Cây sa mộc là loài cây gỗ lớn, có giá trị kinh tế cao, gỗ bền đẹp dùng trong xây dựng và đóng đồ gia dụng. Sa mộc ưa ánh sáng, mọc nhanh so với một số loài cây lá kim khác, sinh trưởng tốt ở các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, Lào Cai… phù hợp nơi tầng đất dày, ẩm, nhiều mùn, thoát nước.
1. Hạt giốngChọn cây từ 10 năm tuổi trở lên, có hình dáng đẹp, thân thẳng, không sâu bệnh để lấy hạt giống. Chọn quả to mập màu vàng nhạt, ủ đống bằng bao tải 2 - 3 ngày cho chín đều. Thường xuyên đảo quả, cho quả khô đều. Khi quả nứt đem phơi và đập nhẹ để tách hạt.
2. Tạo cây con
- Xử lý hạt: Hạt trước khi xử lý phải làm sạch. Ngâm hạt vào nước ấm khoảng 400C trong thời gian 8 - 12 giờ. Sau 5 - 6 ngày, gieo hạt thẳng vào bầu. Mỗi bầu gieo 2 - 3 hạt ở độ sâu 0,2 - 0,3 cm, gieo xong phủ một lớp đất mịn đủ kín hạt, tưới đẫm nước. Khi cây 1 tháng tuổi, tỉa bớt chỉ để lại mỗi bầu 1 cây sinh trưởng tốt, trồng giặm bổ sung vào cây chết. Định kỳ 15 ngày làm cỏ, phá váng 1 lần kết hợp với bón thúc phân NPK nếu cây sinh trưởng kém.
- Phòng trừ sâu bệnh: Khi cây sa mộc 2 tháng tuổi hay bị nấm lở cổ rễ, vì vậy phải phun thuốc Boóc đô có nồng độ 0,5% với liều lượng pha 1 lít/8 m3.
- Đảo bầu: Khi cây con 3 - 4 tháng tuổi, cần phải đảo bầu. Khi cây con từ 6 tháng tuổi trở lên, phải đảo bầu để hạn chế rễ ăn vào nền đất, đảo xong phải tưới đẫm nước và làm giàn che. Cây con xuất vườn từ 8 - 12 tháng tuổi, cây khoẻ có hình dáng đẹp, cân đối, không cụt ngọn, không sâu bệnh, cây cao từ 30 - 35 cm, đường kính cổ rễ 0,3 - 0,5 cm.
3. Kỹ thuật trồng
- Thời vụ trồng: Vụ xuân trồng vào tháng 3 - 4, vụ thu trồng vào tháng 8 - 9. Trồng nơi có thực bì cây bụi, cây tái sinh. Mật độ trồng 1.600 cây/ha, cự ly cây cách cây 2 m, hàng cách hàng 3 m. Cuốc hố theo đường đồng mức, hố đào bố trí theo hình nanh sấu, kích thước hố 30 x 30 x 30 cm, cuốc lấp hố trước khi trồng 15 - 20 ngày.
- Trồng cây: Chọn ngày râm mát, đất trong hố đủ ẩm, moi đất giữa hố, cắt bỏ vỏ bầu, đặt cây ngay ngắn, vừa lấp đất màu vừa ấn xung quanh, lấp kín cổ rễ cao 2 - 3 cm thành hình mâm xôi.
4. Chăm sóc rừng
- Sa mộc trồng vụ xuân, chăm sóc 3 năm
- Sa mộc trồng vụ thu, chăm sóc 4 năm
* Năm thứ nhất:
- Vụ xuân chăm sóc 2 lần
- Vụ thu chăm sóc 1 lần
+ Kỹ thuật chăm sóc năm thứ nhất: Lần 1 rẫy cỏ vun đất vào gốc cây, đường kính 0,6 - 0,8 m. Kết hợp trồng giặm cây chết. Lần 2 phát quang thực bì, cắt gỡ dây leo lấn át cây trồng, kết hợp trồng giặm cây chết.
* Năm thứ 2:
- Chăm sóc 3 lần. Lần 1 cũng như năm thứ nhất, lần 2 và 3 phát quang cây bụi, cỏ xâm lấn, cắt gỡ dây leo cuốn gốc cây trồng.
* Năm thứ 3:
- Chăm sóc 3 lần, kỹ thuật như lần 2, lần 3 của năm thứ 2.
* Năm thứ 4:
- Chăm sóc 1 lần, phát quang cây bụi, cỏ xâm lấn, cắt gỡ dây leo cuốn gốc cây trồng (áp dụng cho rừng trồng vụ thu).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét