Quả vả món ăn và vị thuốc
Theo đông y thì quả vả có vị ngọt tính bình, có công năng làm mạnh dạ dày, nhuận tràng, thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm, lợi tiểu, ngoài ra còn thấy trong quả vả chứa nhiều thành phần dinh dưỡngCây vả có tên khoa học là Ficus auriculata Lour, thuộc họ dâu tằm (Moraceae). Người Trung Quốc gọi là đại quả dung, đại diệp dung, viên diệp dung, ở nước ta có nơi gọi là cây ngõa. Cây vả sinh trưởng tốt ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Cây mọc tự nhiên trong quần hệ rừng kín, mưa ẩm, khí hậu mát nên tại rừng núi nước ta thường thấy cây vả xuất hiện ven sông suối, khe nước ở vùng núi cao. Cây vả cao khoảng 5 - 10m, có tán rộng, cành mập, lá to, quả phức, thường to bằng nắm tay, khi chín có màu đỏ nâu sẫm, thịt mềm, ăn cũng ngon ngọt. Mùa hoa quả từ tháng 12 đến tháng 3 hằng năm. Quả, rễ, lá đều được sử dụng làm thuốc hay thức ăn.
Theo các nhà dinh dưỡng, quả vả có giá trị dinh dưỡng cao, đem lại nhiều ích lợi cho sức khỏe. Cụ thể: Quả vả chứa nhiều vitamin A, B và khoáng chất như phốt-pho, can-xi, chất sắt và ma-giê…; Pectin, một chất xơ hòa tan có trong trái vả, giúp cải thiện hệ tiêu hóa, cung cấp can-xi, chất giúp cứng xương. Quả vả khô chứa các a-xít béo omega-3 và omega-6 cùng với phenol là những chất giúp ngừa bệnh tim mạch vành; Quả vả chứa sắt rất tốt trong việc điều trị thiếu máu…Quả vả thường ăn với các loại rau sống, kho với các loại thịt, cá; hầm với xương, giò heo; làm dưa chua hoặc chế biến món vả trộn.
Theo đông y thì quả vả là loại bình bổ (vị ngọt tính bình), có công năng làm mạnh dạ dày, nhuận tràng, thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm, lợi tiểu, ngoài ra còn thấy trong quả vả chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, kiện vị, cầm ỉa chảy. Là loại thích hợp sử dụng cho những người phế nhiệt, khan tiếng, tỳ vị hư yếu, tiêu hoá kém, trẻ em ỉa chảy lâu ngày, táo bón. Còn rễ và lá vả có tác dụng tiêu thũng giảm độc, tiêu viêm chỉ thống.
Dưới đây là những món ăn, vị thuốc từ quả vả:
- Trị họng sưng đau: Quả vả non 100g, lá chó đẻ 50g, búp tre 30g. Rửa sạch các vị, giã nát, sao nóng rồi đắp vào cổ nơi đau rát và băng giữ. Thực hiện trong 3 ngày, mỗi ngày làm 2 lần sáng và chiều.
- Trị khan tiếng: Lấy quả vả 150g, sắc lấy nước, cho ít đường phèn vào và uống. Mỗi lần uống 5g vả, ngày uống 3 lần, uống từ 2 – 3 ngày.
- Trị mụn trứng cá và mụn nhọt: Nghiền nát trái vả tươi, sau đó bôi lên mặt và để trong vòng từ 10 - 15 phút. Trị mụn đỏ ở mũi: Lấy nhựa cây vả bôi nhiều lần vào chỗ mụn, bôi vài ngày sẽ khỏi.
- Trị tỳ hư ỉa chảy lâu ngày, tiêu hoá kém: Lấy quả vả phơi khô, thái hạt lựu, sao vàng, cho đường trắng và nước sôi vào hãm lấy nước uống thay trà trong ngày, uống trong 1 tuần lễ.
- Trị trĩ, lòi dom, táo bón: Lấy 10 quả vả, ruột già lợn một khúc. Đổ nước vừa ăn, nấu nhừ, nêm gia vị vừa miệng. Ăn hết trong ngày hoặc lấy lá vả giã nát đắp vào nơi có trĩ, ngày 2 - 3 lần trong nhiều ngày.
- Trị viêm loét dạ dày, tá tràng: Lấy quả vả sấy khô tán bột, mỗi lần uống 5g, ngày 3 lần.
- Trị chứng ít sữa ở sản phụ: Quả vả khô đem sấy giòn, tán bột. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 12g với nước đun sôi để nguội. Cần sử dụng liền 3 - 5 ngày hoặc hầm vả với sườn non hoặc giò heo để có nhiều sữa cho con bú.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét