện nay rất nhiều người sử dụng rau Tầm bóp đặc biệt là người dân ở những thành phố lớn và họ coi đây là một loại rau sạch vì hiện nay nó vẫn mọc hoàn toàn hoang dại và đặc tính dinh dưỡng và chữa bệnh của nó.

Rau Tầm bóp có thể chế biến thành nhiều món ăn như nấu canh với ngao, cua,  tôm hoặc ăn lẩu, luộc xào.. đều rất ngon.

2.2 Quả chín được dùng như trái cây

Cây thù lù cạnh là quả ruột rổng không có giá trị để ăn quả. Tuy nhiên loại cây thù lù ruột đặc Nam Mỹ có tên khoa học là Physalis peruviana có quả như quả cà chua nhỏ có vị chua ngọt và rất bổ dưỡng được xuất khẩu sang Bắc Mỹ và Châu Âu với tên gọi là quả anh đào đất (groundcherry) hay quả cà chua dại (wild tomato), rất được nhiều người ăn kiêng ưa chuộng. Ở Việt Nam cây thù lù hay thù lù lông có tên khoa học là Physalis peruviana, cùng loài nhưng khác giống với cây thù lù đặc ruột Nam Mỹ và cây thù lù nhỏ có tên khoa học là Physalis minima cũng có ruột đặt gần giống như loài này nhưng có quả nhỏ và kém ngon hơn.

2. Cách dùng cây thù lù làm thuốc

Trong dân gian và Đông y có nhiều kinh nghiệm dùng các bộ phận của cây thù lù cạnh để chữa một số bệnh.

Theo thaythuoccuaban.com thì cây thù lù cạnh Physalis angulata có các đặc tính và tác dụng như sau:

Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Physalis Angulatae.

Nơi sống và thu hái: Mọc hoang ở khắp nơi trên các bờ ruộng, bãi cỏ, đường làng, đất hoang, ven rừng từ vùng thấp đến độ cao 1500m. Thu hái cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.

Tính vị, tác dụng:

Toàn cây có vị đắng, tính mát, không độc; có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, khư đàm chỉ khái, nhuyễn kiên tán kết.

Quả có vị chua, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, tiêu đờm.

Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Thường dùng trị cảm sốt, yết hầu sưng đau, ho nhiều đờm, phiền nhiệt nôn nấc. Dùng 20-40g khô sắc uống.

Dùng ngoài trị nhọt vú, đinh độc, đau bìu dái. Dùng 40-80g cây tươi giã vắt lấy nước cốt uống, bã thì dùng đắp; hoặc nấu nước rửa.

Quả Tầm bóp ăn được và dùng chữa đờm nhiệt sinh ho, thủy thũng và đắp ngoài chữa đinh sang, rễ tươi nấu với tim lợn, chu sa dùng ăn chữa được chứng đái đường.

Một số bài thuốc khác

- Dùng trị viêm họng, khan tiếng, ho khan, ho có đờm đặc, trị tiểu ít, ban đỏ, thủy đậu (trái rạ), bệnh tay chân miệng, cúm gia cầm: Liều dùng 15 – 30 g cành mang hoa lá khô (tươi 50 – 100 g) sắc uống trong ngày. Dùng 3 – 5 ngày liền. (Nguồn: Chuyên đề sức khỏe KHPT).

- Lá cây thù lù cạnh rất tốt cho dạ dày, do đó ngoài việc dùng tầm bóp làm thuốc chữa bệnh người ta còn dùng thứ cây này như một vị rau ăn hàng ngày. Rau tầm bóp ăn hơi đắng nhưng thanh mát dễ ăn. Lẩu rau tầm bóp cũng là một món ngon, lạ chúng ta nên thưởng thức. (Theo BACSI.com -TTVN).

- Quả Tầm bóp ăn được và dùng chữa đờm nhiệt sinh ho, thủy thũng và đắp ngoài chữa đinh sang, rễ tươi nấu với tim lợn, chu sa dùng ăn chữa được chứng đái đường. (Theo BACSI.com -TTVN).

- Những người hay lênh đênh sông nước nên ăn quả này thường xuyên vì lượng Vitamin C và B1, tiền vitamin A trong quả tầm bóp rất cao nên rất tốt cho cơ thể. Ngoài ra quả tầm bóp còn có thể phòng ngừa các bênh về đường tiết niệu và viêm thận ví dụ sỏi thận, sỏi bàng quang và chữa bệnh gut rất tốt. (Theo BACSI.com -TTVN).

- Bài thuốc trị ung thư (tử cung, họng, phổi, đại tràng)

Cây tầm bóp hay Thù lù cạnh (hoặc Thù lù nhỏ) cành mang hoa, trái, lá khô 30g (tươi 100g). Bạch truật 20g. Cát cánh 10g. Mạch môn 10g. Huyền sâm 10g. Hoàng cầm 10g. Cam thảo 4g.

Dược liệu rửa sạch, chặt nhỏ, đổ 4 chén nước, sắc còn 2 chén, chia 2 lần uống trong ngày (có thể sắc thêm nước nhì uống buổi tối). Dùng 15 – 20 ngày liền. Nghỉ 10 ngày, dùng tiếp đợt thứ 2, thứ 3

3. Công dụng khác của cây thù lù

- Quả để khô có thể làm mứt.

- Cây có thể trồng như cây cảnh trong vườn

Thù lù là loài cây hoang dại nên ít được chú ý khai thác để dùng làm rau sạch, loài cây này mọc tự nhiên nơi hoang dã nên hoàn toàn sạch, không bị ô nhiểm hóa chất và rác thải sinh hoạt. Rất dễ tìm và dễ trồng, trồng một lần cây có thể tái sinh sản bằng hạt tại chổ nên ta sẽ có thữa rau chỉ trồng một lần nhưng sử dụng nhiều năm

8 cách làm đẹp đơn giản từ cà chua

Giảm cân, làm chậm quá trình lão hóa da, loại bỏ mụn… là những lợi ích chăm sóc sắc đẹp tuyệt vời từ cà chua

1. Chống lão hóa

8 cách làm đẹp đơn giản từ cà chuaDo chứa chất oxy hóa cao nên cà chua là một trong những nguyên liệu tuyệt vời giúp bạn níu giữ tuổi thanh xuân với làn da căng tràn. Cách thự hiện như sau: Bóc vỏ và loại bỏ hạt, dùng thìa nghiền nhuyễn cà chua rồi trộn đều với bột đậu xanh theo tỷ lệ 1:1. Nếu hỗn hợp bị đặc, các nàng có thể thêm chút dầu olive và đắp lên mặt trong 20-30 phút, sau đó rửa sạch mặt bằng nước lạnh. Cà chua tăng sự vững chắc của liên kết collagen, đậu xanh và dầu olive đem đến nét mềm mại tuyệt vời cho da.

2. Giảm cân

Nước ép cà chua hỗ trợ cảm giác thèm ăn, từ đó bạn sẽ tiêu thụ đồ ăn ít hơn. Bên cạnh đó, loại quả này làm chậm quá trình lên men trong ruột nên phái đẹp sẽ no lâu hơn nếu uống hai ly cà chua ép mỗi ngày.

3. Loại bỏ dầu trên da

Với đặc tính giàu carotene, kali, cà chua giúp bạn kiểm soát, cân bằng và loại bỏ lượng dầu thừa trên da. Chỉ cần thoa hỗn hợp nước ép cà chua và dưa chuột lên mặt hằng ngày, da sẽ được kiềm dầu, đồng thời lỗ chân lông cũng thông thoáng hơn.

4. Se khít lỗ chân lông

Trộn đều nước ép cà chua cùng nước cốt chanh theo tỷ lệ 3:1 rồi thoa đều lên mặt trong vòng 20 phút và rửa sạch mặt bằng nước ấm. Phương pháp này không những hỗ trợ se khít lỗ chân lông mà còn giúp da trắng sáng hơn. Bạn nên đắp loại mặt nạ này 2-3 lần/ tuần nhằm nhanh chóng đạt được hiệu quả.

5. Hạn chế gàu

Bạn dùng thìa nghiền nhuyễn cà chua đã bỏ hạt, bóc vỏ và thoa lên tóc. Sau đó, massage da đầu trong 30 phút, gội sạch đầu bằng nước lạnh. Ngoài việc hạn chế gàu, cà chua còn kích thích sự tăng trưởng, giữ màu tự nhiên cho mái tóc.

6. Giảm mụn trứng cá

Do chứa nhiều vitamin A, C nên cà chua rất hữu ích trong việc giảm mụn trứng cá. Bạn có thể cắt cà chua thành từng lát mỏng rồi chà nhẹ lên vùng da mụn theo chuyển động tròn trong 10 phút và rửa lại mặt bằng nước lạnh. Những nốt đèn pin xấu xí sẽ nhanh chóng biến mất nếu bạn áp dụng biện pháp này 3-4 lần/ tuần.

7. Chữa cháy nắng

Loại quả này chứa lycopene có tác dụng chống tia UV rất tốt. Khi bị cháy nắng, bạn gái có thể thoa hỗn hợp nước ép cà chua với bơ lên vùng da bị ảnh hưởng trong 30 phút để làm dịu các vết bỏng rát.

8. Tẩy tế bào chết


Cho lát cà chua đã bỏ hạt vào bát đường rồi chà nhẹ lên gương mặt. Phương pháp này sẽ lấy đi những tế bào chết, giúp da sáng, mịn, tràn đầy sức sống. Phái đẹp nên thực hiện hai lần/ tuần để da luôn khỏe, đẹp.

Giá trị dinh dưỡng của trái chôm chôm

Thứ quả này ngoài giá trị dinh dưỡng cao do chứa nhiều vitamin C, giàu đạm, chất béo và các nguyên tố vi lượng như đồng, mangan, kali, canxi, sắt, phospho… còn được dùng để làm thuốc chữa bệnh.

Quả chôm chôm có nhiều lợi íchChôm chôm là một trong những loại quả rất thông dụng trong đời sống. Chôm chôm ngọt, thơm như quả vải, nhưng đôi khi có vị hơi chua và không lóc hạt do phần thịt quả dính vào hạt. Thứ quả này ngoài giá trị dinh dưỡng cao do chứa nhiều vitamin C, giàu đạm, chất béo và các nguyên tố vi lượng như đồng, mangan, kali, canxi, sắt, phospho… còn được dùng để làm thuốc chữa bệnh.

Theo kinh nghiệm dân gian, các bộ phận của quả chôm chôm đều có tác dụng trị bệnh. Quả chôm chôm xanh và vỏ quả có chứa nhiều tanin, được dùng để chữa tiêu chảy, kiết lỵ, sốt… với liều 20 – 30g. Ví như để hạ sốt: có thể lấy 15g vỏ chôm chôm rửa sạch, sắc uống vài lần trong ngày; để chữa lỵ: dùng 10 trái chôm chôm thái vụn, sắc uống 2 lần trong ngày. Hạt chôm chôm còn gọi là thiều tử, vị ngọt, tính ấm, chứa nhiều chất béo không no như olein, arachidin (36,26%)…, có tác dụng tiêu viêm kháng khuẩn, được dùng để chữa bệnh tiểu đường, viêm niêm mạc miệng, kiết lỵ, các vết loét lâu ngày, điều chỉnh lipid máu, giảm béo và làm đẹp da. Ví như để chữa tiểu đường: có thể dùng 5 hạt chôm chôm rang chín, giã nhuyễn thành bột, chế thêm nước sôi uống 1 – 2 lần trong ngày; để giảm béo: có thể ăn sống hạt chôm chôm hoặc rang rồi trộn với các loại thực phẩm khác. Với công dụng điều chỉnh lipid máu, giảm béo và rất giàu vitamin C nên chôm chôm là thứ quả tuyệt vời cho những người bị vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, tăng đường huyết… Tuy nhiên, vì chứa nhiều chất béo nên nếu ăn quá nhiều hạt chôm chôm có thể xuất hiện cảm giác say say và gây buồn nôn, đầy bụng.