Pages

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Công nghệ bảo quản và sấy hồng

Công nghệ bảo quản và sấy hồng

Công nghệ này được áp dụng bảo quản cho hai loại hồng dấm đỏ và hồng ngâm, quả hồng vẫn giữ được màu sắc, mùi vị, trạng thái tự nhiên gần như ban đầu, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo.


Nâng cao chất lượng chế biến


Sau gần 3 năm nghiên cứu, chế tạo, cuối tháng 10 - 2003, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) đã đưa ra ứng dụng mô hình công nghệ máy bảo quản và sấy hồng phục vụ cho bà con nông dân 2 tỉnh Thừa Thiên- Huế và Hòa Bình. Đây là một công nghệ tương đối hiện đại có khả năng sấy hồng với sản lượng và quy mô lớn, đảm bảo được chất lượng tự nhiên của hồng.

Hai loại công nghệ trên đã được KS Hoàng Kim Phượng cùng các cộng sự thuộc Phòng Nghiên cứu chế biến nông sản của Viện tiến hành nghiên cứu từ năm 2001. Theo KS Phượng, trước đây, việc bảo quản và sấy hồng thường được các hộ nông dân làm theo phương pháp thủ công là chính, nên thời gian bảo quản cũng như chất lượng sấy còn rất thấp. Mô hình bảo quản và sấy hồng đầu tiên đã được Viện lắp đặt tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Hai công nghệ được trình bày dưới đây là những thiết bị lần đầu tiên được ứng dụng tại nước ta.

Công nghệ bảo quản hồng


Công nghệ này được áp dụng bảo quản cho hai loại hồng dấm đỏ và hồng ngâm. Các bước tiến hành bảo quản như sau: thu hoạch hồng xong, lựa chọn quả, tiến hành tẩy rửa, đưa hồng nhúng vào chất bảo quản, sau đó hong khô và đóng túi (khi đóng túi phải sử dụng chất hấp thụ Ethylen- R3), cuối cùng đem xếp lên giàn bảo quản. KS Phượng cho biết: nếu tiến hành sấy theo quy trình này, thời gian bảo quản sẽ được nâng lên 45- 60 ngày (tuỳ giống) so với 15- 20 ngày nếu sấy bằng phương pháp thủ công. Ưu điểm của thiết bị bảo quản này là ở nhiệt độ thường, quả hồng vẫn giữ được màu sắc, mùi vị, trạng thái tự nhiên gần như ban đầu, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo, đặc biệt tổng tổn thất trong quá trình bảo quản giảm xuống còn dưới 15%.

Để bảo quản hồng được tốt, trong quá trình bảo quản cần chú ý nguyên liệu bảo quản phải tươi tốt, không sâu bệnh, quả đạt độ già khi thu hái (vỏ quả màu xanh chuyển sang xanh vàng). Sử dụng chất hấp thụ R3 và chất chống nấm Bendo đúng liều lượng (2,5 gam R3/kg quả, 1,5 gam Bendo/lít nước). Nếu bảo quản với liều lượng như trên sẽ đạt kết quả tốt, dư lượng chất kháng sinh trong thịt quả hạ xuống còn dưới 1ppm. Ngoài ra, phải luôn giữ cho kho bảo quản sạch sẽ, môi trường thoáng mát, tiệt trùng.

Sấy hồng bằng hệ thống máy sấy gián tiếp

Theo KS Hoàng Kim Phượng, hiện nay ở nước ta mới có vùng nguyên liệu hồng từ Đà Lạt đã cho ra sản phẩm hồng sấy từ quả hồng dấm đỏ, kỹ thuật sấy tại đây vẫn rất thủ công, do sấy trực tiếp trên lò than, nên chất lượng vệ sinh không được đảm bảo. Máy sấy hồng mà các nhà khoa học của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đưa ra lần này là một hệ thống máy sấy gián tiếp với năng suất 200kg/mẻ. Đặc biệt hệ thống có thể sấy được một số giống hồng trước đây chưa thể thực hiện bằng lò thủ công như hồng Nhân Hậu ở Huế, hồng Thạch Thất ở các tỉnh phía Bắc. Quy trình sấy hồng được tiến hành theo các bước sau. Trước tiên là khâu chọn nguyên liệu, hồng sấy phải tươi, đem dấm chín, lựa chọn những quả đạt tiêu chuẩn, rửa sạch, sau đó gọt sạch vỏ, xếp đều lên khay và sấy. Hồng được sấy xong ép tạo thành hình rồi tiếp tục đem sấy lần 2, mang hồng ra để nguội và đóng gói. Trong quá trình sấy, cần lưu ý quả hồng phải cứng, vỏ quả đang ở màu vàng đỏ. Nhiệt độ sấy luôn luôn duy trì ở mức 650C, khi sấy phải thường xuyên nắn, ép hồng để tạo hình. Theo PGS- TS. Trần Đức Dũng- Trưởng phòng Nghiên cứu chế biến nông sản, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, sau khi ứng dụng tại Huế cho thấy, sản phẩm hồng sấy đạt chất lượng rất cao, nếu có đủ điều kiện trong thời gian tới Viện sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh công nghệ và ứng dụng rộng rãi ở nhiều địa phương khác.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét