Pages

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Trồng Đậu nành trên đất lúa

Sau khi gieo sạ và rải rơm xong, bơm nước cho ướt đều mặt ruộng và rút nước ra ngay, kiểm tra những nơi có nguy cơ đọng vũng phải đánh đường nước cho thoát nước nhanh

Phương pháp không làm đất

Thời vụ:

Bố trí vụ lúa đông xuân thu hoạch sớm trong tháng 2 dương lịch (dl) để kịp xuống giống vụ đậu vào cuối tháng 2 dl để thu hoạch vào cuối tháng 5 dl, kịp xuống giống vụ lúa hè thu.

Chuẩn bị đất trồng:

Thiết kế hệ thống thủy lợi nội đồng: Do biện pháp tưới cho đậu sau này là tưới tràn nên hệ thống mương nội đồng phải đảm bảo đưa nước vào nhanh và rút ra nhanh, không được đọng vũng. Tính toán làm sao thời gian từ khi bắt đầu đưa nước vào ruộng đến khi rút nước ra hết không quá 10 giờ vì đậu là cây trồng cạn rất dễ bị chết do úng nước.

Đào mương bao quanh rộng từ 0,5-1 m, sâu 0,3-0,4 m, nếu ruộng có bề ngang quá rộng thì cứ cách 20-30 m đào 1 mương xương cá hoặc đánh đường nước những nơi có nguy cơ đọng nước.

Cắt gốc rạ: Dùng máy cắt gốc rạ rải đều rạ lên mặt ruộng (có thể cắt gốc rạ trước hoặc sau khi gieo hạt, cắt trước khi gieo hạt thuận lợi cho việc gieo hạt bằng công cụ sạ hàng).

Gieo sạ:

- Giống đậu: Dùng giống đậu MTĐ 176, MTĐ 45-3, MTĐ 10...

- Có thể sạ lan (gieo vãi) hoặc sạ bằng công cụ sạ hàng. Dùng máy sạ lúa theo hàng, trên 1 trống của công cụ sạ hàng có 4 hàng lỗ rớt hạt, dùng băng keo bịt 3 hàng lỗ, còn lại 1 hàng lỗ dầy cũng dùng băng keo bịt bớt 1 lỗ để 1 lỗ để sạ mật độ 70-80 kg/ha. Dùng dây căng theo chiều kéo máy để sạ được thẳng hàng.

- Rải rơm sau khi sạ: Rải rơm, rạ kín mặt đất vừa giữ ẩm cho đất vừa hạn chế cỏ dại.

Tưới nước:

Sau khi gieo sạ và rải rơm xong, bơm nước cho ướt đều mặt ruộng và rút nước ra ngay, kiểm tra những nơi có nguy cơ đọng vũng phải đánh đường nước cho thoát nước nhanh. Yêu cầu từ khi bơm nước vào đến khi rút hết nước không quá 10 giờ (việc tưới tràn diễn ra càng nhanh, càng tốt, vì cây đậu là cây trồng cạn để lâu trong nước sẽ dẫn đến chết úng). Kiểm tra độ ẩm đất thường xuyên để bơm tưới giữ cho mặt đất luôn đủ ẩm.

Bón phân:

- Lượng phân bón cần sử dụng cho 1 ha: 80 kg urê + (250 - 400) kg Super lân + 50 kg kali.

- Cách bón:

+ Bón lót toàn bộ phân lân trước khi cắt gốc rạ.

+ Bón thúc:
Phân urê và kali còn lại, vì biện pháp tưới tràn, rút nước ra nhanh nên sử dụng các loại phân dễ tan để bón thúc. Rải phân ngay sau khi rút nước ra gần hết, đất còn ẩm, nên rải phân vào buổi chiều mát để qua đêm đủ thời gian phân tan và thấm vào đất sẽ giảm độ thất thoát do bốc hơi. Tùy tình hình sinh trưởng của đậu mà quyết định lượng phân bón cho hợp lý, có thể tham khảo lượng bón như sau:

Lần 1: 10-15 NSKG: 20 kg urê.

Lần 2: 20-25 NSKG: 40 kg urê + 25 kg kali.

Lần 3: 45-50 NSKG: 20 kg urê + 25 kg kali.

Trừ cỏ:

Trên nền đất lúa thường gặp lúa chét và lúa nền, cỏ mỹ, dùng thuốc trừ cỏ 1 lá mầm ONICIDE 35 EC trong thời gian 10-15 ngày SKG. Nên sạ đậu theo hàng tiện cho việc quản lý cỏ và đi lại chăm sóc. Chú ý phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cán bộ BTVT.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét