Pages

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Sáng Kiến Vàng Của Vua Bưởi Da Xanh Chợ Lách

Giải pháp kỹ thuật điều chỉnh vị trí ra hoa, đậu trái trên cây bưởi da xanh theo ý muốn của ông Hai Hoa đã từng đoạt giải trong cuộc thi sáng tạo kỹ thuật của nhà nông lần thứ nhất cách đây ba năm

Ông Lê Văn Hoa, tên thường gọi là Hai Hoa ở ấp Tân Phú, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách được coi là "vua" bưởi da xanh nhờ giống bưởi tốt được Viện cây ăn quả Miền nam và các hội chợ trái cây quốc tế chứng nhận. Với nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật trồng bưởi da xanh, Hai Hoa, một nông dân giỏi toàn quốc, còn được bà con nông dân gọi thân mật bằng cái tên "nhà nông làm khoa học".

Năng suất cao nhờ có kỹ thuật

Hiện nay, bưởi da xanh không chỉ là cây đặc sản của Bến Tre mà còn là cây làm giàu của các nhà vườn ở Chợ Lách, vùng chuyên canh cây ăn trái lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Cây bưởi da xanh dễ trồng nhưng theo các nhà khoa học để tăng sản lượng, chất lượng và rút ngắn thời gian thu hoạch bưởi từ ba năm xuống còn hai năm, thì người nông dân phải áp dụng các phương pháp kỹ thuật.

Trăn trở trước những đòi hỏi về năng suất và chất lượng của cây bưởi da xanh, ông Hai Hoa quyết tâm sáng tạo một kỹ thuật trồng trọt mới và thử nghiệm ngay trên mảnh vườn của mình.

Ông Hai Hoa cho biết, khi cây bưởi da xanh được trồng khỏang hai năm tuổi, bà con chọn những cây phía trên đọt có lá già, xanh đậm, chăm sóc để cây ra chồi mới. Khi tác động như vậy cùng quá trình sinh trưởng tự nhiên, cây sẽ cho nhiều nhánh nhện nhỏ trong thân. Từng nhánh nhện là nơi mà cây cho ra hoa, đậu trái đạt năng suất và chất lựơng theo ý muốn của người trồng. Vì vậy, cây càng nhiều nhánh nhện khoẻ mạnh, sạch bệnh, bà con nông dân càng dễ dàng ước lượng, cân đối và điều chỉnh chế độ ra hoa đậu trái rải vụ của cây.

Trên mảnh vườn rộng tới 5000 m2 của mình, dường như Hai Hoa thuộc lòng “tướng mạo” của từng cây trong vườn nhà để điều chỉnh cách chăm sóc cây cho hợp lý. Ông cho biết: “Bà con nên ước lượng số trái theo sức cây và chọn những nhánh nhện nhỏ, già, gần gốc, vị trí thích hợp để tỉa lá. Chỉ nên tỉa những nhánh nhện có khả năng nhiễm bệnh hoặc bị bệnh. Sau hai đến ba tuần, chồi non và chồi hoa sẽ phát triển (nở rồi đậu trái) ở những nhánh nhện đã tỉa lá, tỉa bỏ bớt trái khi đường kính trái đạt khỏang 4-5 cm. Vì để lại quá nhiều trái cây không đủ sức nuôi trái và chất lượng không đạt ý muốn”.

Để cây bưởi da xanh đậu khỏang 15 trái, bà con chỉ tỉa bỏ lá khoảng 7-8 nhánh nhện trong thân. Sau khi tỉa lá, các nhánh nhện sẽ ra hoa đều đặn và kết trái nhưng bà con chỉ nên giữ lại ở mỗi nhánh nhện bình quân khoảng 2 trái/nhánh. Một điều dễ nhận thấy là những trái bưởi có cách chăm sóc từ kỹ thuật này đều có vỏ mỏng, múi căng đều, tróc, màu hồng và rất ngọt.

Sau khi tìm hiểu thông tin kỹ thuật trên đài, báo, đồng thời tham khảo ý kiến nhiều nhà khoa học của Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền nam (SOFRI), Đại học Cần Thơ…, ông Hai Hoa mày mò, chế tạo dụng cụ, đó là những chiếc lồng chụp được làm từ lưới mắt nhỏ. Dụng cụ này dùng để chụp kín vào chùm nụ hoa bưởi trong vườn nhằm ngăn hoa bưởi thụ phấn chéo từ nhụy hoa của cây có múi khác rơi vào thụ phấn với hoa bưởi da xanh và cũng ngăn không cho côn trùng phá hại cây.

Trong hơn một năm thử nghiệm đại trà trên vườn bưởi của gia đình, với hơn 2.000 chùm nụ bông bưởi được bao lưới qua bốn đợt trổ bông chính, những trái bưởi trong vườn nhà ông không chỉ cho trái quanh năm, mà còn cho trái to, tròn cân đối. Đáng chú ý, ưu điểm của việc thực hiện kỹ thuật bao chùm bưởi của ông Hai Hoa là tỷ lệ trái chín không hạt đạt gần như tuyệt đối. Ông đem so sánh, trên cùng một cây bưởi, những chùm hoa được bao lại đều cho trái không mang hạt, trong khi đó, những chùm hoa không được bao, tỷ lệ trái bị mang hạt chiếm đến 60 – 70%.

Nhà nông say mê khoa học

Với chất lượng giống tốt của bưởi da xanh, ông Hai Hoa, nông dân giỏi toàn quốc của tỉnh Bến Tre từng nhận được nhiều giải thưởng, bằng khen của Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền nam, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh, trong các hội chợ trái ngon an toàn. Đặc biệt hơn cả, Hai Hoa được bà con quê hương Chợ Lách gọi thân mật với cái tên “nhà nông làm khoa học”.

Tiếng lành đồn xa, nhiều nhà vườn tìm đến ông đặt mua cây giống và học cách chăm sóc cây. Ông luôn sẵn lòng tới các ấp trong xã Sơn Định nói chuyện với bà con về cách chọn giống, chăm sóc cây tạo năng suất và chất lượng cho bưởi da xanh. Tâm huyết với nghề và từ kinh nghiệm của mình, ông còn tự biên soạn tài liệu về kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi.

Giải pháp kỹ thuật điều chỉnh vị trí ra hoa, đậu trái trên cây bưởi da xanh theo ý muốn của ông Hai Hoa đã từng đoạt giải trong cuộc thi sáng tạo kỹ thuật của nhà nông lần thứ nhất cách đây ba năm. Làm theo cách của ông, nhiều bà con rút ngắn thời gian thu hoạch bưởi da xanh từ ba năm xuống còn hai năm nhờ áp dụng kỹ thuật chọn nhánh nhện ở vị trí thích hợp để tỉa lá, kích thích ra hoa, kết trái theo ý muốn.

Để dần phát triển đặc sản bưởi da xanh trở thành nông sản hàng hóa, thế mạnh của Bến Tre, tỉnh vừa triển khai dự án trồng 4.000ha bưởi da xanh giai đoạn từ 2006-2010. Hiện đã có gần 3.000ha, trong đó khoảng 1.000ha đang cho trái.

Trong khi đó, hiện nay, bưởi da xanh luôn giữ giá bán ổn định, từ 11.000 đến 14.000 đồng một cân ngay tại vườn. Thậm chí bưởi da xanh có hình thức đẹp, “xanh vỏ đỏ lòng”, không hạt còn được bán với giá cao hơn, tới 16.000 đồng một cân.

Trên thực tế, các giải pháp, các sáng kiến kỹ thuật của ông Hai Hoa có hiệu quả ứng dụng với nhiều nhà vườn trong vùng, không chỉ góp phần tăng năng suất cây bưởi da xanh mà còn tạo được giống bưởi da xanh tốt. Đó cũng chính là mong muốn mang nhiều tâm huyết của “nhà nông làm khoa học” đất Bến Tre này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét