Bưởi đỏ Luận Văn
Theo các bậc cao niên ở làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) giống bưởi đỏ nơi đây vốn là quả tiến vua có từ thời Hậu Lê.Những năm gần đây các ngành chức năng đã phục tráng thành công và khuyến cáo sản xuất đại trà giống bưởi này. Vùng bảo hộ chỉ dẫn địa lý của bưởi Luận Văn được xác định của 2 xã Thọ Xương và Xuân Bái và một số xã phụ cận của huyện Thọ Xuân với diện tích 955 ha.
Đặc điểm thực vật
Bưởi Luận Văn thuộc nhóm bưởi đơn (Citrus grangdis), họ cây có múi (Citrus), là cây thân gỗ, cao trung bình 3 – 4m, vỏ thân có màu vàng nhạt, các cành nhỏ có gai nhỏ, nhọn. Lá hình trứng, có thùy, dài 11 – 12 cm, rộng 4,5 – 5,5 cm. Hoa kép, màu trắng, mọc thành chùm, thường nở vào tháng 2 ở Thanh Hóa và các tỉnh Bắc Trung bộ.
Quả hình cầu dẹt, đường kính trung bình 15 – 16 cm, khối lượng bình quân đạt 1 – 1,2 kg/quả. Vỏ quả màu xanh, khi chín chuyển dần từ màu vàng, màu hồng và cuối cùng là màu đỏ gấc rất hấp dẫn. Cùi màu hồng, nhiều hạt, tép màu đỏ tươi, ăn giòn, nhiều nước, dôn dốt ngọt, vị đậm, không the đắng và có mùi thơm đặc trưng. Bắt đầu chín từ tháng 12 dương lịch đến hết tháng 1 năm sau, trùng vào dịp tết cổ truyền của dân tộc.
Điều đáng quý đối với quả bưởi đỏ Luận Văn là có thể bảo quản trong điều kiện tự nhiên được 3 tháng mà không bị hỏng, chất lượng và hương vị không thay đổi. Bưởi Luận Văn khá sai quả, nếu chăm sóc, thâm canh tốt, ở tuổi kinh doanh thứ 5 có thể cho 150 – 200 quả/cây.
Bưởi Luận Văn vỏ đỏ hấp dẫn khách hàng
Hiệu quả kinh tế
Thấy được giá trị và hiệu quả kinh tế của giống bưởi đặc sản, sau khi được phục tráng và được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, huyện Thọ Xuân đã quyết định đưa giống bưởi Luận Văn làm cây mũi nhọn trong cơ cấu các giống cây trồng của địa phương trong thời gian tới.
Theo thống kê, ngoài 5 ha trồng theo dự án ở xã Thọ Xương, toàn huyện hiện có khoảng 500 hộ tham gia trồng bưởi đỏ Luận Văn với diện tích trên 50 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Thọ Xương, Xuân Bái, Xuân Lam và một số xã lân cận. Một số hộ có diện tích trồng tập trung lớn như hộ ông Lê Minh Tâm, Nguyễn Văn Mậu, Nguyễn văn Tường (thôn Mục Ngoại, xã Thọ Xương), Trần Công Thắng, Lê Văn Nghiệp (thôn 2, xã Xuân Bái)… Hộ ông Trần Công Thắng trồng 70 gốc, trong đó có 60 gốc đang cho thu hoạch. Với giá bán bình quân từ 80 – 100 ngàn đồng/quả, mỗi năm cho thu nhập trên 30 triệu đồng. Ông Lê Trí Nhạc ở làng Luận Văn cho biết, hiện ông có 50 gốc bưởi, trong đó có 20 cây 10 năm tuổi, với giá bán buôn tại vườn từ 80 – 100 ngàn đồng/quả, vụ tết này ông cầm chắc 100 triệu đồng.
Đánh giá về hiệu quả của dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình, trồng, thâm canh bưởi đặc sản Luận Văn” đang thực hiện tại địa phương, lãnh đạo xã Thọ Xương khẳng định, giống bưởi này sinh trưởng khỏe, phát triển nhanh, cho quả sai, chất lượng tốt, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng ngày càng cao nên bán được giá, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác.
Một số khuyến cáo
Từ các kết quả nghiên cứu về đặc điểm sinh lý, sinh thái của giống, điều kiện thổ nhưỡng, qui trình canh tác… để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho giống bưởi Luận Văn, ngoài việc áp dụng các biện pháp trong Quy trình kỹ thuật trồng bưởi do Bộ NN-PTNT đã ban hành, các nhà khoa học khuyến cáo bà con cần làm tốt một số điểm sau đây:
– Trồng bằng cây giống khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, được nhân bằng phương pháp ghép từ mắt ghép của những cây đầu dòng đã được Sở NN-PTNT Thanh Hóa công nhận.
– Nên ưu tiên phát triển trong vùng bảo hộ đã được xác định có diện tích 955 ha của 2 xã Thọ Xương, Xuân Bái và một số xã phụ cận của huyện Thọ Xuân. Chất lượng đặc thù của sản phẩm gắn liền với đặc điểm nông hóa thổ nhưỡng đặc biệt của khu vực địa lý (đất đỏ vàng trên nền đất sét và đá biến chất, đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng, tầng đất mặt dày trên 30 cm, tơi xốp, pH (KCL) trung tính. Vùng chỉ dẫn địa lý có thể được mở rộng bằng các biện pháp kỹ thuật canh tác được chuẩn hóa của ngành chức năng và người dân địa phương.
– Theo kinh nghiệm của một số người trồng bưởi Luận Văn giỏi ở Thọ Xương: Bưởi sẽ phát triển tốt và cho quả sai, chất lượng tốt, mã quả đẹp nếu được trồng trên đất thịt nhẹ, đất phù sa; được tưới nước, bón phân đầy đủ, cân đối các thành phần và đúng thời điểm cây cần. Có thể sử dụng nhiều loại phân khác nhau như: phân vi sinh, phân NPK tổng hợp, phân hữu cơ… trong đó quan trọng nhất vẫn là phân chuồng được ủ hoai mục sẽ giúp bền cây, ít sâu bệnh, tăng cường chất lượng và hương vị. Thường xuyên theo dõi, phát hiện để có biện pháp phòng trị kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại.
Những năm đầu khi cây bưởi chưa khép tán có thể trồng xen thêm một số cây ổi vừa có thêm thu nhập, vừa để ngăn ngừa, xua đuổi rầy chổng cánh, một đối tượng gieo rắc bệnh greening rất nguy hiểm cho cây bưởi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét