Pages

Cây giống cây ăn quả

Cung cấp các loại giống cây ăn quả mới với chất lượng cây giống tốt nhất

Hoa lan giống

Cung cấp các loại lan giống như: Đai châu, Hồ điệp, Vũ nữ, Cattleya, Vanda và Dendro

Cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây trồng rừng

Cung cấp các loại cây cảnh, cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây trồng rừng như: Cây Sưa đỏ, Cây Xoan đào, Xoan ta, Mây nếp ...

Giống rau, giống cây nông nghiệp

Cung cấp các loại giống rau, giống mới, giống cây nông nghiệp ngắn ngày năng suất cao, : Cây chùm ngây, cây su su, gấc cao sản

Kỹ thuật trồng cây

Kỹ thuật trồng cây ăn quả, kỹ thuật trồng rau, kỹ thuật trồng hoa và cây cảnh.

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Hồ điệp rụng hoa, thối nụ

Nếu ta không có một ít kiến thức về môi trường sinh sống của lan Hồ điệp thì vô tình ta đã làm giảm tuổi thọ cây lan quí của mình, mà điều ta thường gặp nhất là hiện tượng rụng hoa, thối nụ

1. Những nguyên nhân  làm lan hồ điệp rụng hoa, thối nụ

- Nhiệt độ trong nhà quá nóng. Lan hồ điệp ưa thích được giữ trong nhiệt độ 55-65°F (13.3-18.3°C).
- Nếu nhiệt độ thay đổi quá đột ngột cũng sẽ làm cho hoa chóng tàn.
- Để lan gần máy lạnh hay quạt thổi thằng vào.
- Tưới nước quá nhiều và quá thường xuyên. Nên nhớ lan hồ điệp thích ẩm chứ không thích quá ướt. Nhiều tiệm bán hoa, để lan trong chậu sứ không có lỗ thoát nước. Nếu rễ lan lúc nào cũng ướt sũng, rễ sẽ bị thối và không có thể hút nước nuôi cây được. Hoa sẽ rụng, lá sẽ mềm nhũn và nhăn nheo. Trái lại nếu thiếu nước hoa lá sẽ hơi héo nhưng khi được tưới nước hoa, lá sẽ tươi trở lại.
- Trong nhà độ ẩm thường quá thấp làm cho hoa sớm rụng, lá sẽ nhăn nheo.
- Không nên phun nước vào hoa làm cho hoa chóng tàn và dễ bị nhiễm trùng.

2. Khắc phục hiện tượng lan hồ điệp rụng hoa, thối nụ


- Trước hết ta lấy cây ra khỏi chậu, quan sát những gì trước mắt. Chắc  chắn là ta sẽ thấy đám rễ của cây lan hồ điệp đã nhũn hết;
- Dùng xà phòng rửa chén rửa cây cho sạch ( pha khoảng 2ml xà phòng/1 lít nước). Lấy dao hay kéo hơ lên trên bếp để khử trùng hay lưỡi dao cạo mới cắt bỏ hết rễ thối, lá vàng và cành hoa. Đừng có tiếc giữ cành hoa lại vì cây không còn rễ tốt để nuôi cây và cành hoa;
- Dùng bột quế, bột diêm sinh bất cứ thuốc diệt trùng, diệt nấm nào có, rắc lên trên các vết cắt và trên rễ. Sau đó cho vào bao nylon, bịt kín lại rồi treo vào chỗ ấm áp và rợp mát. Ba bốn tuần sau, cây bắt đầu mọc rễ. Khi rễ dài chừng 3-4 cm đem ra trồng với vỏ thông, than củi hay vỏ dừa loại trung bình. Đem ngâm vỏ cây tối thiểu 24 giờ trước khi trồng;
- Lấy một chiếc chậu mới bằng nhựa hay đất, miệng rộng khoảng 15 cm dưới đáy lót hột móp (peanut foam) chừng 2-3 cm. Để cây vào giữa chậu, bỏ vỏ cây hay vỏ dừa vào chung quanh, rồi dùng ngón tay ấn chặt quanh miệng chậu cho cây khỏi lung lay. Ngưng tưới nước 2-3 tuần lễ và chỉ phun sương;
- Sau đó tưới nước và bón phân như sau: mỗi tuần lễ tưới 1 lần. Mang cây ra chỗ rửa chén hay phòng tắm tưới đi tưới lại cho thật sũng nước và bón phân 15-15-15 pha ½ thìa cà phê với 4 lít nước rồi mang cây để gần cửa sổ. Phía dưới chậu nên có một khay nước đựng nước, trên gác 2-3 chiếc đũa rổi để chậu lan lên trên cho có độ ẩm. Khi cây mọc mạnh, lá cứng cáp sẽ ra hoa trở lại.

3. Điều cần lưu ý trong chăm sóc lan Hồ điệp

- Không nên trồng lan Hồ điệp với rêu vì rêu chóng mục, giữ chất muối ở trong nước và phân bón cho nên mỗi năm phải thay một lần. Các vườn lan trồng lan với rêu vì , độ ẩm cao, nhiệt độ, ánh sáng cũng như phân bón đã được nghiên cứu kỹ càng, hơn nữa nước tưới của họ rất tốt cho nên họ chỉ cần tưới khoảng 2 tuần lễ một lần. Chúng ta không đủ phương tiện làm theo được.
- Khi tưới, đợi vỏ cây trên mặt chậu thật khô rồi mới tưới và nên tưới cho thật đẫm để nước có thể ngấm vào trong lõi vỏ cây. Tưới mỗi lần một chút, vỏ cây chóng khô và có thêm nhiều cặn muối không tốt cho cây.
- Không nên bỏ nước đá vào trong chậu vì nước đá làm rễ bị lạnh không hút được nước. Hơn nữa cây lan Hồ điệp không ưa bị lạnh như vậy. Nếu nhiệt độ trong nhà hơi lạnh hoa sẽ lâu tàn hơn, nhưng nếu nhiệt độ thay đổi quá mau chỉ làm cho hoa chóng tàn và thúi nụ.
- Chỉ bón phân khi cây mọc mạnh và ra rễ. Rễ cây bị thối làm sao hút dược nước và phân bón. Mỗi lần chỉ bón 1/2 hay 1/4  thìa cà phê mà là thìa gạt chứ không phải là thìa đầy. Bón phân quá mạnh sẽ làm cháy đầu rễ.
- Không nên để lan Hồ điệp ở gần bếp vì lan rất nhạy cảm với mùi gas và mùi dầu mỡ có thể làm hoa chóng tàn và thối nụ. Hơn nữa mỗi khi đốt bếp nhiệt độ sẽ tăng lên, khi tắt bếp nhiệt độ giảm xuống. Lan Hồ điệp không thích nhiệt độ thay đổi đột ngột .

Lan không ra hoa

Cây lan không ra hoa có nhiều nguyên do, xin trình bầy rõ ràng để bạn tự tìm hiểu lý do và cho mình một câu trả lời chính xác hơn.

Sau đây là nhưng nguyên nhân khiến cho cây không ra hoa:
• Không đủ ánh sáng
• Cây chứa đủ lớn để ra hoa
• Chưa đến mùa ra hoa
• Nuôi trồng không đúng cách

1. Không đủ ánh sáng

90% nguyên nhân lan không ra hoa là thiếu ánh sáng hay ánh nắng. Mỗi loại lan cần nhiều ánh nắng hay ít, lâu hay mau. Những loài lan như Vanda, Mokara cần nhiều ánh nắng gần như ở ngoài nắng. Các loài như Cattleya, Dendrobium cần ít nắng hơn Vanda và các loài như Paphiopedilum chẳng hạn cần ở trong bóng rợp.

Thông thường thấy lá xanh đậm là thiếu nắng, lá vàng vọt hay có mầu tím hay cây còi cọc là nhiều nắng, bị cháy lá là quá nhiều nắng. Lá mầu xanh hơi vàng là đủ ánh sáng.Có những loài lan chỉ cần ánh nắng khoảng 4-5 giờ là đủ như Hồ điêp (Phalaenopsis) Lan Hài (Paphiopedilum) nhưng cũng có loài cần phải 8-10 tiếng như Vanda nhưng không quá 12 giờ một ngày. Những cây non cần từ 12-16 giờ mới đủ để tăng trưởng.

Ngược lại khi ban đêm đèn sáng quá, lan sẽ lẫn lộn ngày đêm và không ra hoa.

2. Cây chứa đủ lớn để ra hoa

Lan cũng như người, phải tới tuổi trưởng thành mới có thể đơm hoa kết trái.

Lan gieo từ hạt: Trung bình những giống lan Hồ điệp mọc ra từ hạt và trồng trong điều kiện tốt nhất cũng phải 2-3 năm mới có hoa. Những giống như Cattleya, Dendrobium Oncidium từ 4-6 năm, riêng giống Dendrobium speciosum và nhiều giống khác phải từ 9-10 năm mới ra hoa.

Lan tách nhánh: Thông thường những cây lan nếu tách nhánh đúng cách, nghĩa là phải đủ tối thiểu 3 củ hay 3 nhánh, vào đúng mùa và nuôi trồng đúng cách có thể ra hoa ngay trong năm đó. Nếu cây non bị èo uột chậm lớn không đủ trưởng thành, quá nhỏ so với kích thước của cây mẹ không thể ra hoa. Lại có những giống lan không ưa bị quấy nhiễu hay đụng chạm đến như Coelogyne, Dendrobium v.v. do đó nếu thay chậu phải đợi đến năm sau mới có hoa.

3. Chưa đến mùa ra hoa
Tuy cùng một loài, nhưng mỗi giống lan nở hoa vào một thời gian khác nhau. Thí dụ như loài Cymbidium phần lớn nở vào Đông- Xuân, nhưng Cym. ensifolium và môt số khác lại ra hoa vào Hè-Thu.

Tuy nhiên cũng có khá nhiều giống lan như Cattleya và Phalaenopsis khi đủ trưởng thành là sẽ ra hoa bất kỳ mùa nào, nhất là các cây đã lai giống nhiều lần.

Cũng có những giống Dendrobium chỉ ra hoa ở thân cây đã mọc từ năm trước.

4. Nuôi trồng không đúng cách

Mỗi giống lan đòi hỏi một nhiệt độ nuôi trồng khác nhau. Cần nhiệt độ cao mà lại trồng nơi quá lạnh, cây yếu đuối không thể ra hoa.

Không có sự cách biệt giữa nhiệt độ ban ngày và ban đêm tối thiểu từ 10°F hay 6°C, lan sẽ không ra hoa.

Những giống lan hài và một số lan như Cymbidium, Dendrobium, Paphiopedilum nếu ban đêm không lạnh xuống dưới 55°F hay 12.8°C vài tuần lễ cũng sẽ không ra hoa.

Mỗi giống lan cần có một thời gian ngủ nghỉ (rest period) để chuẩn bị ra hoa. Thời gian này thường vào khi cây đã hết tăng trưởng, bớt tưới nước để cho cây khô ráo chuẩn bị ra hoa. Những giống Dendrobium rụng lá vào cuối thu, nếu tưới quá nhiều nước, cây sẽ không ra hoa.

Bón quá nhiều phân có chỉ số Nitrogen cao (30-10-10) mà lại không đủ nắng, cây lan quá xanh tốt cũng khó lòng ra hoa. Ngược lại nếu bón quá nhiều phân 0-50-0 làm cho cây còi cọc, dù có ra hoa nhưng cũng yếu ớt, nhất là lại bỏ vào chậu quá nhiều những loại phân viên, phân hột hay là dùng phân bón cho cỏ như hình bao phân ở bên.

Nếu bạn thấy cây lan không ra hoa, hãy tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách sửa đổi lại cho thích hợp.

Chúc bạn thành công mỹ mãn.

Cách để lan rừng trổ bông

Khi muốn cho lan ra bông thì tiến hành tưới nước, phun tưới phân trở lại cây lan sẽ mọc chồi mới và phát triển mạnh mẽ.

Ngày nay hoa phong lan đã trở thành loại hoa được chơi khá phổ biến trong nhân dân. Ngoài những loài được nhập khẩu từ một vài nước trong khu vực như Thái Lan… thì nhiều người chơi lan ở các tỉnh phía Nam vẫn thích lan rừng, vì chúng tương đối lạ mắt và có những nét đặc trưng riêng.

Tuy nhiên khi mua lan rừng về chưng chơi sau khi bông tàn muốn cây ra bông trở lại giống như những loại lan được nhập khẩu lại rất khó, nhiều người đã vứt bỏ hoặc cố gắng dưỡng chúng để “chơi lá”. Làm như vậy thì uổng phí quá. Sau đây chúng tôi xin mách các bạn cách làm cho lan rừng ra bông trở lại.

Như các bạn đã biết ở các tỉnh phía Nam có hai mùa, mùa mưa và mùa khô rõ rệt, cây lan sống trong các rừng cây ở đây trải qua rất nhiều thế hệ chúng đã quen với điều kiện thời tiết, khí hậu này. Những cây lan rừng sống được là nhờ rễ của chúng bám vào các thân cây khác trong rừng, chủ yếu hấp thu hơi nước từ không khí, nước và thức ăn từ các phần khô mục của vỏ hay thân, cành cây chết mà chúng đeo bám (giá thể).

Vào mùa mưa nhờ có nước và ẩm độ không khí cao, chất dinh dưỡng được hòa tan, cây lan hút được nhiều dinh dưỡng, nước nên chúng tươi tốt mập mạp, ra hoa nhiều, hoa đẹp. Nhưng vào mùa khô thời tiết khô nóng, ẩm độ trong không khí và ẩm độ trên giá thể giảm đi, cây thoát hơi nước nhiều, thân cây bị khô, lá bị rụng, cây lan chuyển dần sang trạng thái nghỉ, ngưng phát triển.

Khi mùa mưa đến cây lan bắt đầu chu kỳ phát triển mới, ra lá và ra bông mới... vì thế khi đem lan rừng về trồng ở vùng đồng bằng muốn chúng ra hoa chúng ta cũng phải tạo cho chúng một điều kiện sống tương tự như khi chúng còn sống trong rừng. Cụ thể là phải cho cây lan “nghỉ” vào mùa khô bằng cách không tưới nước một, hai tháng để cho cây lan bị khô héo, rụng lá y như trong điều kiện tự nhiên của chúng. Khi muốn cho lan ra bông thì tiến hành tưới nước, phun tưới phân trở lại cây lan sẽ mọc chồi mới và phát triển mạnh mẽ. Sau khi tưới nước, phun tưới phân khoảng ba tháng cây lan sẽ ra bông. Với những cây lan còn nhỏ vừa mới tách chồi từ cây mẹ thì không nên làm cách này vì cây dễ bị mất sức, còi cọc, không ra hoa vì bản thân những cây còn nhỏ này chưa tích lũy dự trữ được đầy đủ chất dinh dưỡng cây.

Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Kỹ thuật trồng Lan Hồ Điệp

Hiện nay phong trào trồng lan đang phát triển mạnh vì đây là một nghề đưa lại hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên, cây lan hồ điệp rất khó tính, đòi hỏi một số yêu cầu sinh thái khắt khe, người trồng phải hiểu biết và kỹ thuật cao mới có thể thành công được.

Điều kiện để trồng hồ điệp thành công: Lan hồ điệp là cây rất khó tính do đó khâu đầu tiên là phải chuẩn bị nhà trồng để có thể khống chế được các điều kiện ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm bên trong. Tuy nhiên để có được nhà phù hợp cho sinh trưởng, phát triển tốt, ra hoa đúng thời vụ cần rất nhiều điều kiện do đó cần phải có các thiết bị kèm theo như thiết bị tăng nhiệt, thiết bị giảm nhiệt, thiết bị điều chỉnh ánh sáng. Với điều kiện các tỉnh phía Bắc nước ta thì làm nhà 2 mái vừa có tác dụng hạn chế ánh sáng mùa hè, giữ được nhiệt độ mùa đông.

Chuẩn bị giá thể: Giá thể trồng lan phải tơi xốp và thoáng khí, đồng thời phải có khả năng giữ nước như mùn cây, than bùn khô, hạt đá nhỏ, rêu, quyết, dớn hoặc rêu "Chi Lê" nhập nội đã được xử lý an toàn nấm bệnh.

Chuẩn bị chậu: Yêu cầu của chậu trồng lan hồ điệp phải là chậu không sâu, nhỏ, màu trắng và trong suốt thuận lợi cho bộ rễ phát triển và quang hợp. Khi cây còn nhỏ dùng chậu có đường kính 5cm, sau 4 - 6 tháng khi cây có khoảng cách giữa 2 lá lớn hơn 12cm thì chuyển sang chậu có đường kính 8,3cm. Sau giai đoạn trồng từ 9 đến 12 tháng khi khoảng cách giữa 2 lá lớn hơn 18cm thì tiếp tục chuyển sang chậu có đường kính 12cm.

Kỹ thuật trồng cây vào chậu: Khi mua cây giống về trồng bà con chú ý đến các cỡ của cây được phân cấp như sau: 2 lá cách nhau lớn hơn 5cm gọi là cỡ đặc cấp được trồng vào chậu có đường kính 7cm. Nếu chiều dài 2 lá cách nhau từ 3 đến 5cm là cỡ cấp 1 trồng vào chậu đường kính 5cm. Nếu 2 lá cách nhau 1,2-3 cm gọi là cỡ cấp 2 thì trồng vào các khay ươm cây con.

Chăm sóc: Nên giữ nhiệt độ thích hợp trong nhà trồng ở mức 23 độ C, không được thấp hơn 20 độ C, đảm bảo hệ thống thông gió hoạt động tốt, độ ẩm thích hợp. Trong giai đoạn đầu chế độ che sáng như sau: Mùa hè giảm bớt từ 80 - 90% lượng ánh sáng bình thường, mùa đông từ 60-70%. Sau trồng 1 tháng bón thêm phân NPK với tỷ lệ 30-10-10 pha với nồng độ 30-40 mg/1 lít nước để phun cách 7-10 ngày/lần.

Thay chậu lần thứ nhất: Sau khi trồng được từ 4 - 6 tháng, lúc này khoảng cách giữa 2 lá khoảng 12cm thì chuyển sang chậu có đường kính 8,3cm. Lấy cây ra khỏi bầu, tách bỏ giá thể cũ và thay bằng giá thể mới rồi trồng lại vào chậu mới nhẹ nhàng tránh làm tổn thương đến rễ. Dưới đáy chậu nên lót 1-2 miếng xốp giúp chậu thoát nước tốt, tránh làm cây bị úng. Lan hồ điệp sinh trưởng chậm, phải mất tới 40 ngày trong điều kiện chăm sóc tốt mới mọc thêm 1 lá hoàn chỉnh. Khi cây có trên 4 lá mới có khả năng phân hoá mầm hoa.

Để chăm sóc cho cây sau khi thay chậu lần 1 bà con phải phun dung dịch diệt khuẩn. Trong từ 3-5 ngày đầu không cần tưới nước nhưng vẫn phải giữ ẩm cho cây cũng như môi trường xung quanh. Sau khoảng 10 ngày tưới nước trở lại kết hợp bón phân. Lượng phân bón là đạm, lân, kali theo tỷ lệ 30-10-10 nồng độ 40mg/1lít nước. Ngoài ra có thể bổ sung thêm các loại phân hữu cơ khác như Komix.

Thay chậu lần 2: Lần thay chậu thứ 2 cũng là lần thay chậu cuối cùng được xác định khi cây có khoảng cách 2 lá đạt khoảng 18cm. Lúc này cây được từ 16 - 20 tháng, đường kính chậu chuyển sang phải đạt 12cm. Cách thay chậu lần này tương tự như lần đầu nhưng chú ý dùng dao, kéo sắc cắt bớt các rễ già trước khi trồng lại. Chú ý trong giai đoạn này chế độ che sáng như sau: Ánh sáng mùa hè giảm từ 60-70%, mùa đông giảm 40-50%, nhiệt độ từ 20-28 độ C, độ ẩm từ 70-85%. Sau khi chuyển chậu lần thứ 2 từ 5-6 tháng cây có từ 4 lá và bắt đầu phân hoá mầm hoa.

Trong thời gian này cần duy trì nhiệt độ thấp từ 18-25 độ C hoặc nhiệt độ chênh lệch ngày đêm từ 8-10 độ C. Lan hồ điệp có hoa liên tục do đó xử lý nhiệt độ thấp càng dài thì hoa càng nhiều, khoảng cách giữa các hoa càng ngắn. Nếu nhiệt độ trên 25 độ C thì không thể phân hoá hoa và dưới 15 độ C thì không ra nụ, ra hoa. Khi thấy cây lan nhú hoa tưới phân NPK 6-30-30 pha nồng độ 2g/lít nước, thời gian phun 7-10 ngày/lần, để cho hoa mập hơn, bền và sắc hoa tươi lâu hơn.

Ngoài ra, để cho hoa được bền lâu, khoảng 1-2 tháng cần đặt cây ở nơi thoáng mát, nhiệt độ thích hợp 20-25 độ C, ánh sáng che bớt 70%. Đặc biệt khi cây nở hoa không nên tưới nước hoặc dinh dưỡng lên hoa vì nước sẽ làm hoa bị úng hoặc cháy. Khi cành hoa nở gần tàn nên cắt ngay cành hoa và tưới phân NPK 30-10-10 để dưỡng cây cho trà hoa sau.

Trồng phong lan bằng hợp chất fila

Fila là một hỗn hợp chất hữu cơ sử dụng rất tốt trong chăm bón rau màu, cây cảnh, đặc biệt là rất thích hợp để trồng các loại phong lan.

Cách sử dụng:

Fila là một hỗn hợp chất hữu cơ, trong đó có vỏ cà phê làm giá thể cho rễ lan bám. Phân hữu cơ đóng viên để cung ứng thức ăn thường xuyên cho cây, cộng với một số men vi sinh hỗ trợ cho rễ lan trong quá trình hấp thụ thức ăn. Toàn bộ hỗn hợp này được trộn đúng tỷ lệ theo công thức của Pháp, đã được sấy khô khử trùng, khử nấm độc, đảm bảo cho cây lan phát triển tốt.

Dùng một chậu đất nung có nhiều lỗ (loại thông dụng, có bán trên thị trường). Bỏ một lớp fila vào đáy chậu (tùy bộ rễ của cây mà đổ nhiều hay ít), đặt cây lan vào rồi đổ tiếp fila cho đến khi lấp hết bộ rễ (nhưng không được lấp phần gốc làm lan khó ra chồi), lắc nhẹ để fila xen đều vào các kẽ của rễ lan, rồi treo chậu cao ngang tầm với cây lan để làm chỗ dựa cho cây khỏi đỏ. Sau đó tưới nước thật nhiều, sao cho fila ướt đều mới thôi.

Hai tuần lễ đầu phải treo lan trong bóng mát. Mỗi tuần tưới một lần, tưới thật nhiều nước, theo kiểu rửa trôi. Khi nào thấy nước chảy dưới đáy chậu không còn màu vàng nữa mới thôi. Sau đó đem lan ra phơi ở nơi có độ tán che nắng từ 40-60% (tùy loại lan và tùy độ tuổi mà chọn mức che nắng cho thích hợp). Vẫn tưới nước một ngày một lần. Tưới rửa một tuần một lần trước khi tưới phân bón lá (phân bón lá cũng tưới một tuần/lần).

Khoảng 6 tháng sau, nếu thấy rễ lan phát triển nhiều trên bề mặt fila thì bổ sung lớp fila mới dày 1-2cm để cung cấp thêm thức ăn cho lan, vừa có tác dụng diệt các loại rễ mốc bám vào rễ và gốc cây, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của lan.

Khi sử dụng fila cần chú ý
: hỗn hợp fila đã được sấy khô, khi mới được tưới nước có một số nguyên tố hóa học chứa trong fila hút nước, gây ra phản ứng hợp nước có tỏa nhiệt.

Khắc phục hiện tượng thối rễ lan:

Nguyên nhân thối rễ, cây yếu... là do một số nhà vườn chưa hiểu ra nguyên lý khi sử dụng fila. Bởi phân hữu cơ viên sấy khô khi tưới nước sẽ rã dần, hòa tan trong nước để rễ lan hấp thụ hết được chất mà fila tiết ra trong nước để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Lượng chất hữu cơ dư thừa này nếu để tồn tại sẽ dẫn tới thối, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bộ rễ của cây lan, dẫn tới tình trạng cây yếu, rễ thối....

Cần khắc phục bằng cách: hai tuần đầu để cây lan trong mát và tưới nước mỗi ngày một lần. Trường hợp với cây đã bị thối rễ, cũng khắc phục bằng cách này. Sau một thời gian ngắn, cây rễ sẽ hồi phục. Sau 2 tuần thì tưới bình thường, nhưng ít nhất mỗi tuần cũng phải tưới rửa cho cây một lần, không được để nước đọng lại trong chậu lan.

Thực hiện đúng hướng dẫn trên, đảm bảo rễ lan không bị thối, cây sẽ phát triển tốt.

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Kỹ Thuật Trồng Hoa Cát Tường

Cát tường là loại hoa thích hợp với thời vụ dài ngày, giờ chiếu sáng tối ưu trong ngày từ 16-18 giờ sẽ cho hoa to và đẹp

- Tên tiếng Việt: cát tường, kiết tường, lan tường.

- Tên tiếng Anh: Lisianthus.

- Tên khoa học: Eustoma grandiflorum (Raf) Shinn, danh pháp 2 phần là Eustoma russellianum, thuộc họ Long đởm.

Hoa cát tường có nguồn gốc từ miền Tây nước Mỹ, có khả năng chịu lạnh tốt. Cát tường là cây thân thảo, có màu xanh lá cây, tùy thuộc vào giống cây, điều kiện thổ nhưỡng mà có thể là cây ngắn ngày hay cây lâu năm (1-2 năm). Lá trơn, mọng nước.

Hoa đối xứng, có hình chuông, lưỡng tính, tự thụ, có dạng hoa đơn và hoa kép với nhiều màu sắc như: kem, tím, vàng, hồng, hồng phai, tím đậm, trắng viền tím…. Hạt có kích thước rất nhỏ, với nội nhũ dầu nhiều, phôi mầm lớn, khi chín hạt có màu đen nhánh.

Cây hoa cát tường có 2 loại: giống hoa kép và giống hoa đơn với nhiều màu sắc khác nhau. Thời gian từ khi gieo hạt tới khi cho hoa kéo dài từ 7 – 8 tháng. Cây cao từ 15 – 120 cm tùy giống. Lá đơn mọc đối, không có lá kèm, có hình ô van hay hình bầu dục.
Yêu cầu sinh thái: Hoa cát tường phát triển tốt ở điều kiện sánh sáng vừa phải (70-80 Klux ánh sáng tự nhiên) do vậy về mùa hè cần phải có lưới nilon màu che bớt ánh sáng. Cát tường là loại hoa thích hợp với thời vụ dài ngày, giờ chiếu sáng tối ưu trong ngày từ 16-18 giờ sẽ cho hoa to và đẹp. Nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng và phát triển từ 18-20°C vào ban ngày, 15-18°C vào ban đêm. Nếu nhiệt độ ban đêm thấp dưới 15°C sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng, ban ngày cao hơn 28°C hoa sẽ nở sớm, do bị rút ngắn thời gian sinh trưởng bình thường nên chất lượng hoa không cao. Thời gian từ khi gieo hạt cho tới khi cây ra hoa trung bình 20-23 tuần tùy theo giống và thời vụ. Dựa trên các điều kiện này người trồng hoa cần bố trí thời gian gieo trồng cho phù hợp với tiêu thụ thì mới đem lại lợi nhuận cao.

Các giống hoa cát tường: Cát tường có nhiều giống nhưng tập trung vào 2 loại chính: hoa đơn và hoa kép.

Giống hoa kép 

- Nhóm Avilia: nhóm này thích hợp ở điều kiện ánh sáng yếu và nhiệt độ mát. Do vậy nhóm giống này thường trồng vào vụ đông. Các màu thường là trắng ngà, viền xanh, hồng cánh sen, đỏ tía.

- Nhóm Balboa: nhóm này thích hợp nhiệt độ và cường độ ánh sáng cao hơn. Thích hợp trồng vụ xuân đến hè. Phát triển tốt ở điều kiện quang chu kỳ ngày dài. Các màu thường là xanh, viền xanh, xanh tía.

- Nhóm Catalina: thích hợp với điều kiện ngày dài và thời tiết ấm áp. Các màu thường là xanh tía và màu vàng.

- Nhóm Candy: thích hợp với cường độ ánh sáng trung bình và quang chu kỳ ngày ngắn. Nhóm này cho hoa nở đồng loạt và có nhiều màu để chọn lựa.

- Nhóm Echo: Nhóm này là nhóm phổ biến trong giống hoa cát tường. Không thích hợp với cường độ ánh sáng quá cao hay thấp, thích hợp cho vụ đông xuân. Các màu phổ biến trong giống này là xanh bóng, xanh tía, hồng, hồng tía, trắng tuyền.

- Nhóm Mariachi: Nhóm này thích hợp trồng trong chậu. Đặc điểm giống này là có số cánh hoa nhiều, cánh hoa mỏng hơn các giống khác nên nhìn rất đẹp. Các màu phổ biến trong giống này là trắng, hồng, hồng nhạt, xanh…

Giống hoa đơn

- Nhóm Flamenco: là nhóm thích hợp với cường độ ánh sáng cao và quang chu kỳ ngày dài. Thân hoa dài và mạnh. Các màu là xanh bóng, hồng, vàng, trắng.

- Nhóm Heidi: thích hợp với cường độ ánh sáng trung bình và quang chu kỳ ngày ngắn. Có nhiều màu để chọn lựa.

- Nhóm Laguna: là nhóm thích hợp với cường độ ánh sáng cao và quang chu kỳ ngày dài. Thân hoa dài khoảng 48 cm, một cây trung bình có ba thân và 25 nụ hoa. Có hai màu là xanh đậm và xanh tía.

- Nhóm Malibu: thích hợp với cường độ ánh sáng trung bình và trong mùa xuân và mùa thu. Có nhiều màu là hoa cà, xanh đậm, trắng, hồng, trắng viền xanh.

- Nhóm Yodel: Thân hoa dài khoảng 45 - 50cm. Có nhiều màu là xanh đậm, xanh, hoa cà, hồng phấn, hồng, trắng.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc:

- Gieo ươm cây giống: Dùng khay vỉ chuyên dụng để gieo ươm vì hạt giống hoa cát tường rất nhỏ (19.000 hạt/gam). Giá thể tốt nhất là 30% xơ dừa + 30% đất mùn + 25% đất đỏ Ferralit + 5% supe lân + 10% phân chuồng hoai mục. Gieo hạt, tưới đủ ẩm thường xuyên 70-80%, giữ ở nhiệt độ 20-220C, sau 10-12 ngày cây mọc; sau khoảng 3 tháng khi cây có 2-3 bộ lá ổn định thì đem trồng ra ruộng được.

- Trồng cây: Đất được cày bừa kỹ, phơi ải tốt, bón lót nhiều phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục có bổ sung thêm 50kg/1.000m2 phân tổng hợp NPK (16:16:8) bằng cách rải đều trên mặt luống rồi dùng cuốc xới đều sâu 20cm trước khi trồng cây. Lên luống rộng 130cm, cao 15-20cm, rãnh luống rộng 30cm. Trồng 5-6 hàng trên mặt luống cách nhau 15-18cm, cây này cách cây kia 10-12cm, mật độ khoảng 50-60 cây/m2. Trồng xong, ngày tưới 2-3 lần (5 giờ sáng, 10 giờ sáng và 2 giờ chiều) để cho cây con nhanh bén rễ. Sau 10-15 ngày, khi cây con đã bén rễ, giảm tưới xuống còn 1-2 lần/ngày tùy thời tiết trời râm hay nắng. Khi cây đã lên xanh cần dùng lưới nilon đen để che bớt 30-40% ánh sáng nhằm giúp tăng chiều dài cành hoa, tăng chất lượng hoa sau này.

Tuy nhiên vào các tháng mùa xuân, mùa đông (miền Bắc), mùa mưa (Nam bộ) cần tháo bỏ lưới che để hạn chế nấm bệnh phát sinh, phát triển và gây hại. Sau trồng khoảng 1 tháng cần dùng lưới nilon có kích thước lỗ 15 x 20cm để căng làm giàn đỡ cho cây hoa khỏi đổ ngã, giữ cho cành hoa được thẳng. Lớp đầu tiên cách mặt luống 30cm, lớp thứ 2 cách lớp đầu tiên 15-20cm. Sau trồng 10-13 tuần, cây bắt đầu ra nụ đầu tiên. Tiến hành tỉa bỏ nụ đầu để giúp các chồi bên ra hoa đồng loạt. Bón thúc cho hoa vào các giai đoạn: 20kg NPK (16:16:8) + 10kg kali trắng/1.000m2 sau khi trồng 3 tuần; 30kg NPK (20:20:15) + 10kg kali trắng/1.000m2 sau trồng 6 tuần; 30kg NPK (15:5:20)/1.000m2 sau trồng 9 tuần; Sau thu hoạch lần một 2 tuần, bón thúc 20kg NPK (16:16:8) + 10kg kali trắng/1.000m2; sau thu hoạch lần một 4 tuần, bón thúc 30kg NPK (20:20:150 +10kg kali trắng/1.000m2. Thường xuyên kiểm tra, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nhất là các loại bọ trĩ, bọ phấn, bệnh héo vàng, héo xanh, lở cổ rễ….

Thu hoạch: Cắt hoa vào buổi sáng khi hàm lượng đường trong cành còn cao sẽ bảo quản hoa tươi được lâu hơn. Cắt cành khi có 4 hoa hé nở với thị trường tại chỗ, nếu phải vận chuyển đi xa thì cắt khi hoa mới có 2 hoa hé nở và giữ hoa ở nhiệt độ 160C trong suốt quá trình vận chuyển.

Quy Trình Nhân Giống Hoa Lan Bằng Phương Pháp Nuôi Cấy In-Vitro

Việc nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô in-vitro tạo ra hàng loạt cây con ổn định về mặt di truyền và đáp ứng giá cả phải chăng là vô cùng hữu ích.

Quy trình nhân giống In VitroLan là loại hoa vương giả, với vẻ đẹp vương giả, quý phái nên khắp nơi trên thế giới ngày càng có nhiều người thích chơi hoa Lan. Chính vì vậy, hoa Lan là sản phẩm trồng trọt luôn có giá trị kinh tế cao. Bắt kịp thị hiếu này, ngày nay đã xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh hoa Lan với nhiều chủng loại, giá cả khác nhau. Do đó, việc nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô in-vitro tạo ra hàng loạt cây con ổn định về mặt di truyền và đáp ứng giá cả phải chăng là vô cùng hữu ích. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu quy trình cơ bản nhân giống Lan bằng phương pháp nuôi cấy mô in-vitro:

Quy trình trên được tiến hành qua các giai đoạn sau:

1. Chọn mẫu và khử trùng mẫu cấy:

Tách các vảy hành ra từ cây, bóc lần các lá già cho đến khi xuất hiện các mầm chồi bên mang đỉnh sinh trưởng. Cắt bỏ gốc của mỗi mầm, sau đó khử trùng bằng cách ngâm trong cồn 70° trong 30 giây, rửa sạch bằng nước cất vô trùng ngâm trong dung dịch Ca(OCl)2 2% trong 25 phút, việc khử trùng được tiến hành trong tủ cấy. Mô được rửa lại với nước cất vô trùng 4 - 5 lần.

Mỗi mầm được đặt trong đĩa petri vô trùng và cẩn thận tách các lá non. Sau mỗi lần tách, nhúng mầm vào cồn 70° trong 1 giây và rửa với nước cất vô trùng. Chuyển sang một đĩa petri vô trùng khác, tách các lá mầm bằng dao nhọn vô trùng. Dùng kìm nhọn tách các lớp lá, cắt đỉnh sinh trưởng ra khỏi mô và cấy vào môi trường nhân giống ban đầu.

2. Nhân giống:

Môi trường nhân giống thường là môi trường MS (Murashige Skoog, 1962) có bổ sung các chất điều hoà tăng trưởng (auxin, cytokinin,…) với tỷ lệ phù hợp tùy loài nhằm tạo điều kiện cho quá trình nhân chồi. Nồng độ các chất điều hoà sinh trưởng nên giảm dần trong các lần cấy chuyền sau đó. Các chất chiết trái cây cũng được đề nghị dùng như nước cốt cà chua, nước dừa, nước chuối, nước khoai tây... nhưng chúng chỉ có hiệu quả trong các lần cấy chuyền và thể tích cũng không quá 10% thể tích môi trường.

Nhiệt độ lý tưởng để nhân giống Lan là 22°C - 26°C và tuỳ vào mỗi loài.

Sau 4-8 tuần, đỉnh sinh trưởng chuyển sang màu xanh lục và tạo ra các khối tròn gọi là thể chồi. Thể chồi được lấy ra khỏi môi trường cấy ban đầu, dùng dao nhọn cắt làm 4-6 miếng tuỳ kích thước của chồi. Lát cắt được chuyển vào môi trường duy trì (môi trường phát triển chồi). Mỗi đỉnh sinh trưởng sẽ phát triển ra một thể chồi mới sau khoảng 4 tuần, có thể cắt tiếp và cấy chuyền sang môi trường mới.

3. Tái sinh cây hoàn chỉnh in-vitro:

Khi đạt đến số cây giống cần thiết, ta chuyển thể chồi sang môi trường tạo rễ (môi trường có lượng auxin tăng lên để kích thích ra rễ). Sau 4 -5 tháng, các thể chồi sẽ phát triển thành cây con.

4. Chuyển cây ra vườn ươm:


Cây con cao 5-7 cm và có từ 3-4 lá có thể chuyển sang cấy vào bầu đất mùn vô trùng có bổ sung các chất dinh dưỡng. Sau một thời gian cây phát triển ổn định ta đem chuyển vào chậu. Sau khi chuyển chậu khoảng một tuần mới được bón phân, lúc này cây đã có đủ sức chống chọi với bệnh tật.

Như vậy, từ một mô hoa Lan được chọn nuôi cấy cho đến ra cây con có 3-4 lá chuyển ra vườn trồng mất thời gian khoảng từ 8 đến 11 tháng.

Với phương pháp nhân giống vô tính như trên sẽ đảm bảo tạo ra cây con mang đặc tính giống hoàn toàn với cây cha mẹ (cây con ổn định về mặt di truyền), cây con không nhiễm bệnh và tạo được một số lượng lớn cây con trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, việc cấy mô phải được thực hiện thật nghiêm túc và tỉ mỉ theo đúng quy trình, phải có điều kiện về trang thiết bị đầy đủ, môi trường nhân tạo thích hợp, đặc biệt là điều kiện vô trùng phải được đảm bảo nghiêm ngặt. Cần chú ý thêm, đối với các loài không phải là cây bản địa, phải được thuần hoá tại vùng mới chọn mẫu đem nuôi cấy, có như vậy mới đảm bảo hiệu quả từ khâu nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đến trồng ngoài vườn ươm.

Kỹ Thuật Nuôi Trồng Lan Giống Dendrobium

Giống Dendrobium gồm nhiều loài thích nghi với các điều kiện sinh thái khác nhau. Có thể tạm chia Dendrobium làm 2 nhóm chính: nhóm ưa lạnh và nhóm ưa nóng.

Dendrobium là một giống lan có nhiều loài trong họ Orchidaceae giống gồm hơn 1.600 loài. Giống chiếm vị trí lớn nhất là Bulbopllyllum. Phân bố trên các vùng thuộc Châu Á nhiệt đới, tập trung nhiều nhất ở Đông Nam Á và Úc Châu. Nếu như các nước Nam Mỹ tự hào về các loài thuộc giống Cattleya tuyệt đẹp của mình, thì các nước Đông Nam Á cũng hãnh diện vì có giống Dendrobium vô cùng phong phú.

Không có một dạng chung nhất về hoa, cây, cũng như cách trồng của giống Dendrobium với số loài quá lớn này. Điều kiện sinh thái cũng rất đa dạng, có nhiều loài chỉ mọc và ra hoa ở vùng lạnh, có loài ở vùng nóng, có loài trung gian. Cũng có loài thích nghi với bất cứ điều kiện khí hậu nào.

Thế giới Dendrobium là một thé giới vô cùng phức tạp, ngay sự ra hoa thuộc loài các giống cũng có 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau: một nhóm gồm các loài thuộc giống Dendrobium ra hoa vào đầu mùa mưa do quá trình khô hạn trong mùa nắng, nhóm khác ra hoa vào dịp Tết và hiện nay chưa được biết một cánh chắc chắn do ảnh hưởng của quang kỳ hay sự thọ hàn, hoặc do tác động hiệp trợ của cả 2 yếu tố.

1. Nhiệt độ, ẩm độ, tưới nước:

Giống Dendrobium gồm nhiều loài thích nghi với các điều kiện sinh thái khác nhau. Có thể tạm chia Dendrobium làm 2 nhóm chính: nhóm ưa lạnh và nhóm ưa nóng.
Nhóm Dendrobium ưa lạnh sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiệt độ lý tưởng là 15độ C gồm các giống được lấy từ các vùng cao nguyên của Việt Nam và Miến Điện trên cao độ 1000m ví dụ các loài Vảy cá (Dendrobium Linlleyi), Thủy Tiên Tím (Dendrobium amabile), Long nhãn kim điệp (Dendrobium fimbriatum). Các loài này nếu được trồng ở nhiệt độ cao hơn hoặc bằng 25độ C, thì cây vẫn sống, nhưng phát triển yếu hơn và hiếm bao giờ ra hoa.

Nhóm Dendrobium ưa nóng, gồm đa số các giống Dendrobium rừng của Châu Úc, Indonêxia, Malaixia và các loài của giống Dendrobium lai hiện được trồng tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nhiệt độ thích hợp cho các hoài của nhóm này là 25°C. Tuy nhiên các giống Dendrobium lai chịu được một nhiệt độ cao hơn nhiều.

Ngoài ra còn có một nhóm Dendrobium trung gian có thể sống ở cả vùng lạnh và vùng nóng, những ở vùng lạnh cây sinh trưởng và ra hoa nhiều hơn ví dụ các loài Dendrobium Primulinum, Dendrobium fanmeri, Dendrobium chrysotoxum nhiệt độ lý tưởng của các loài này là 20oc. Dendrobium cũng như đa số các giống lan khác chỉ phát triển tốt trong điều kiện không khí ẩm và thoáng, ẩm độ tương đối cần thiết là 70%. Cấu tạo giá thể quá ẩm và úng là điều kiện bất lợi cho sự sinh trưởng của giống Dendrobium vì có thể toàn bộ rễ bị thối và biểu hiện là các cây con mọc từ phần ngọn của thân.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, Dendrobium được trồng trong điều kiện ánh sáng nhiều hơn, 70% ánh sáng khoảng 20.000-30.000 lux, vì thế các loài thuộc giống này sẽ được tưới nước nhiều hơn Cattleya: 2 lần/ngày từ tháng 5 đến tháng 11, 3 lần ngày từ tháng 12 đến tháng 2 và 1 lần/ngày từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4. Sự tưới nước 1 lần./ngày trong mùa nghỉ sẽ làm cho các giả hành của giống Dendrobium rụng lá và nhăn nheo nhưng điều chắc chắn xảy ra khi mùa mưa đến, những chồi non sẽ mọc lên rất nhanh và rất mạnh, các chồi hoa sẽ hình thành dần. Hoa sẽ nở trong thời gian 3 tháng sau khi mưa, và có thể kéo dài đến tháng 12.

Nếu phân bón là điều kiện quyết định sự ra hoa của Cattleya, thì sự thay đổi các điều kiện sinh thái trong mùa nẫng và mùa mưa là nguyên nhân chính quyết định sự ra hoa của các loài thuộc giống Dendrobium (một số loài khác thuộc giống này ra hoa vào dịp Tết sẽ nói rõ ở phần ánh sáng). Quá trình khô hạn trong mùa nghỉ từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4 sẽ giúp cây dự trữ dưỡng liệu để chuẩn bị một mùa hoa hứa hẹn trong tương lai.

Khái niệm về mùa nghỉ đối với một số giống lan nói chung và giống Dendrobium nói riêng là hoàn toàn mới. Ở thành phố Hồ Chí Minh và các tình phía Nam, từ lâu các nhà vườn ở đây đều trồng lan không có mùa nghỉ.

Mùa nghỉ là thời gian tuyệt đối cần thiết đối với giống Dendrobium sự theo dõi trong 5 năm (1979 - 1983) cho thấy rằng đối với loài Dendrobium American Beauty, Dendrobium Pompadour... một thời gian nghỉ 2 tháng sẽ giúp cây lan đến tuổi thành thục và có thể thu hoạch từ 3 - 4 cành hoa, mỗi cành từ 20-25 hoa rất dễ dàng, một vấn đề mà các nhà trồng lan đang ao ước và đây cũng là mấu chốt giải quyết phẩm chất các cành hoa Dendrobium sẽ xuất khẩu trong tương lai.

2. Ánh sáng:


Dendrobium là giống ưa sáng, có thể trồng trong điều kiện ánh sáng trực tiếp hay khuếch tán ánh sáng hữu hiệu cho giống Dendrobium là 70%, vì thế giàn che với độ che sáng 30% dưới đất và 40% ở trên cao với cường độ ánh sáng từ 15.000-30.000 lux rất thích hợp cho sự phát triển của Dendrobium. Các chậu Dendrobium được treo trong giàn không nên quá gần nhau, mà phải có khoảng cách 25cm cho các loài có dạng lớn và 15cm cho các loài có dạng nhỏ, nhằm mục đích tạo cho cây có đầy đủ ánh sáng và độ thoáng. Nếu có đầy đủ giống, ta nên trồng một loài Dendrobium đồng nhất trong giàn, hoặc nếu một giàn trồng nhiều giống khác nhau nên chọn những cây cùng kích thước (để sự phân bố ánh sáng được điều hòa) và những cây cùng tuổi (để việc sử dụng phân bón dễ dàng hơn).

Dendrobiun có thể trồng dưới ánh sang trực tiếp cây vẫn phát triển tốt, tuy nhiên để ngăn ngừa trường hợp cây bị bỏng lá, ta phải tập cho các cây thích nghi từ từ và các chậu khi trồng phải treo hơi khít vào nhau. Đối với các loài thuộc giống Dendrobium, phải nên nhớ, thà rằng cây bị bỏng lá vì thừa ánh sáng lơn là thiếu. Thiếu ánh sáng đối với các loài thuộc giống này sẽ gây ra sự thoái hóa rõ rệt, số lượng hoa cũng rất ít, cây èo ọt. Trái lại, thừa ánh sáng đối với các loài thuộc giống Dendrobim, chỉ làm cho cây xấu đi vì lá quá vàng hoặc các giả hành trơ trụi, nhưng cây sẽ thích nghi dần và vẫn đảm bảo cây ra hoa nhiều và đẹp. Dù sao điều kiện ánh sáng lý tưởng vẫn cho kết quả tối nhất.

Ngoài ra thời gian chiếu của ánh sáng trong ngày là điều kiện quyết định sự ra hoa của một số loài chịu ảnh hưởng bởi quang kỳ, ví dụ: lan Giá hạc, Long tu, Kim điệp chỉ ra hoa với điều kiện ánh sáng có thời gian chiếu ít hơn 10 giờ trong ngày. Tuy nhiên, một giả thiết khác cần được nghiên cứu cung có thể các loai hoa này ra hoa do sự thọ hàn vào tháng 12. Loài lan Thạch hộc chỉ cần bị lạnh trong vài giờ, cây sẽ trổ hoa sau 1 tuần lễ.

3. Nhu cầu phân bón:

Phải nhớ rằng Dendrobim thân đứng là loài lan đòi hỏi dinh dưỡng cao, vì thế chúng cần rắt nhiều phân bón và có thể dùng rất nhiều dạng phân bón khác nhau.Còn các loại Dendrobium thân thòng ăn phân yếu phải dùng nồng độ thật loãng. Phân heo có thể dùng rất tốt bằng dạng tưới pha thật loãng hay phân khô vò chặt thành từng viên dài đặt phía trên bề mặt giá thể. Phân bánh dầu khô cung được dùng hữu hiệu bằng cách ngâm nước rồi pha thật loãng để tưới hay dùng thắng từ viên bánh dầu khô: dùng đầu ngón tay đặt cách xa giả hành khoảng 5cm. Rễ lan sê hấp thụ dần dần các dưỡng chất được phóng thích qua quá trình tưới nước. Một số các loại phân hữu cơ khác cũng được dùng như phân tôm cá, phân trâu bò khô... Các loại phân vô cơ được dùng, thường có công thức 30-10-10 dùng 3 lần/1 tuần với nồng dộ 1 muỗng cà phê/4lít. Trong suốt mùa tăng trưởng (từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 1) một tháng trước khi bước vào mùa nghỉ (trong suốt tháng 2) ta bón phân 10-20-30 làm 2 lần/1 tuần để tạo một sức chịu đựng cho cây trước khi bước vào mùa nghỉ. Trong mùa tăng trưởng nếu cây có nụ hoa, ta thay phân 30-10-10 bằng phân 10-20-20 với chu kỳ bón như trên cho đến kho hoa tàn. Trong mùa nghỉ hoàn toàn không bón phân. cho Dendrobium, hay đúng hơn giảm và không bón phân cho Dendrobium khi cây hoàn tất thời kỳ tăng trưởng hằng năm của nó. Thường Dendrobium hoàn tất thời kỳ tăng trưởng vào tháng 9 đến tháng 10 khi mà những lá cuối cùng của nó thấy được trên đỉnh giả hành và thân. Thời kỳ tăng trưởng hoàn tất, bạn giảm nước tưới và thức ăn từ từ cho đến khi không còn gì nữa trong một thời gian chừng 4 tuần, vào lúc này cây cần càng nhiều ánh nắng càng tốt- phối hợp Với điều kiện khí hậu tháng 12 ngày ngắn và nhiệt độ mát - những giống thay lá hằng năm chuẩn bị rụng lá để hình thành phát hoa. Các giống không thay lá ít biểu lộ hơn và thường chỉ rụng một đến hai lá ở các giả hành và thân già ít khi các nhà vườn trồng lan, dùng các loại phân riêng rề, thường phân bón được dùng ở dạng hỗn hợp gồm vô cơ, và đôi khi những chất phụ gia là các loại sinh tố và các nguyên tố vi lượng.

Mặc dù các loài thuộc giống Dendrobium cần và sử dụng rất nhiều phân bón, nhưng bạn phải cẩn thận, phân bón chính là con dao hai lưỡi, lạm dụng phân bón dù là phân hữu cơ cũng đưa đến tác hại, kết quả cuối cùng là sự chết. Bạn có thể giảm nồng dộ phân bón theo tỷ lệ, để rút ngắn thời gian tưới giữa 2 lần, nhưng nếu tăng nồng độ phân bón, nhằm mục đích kéo dài thời gian giữa 2 lần tưới là một ý nghĩ sai lầm.

4. Cấu tạo giá thể:

Giá thể của Dendrobium có cấu tạo tương tự như các loài thuộc giống Cattleya, nghĩa là chậu phải thật thoáng và không úng nước. Tuy nhiên do bản năng sinh học và cấu trúc thực vật với giả hành có thân, các loài thuộc giống Dendrobium có thể dùng giá thể hơi ẩm hơn Cattleya chút ít nhưng không được làm thối căn hành. Vì thế một số loài Dendrobium có thể phát triển trên các giá thể là xơ dừa hay cá quả dừa, dùng như một cái chậu chứa sẵn giá thể. Tuy nhiên nếu giá thể là xơ dừa phải hạn chế số lần tưới nước, nếu chậu là quả dừa nguyên phải cưa phần đáy, nếu không cây bị thối vì quá ẩm. Cũng có thể trồng cây lan Dendrobium với căn hành cách đáy chậu khoảng 3cm, rồi rải thật thoáng xung quanh căn hành một số rễ lục bình giặt sạch. Với cách trồng này thì kích thước chậu và cây phải thật tương xứng. Tuy nhiên, giá thể than và gạch vản tỏ ra hiệu quả nhất.

5. Mùa nghỉ:

So với Cattleya, mùa nghỉ của các loài thuộc giống Dendrobium, cần thiết hơn nhiều. Mùa nghỉ của Dendrobim quyết định phẩm chát hoa trong mùa mưa đến. Tùy địa phương việc chọn thời gian nghỉ Dendrobium có khác nhau, riêng ở thành phố Hồ Chí Minh mùa nghỉ của Dendrobium nên bắt dầu từ tháng 3 đến cuối tháng 4. Một câu hỏi được đặt ra là, các loài của giống Dendrobium sau khi hoàn thành giả hành, một chồi mới được phát sinh ngay lúc bắt đầu sự nghỉ ngơi, bạn phải giải quyết như thế nào ? Theo chúng tôi, nếu chồi còn nhỏ, mắt chỉ hơi phồng lên, có thể giảm bớt nước tưới và mang vào một nơi khô và mát. Nếu chồi đã lớn trên 5mm, ta phải duy trì lượng nước tưới và phân bón để đảm bảo cho cây phát triển bình thường cho đến khi chồi trưởng thành và hình thành một giả hành hoàn chỉnh. Ta sẽ cho cây nghỉ ngơi với thời gian muộn hơn để cây lấy lại sức, nếu không chồi non này sớm muộn cũng sẽ bị lụi và xem như cây lan đã mất đi một mắt để hình thành một hướng (lead) mới.

6. Thay chậu và nhân giống Dendrobium:

Dendrobium là một giống lan rất nhạy cảm khi cấu tạo giả thể không thích hợp cho việc phát triển của nó và biểu hiện là, một số cây con mọc trên ngọn thân của các giả hành. Khi có điều này xảy ra bạn phải tiến hành thay chậu , vì chắc chắn các giá thể trong chậu đã bị hư. Hiện tượng này là do cấu tạo một giá thể quá ẩm như xơ dừa. Chỉ một thời gian ngắn thay giá thể, xơ dừa bị mục và lắng xuống đáy chậu tạo thành một lớp mùn úng nước. Chính vì thế các rễ hoàn toàn trong điều kiện úng thủy sẽ bị thối toàn bộ. Ngoài ra chính lớp mùn là điều kiện sinh sống thuận lợi của các côn trùng. Các loài này tác động cùng với sự bất lợi vì thừa nước, cắn phá toàn bộ rễ của cây lan. Do bản năng sinh tồn cây lan sẽ phản ứng bằng cách mọc ra một số cây con trên ngọn để duy trì nòi giống.

Quan sát hiện tượng các cây con mọc trên chồi ngọn cũng sẽ giúp các nhà vườn kiểm tra xem cách trồng như thế đã hợp lý chưa ? Nhất là về điều kiện nước tưới và bón phân. Ngoài ra với chu kỳ 2 năm một lần, ta nên thay chậu vì trong quá trình sinh trưởng, ít nhiều chậu bị đóng rêu, giá thể bị hư hao, cây mất cân đối.

Việc thay chậu cũng tiến hành tương tự như Cattleya. Dendrobium và Cattleya rất giống nhau về vấn đề nhân giống, nghĩa là cũng cắt từng 3 tép một và các trình tự tiến hành cũng như Cattleya, nhưng mùa nghỉ của Dendrobium là 2 tháng. Vì thế ta phải cắt Dendrbium thành từng đoạn 3 tép trước Cattleya 1 tháng.

Các cây con mọc trên ngọn thân thì phương pháp nhân giống đơn giản. Bạn tách rời cây con khỏi thân cây mẹ bằng một vết cất chỗ tiếp giáp. Một số người sợ rằng, với cách cắt nhu trên cây sẽ không đảm bảo tỷ lệ sống, nên vội vàng cắt thêm một đoạn thân cây mẹ. Thật ra không có sự khác biệt nhiều về sự tăng trưởng giữa cây cắt ngay chỗ tiếp giáp và cây cắt với một đoạn thân cây mẹ. Do đó một việc làm như vậy là lãng phí, vì trên đoạn thân cây mẹ này có thể cho thêm vài cây con nữa trong tương lai. Thực tế chứng minh rằng với 1 giả hành Dendrobium, nhiều khi có thể cho đến 15 cây con. Điều quan trọng là nên cất cây con vào thời điểm nào? Đối với các loài Dendrobium mạnh như Dendrobium Caesar Alba, Dendrobium Caesar Latil, Dendrobium Popadour có thể cắt cây con, khi giả hành cây con trưởng thành, mọi sự cắt quá non đều cho những kết quả không tốt. Đối với các loài yếu hơn như Dendrobium Jacqueline Thomas, Dendrobium Theodore Takiguchi... ta có thể đợi cây con mọc thêm một giả hành mới, thì việc nhân giống bảo đảm hơn.

Bạn nên có sự chọn lựa thật kỹ càng: nếu để cây con, thì cây mẹ sẽ yếu sức và ngược lại việc lấy cây con quá non sẽ có. tỷ lệ tử vong cao. Tùy hoàn cảnh và ý định sẽ giúp bạn có một suy xét hữu hiệu nhất. Ngoài ra Dendrobium là giống giả hành có thân, vì thế hư các mắt ngủ của căn hành không gây sự chết tuyệt đối Ở cây như giống Cattleya và chính nhờ hiểu biết này, bạn có thể nhân giống các giống Dendrobium quí một giả hành duy nhất vẫn đảm bảo cây sống. Cực đoan hơn, Dendrobium có thể nhân giống bằng cách cắt từng đoạn thân mang khoảng 2 mắt một, nhúng 2 đầu đoạn cắt, vào parafin hoặc bôi son, vôi... Đặt các đoạn nằm ngang, trên mặt cát ẩm, che lại bởi một lồng kính, ba ngày phun một lần dung dịch urê, 1 muỗng càphê/4 lít nước, cộng thêm cả sinh tố B1, với một nồng độ 10 phần triệu (10 ppm) trong thời gian 2 tuần liên tục. Sau đó chỉ phun mỗi dung dịch nửa muỗng cà-phê trong 4 lít + sinh tố B1 cho đến khi cây mọc các cây con. Phun hàng tuần trong các tuần kế tiếp.

7. Sâu bệnh và các vấn đề khác:

Vì lan Dendrobium cần được bón nhiều loại phân hữu cơ khác nhau và môi trường xơ dừa sẽ mục nát sau một thời gian ngắn được trồng. Đây là 2 nguyên nhân gây ra nhiều sâu bệnh hại cho các loài dán và cuốn chiếu cắn phá rễ trong giá thể.

Một loại rệp dính màu vàng, kích thước rất bé khoảng đầu tăm, thường xuất hiện trên bề mặt lá. Loại này tác hại trên cây qua việc hút nhựa. Đối với các loài côn trùng cắn phá Dendrobium thì loại trừ chúng tương đối dễ dàng bằng Serpa, Bassa, nồng độ 1/500. Mặc dù Dendrobium là cây kháng bệnh rất mạnh, tuy nhiên cây vẫn bị nấm và virut tấn công, nếu điều kiện vệ sinh quá kém. Nguy hiểm nhất là bệnh khô thân gần gốc và giả hành do một loài virut xâm nhập, làm cho các giả hành bị khô và chết. Đây cũng là một trong những nguyên do làm cây mọc cây con trên ngọn thân. Có thể ngừa bệnh cho giống Dendrobium với khoảng cách dài hơn Cattleya là nửa tháng xịt 1lần bằng các loại thuốc ngừa nấm Topsil, Zineb, Bencmyl với nồng độ 1/400.

8. Những điều cần lưu ý:

Cây lan Den. hercoglossum (hồng câu) sau 1-2 năm sẽ rụng hết lá để ra hoa hay cây non.Hoa sẽ tàn sau 2-3 tuần. Lan chịu nước vào mùa hè, bớt tưới nước vào mùa đông.

Những cây Den. anosmum (dã hạc), lituiflorum, pulchellum, lowianum, finlayanum, heterocarpum, parishii, pieradii, nobile (Thạch hộc), tortile, chrysanthum, wardianum sẽ rụng lá trước và khi đang ra hoa. Cần tưới nhiều nước vào mùa hè và mùa đông thì bớt tưới.

Những cây Den. amabile, chrysotoxum (Kim điệp), farmeri, densiflorum, moschatum (Thái bình), thyrsiflorum (Thủy tiên), brymerianum, fimbriatum, lindleyi không rụng lá và xanh tốt quanh năm. Những cây thuộc loại này đừng bao giờ để khô.

Những cây lan có thân hình dáng như củ khoai và hoa màu vàng thường hay bị những con ong vò vẽ và chuột đến viếng thăm, cắn phá do vậy nên cẩn thận bảo vệ.

Tất cả những yếu tố trên đây là điều cần thiết cho cây lan nói chung. Muốn cho cây được tốt, đẹp, lâu bền hơn chúng ta phải học hỏi, nghiên cứu làm sao ở chỗ chúng ta nuôi trồng có một khí hậu, nước tưới, độ ẩm, ánh sáng, gió..., phân bón giống như môi trường nguyên thủy của mỗi loại cây. Từ đó hy vọng bà con và các bạn sẽ thành công mỹ mãn trong việc nuôi trồng những giống lan Việt Nam.

Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Hoa Phong Lan

Lan là cây trồng dễ chăm sóc nếu chúng ta đảm bảo được các điều kiện thuận lợi cho lan phát triển. Các yếu tố quan trọng nhất đối với lan là ánh sáng, nước tưới, độ ẩm, chậu hay giá thể và dinh dưỡng.

1. THIẾT KẾ VƯỜN

Nếu trồng lan kinh doanh cần thiết kế khung giàn lan làm bằng sắt chắc chắn, đảm bảo bền để chống gió bão. Giàn che ánh sáng dùng lưới màu xám hay xanh đen. Giàn đặt chậu làm bằng sắt, giàn treo làm bằng tầm vông hay sắt ống nước. Xung quanh vườn cần dựng hàng rào chắn chắc chắn hay rào bằng lưới B40. Thiết kế hàng trồng theo hướng Bắc Nam để vuông góc với dường đi của ánh nắng. Các chậu lan cần chọn cùng cỡ kích thước, cùng giống, cùng độ tuổi, bố trí theo từng khu vực để dễ chăm sóc. Nước tưới phải sạch, có rãnh nước dưới dàn lan để tạo khí hậu mát cho vườn lan. Nếu trồng lan để chơi trên lan can, mái hiên, sân thượng cần chú ý rằng tiểu khí hậu các nơi này thường bị khô nóng do ảnh hưởng của các kết cấu bê tông, mái tole… xung quanh. Cần đặt thêm các chậu cảnh khác như cau, mai chiếu thuỷ, nguyệt quế… để giảm bớt ảnh hưởng của các yếu tố này. Cần che bớt ánh sáng mặt trời, tránh ánh nắng chiếu toàn bộ, nhất là vào buổi chiều.

2. CHỌN GIỐNG

Loài thích hợp cho trồng lan kinh doanh là Dendrobium, Phalaenopsis, Oncidium, Vanda, Cattleya… đây là những loài ra hoa khỏe, đẹp và bền cây, cho thu hoạch liên tục. Nếu trồng lan để chơi, giải trí nên trồng Dendrobium, Vũ nữ, Hồ điệp; đây là những loài dễ chăm sóc và ra hoa. Có thể nhân giống bằng nuôi cấy mô hay tách mầm. Điều kiện môi trường nuôi cấy mô phong lan với nhiệt độ 22-27°C, cường độ ánh sáng thích hợp, pH từ 5-5,7. Khử trùng mô bằng Starner 20 WP cấy bằng Clorox hoặc Hipocloritcalci, bổ sung các chất điều hòa sinh trưởng. Có thể tách mầm từ các chậu lan lớn, mỗi phần để 2-3 nhánh. Dùng dao sắc khử trùng bằng cồn, vết cắt cần gọn, sau cắt bôi vôi vào vết cắt cho nhanh lành sẹo.

3. CHUẨN BỊ GIÁ THỂ VÀ CHẬU

Có thể lấy than gỗ, xơ dừa, vỏ lạc làm giá để trồng lan. Than gỗ nung cần chặt khúc, kích thước 1 x 2 x 3cm, than phải ngâm, rửa sạch, phơi khô. Xơ dừa xé cho tơi ngâm khoảng 1 tuần cho bớt tanin và mặn, phơi khô. Mụn dừa cũng cần rửa sạch phơi khô. Vỏ dừa chặt khúc 1 x 2 x 3 cm xử lý bằng nước vôi 5%. Chậu trồng bằng nhựa hay đất nung, kích cỡ tuỳ loại và độ tuổi.

4. KỸ THUẬT CHUYỂN CHẬU

Nếu dùng lan cấy mô thì khi lan mô đạt khoảng 4cm cần chuyển ra ngoài. Cây mô rửa sạch để trên miếng lưới hay rổ kê trên chậu nước để giữ mát cho cây con. Giai đoạn trồng chung trên giàn lấy xơ dừa bó xung quanh cây lan cấy mô, dùng dây thun cuốn lại rồi đặt lên giàn. Sau khi trồng trên giàn được 6-7 tháng thì chuyển sang chậu nhỏ. Khoảng 6 tháng thì chuyển sang chậu lớn. Sau mỗi lần chuyển chậu khoảng một tuần mới được bón phân. Việc thay đổi chậu còn tùy kích cỡ của cây, mức độ thối, hư mục rêu bám… Nếu trồng lan để chơi, lan lâu ngày ra hoa ít cần dỡ lan ra khỏi chậu, cắt bớt các rễ già và quá dài, chuyển sang chậu mới, thay giá thể mới, lan sẽ sinh trưởng tốt và ra hoa trở lại.

5. CHĂM SÓC LAN

Lan là cây trồng dễ chăm sóc nếu chúng ta đảm bảo được các điều kiện thuận lợi cho lan phát triển. Các yếu tố quan trọng nhất đối với lan là ánh sáng, nước tưới, độ ẩm, chậu hay giá thể và dinh dưỡng.

+ Chiếu sáng:

Mật độ chiếu sáng ảnh hưởng rất lớn tới quá trình sinh trưởng, phát triển và ra hoa của lan. Thiếu nắng cây lan vươn cao nhưng nhỏ và ốm yếu, lá màu xanh tối, dễ bị sâu bệnh tấn công, cây ít nảy chồi, khó ra hoa, hoa nhỏ và ngắn màu sắc không tươi, hoa nhanh tàn. Thừa nắng lan thấp cây, lá vàng có vết nhăn và khô, mép lá có xu hướng cụp vào, dễ ra hoa sớm khi cây còn nhỏ nên hoa ngắn, nhỏ, cây kém phát triển. Nếu nắng gắt quá lá sẽ bị cháy, khô dần rồi chết.

Lan có yêu cầu khác nhau về mức độ chiếu sáng tùy theo loài lan và tuổi cây. Lan Hồ điệp (Phalaenopsis) ít chịu nắng nhất, có thể chịu được 30% nắng, lan Cattleya chịu được 50% nắng, lan Dendrobium hay Vanda lá hẹp chịu được 70% nắng, trong khi lan Vanda lá dài và Bò cạp chịu được tới 100% nắng. Lan con từ 0-12 tháng đang trong giai đoạn tăng trưởng thân lá chỉ cần chiếu sáng 50%, lan nhỡ từ 12-18 tháng cần chiếu sáng tới 70% và thời điểm kích thích ra hoa có thể cho chiếu sáng nhiều hơn, thậm chí bỏ dàn che để chiếu sáng tự nhiên. Hướng chiếu sáng cũng rất quan trọng đối với lan. Lan đặt ở hướng Đông nhận ánh nắng buổi sáng sẽ tốt hơn nhiều so với lan đặt ở hướng Tây nhận ánh nắng buổi chiều. Chính vì vậy nếu trồng lan trên sân thượng hay ban công ở phía Tây lan kém phát triển và ít hoa. Khi trồng lan cần bố trí hàng theo hướng Bắc– Nam để cây nhận được ánh sáng phân bố đầy đủ nhất.

+ Phân bón:

Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với lan. Khi lan đầy đủ dinh dưỡng cây tươi tốt, ra nhiều hoa, hoa to đẹp, bền trong khi thiếu dinh dưỡng lan còi cọc, kém phát triển, không hoặc ít có hoa. Lan cần 13 chất dinh dưỡng khoáng, thuộc các nhóm đa, trung và vi lượng: Dinh dưỡng đa lượng gồm Đạm (N), Lân (P) và Kali (K). Dinh dưỡng trung lượng gồm Lưu huỳnh (S), Magiê (Mg) và Canxi (Ca). Dinh dưỡng vi lượng gồm Sắt (Fe), Kẽm (Zn), Đồng (Cu), Mangan (Mn), Bo (B), Molypđen (Mo) và Clo (Cl).

Thiếu đạm, cây còi cọc, ít ra lá, ra chồi mới, lá dần chuyển vàng theo qui luật lá già trước, lá non sau, rễ mọc ra nhiều nhưng cằn cỗi, cây khó ra hoa.

Thừa đạm, thân lá xanh mướt nhưng mềm yếu, dễ đổ ngã và sâu bệnh, đầu rễ chuyển xám đen, cây khó ra hoa.

Thiếu lân, cây còi cọc, lá nhỏ, ngắn, chuyển xanh đậm, rễ không trắng sáng mà chuyển màu xám đen, không ra hoa.

Thừa lân cây thấp, lá dày, ra hoa sớm nhưng hoa ngắn, nhỏ và xấu, cây mất sức rất nhanh sau ra hoa và khó phục hồi. Thừa lân thường dẫn đến thiếu Kẽm, Sắt và Mangan.

Thiếu kali, cây kém phát triển, lá già vàng dần từ hai mép lá và chóp lá sau lan dần vào trong, lá đôi khi bị xoắn lại, cây mềm yếu dễ bị sâu bệnh tấn công, cây chậm ra hoa, hoa nhỏ, màu không sắc tươi và dễ bị dập nát.

Thừa kali, thân lá không mỡ màng, lá nhỏ. Thừa kali dễ dẫn đến thiếu magiê và can xi.

Thiếu lưu huỳnh, lá non chuyển vàng nhạt, cây còi cọc, kém phát triển, sinh trưởng của chồi bị hạn chế, số hoa giảm

Thiếu magiê, thân lá èo uột, xuất hiện dải màu vàng ở phần thịt của các lá già trong khi hai bên gân chính vẫn còn xanh do diệp lục tố hình thành không đầy đủ, cây dễ bị sâu bệnh và khó nở hoa.

Thiếu canxi, cây kém phát triển, rễ nhỏ và ngắn, thân mềm, lá nhỏ, cây yếu dễ bị đổ ngã và sâu bệnh tấn công

Thiếu kẽm, xuất hiện các đốm nhỏ rải rác hay các vệt sọc màu vàng nhạt chủ yếu trên các lá đã trưởng thành, các lá non trở nên ngắn, hẹp và mọc sít nhau, các đốt mắt ngọn ngắn lại, cây thấp, rất khó ra hoa.

Thiếu đồng, xuất hiện các đốm màu vàng và quăn phiến lá, đầu lá chuyển trắng, số hoa hình thành ít bị hạn chế, cây yếu dễ bị nấm tấn công.

Thiếu sắt, các lá non chuyển úa vàng sau trở nên trắng nhợt, cây còi cọc, ít hoa và dễ bị sâu bệnh tấn công.

Thiếu mangan, úa vàng giữa các gân của lá non, đặc trưng bởi sự xuất hiện các đốm vàng và hoại tử, các đốm này xuất hiện từ cuống lá non sau lan ra cả lá, cây còi cọc, chậm phát triển.

Thiếu bo, lá dày, đôi khi bị cong lên và dòn, cây còi cọc, dễ bị chết khô đỉnh sinh trưởng, rễ còi cọc số nụ ít, hoa dễ bị bị rụng, không thơm và nhanh tàn.

Thiếu molypden, xuất hiện đốm vàng ở giữa các gân của những lá dưới, nếu thiếu nặng, các đốm này lan rộng và khô, mép lá cũng khô dần, cây kém phát triển.

Thiếu clo, xuất hiện các vệt úa vàng trên các lá trưởng thành sau chuyển màu đồng thau, cây còi cọc, kém phát triển.

Lan rất cần phân bón nhưng không chịu được nồng độ dinh dưỡng cao, vì vậy bón phân cho lan phải thực hiện thường xuyên và tốt nhất là bằng cách phun qua lá. Phân bón cho lan phải chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng với thành phần và tỷ lệ phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây. Nguyên tắc chung là lan trong thời kỳ sinh trưởng thân lá mạnh cần đạm cao, lân và kali thấp, trước khi ra hoa cần lân và kali cao, đạm thấp trong khi lan nở hoa cần kali cao, lân và đạm thấp hơn.

Phân bón thích hợp cho các thời kỳ này là Đầu Trâu 501, 701 và 901, đây là loại phân có đầy đủ và cân đối đa, trung, vi lượng và các chất điều hòa sinh trưởng. Nồng độ và liều lượng phun tùy thuộc tuổi và thời kỳ phát triển như sau:

+ Lan mới trồng 0-6 tháng hoặc lan mới ra chồi non sau cắt hoa: Phun phân bón lá Đầu Trâu 501 (30-15-10) nồng độ 500 ppm (0,5 g/lít). Giai đoạn trước 3 tháng phun định kỳ 3 ngày/lần, từ 3-6 tháng định kỳ 7 ngày/lần.

+ Lan mới trồng 6-12 tháng hay lan cũ có chồi mới đang phát triển mạnh: Phun phân bón lá Đầu Trâu 501 (30-15-10) nồng độ 2.000 ppm (2g/lít), định kỳ 7 ngày/lần.

+ Lan mới trồng 12-18 tháng hay lan cũ có chồi đã thành thục chuẩn bị ra hoa: Phun phân bón lá Đầu Trâu 701 (10-30-20) nồng độ 3.000 ppm (3g/lít), định kỳ 7 ngày/lần. Giai đoạn này cần giảm nước tưới và bỏ bớt mật độ giàn che để năng mức độ chiếu sáng nhằm kích thích ra hoa.

+ Khi vòi hoa xuất hiện: Phun phân bón lá Đầu Trâu 901 (15-20-25) nồng độ 2.000 ppm (2g/lít) nhằm thúc hoa nở to, đẹp, giữ hoa lâu tàn.

+ Tưới nước: Lan rất cần nước cho quá trình sinh trưởng phát triển. Nếu thiếu nước cây sẽ khô héo, giả hành teo lại, lá rụng nhưng không chết, nụ có thể trước khi nở hoa. Thừa nước, cây dễ bị thối đọt nhất là với các giống lan có lá đứng mọc sít nhau. Quá nhiều nước rễ có rong rêu và nấm bệnh phát triển mạnh. Nước tưới cho lan không quá mặn, phèn và clor dưới ngưỡng cho phép, pH 5,6. Chỉ tưới nước đủ ẩm, nên tưới vào sáng sớm hay chiều mát, tránh tưới buổi trưa khi trời đang nắng nóng. Sau những trận mưa bất thường, nhất là mưa đầu mùa cần tưới lại ngay để rửa bớt các chất cặn đọng lại trên thân lá.

+ Phòng trừ sâu bệnh: Lan là cây cũng dễ bị sâu bệnh, nhất là trong điều kiện chăm sóc kém, điều kiện môi trường không thuận lợi. Tùy theo từng loại sâu bệnh mà dùng các loại thuốc thích hợp. Liều lượng và nồng độ phun cần theo đúng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Nếu lan bị các loại sâu hại thân lá có thể dùng các thuốc chứa hoạt chất Fenitrothion, Trichlorfon như Ofatox 400EC, hoạt chất Cartap như Patox 95SP hay Captafon, Captan hoặc Actara 25WG. Lan bị rệp sáp, rệp trắng, rầy mềm dùng Supracid 40ED/ND, Suprathion 40EC, Bitox 40EC hay Ofatox 400EC. Lan bị nấm, vi khuẩn hay virus gây nên tình trạng cháy lá từng đám, vết cháy lan tròn dần, bệnh thối rễ dùng Zinep, Starner 20 WP hay Benomyl.

6. THU HOẠCH VÀ BẢO QUẢN

Hoa cắt cánh ngâm trong dung dịch khoảng 15 phút, giúp hoa lâu héo, sau đó bọc lại bằng giấy báo.

Cách chăm sóc lan vũ nữ

Lan vũ nữ có khoảng 400-600 loài, xuất xứ từ châu Mỹ và vùng cận nhiệt đới. Cành hoa có thể lưu giữ được từ 35 đến 45 ngày. Điều đặc biệt là hoa có thể nở tất cả các mùa trong năm

Cách chăm sóc lan vũ nữ

Lan vũ nữ có khoảng 400-600 loài, xuất xứ từ châu Mỹ và vùng cận nhiệt đới. Cành hoa có thể lưu giữ được từ 35 đến 45 ngày. Điều đặc biệt là hoa có thể nở tất cả các mùa trong năm.

Ánh sáng: Loài lan này ưa bóng mát vì vậy tránh để cây ngoài trời.

Cây phát triển tốt ở nhiệt độ 15 đến 35 độ C.

Độ ẩm 60%.

Cách tưới nước: Dễ của lan vũ nữ rất nhỏ, nên bồn trồng phải nhỏ hơn các loại khác. Mùa đông mỗi ngày tưới một lần. Mùa hè tưới ngày 2-3 lần vào lúc sáng sớm và chiều mát. Nếu ngày nắng nóng và gió nhiều thì tăng thêm một lần tưới. Di chuyển vòi phun nước qua một lượt rồi tưới trở lại để cho thấm đều vào chất trồng.

Cách tưới phân NPK: 7 ngày tưới một lần theo liều lượng quy định vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Tưới quá liều lượng, cây sẽ bị vàng lá và chết. Tưới qua một lần nước, đợi 15-20 phút rồi mới tưới phân để cây hấp thụ tốt.

Hằng tháng nên phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh, nấm.

Chú ý:
 Khi hoa nở gần tàn hoặc cây có hiện tượng yếu đi phải cắt ngay cành hoa và tưới phân NPK 20.20.20.

Mùa đông, nếu nhiệt độ dưới 15 độ C, cây không phát triển, nụ bị hỏng thì phải chuyển cây đến chỗ ấm hơn.

Kỹ thuật thuần dưỡng và chăm sóc lan rừng

Theo kinh nghiệm dân gian, muốn cho lan sinh trưởng tốt môi trường thuận lợi nhất cho lan bám vào cây tươi nơi thoáng gió, ít ánh sáng chói

Những năm gần đây, chơi lan là một thú chơi tao nhã của những người yêu hoa. Tuy nhiên, người yêu hoa lại muốn hướng tới một giò lan phong cách tự nhiên, hoang dã và không gì khác là lan rừng. Tuy nhiên, khi mua về nuôi trồng trong môi trường nhà thì gặp rất nhiều vấn đề như không phát triển, héo rũ, không ra hoa… Vì vậy, chúng tôi xin giới thiệu bí quyết thuần dưỡng và chăm sóc lan rừng.

Theo kinh nghiệm dân gian, muốn cho lan sinh trưởng tốt môi trường thuận lợi nhất cho lan bám vào cây tươi nơi thoáng gió, ít ánh sáng chói. Vì vậy, khi lan đưa vào trồng trong chậu cần chăm sóc từ từ cho cây quen dần, không bón thúc phân bón hóa học quá sớm. Lúc ấy lan rừng cần bóc cả vỏ gỗ mục (loại lan đang sống) bó lại để nơi thoáng mát, ngày tưới vài ba lần bằng cách phun sương đều cả lá thân rễ. Chăm sóc cho lan 1 tháng rồi chiết thành nhánh trồng vào giò. Chú ý lót giò bằng mùn cưa hay xơ dừa đều không được nén chặt. Tránh để ánh nắng gay gắt, thỉnh thoảng đưa lan ra ngoài trời đềm. Chơi lan không nên bón nhiều phân hóa học, chỉ cần đủ nước, ánh sáng và không gian phù hợp là cây phát triển tốt.

Khi muốn lan ra hoa bất thường, vào dịp tết chẳng hạn, thì bón phân qua lá dành riêng cho lan. Song cần rất hạn chế bón thúc cho hoa vì sau mỗi đợt bón như vậy cây sẽ yếu sức. Tốt nhất là cách hai tháng lại thay lót giò 1 lần bằng xơ dừa mạt cưa. Hoa tàn thì cắt ngay cuống lá để tập trung dinh dưỡng nuôi cây lại sức. Tứơi nước nhẹ đều đặn ngày vài ba lần là cây sống khỏe không cần bón phân.

Chăm sóc

Một trong những đặc điểm sinh học đặc trưng của lan- loài cây khó tính là o ử chỗ có khả năng chịu cớm cao, ưa ẩm và bóng râm nhưng nếu thiếu ánh sáng cũng giảm năng suất và phẩm chất. Còn bị ánh nắng trực tiếp nhất là nắng quá chiều sẽ gây lụi tàn nhanh chóng mặc dù vẫn được cung câp đầy đủ nước và khoáng hòa tan.

Phòng ngừa tác hại của nắng hạn đối với lan, ta cần chủ động tiến hành một số biện pháp sau:

Đối với phong lan: Không để cho nắng trời trực tiếp chiếu vào giỏ, bụi lan và toàn bộ giá thể (lồng lan), đặc biệt “kỵ” với nắng quái chiều và gió Tây (gió Lào). Nếu trồng đại trà thì phải làm giàn che bằng lưới nilon có lỗ để lan vẫn quanh hợp được. Chú ý phun tưới (tốt nhất là phun sương mù nhân tạo) cho tòan bộ cây và giá thể theo kinh nghiệm “2 ướt 1 khô” trong ngày đó là vào các thời điểm trước bình minh và sau hoàng hôn. Lượng nước vừa đủ để làm mát cây, ướt rễ và dự trữ. Phun vấy xối xả sẽ làm thất thoát chất khoáng nuôi cây.

Đối với địa lan: Chăm sóc như đối với phong lan, cần chú ý đảm bảo đất nền tơi xốp, nhiều mầu ở thể hữu cơ đang hoai mục là tốt nhất. Nên bổ sung từ 10-20% vụn gỗ mục (cả vỏ), 10-20% (theo khối lượng tổng thể) các mẩu than gỗ nhỏ luôn ẩm (nhưng không ướt sũng) để nhử rễ ăn ra mà ta quen gọi là hồ rễ. Tránh gió khô, gió lỳa qua phần nổi của cây. Làm mát đất bằng phun tưới nước loang theo bóng tán. Cần loại bỏ ngay những lá già (đã úa vàng) đẻ ngăn chặn sâu bệnh bội nhiễm, tỉa các cành khô, rễ đã hết chức năng hấp thụ hơi nước và cộng sinh với vi khuẩn cố định đạm nuôi cây.

Không nên dùng NPK- loại dùng cho cây hoa màu, cây lương thực để bón cho lan. Để cây tươi lâu đẹp bền, hoa sai thắm màu, hương đậm có thể thúc cho lan (phun tưới toàn bộ giá thể) nước gạo mới vo, nước ngâm tro hoai và rắc xỉ than (nguồn phân vi lượng tổng hợp). Nếu có điều kiện lấy bông (hoặc vải bông cotton) nhúng vào dung dịch glicerin 10- 15% cuốn vào cổ rễ để giữ ẩm.

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Muốn cây hoa hồng ra nhiều bông

Cố gắng điều khiển sao cho cây hồng sinh trưởng khỏe mạnh, tuyệt đối không để cho cây thiếu nắng và quá tốt lá

Hồng là một loại hoa đẹp và được rất nhiều người chơi hoa ưa thích, nhất là chị em phụ nữ, vì thế cứ mỗi khi Tết đến xuân về nhiều chị em lại tìm kiếm mua những chậu hồng đẹp về đặt trong phòng khách, ban công… để chưng chơi.

Sau khi chưng chơi vài tuần đầu xuân bông hồng tàn, rụng, nhiều người muốn chậu hồng tiếp tục cho những đợt bông mới, vẫn để chúng trong ban công và chăm sóc rất chu đáo, bón phân tưới nước đầy đủ, cây hồng rất xanh tốt, sung sức nhưng không thấy chúng ra bông.

Thực ra nhiều chị em đã không biết được rằng hồng là một loại cây thích được sống trong điều kiện có nhiều nắng. Trong cùng một điều kiện chăm sóc như nhau nếu có đầy đủ ánh nắng (mỗi ngày được chiếu nắng khoảng 8-9 tiếng đồng hồ), thì cây hồng sẽ sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh gây hại, cho nhiều bông và mầu sắc của bông cũng sáng đẹp, rực rỡ.

Vì những lý do trên nên nếu muốn cây hồng tiếp tục cho những đợt bông mới, chị em phải tiến hành như sau:

- Sau khi chưng chơi trong mấy ngày Tết phải đưa cây hồng từ ban công, phòng khách ra chỗ có nhiều nắng (trảng nắng) và thời gian nắng kéo dài suốt ngày. Nhưng nhớ là sau khi đưa cây ra chỗ nắng, lúc đầu nên che mát cho cây, sau một thời gian cho cây quen dần với nắng gió thì dỡ dần mái che.

- Bón bổ sung thêm một ít phân chuồng mục. Đối với phân hoá học không nên bón quá nhiều đạm, ngoài phân đạm phải bón thêm phân lân và kali để cây cứng cáp, không bị tốt lốp (nếu tốt lốp là cây hồng sẽ không ra bông). Nên bón những loại phân hỗn hợp NPK có tỷ lệ đạm, lân và kali tương đương nhau như loại 20-20-20 hoặc 20-20-15… để cây sinh trưởng và phát triển cân đối, khoẻ mạnh. Khi nào cần cho cây ra bông thì thay bằng loại phân có hàm lượng lân và kali cao hơn đạm như một số loại phân bón gốc hoặc bón phun qua lá có tỷ lệ NPK là 10-20-20, khi cây bắt đầu ra nụ hoa thì phun thêm phân bón lá có tỷ lệ kali cao hơn đạm và lân như NPK 10-10-30 để bông có mầu sắc đẹp và lâu tàn.

- Không nên tưới nhiều nước, chỉ nên tưới sao cho vừa đủ ẩm.

Cố gắng điều khiển sao cho cây hồng sinh trưởng khỏe mạnh, tuyệt đối không để cho cây thiếu nắng và quá tốt lốp. Thường xuyên cắt tỉa những cành nhánh đã già, không cần thiết, tạo tán cho cây, để kích thích cho cây ra nhiều tược non, từ những tược non này sẽ phát triển thành nhánh mang bông.

Bốn cách ghép hoa hồng quý

phương pháp ghép có thể tạo được giống hồng có nhiều màu sắc, kiểu hoa khác nhau trên cùng một gốc, cần ghép mắt cây hồng có màu nhạt trước một thời gian rồi mới ghép mắt hoa màu sẫm

Đối với những giống hồng địa phương, hồng dại, hồng rừng hay hồng dây leo chỉ nên áp dụng phương pháp nhân giống bằng giâm cành. Còn đối với những giống hồng “khó tính” như hồng lai, hồng nhung ta không nên giâm cành – như hồng nhung rất khó tạo rễ do lượng tinh bột trong cây thấp, không đủ cho nhu cầu tái sinh cây, khối lượng Enzym và Cytokinin nội sinh thấp nên chỉ tạo được mô sẹo mà không phân hóa rễ.

Chiết cành và ghép cành thường được áp dụng cho giống hồng lai, hồng nhung và những giống hồng quý. Cây hồng chiết thường mọc nhanh hơn hồng ghép, nhưng hoa lại không đẹp và không bền bằng cây hồng ghép. Hơn nữa, phương pháp ghép có thể tạo được giống hồng có nhiều màu sắc, kiểu hoa khác nhau trên cùng một gốc (cần ghép mắt cây hồng có màu nhạt trước một thời gian rồi mới ghép mắt hoa màu sẫm). Có nhiều cách ghép hồng: ghép mắt, ghép áp, ghép nêm và ghép xuyên thân. Trong cả bốn cách ghép đều có một đặc điểm chung là: cành làm gốc ghép thường được chọn từ những giống hồng có phổ thích nghi rộng, dễ sống, sinh trưởng mạnh, nhưng hoa lại xấu như giống hồng dại, hồng tầm xuân, hồng leo, hồng sen... Còn cành ghép lại được lấy từ những giống ta mong muốn như giống hồng quý, hồng có hoa đẹp nhưng yêu cầu điều kiện ngoại cảnh và công chăm sóc rất khắt khe. Cả cành ghép và gốc ghép được chọn thường là cành bánh tẻ và có kích thước như nhau.

Ghép mắt:

Gốc ghép: chọn những cành đủ tiêu chuẩn làm gốc ghép, có kích thước to bằng chiếc đũa ăn cơm và cắt thành từng đoạn dài 15 – 20 cm đem giâm cho ra rế. Sau khoảng 2 – 3 tháng là có thể dùng để làm gốc ghép.

Mắt ghép: được lấy từ cành ghép, những cành chưa mọc nhánh hoặc mầm. Dùng dao sắc gọt miếng vỏ hình chữ nhật hay hình tam giác gồm cả gỗ có mắt ở chính giữa. Lấy mũi dao tách nhẹ miếng vỏ đó ra sa cho đừng để mắt dính trên phần gỗ. Có thể cắt bớt hai bên rìa phần vỏ này để nó có hình chữ T. Nên tiến hành vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn và đem ghép ngay vào gốc ghép để chỗ ghép không bị khô nhựa.

Cách ghép: lựa chọn những chỗ ghép không có gai và hướng về phía mặt trời, lau chùi bên ngoài vỏ cho thật sạch và khô ráo rồi dùng mũi dao thật sắc khắc hình chữ T, tách nhẹ hai mí vỏ theo chiều dọc. Tuyệt đối không để bị xơ, không để bụi đất, nước và nhất là mồ hôi rơi vào chỗ mở vỏ. Đặt mắt ghép có chồi hướng lên trên và cho vào gốc ghép. Phần vỏ phải ôm sát thân gốc ghép, mắt ghép không được dập mí và mí trên của mắt ghép phải sát với vết cắt ngang của gốc ghép để việc tiếp nhựa được dễ dàng. Sau đó dùng nilon quấn chặt vết ghép thành nhiều vòng (không nên buộc thành cục dễ đọng nước nơi ghép và nhớ chừa mầm mắt ghép ra để mầm tiếp tục sống và ra lá). Sau 2 – 3 tuần ta có thể mở dây ra, nếu mắt ghép còn xanh và tươi là ghép đã thành công còn mắt ghép khô héo là đã chết, phải ghép lại ở chỗ kế bên.

Ghép nêm:


- Gốc ghép: ta tuốt hết lá, cắt bỏ phần ngọn còn non ở cành làm gốc ghép, rồi dùng sao sắc cắt sâu hình chữ V.

- Cành ghép: dùng dao sắc vạt hình mũi tên nhọn có kích thước như hình chữ V ở gốc ghép.

- Cách ghép: đưa mũi tên nhọn của cành ghép lọt khít vào hình chữ  V của gốc ghép. Dùng dây nilon cột chặt lại để giữ chặt. Khoảng ba tuần sau chỗ ghép nêm sẽ liền và ta có được cây hồng mới có hoa đẹp và gốc vững chắc.

Ghép áp: trồng giống hồng có sức sống mạnh như hồng dại, hồng rừng... cạnh với giống hồng quý có hoa đẹp, to. Ta chọn mỗi giống một cành có kích thước như nhau cho hai cành đó kề sát nhau. Ngay đoạn chúng có thể cọ sát nhau, ta dùng dao bén cạo sạch vỏ rồi áp chặt chúng vào nhau. Sau đó dùng dây nilon buộc chặt chỗ áp sát đó. Cuối cùng, ta cắt bỏ phần ngọn của cây có hoa xấu để nó dồn sức nuôi cành mới. Khoảng ba tuần sau ta cắt rời thân cây có hoa đẹp, chỉ chừa lại đoạn cành ghép. Như vậy, ta được một cây có gốc sinh trưởng rất mạnh và lại có hoa quý và đẹp.

Ghép xuyên cây: cũng giống như ghép áp, ta trồng hai giống hồng cạnh nhau (một giống làm gốc ghép, một giống làm cành ghép). Ở giống hồng làm gốc ghép, chọn một chỗ định dùng dao lưỡi mỏng, có mũi nhọn đâm thủng ngay giữa lõi gỗ. Còn giống hồng làm cành ghép phải tuốt hết lá rồi chọn nơi định ghép, vạt bỏ một đoạn vỏ khoảng 0,5 cm xuyên qua thân cành gốc ghép. Sau đó cho chỗ vạt cỏ nằm gọn trong thân của cành gốc ghép. Bước cuối cùng là dùng nilon buộc chặt hết  chỗ ghép đó. Sau ba tuần ta tháo dây, nếu thấy chỗ ghép liền vỏ thì cắt bỏ đoạn cành ghép rời khỏi cây làm cành ghép, để cành ghép sinh trưởng phát triển dựa trên gốc ghép.

Lưu ý: để tỷ lệ ghép sống cao, ngoài thao tác phải nhanh, gọn và chuẩn xác, sau khi ghép xong ta nên che nắng cho mắt ghép và tuyệt đối không được tưới nước lên mắt ghép hoặc cành ghép (tính từ đoạn ghép), mà chỉ nên tưới dưới gốc ghép hoặc gốc của cành ghép. Khi mắt ghép hoặc cành ghép sống thì cắt bỏ hết các mầm nhánh của gốc ghép và phần dưới mắt ghép để tập trung dinh dưỡng nuôi mắt ghép, cành ghép và giảm che nắng để mắt ghép hoặc cành ghép thích nghi dần với ánh sáng. Để giúp mắt ghép hoặc cành ghép mọc nhanh ta nên hòa loãng đạm Urê nồng độ 1 – 2 0/00 tưới cho cây và bấm chồi ngọn của gốc ghép phía trên mắt ghép từ 1 – 2 cm để mắt ghép phát triển nhanh. Khi trồng cây ra đất nên đặt vị trí ghép ngang với mặt đất hay cao hơn một chút để sau này cây mọc khoẻ.

Bệnh hại cây hoa hồng, biện pháp phòng trừ

Để thuận tiện cho việc phát hiện bệnh ngoài đồng ruộng, chúng tôi lưu ý bà con một số đặc điểm chủ yếu về triệu chứng bệnh hại hoa hồng như sau

Cây hoa hồng bị bệnh đốm đen phá hại Hiện nay trên cây hoa hồng vùng Mê Linh - Hà Nội, nhiều bệnh hại đang xuất hiện, phát triển phá hại đặc biệt trên giống hồng đỏ Pháp nhập nội. Một số bệnh phổ biến và nguy hiểm trên cây hoa hồng là bệnh đốm đen (Marsonina rosae), bệnh phấn trắng (Sphaerotheca pannosa), bệnh gỉ sắt (Phragmidium mucronatum)… Để thuận tiện cho việc phát hiện bệnh ngoài đồng ruộng, chúng tôi lưu ý bà con một số đặc điểm chủ yếu về triệu chứng bệnh hại hoa hồng như sau:

- Triệu chứng đặc trưng, điển hình của bệnh đốm đen là tạo các vết đốm màu đen hình tròn với đường kính từ một vài mm đến hơn 1,5 cm, viền màu nâu đậm, mép đâm tia, ở giữa vết bệnh màu nâu xám và trên mô bệnh thường hình thành nhiều chấm đen nhỏ li ti đó là những ổ bào tử nấm hại.

 Bệnh đốm đen thường hại lá, thân cành, đài hoa gây hiện tượng lá úa vàng và làm rụng hàng loạt. Đối với bệnh phấn trắng hoa hồng rất dễ nhận biết bởi chúng luôn hình thành một lớp nấm màu trắng như bột phấn bao phủ trên bề mặt các bộ phận lá, cành non, nụ hoa... Bệnh phấn trắng làm lá bị biến dạng, mép lá uốn cong, lá dày thô, chồi nụ nhỏ và dễ rụng.

Đối với bệnh gỉ sắt, triệu chứng điển hình là tạo thành vô số các ổ nổi màu vàng da cam hoặc màu nâu sắt gỉ ở mặt dưới lá, cành non làm lá úa vàng. Ngoài các bệnh hại chủ yếu trên, hoa hồng còn bị phá hại bởi nhiều bệnh khác như bệnh virus, vi khuẩn, tuyến trùng…

- Các bệnh đốm đen, phấn trắng, gỉ sắt thường xuất hiện phát triển phá hại mạnh trong điều kiện thời tiết có độ ẩm cao (> 80%), lá ẩm ướt, nhiệt độ thích hợp từ 18 - 25oC. Vì vậy ở vụ thu đông và đông xuân, bệnh đốm đen thường xuất hiện phá hại mạnh từ tháng 9 - tháng 12.

Bào tử nấm dễ lan truyền nhờ gió, nước mưa, nước tưới, đặc biệt nấm dễ dàng xâm nhập vào các bộ phận lá, thân cành qua các vết thương sây sát hoặc vết cắn phá của côn trùng. Bệnh phấn trắng và gỉ sắt thường xuất hiện phá hại muộn hơn song tác hại cũng không nhỏ, tuỳ thuộc vào điều kiện thời tiết và giống hoa hồng.

Để chủ động phòng trừ các bệnh hại hoa hồng, bà con cần chú ý áp dụng một số biện pháp kỹ thuật như sau:

- Ngoài việc lựa chọn trồng giống hoa hồng chống chịu, cần chú ý chọn vườn ươm, vườn trồng cao ráo, khơi rãnh thoát nước tốt, tránh để ứ đọng nước sau mưa.

- Chú ý vệ sinh đồng ruộng, diệt trừ cỏ dại thường xuyên vì cỏ dại là ký chủ phụ tích lũy nhiều nguồn bệnh hại hoa hồng.

- Kịp thời tỉa cành, ngắt bỏ lá bệnh, tiêu huỷ tàn dư cây bệnh, tạo vườn hồng luôn thông thoáng làm giảm độ ẩm trên ruộng, tăng cường khả năng hấp thụ ánh sáng cho cây để nâng cao năng suất và phẩm chất hoa.

- Bón phân NPK cân đối, hạn chế bón quá nhiều phân đạm, tăng cường bón phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục, phân lân, kali hoặc tro bếp.

- Tưới nước đủ, tránh để nước ứ đọng nhiều trên mặt lá tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh lây lan, xâm nhập phá hại.

Khi thấy bệnh đốm đen, phấn trắng, gỉ sắt hại hoa hồng chớm xuất hiện, bà con cần chú ý phun một số thuốc đặc trị cụ thể như sau:

- Dùng thuốc Nativo 750 WG là thuốc trừ nấm thế hệ mới, nhờ tác động kép của hai dạng hoạt chất tebuconazol và trifloxystrobin nên thuốc vừa phòng vừa trừ triệt để, tối ưu tất cả các bệnh nấm hại trên cây hoa hồng. Thuốc Nativo 750 WG phòng trị tốt các bệnh đốm đen, gỉ sắt, phấn trắng. Thuốc có đặc tính bám dính tốt, thấm sâu nhanh, lưu dẫn mạnh nên chống rửa trôi khi mưa đồng thời bảo vệ được cả bên trong và bên ngoài lá cây, thậm chí cả những bộ phận của cây không được tiếp xúc với thuốc trong khi phun.

Thuốc Nativo 750WG còn có tác dụng kích thích sự sinh trưởng và làm tăng khả năng chống chịu của cây hoa hồng, nhờ vậy làm tăng năng suất và phẩm chất của hoa. Thuốc rất an toàn với cây hoa và người sử dụng, liều lượng dùng ít chỉ 0,2 kg/ha (pha 3g thuốc/bình 8 lit hoặc 6g/bình 16 lit).

- Ngoài thuốc Nativo 750 WG, bà con có thể luân phiên với thuốc Antracol 70 WP ở liều lượng 1,5 kg/ha (pha 25g thuốc/bình 8 lít). Thuốc Antracol 70 WP ngoài tác dụng phòng trừ tốt các bệnh hại trên cây hoa hồng (đốm đen lá, thán thư...), còn cung cấp một lượng kẽm (Zn++) dễ tiêu đáng kể cho cây hoa hồng (150g kẽm/kg thuốc thương phẩm) giúp lá cây xanh hơn, cây ra nhiều cành nụ và hoa có màu sắc đẹp hơn đồng thời làm tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của ngoại cảnh, giúp cây hoa hồng sinh trưởng, phát triển tốt hơn.

- Ngoài ra để phòng trừ bệnh phấn trắng và gỉ sắt hại hoa hồng, bà con có thể dùng thuốc Bayfidan 250 EC với liều lượng 0,5 lít/ha (50 ml/bình 16 lit). Thuốc này cũng có tác dụng tốt đặc trị các bệnh gỉ sắt, phấn trắng đồng thời còn giúp cây xanh lá và hoa đẹp hơn.

- Để khắc phục tình trạng cây hoa hồng còi cọc, suy yếu, thiếu dinh dưỡng bà con nên bổ sung các loại vi khoáng tinh khiết cho cây bằng cách phun Bayfolan (khoáng chất 11-8-6) để tăng cưòng sức sống và sức đề kháng cho cây dẫn đến tăng năng suất và phẩm chất hoa hồng.

Kỹ thuật bảo quản hoa hồng sau thu hoạch

Ngày nay, với công nghệ khoa học kỹ thuật hiện đại càng phát triển thì việc kéo dài thời gian tươi tắn của hoa không có gì là khó. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu phương pháp bảo quản hoa hồng sau thu hoạch giữ được nét tươi tắn như khi mới cắt

1. Thời điểm thu hoạch hoa: Nên chọn thu hoạch vào lúc sáng (5 – 6 giờ)

Khi thu hoạch phải chú ý đến vị trí cắt hoa vì vị trí ảnh hưởng trực tiếp đến độ dài cành hoa, tới sự nảy chồi dưới vết cắt và số ngày cắt lứa sau, chất lượng hoa lứa sau. Tuỳ thuộc vào tình trạng sinh trưởng thực tế của cây mà có thể để lại trung bình từ 2 – 4 đốt hoặc có thể cắt sát cành hoa chính cũng được. Nếu thu hoạch vào tháng 9 – 10 có thể để lại 5 đốt, tháng 3 - 4 để lại 2 đốt.

2. Xử lý sau khi cắt hoa

Sau khi cắt hoa xong phải cắm ngay 1/3 cuống hoa vào trong thùng nước. Sau đó đưa vào nơi mát, thông thoáng để xử lý sơ bộ. Ta phải:

- Loại bỏ cành hoa già, sâu bệnh, xấu không đủ tiêu chuẩn ra một khu.

- Cắt tỉa bỏ những mầm non ở trên cành.

Trước khi tiến hành bảo quản, cần phân loại hoa theo từng loại để tiện bảo quản. Sau khi phân loại xong thường bó 50 cành hay 100 cành/1 bó.

3. Bảo quản hoa:

Bảo quản bằng hoá chất: Sử dụng các chất sau:

- Dung dịch dưỡng cành: Hoa sau khi cắt bị mất nguồn dinh dưỡng, để duy trì dinh dưỡng nuôi cành nên sử dụng các dung dịch Glucoza, Saccaroza 3 –5% trong thời gian bảo quản.

- Sử dụng chất ức chế nấm bệnh:
Khi cắt hoa sẽ tạo thành vết thương trên cành, từ các vết thương này vi sinh vật gây bệnh xâm nhiễm gây tắc bó mạch, hoa không hút được nước nên bị héo nhanh. Để giảm tác hại của vi sinh vật nhúng gốc cành vào dung dịch 10% muối Forinat Natri + Limonat gốc -8 – OH.

- Sử dụng chất khoáng Etylen: Etylen là 1 hoocmon thực vật thuộc nhóm chất gây già hoá vì vậy trong quá trình bảo quản hoa nên sử dụng một số chất khoáng như Thiosunfat Bạc nồng độ 1 – 1,5 ppm phun vào cành, lá.

Bảo quản trong phòng bảo quản điều chỉnh không khí: Điều chỉnh nhiệt độ từ 2-5°C, ẩm độ 85 – 90% trong thời gian bảo quản.

Ghép cây hoa hồng

Hoa hồng là một loài hoa đẹp nhất trong các loài hoa, được xem là biểu tượng của tình yêu và niềm hạnh phúc, nhưng nó cũng là loài hoa khó trồng. Khó không phải ở chỗ trồng cho cây mọc lên mà làm thế nào cây hồng đó cho được những đóa hoa to, đẹp.

Kỹ thuật ghép cây hoa hồngHồng có nhiều loại, từ loại hoa nhỏ như hồng tỉ muội, hồng Huế, tường vi... đến những loại cho hoa to, màu đặc sắc như hồng Nhung màu đỏ thẫm (đang là giống hồng chủ lực của thị trường Hà Nội), hồng Vàng (còn gọi là Joséphine theo tên hoàng hậu Pháp, vợ của Napoléon Bonaparte), hồng Bạch, hồng Phấn (còn có tên Grace Kelly - vợ của ông hoàng Rainer de Monaco), hoa hồng B.B (theo tên minh tinh màn bạc nổi tiếng của Pháp - Brigitte Bardot)... Mỗi loài hoa hồng đều có vẻ đẹp riêng, màu sắc riêng. Đó là những đóa hoa không thể thiếu trong các phòng khách, phòng tiếp tân và hơn nữa, chúng làm cho người tặng lẫn người nhận đều cảm thấy hạnh phúc.

Nhưng còn người trồng hoa hồng? Họ cũng có cảm nhận hạnh phúc, có khi còn nhiều hơn vì đây là những cây hoa hồng mà họ chăm sóc, trổ hoa, bắt đầu từ cách chiết hay cách ghép.

Các loài hoa hồng màu sẫm thường mọc mạnh hơn các loài hoa màu nhạt.



Cây hồng chiết, mọc nhanh hơn, đâm cành nhiều nhưng hoa ít đẹp và không bền bằng cây hồng ghép. Phương pháp ghép mang lại điều lợi là ta có được những giống hồng quý hoa to ngay trên những giống tầm thường nhưng sức sống mạnh và đã thích hợp với thủy thổ địa phương. Hơn nữa, ta có thể tạo ra nhiều giống hồng cho hoa khác nhau trên cùng một gốc ghép. Trong trường hợp này cần ghép mắt cây hồng có hoa yếu (màu nhạt) trước một thời gian rồi mới ghép mắt cây mạnh (hoa sẫm màu) sau.

Thời gian thuận tiện cho việc ghép cây hoa hồng thường là vào mùa mưa (phía nam nước ta) hay mùa xuân (phía bắc).

Sau đây là những điểm chính của cách ghép hoa hồng:


* Chọn gốc ghép

Thường dùng giống tầm xuân (Rosa canina), hồng sen (Rosa indica), hay hồng chùm (Rosa Multiflora) làm gốc ghép, vì chúng là những giống hồng rất mạnh.

Gốc ghép được chuẩn bị bằng cách cắt từng đoạn, giâm cho ra rễ, các nhánh phát triển khoảng 3 tháng là dùng để ghép được.

* Chọn cành

Chọn cành vừa tuổi, từ 7-10 cm tính từ mặt đất, trên cành này chọn chỗ không có gai, phía hướng đông, lau chùi bên ngoài vỏ cho sạch, rồi dùng dao thật bén rạch một đường ngang và một đường dọc thành chữ T.

* Chọn mắt ghép

Trên cành của những giống hồng tốt mà ta muốn nhân giống, chọn cành tương đương gốc ghép và chưa mọc nhánh, bứt lá, chọn những mắt vừa nhú mầm và mập mạnh. Dùng dao bén gọt miếng vỏ gồm cả gỗ có mắt ở chính giữa, nhẹ tay tách vỏ ra khỏi phần gỗ sao cho đừng để mắt dính trên phần gỗ. Có thể cắt bớt 2 bên rìa phần vỏ này để vỏ vừa vặn với dấu rạch T ở gốc ghép.

* Ghép mắt và chăm sóc


Đặt mắt vào gốc ghép sao cho phần vỏ có mắt đó vào giao điểm 2 đường rạch trên gốc ghép, mắt cách đường rạch ngang 0,5-1cm là vừa. Dùng dây nylon buộc chặt và xuôi cho quá đầu vết vỏ rạch ở trên gốc ghép. Không nên buộc dây thành cục, dễ làm đọng nước nơi ghép. Khoảng 10-15 ngày sau tháo dây. Dùng dao lam tỉa bỏ các mầm mọc ở gốc ghép và phần dưới mắt ghép.

Trời nắng phải che mát nơi ghép. Cần tưới nước thường xuyên cho mắt ghép.

Khi mắt phát triển thành mầm được 10-12cm thì cắt cành chịu ghép (của gốc ghép) phía trên mắt từ 1-2cm. Dùng cây chói nhỏ và dây buộc gốc ghép, tránh lay động.

Từ đây, bắt đầu giai đoạn chăm sóc một cây hoa hồng.
Trừ các giống hồng địa phương, cho hoa không đẹp như hồng dây leo, hồng tỉ muội... nhưng lại có sức sống rất mạnh, thường được trồng bằng cách giâm cành còn đa số các giống hồng cho hoa lớn đều được gây giống bằng cách chiết hay cách ghép.

Kỹ thuật bón phân cho cây hoa hồng

Hoa hồng là cây ưa khí hậu mát, nhiệt độ thích hợp trong khoảng 18-25 độ C. Là cây hoa lâu năm, nếu hồng ghép trên gốc hồng dại thì có thể cho thu hoạch bông tới 10 năm và hơn nữa.

1- Đặc điểm chung

- Hoa hồng là cây ưa khí hậu mát, nhiệt độ thích hợp trong khoảng 18-25oC. Là cây hoa lâu năm, nếu hồng ghép trên gốc hồng dại thì có thể cho thu hoạch bông tới 10 năm và hơn nữa.

- Yêu cầu đất trồng phải tơi xốp, thoát nước tốt, giàu hữu cơ và dinh dưỡng. Cây hoa hồng có thể trồng được quanh năm nhưng ở miền Bắc thích hợp nhất là vụ Xuân (tháng 2-3).

- Mật độ thích hợp với hoa hồng cắt cành 70.000 - 80.000 gốc/ha.

- Các giống tốt và phổ biến hiện nay: xanh Long Mỹ, đỏ Hà Lan, đỏ Ý, đỏ Pháp, cam, hồng, phấn, vàng trắng, cá vàng, trắng, tối....

2- Bón phân

Hoa hồng là cây cho giá trị kinh tế cao, vào thời kỳ thu hoạch rộ, mỗi ha trồng cắt cành thu khoảng 30.000 bông, cứ 2 ngày thu 1 lần. Thời điểm không rộ cho thu 10.000 bông/đợt. Do vậy hoa hồng cắt cành đòi hỏi lượng phân rất cao.

Nhà vườn thâm canh hoa hồng cắt cành Đà Lạt thường đầu tư 20-30 triệu đồng tiền phân bón/ha/tháng.

Việc bón phân cho hoa hồng ngoài việc phải đạt năng suất cao còn phải đạt màu sắc hoa đẹp, hoa lâu tàn và hương thơm. Tùy theo mức độ thâm canh, quy trình bón phân như sau:

* Vườn hoa hồng cắt cành:


a) Bón lót khi trồng (lượng bón cho 1.000m2)

- Vôi bột hoặc đôlômít: 100-150kg.
- Phân chuồng hoai:     4-6 tấn.

b) Bón thúc cho gốc ghép (sau khi đặt gốc hồng dại):

- Compomix: 20-30 kg/1.000m2/lần. Bón 5 lần, định kỳ 1 tháng/lần kết hợp làm cỏ, vun xới.

c) Bón thúc sau khi ghép mắt:


Sau trồng 6 tháng thì tiến hành ghép mắt, sau ghép 15 ngày sẽ hạ giàn và bón thúc

+ Thúc mầm lần 1 (sau khi ghép 30-35 ngày): 5-6 tấn phân chuồng hoai/công.

+ Thúc mầm lần 2 (sau ghép 45-50 ngày): 40-60 kg NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu cho 1.000m2

+ Thúc sau mỗi lần tỉa nhánh: 15-20kg NPK 13-13-13 + TE Đầu Trâu cho 1.000m2. Kết hợp phòng ngừa sâu bệnh.

+ Thúc định kỳ 15 ngày bón 1 lần, lượng bón 50-70kg NPK 13-13-13 + TE Đầu Trâu cho 1.000m2.

+ Bón phân magiê: Định kỳ 4-5 tháng bón 1 lần với lượng 1,5-2kg MgSO4/1.000m2 bằng cách trộn với phân NPK bón gốc hoặc hòa với nồng độ 0,3-0,5% để phun qua lá.

+ Phun qua lá: Phân bón thích hợp cho các thời kỳ phát triển của hồng là Đầu Trâu 501, 701 và 901, đây là loại phân có đầy đủ và cân đối đa, trung, vi lượng và các chất điều hòa sinh trưởng. Nồng độ và liều lượng phun tùy thuộc tuổi và thời kỳ phát triển như sau:

- Thời kỳ hồng tăng trưởng và sau cắt hoa: Pha 1-2 gam Đầu Trâu 501 trong 1 lít nước, phun định kỳ 7-10 ngày/lần.

- Thời kỳ hồng trưởng thành sắp ra nụ hoa: Pha 1-2 gam Đầu Trâu 701 trong 1 lít nước, phun định kỳ 7-10 ngày/lần.

- Khi hồng đã có nụ và dưỡng hoa khi đang nở: Pha 1-2 gam Đầu Trâu 901 trong 1 lít nước, phun định kỳ 7-10 ngày/lần.

+ Từ năm thứ 2, vào đầu chu kỳ bón 5-6 tấn phân chuồng hoai/1.000m2. Phân bón NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu và phân bón lá sử dụng theo quy trình trên.

* Vườn hoa hồng cắt cành:

a) Bón lót (lượng bón cho mỗi m2 đất trước khi đặt bầu):
    3-4kg phân chuồng hoai
    2-3kg tro trấu
    Đất trồng Compost Đầu Trâu
    50-100 g lân Đầu Trâu

Kết hợp với thuốc phòng trừ kiến, mối và sùng.

b) Bón thúc: thúc định kỳ 15-20 ngày/lần với lượng bón

    40-60g NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu cho mỗi m2

Sau mỗi lứa hoa cần tỉa cành và bón bổ sung 1kg phân chuồng.

Phun phân bón lá Đầu Trâu 501, 701, 901 theo quy trình như trên.

* Hồng trong bồn (chậu)

a) Chuẩn bị đất trồng: Sử dụng đất Compost Đầu Trâu, bỏ vài viên gạch nhỏ ngay lổ thoát nước của chậu để tránh bí nước. Cho hỗn hợp đất này vào bồn (chậu) sau đó đặt bầu sao cho bề mặt bầu ngang với mặt đất và đạt 8/10 so với thành chậu, lèn chặt đất lại.

b) Bón thúc định kỳ 20-30 ngày/lần với lượng: 30-50 g NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu

Lượng bón trên tính cho mỗi chậu (1-2 bụi), với bồn cần tăng lượng lên theo số lượng bụi.

Phun phân bón lá Đầu Trâu 501, 701, 901 theo quy trình như trên.

Sau 2-3 tháng cần thay 1/3 đến 1/2 lượng đất cũ trong chậu (bồn) bằng hỗn hợp đất sạch Compost Đầu Trâu. Cần moi đất quanh chậu và phía trên, tránh làm đứt rễ. Tưới nước ngay sau khi thay đất.