Pages

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Lưu Ý Khi Trồng Dừa Xiêm

Mặc dù dừa xiêm là loại cây dễ trồng, song để có sản lượng cao luôn đòi hỏi sự quan tâm đúng mức của nhà vườn.

Trước kia dừa xiêm được xem là cây trồng phụ, chỉ trồng xen trong những vườn dừa ta hoặc cây ăn trái để làm nước giải khát khi khách đến nhà. Tuy nhiên , ngày nay dừa xiêm lại trở thành cây có giá trị kinh tế cao mà lại  ít  vốn đầu tư, mau cho trái, và đặc biệt là ít tốn công chăm sóc, bón phân, phun thuốc như những cây ăn trái khác. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ dừa xiêm ngày càng cao, có lẽ vì nước dừa là loại giải khát thiên nhiên vừa ngon, bổ mà lại rất tinh khiết và phát triển thích hợp với vùng đất Bến Tre. Vì thế hiện nay nông dân đang có khuynh hướng mở rộng diện tích trồng dừa xiêm.

Môi trường sống và kỹ thuật canh tác tác động mạnh mẽ đến sự sinh trưởng và phát triển của cây dừa xiêm. Để đạt sản lượng cao và ổn định, cần lưu ý một số điều khi trồng:

- Tuyển chọn giống: chọn những trái trong vườn trồng thuần dừa xiêm( không trồng xen với các loại giống khác), vì dừa dễ bị lai tạp. Nên ưu tiên chọn các trái giữa buồng rồi đến trái cuối buồng, nên bỏ những trái ở đầu buồng vì về sau cây sẽ cho những buồng có cổ bông dài, dễ bị gãy cổ.

- Trong vườn ươm, chọn cây con có nhiều lá, cuống lá ngắn, rộng và phiến lá rộng thường là những cây cho sản lượng cao.

- Rễ thường phát triển ở phạm vi bán kính 2m, do đó khi trồng xen các cây khác nên cách gốc dừa ít nhất 2m.

- Bẹ lá là một gía đỡ để bảo vệ buồng trái, vì thế không nên vô cớ đốn tỉa các tàu lá non sẽ làm giảm sức tăng trưởng của cây. Đối với những cây dừa đang cho trái, nếu tàu lá bị mất đi trước khi hoa tự nở sẽ làm cho hoa tự ở nách lá đó bị hư, hoặc nếu buồng trái phát triển sau này dễ bị gãy cổ.

- Rễ chính có thể sống được lâu nhưng rễ phụ có đời sống ngắn, dễ bị chết khi gặp khô hạn hay bị ngập úng, do đó nên chú ý tưới nước đầy đủ trong giai đoạn cây con và mương vườn cần có hệ thống thoát nước tốt.

- Thường xuyên xới xáo vườn dừa vào đầu mùa mưa để cắt bỏ phần rễ chết, tạo sự thoáng khí cho đất cho rễ mới mọc ra là một việc làm cần thiết trong quá trình chăm sóc dừa.

- Làm sạch cỏ tranh vì thân ngầm của nó khi gặp điều kiện ẩm sẽ tái sinh trưởng và có thể đâm thủng qua các rễ dừa, các chất độc do cỏ tiết ra có thể làm chết rễ dừa.

- Hàng năm nên vét mương, bồi bùn vừa cung cấp thêm đất cho bộ rễ vừa cung cấp thêm dưỡng chất cho cây và vừa tạo điều kiện cho vườn dừa thoát nước dễ dàng, tránh ngập úng. Tuy nhiên, không nên bồi bùn quá dày vì có thể làm ngộp và nóng rễ cây gây hiện tượng rụng trái non, cũng không nên chỉ bồi phủ chung quanh gốc dừa vì rễ non sẽ không hút được chất dinh dưỡng đồng thời còn làm bộ rễ có khuynh hướng ăn trồi lên trên ( mau trồi gốc).

- Mỗi năm cây dừa sản xuất ra một khối lượng vật chất thực vật rất lớn ( rễ , thân, lá, hoa, trái ), vì thế nhu cầu dinh dưỡng đối với cây dừa là rất lớn và rất cần thiết. Cho nên việc bón phân hợp lý là một biện pháp kỹ thuật tích cực và quan trọng để thâm canh vườn dừa cao sản. Điều cần lưu ý là nếu để cây dừa thiếu hụt dinh dưỡng trong một thời gian dài rồi mới bù đắp cho nó thì không thể nào phục hồi được năng suất như mong muốn.

- Trên dừa xiêm cần chú ý hai đối tượng quan trọng là sâu đuông  và bọ cánh cứng hại dừa ( dừa xiêm rất mẫn cảm đối với các côn trùng này).

+ Đuông dừa: Đuông là côn trùng gây hại nguy hiểm nhất, bởi vì rất khó phát hiện khi nó bắt đầu tấn công, đến khi phát hiện thì đỉnh sinh trưởng đã bị phá huỷ. Đuông trưởng thành đẻ trứng trên thân dừa bị thương tích và trên những vết nứt của thân. Phá hại chủ yếu giai đoạn sâu non. Ấu trùng khoét những lổ nhỏ trên thân hoặc trên ngọn cây. Khi ấu trùng bắt đầu tấn công và ăn đọt dừa, những lá non bắt đầu héo và ngã xuống, báo hiệu cây dừa sắp chết. Biện pháp phòng ngừa sự phá hại của kiến vương cũng là phòng ngừa sâu đuông, vì sâu đuông là côn trùng xâm nhập thứ cấp (đẻ trứng trên vết đục của kiến vương). Thường xuyên kiểm tra và chăm sóc vườn dừa để kịp thời phát hiện sâu đuông, dùng bông gòn tẩm các loại thuốc hóa học như Basudin 50ND, Pyrinex 20 EC, Actara 25WG,…nhét vào các lổ xâm nhập của sâu đuông sau đó dùng đất sét trám bít lổ lại.

+ Bọ cánh cứng hại dừa (Bọ dừa): phá hại ở cả giai đoạn sâu non và trưởng thành. Bọ dừa tấn công bề mặt của lá non chưa mở. Chúng ăn lớp biểu bì làm lá bị héo khô, mất khả năng quang hợp. Hiện nay, việc thả ong ký sinh để diệt bọ cánh cứng hại dừa là biện pháp sinh học được ứng dụng phổ biến, đạt hiệu quả cao, ít tốn kém và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường.

Mặc dù dừa xiêm là loại cây dễ trồng, song để có sản lượng cao luôn đòi hỏi sự quan tâm đúng mức của nhà vườn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét