Pages

Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Để đu đủ sai và ngon, lâu cỗi

Để đu đủ sai và ngon, lâu cỗi

Những người làm vườn giầu kinh nghiệm thường trồng đu đủ nơi mầu mỡ, cao ráo, cách mực nước ngầm thường xuyên từ 1,5m trở lên giúp rễ hoạt động thuận lợi.


Lựa chọn đu đủ cái ngay từ khi quả chín tự nhiên, chỉ lấy những hạt đen tuyền, chìm sâu tận đáy, loại những hạt lép, nổi sẽ đảm bảo cây cái vượt trội so với cây đực, những hạt cho cây đực còn lẫn sẽ cho cây đực khỏe, giao phấn tốt hoặc có thể điều khiển thành cây cái, cây lưỡng tính bằng cách cấn ngọn rễ cọc (hớt 1 phần 2 – 3cm thúc rễ chùm phát triển).

Loại ngay những cây giống khẳng khiu, thân thẳng tắp, èo uột, lá ít xẻ thùy. Chỉ đào đánh tạo bầu hoặc nhổ cây sau khi làm ẩm đất để "hưởng cái" nếu phát hiện cây đực (bằng cấn ngọn rễ cọc như trên). Sau đó nhúng bầu đất hoặc rễ vào tro bếp hoai hả (tro xó bếp) để "hồ" kích rễ "ăn ra" (tuyệt đối không được nhúng vào bùn tươi hoặc phân hóa học sẽ gây thâm rễ thối mầm).

Ra ngôi (trồng định vị) đu đủ cách gốc tối thiểu 3m để trưởng thành vừa khép tán, tránh "cây chạm lá" làm giảm năng suất và phẩm chất. Hố cần đào trước từ 10 – 15 ngày giúp đất hả, nỏ nâng cao điện ly giữa các hạt đất, sau khi ngấm nước trở lại sẽ giải phóng nhanh và nhiều khoáng dễ tiêu nuôi cây chóng "bốc".

"Nhử" rễ ăn ra bằng đất mầu tơi xốp (bùn khô hoặc sa bồi nỏ đập vụn trộn với phân hữu cơ hoai hả theo tỷ lệ 40% còn 10% là xỉ than đá nghiền thành bột và 10% là NPK vi sinh (nơi đất nghèo mầu).

Những cây cao quá 2m cần được chặt ngọn, trộn hỗn hợp phân trên làm ướt bao kín ngọn bằng nilon (tốt hơn quấn bùn rơm úp nồi đất như kinh nghiệm cổ truyền) ắt sẽ phân nhiều nhánh lộc mới ra quả ngay. Chọn tối đa 3 nhánh lệch xa nhau để nuôi, đu đủ "hồi xuân" lại tiếp tục cho năng suất vượt trội.

Trong mùa mưa bão cần tôn cao bóng tán để "nhử" rễ ăn lên, ấp đất cứng vào gốc. Nếu bị xiêu đổ cần dựng lại ngay thì rễ tái sinh nhanh, chắc gốc bền cây, liên tiếp cho bội thu.

NNVN, 8/2003

Để đu đủ sai và ngon, lâu cỗi

Đu đủ gồm nhiều giống, mỗi giống đều có 3 loại hình sinh sản đực, cái và lưỡng tính. Trong vườn, nếu trồng đại trà cây này thì nên để lại một vài cây đực (tỉ lệ 1/25-1/30 so với các loại hình còn lại) để có giao phấn chéo nhờ côn trùng, quả sai hơn so với tự thụ phấn.

Nên trồng nơi đất cao, dễ thoát nước khi tưới phun đẫm hoặc sau cơn mưa rào bởi đu đủ là cây có bộ rễ “ăn nổi” hiếu khí. Đu đủ là cây dễ chết nếu bị úng kéo dài từ 3-4 ngày trở lên. Song nếu gặp hạn kéo dài vài ba tuần trở lên thì lụi ngọn, hoa héo, quả quắt queo, chất lượng giảm sút.

Ưa dãi nắng nên khoảng cách gốc - gốc với đu đủ cần tối thiểu là 3m để tránh cạnh tranh sinh tồn do “cây chạm lá, rễ chạm rễ”. Trồng theo hàng cần đắp ụ và khơi rãnh xuôi theo địa hình, nước sẽ ngấm lên bóng tán nhờ thẩm thấu (mao dẫn) giúp bộ rễ "vừa ăn vừa thở" dễ dàng, khoẻ mạnh giúp cây bốc, kháng sâu bệnh tốt.

Không nên dùng phân hóa học (kỵ nhất là đạm) để bón cho đu đủ vì gây lốp (tốt lá xấu quả), hấp dẫn dịch hại và còn gây ngộ độc cho người và động vật, nhất là khi bị cớm do nồng độ và hàm lượng đạm tự do (NO3- tự do) tăng vọt, vừa là món "khoái khẩu" cho sâu bệnh, vừa dễ chuyển hóa thành chất gây ung thư cho người và động vật (vị đắng chát).

Nếu cây cao quá 2m, cần chặt ngọn, trát bùn rơm và bọc nilon (ngày xưa các cụ ta úp nồi đất) để tích chồi mới phát sinh, chọn 3-4 chồi khoẻ theo các hướng xa nhau để cho 3-4 ngọn mới, bồi dục cho đất nền bằng bùn khô + phân chuồng hoai mục (phân bắc tốt hơn cả) mỗi gốc 30-40kg thì tin chắc rằng sẽ kéo dài "tuổi xuân" cho cây đặc sản nhiệt đới này thêm 2-3 năm tiếp.

NTNN, 26/5/2004

0 nhận xét:

Đăng nhận xét