Pages

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Quy trình kỹ thuật trồng hoa đồng tiền chậu

Trồng đồng tiền chậu thích hợp nhất là ở vụ tháng 3 để thu hoạch vào dịp Tết Nguyên Đán.

THÔNG TIN CHUNG

1. Nhóm tác giả: KS. Nguyễn Thị Thu Thùy, ThS. Bùi Thị Hồng, ThS. Chu Thị Ngọc Mỹ, TS. Trịnh Khắc Quang, TS. Đặng Văn Đông

2. Cơ quan tác giả: Viện Nghiên cứu Rau quả

3. Nguồn gốc xuất xứ: Từ kết quả nghiên cứu của đề tài: “Nghiên cứu tuyển chọn giống và biện pháp kỹ thuật sản xuất một số chủng loại hoa chậu có giá trị cao ở các tỉnh phía Bắc”.

4. Phạm vi áp dụng: Áp dụng cho các tỉnh phía Bắc

5. Đối tượng áp dụng:
Các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất hoa đồng tiền trồng trong chậu

QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG HOA ĐỒNG TIỀN TRONG CHẬU

I. Giới thiệu chung: Đồng tiền là một trong những loại hoa được ưa chuộng nhất hiện nay. Do có giá trị kinh tế cao nên hiện nay đồng tiền được trồng nhiều ở các tỉnh trong cả nước quy mô và diện tích trồng tương đối lớn.

II. Kỹ thuật trồng, chăm sóc

1. Thời vụ trồng: Trồng đồng tiền chậu thích hợp nhất là ở vụ tháng 3 để thu hoạch vào dịp Tết Nguyên Đán.

2. Chuẩn bị nhà che: Để nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế, chúng ta nên trồng đồng tiền chậu trong nhà có mái che; có thể dùng nhà lưới hiện đại, nhà lưới đơn giản hoặc nhà che tạm tuỳ theo điều kiện canh tác.

3. Chuẩn bị giá thể

- Yêu cầu giá thể trồng đồng tiền chậu: Tơi xốp, thoát nước tốt, không chứa mầm bệnh hại, pH=6- 6,5

- Giá thể trồng chậu: Có nhiều loại giá thể trồng đồng tiền nhưng giá thể tốt nhất là: 1/2 đất + 1/2 xơ dừa + 1/2 phân chuồng (hoai mục).

+ Trước khi trồng, giá thể phải được xử lý nấm bệnh. Dùng Foocmalin 40% pha theo tỷ lệ 1/80 - 1/100 lần; hoặc dùng Viben C 50BTN pha theo tỷ lệ 1/400 lần, phun hoặc tưới vào giá thể, trộn đều, phủ kín nilon ủ từ 1-2 ngày.

4. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

4.1. Chọn cây giống: Cây giống là cây nuôi cấy mô sẽ có khả năng sinh trưởng phát triển rất khoẻ, sạch bệnh, Chiều cao cây: 4,0- 5,0cm; Số lá/cây: 5,0- 6,0 lá; Số rễ: 5,0- 6,0 rễ; Chiều dài rễ: 2,0- 3,0cm

4.2. Kỹ thuật trồng

- Dùng chậu nhựa hoặc chậu sứ có kích thước, kiểu dáng khác nhau. Chậu có kích thước 20 x 16 x 22 cm trồng 1 cây/chậu.

- Cách trồng:

+ Cho giá thể vào chậu sao cho giá thể cách miệng chậu từ 3- 5cm. Khi trồng phải chú ý đặt cây ở chính giữa chậu và trồng đồng tiền phải trồng nổi, cổ rễ cao bằng so với bề mặt của giá thể, nếu trồng sâu cây phát triển chậm hay bị thối thân.

+ Khi trồng xong phải tưới đẫm nước để đảm bảo độ ẩm cho giá thể. Nếu cây đồng tiền sau khi tưới nước bị đổ thì ta dựng lại và bổ sung thêm giá thể vào gốc cây.

+ Xếp chậu với chậu cách nhau 10-15cm (tính từ mép chậu).

4.3. Kiểm tra cây sau trồng: Sau trồng phải thường xuyên kiểm tra để bổ sung giá thể tránh để hở rễ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây.

4.4. Kỹ thuật tưới nước

- Luôn phải giữ ẩm cho giá thể trong suốt quá trình trồng.

- Tưới cây ở phần gốc, tưới nhẹ lên bề mặt giá thể tránh làm lá, nụ và hoa bị ướt. Nếu tưới quá mạnh sẽ làm cho đất và vi sinh vật bắn lên cây gây hại cho cây. Đồng tiền không ưa ẩm quá vì vậy 2 – 3 ngày tưới 1 lần tuỳ theo điều kiện thời tiết.

- Có thể sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt vào từng gốc cây cho đồng tiền với chế độ tưới thích hợp là 30 phút/ngày là thích hợp.

4.5. Kỹ thuật bón phân

- Sau khi trồng đồng tiền khoảng 4 tuần thì tiến hành bón thúc cho cây. Loại phân bón thúc tốt nhất là loại phân Đầu trâu có tỷ lệ: 20-20-15+Te, nên hòa phân với nước, khoảng 1 kg phân/250 lít nước để tưới.

- Ngoài việc bón phân qua rễ, cần phun thêm phân bón lá nâng cao năng suất và chất lượng hoa. Dùng phân Đầu trâu 902, phun sau trồng 30 ngày, định kỳ phun 10 -15 ngày 1 lần và phun 1 bình 10 lít/100 m2 nồng độ theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.

4.6. Vặt bỏ lá già

Thường xuyên vặt bỏ lá già, lá bị sâu bệnh và vệ sinh đồng ruộng.

III. Thu hoạch và tiêu thụ hoa

Thời điểm xuất chậu hoa: tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng. Tuy nhiên đồng tiền là cây lâu năm nên cho thể bán khi cây được 1-2 năm tuổi.

Vận chuyển: cho từng chậu vào túi ni lông, sau đó xếp chặt các chậu trong thùng cattong với kích thước 40 x 60 x 70 cm.

Chăm sóc trong quá trình sử dụng:
để chậu hoa ra ngoài ánh sáng 1-2h (8-10h) mỗi ngày. Tùy vào độ ẩm của chậu có thể 3-4 ngày tưới nước/1 lần và định kỳ 10-15 ngày dùng phân Đầu Trâu 902 phun 1 lần với nồng độ pha loãng là 1/800.

IV. Phòng trừ sâu bệnh

1. Sâu hại:

1.1. Nhện: Gây hại trên lá làm cho lá bị cháy vàng lãm xuống héo đi và biến dạng, cuối cùng làm cho lá vàng khô và rụng.

Phòng trừ: Sử dụng Pegesus 500EC liều lượng 8 –10 ml/bình 8 lít, phun 3 bình/sào Bắc Bộ, hoặc sử dụng luân với một số loại thuốc khác như: Ortus 5 EC liều lượng 10 ml/bình 8 lít, Comite 73 ND liều lượng 10 –15 ml/ bình 8 lít.

1.2. Sâu vẽ bùa: Sâu non nằm dưới biểu bì lá, lấy thức ăn tạo thành đường ngoằn ngoèo màu trắng, phá hoại tế bào và diệp lục.

Phòng trừ: Dùng bẫy màu vàng dẫn dụ con trưởng thành. Sử dụng thuốc có chất bám dính mạnh như Padan, Supathion 40 EC liều lượng 15- 20ml/ bình 8 lít ….

2. Bệnh hại:

2.1. Bệnh thối xám.

Hại trên lá non cây bi thối nát và khô. Bệnh nặng cây thối mềm và chết. Đặc điểm phát sinh phát triển:

Phòng trừ: Tăng cường thông gió, hạ nhiệt trong nhà vườn, kịp thời nhổ bỏ cây bệnh, xử lý tiêu độc đất hoặc thay đất nơi có cây bị nhiễm bệnh.

Có thể sử dụng một trong các loại thuốc hoá học sau để phòng trừ khi phát hiện thấy bệnh : Score 250EC 7-10ml/bình 8 lít, Rhidomil Gold 68%WP 25g/bình 10 lít.

2.2 Bệnh đốm vòng trắng (vành khuyên trắng: gây hại rễ và ở cổ thân cây, lá và rễ cây bị nhiễm bệnh thối nhũn

Phòng trừ: Không được dùng khay và chất nền cũ chưa qua khử trùng. Xử lý diệt ký chủ khác, vệ sinh nơi trồng. Loại bỏ cây bị bệnh, lá bị bệnh để tiêu huỷ. Sử dụng Futanin50% 50ml/bình 8 lít phun toàn bộ lên cây.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét