Pages

Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

Đu đủ núi, trái cây vùng Nam Mỹ

Đu đủ núi, trái cây vùng Nam Mỹ

Trái Đu đủ núi không có hạt, nhân giống bằng cách giâm cành. Cây thường nhảy con ra quanh gốc, tách những nhánh con này ra, cắt thành từng đoạn dài 10 -20cm cắm thẳng những đoạn này xuống đất rồi tưới ẩm


Đu đủ núi (Babaco), còn gọi là trái Champagne ( Champagne fruit) vì mùi vị của nó giống rượu Champagne- chua chua, ngọt ngọt và thơm thơm! Cây có tên khoa học là Carica pentagona- vì trái có 5 cạnh. Đây là loài đu đủ được lai tạo giữa 2 loài đu đủ núi mọc hoang dại trên các vùng đồi núi cao của các xứ Peru, Colombia và Chile.

Đu đủ núi thích hợp nơi có độ cao từ 1.500m -> 3.000m với khí hậu bán nhiệt đới như ở Đà Lạt, các tỉnh phía Bắc và các vùng cao ở Việt Nam như Sapa.Hiện nay ngoài Nam Mỹ ra, Babaco còn được trồng rất nhiều ở California, Italy, miền Nam nước Anh, vùng đảo Channal Islands giữa nước Anh và Pháp, Úc, nhiều nhất là New Zealand.

Đu đủ núi cao đến 10m, nhìn giống cây Đu đủ, nhưng lá nhỏ hơn và có nhiều cây con nhảy ra quanh gốc như cây chuối. Babaco thích khí hậu bán nhiệt đới, nóng đến 36oC, thích nắng ấm.Cây có thể chịu lạnh đến 2oC, lá sẽ rụng bớt đi, nhưng sẽ hồi phục nhanh chóng khi trời ấm áp trở lại.

Cây Babaco sống đến 8 năm, chỉ ra toàn hoa cái, mỗi năm ra từ 40 đến 100 trái.  Tuy cây mang rất nhiều quả, nhưng cuống trái rất dài nên trái vẫn có đủ chỗ để phát triển chứ không bị chen lấn như cây đu đủ thường. Trái chín màu vàng tươi, dài 30cm, ngang 12cm, nặng từ 1-2kg. Trái  không có hạt và có thể ăn luôn cả vỏ. Trái chín có mùi thơm rất đặc biệt, như là mùi Dâu tây Đà Lạt quyện với mùi trái thơm, trái Kiwi và trái Đu đủ. Thịt bên trong màu trắng ăn hơi cứng chớ không mềm như đu đủ thường, rất nhiều nước, vị chua và ngọt ngọt như trái me chín.

Cây thích mọc ở đất cát, đất thịt thoát nước, đất nhiều dưỡng chất vì rễ đu đủ núi cần nhiều chất bổ để nuôi hằng đống trái trên cây. Đu đủ núi trồng trên đất úng nước rễ hay bị thúi. Tuy cây thích đất thoát nước, nhưng nên rải một lớp  rơm khô quanh gốc cây để giữ ẩm vì cây không thích đất khô.

Cách nhân giống đu đủ núi

Trái Đu đủ núi không có hạt, nhân giống bằng cách giâm cành. Cây thường nhảy con ra quanh gốc, tách những nhánh con này ra, cắt thành từng đoạn dài 10 -20cm ( đoạn có lá xanh ở trên hoặc đoạn không có lá đều dùng được). Cắm thẳng những đoạn này xuống đất đến 2/3 chiều cao, tưới nước. Ta có thể cắm vào đất cát, Trước khi giâm nên để những đoạn giâm này trong mát khoảng 1 tuần cho nhựa khô đi, sau đó mới cắm xuống đất để đoạn giâm không bị thúi , có thể dùng thuốc kích thích để đoạn giâm mau ra rễ.

Trái đu đủ núi có chứa nhiều sinh tố C. Trái đu đủ núi dùng để ăn tươi, cắt lát mỏng hoặc từng khúc vuông, rắc thêm đường và ăn lạnh, hoặc xay sinh tố. Thịt trái đu đủ núi chín hơi cứng và dai dai, có thể dùng để nấu ăn, cắt lát mỏng trộn gỏi, sấy khô hoặc làm mứt.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét