Pages

Cây giống cây ăn quả

Cung cấp các loại giống cây ăn quả mới với chất lượng cây giống tốt nhất

Hoa lan giống

Cung cấp các loại lan giống như: Đai châu, Hồ điệp, Vũ nữ, Cattleya, Vanda và Dendro

Cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây trồng rừng

Cung cấp các loại cây cảnh, cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây trồng rừng như: Cây Sưa đỏ, Cây Xoan đào, Xoan ta, Mây nếp ...

Giống rau, giống cây nông nghiệp

Cung cấp các loại giống rau, giống mới, giống cây nông nghiệp ngắn ngày năng suất cao, : Cây chùm ngây, cây su su, gấc cao sản

Kỹ thuật trồng cây

Kỹ thuật trồng cây ăn quả, kỹ thuật trồng rau, kỹ thuật trồng hoa và cây cảnh.

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Xử Lý Bọ Cánh Cứng Hại Dừa

Bọ cánh cứng hại dừa - Brontispa longissima thuộc họ ánh kim - Chrysomelidae bộ cánh cứng - Coleoptera, là một loài sâu hại có khả năng di chuyển và phát tán rất nhanh.

Con trưởng thành có đầu nhỏ màu đen, cánh cứng hơi có ánh kim. Khoảng 2/3 chiều dài cánh về phía cuối màu đen, phần gốc cánh và ngực màu vàng nâu. Chiều dài thân khoảng 9-10 mm, chiều rộng 2 mm. Bò nhanh, trên đầu có 2 râu, khi bò râu luôn ngọ nguậy.

Trưởng thành cái đẻ trứng trong các kẽ lá của đọt non chưa bung ra (một con cái có thể đẻ 120 trứng). Trứng hình bầu dục, màu nâu, dài khoảng 1,5mm. Nhiều trứng được kết dính lại với nhau và kết chặt trên bề mặt lá. Thời gian trứng khoảng 4-5 ngày.

Ấu trùng có 4 tuổi, dài khoảng 20-25 ngày. Mới nở có màu trắng ngà, sau chuyển dần sang vàng nâu. Đẫy sức dài khoảng 8-9mm, mình hơi dẹt và hẹp dần từ ngực về phía đuôi. Trên mình có nhiều lông tơ, di chuyển chậm và sợ ánh sáng. Đẫy sức ấu trùng hóa nhộng trong các kẽ lá, thời gian nhộng 5-6 ngày.

Cả ấu trùng và trưởng thành đều sống trong các kẽ lá của đọt non. Chúng thải phân (màu vàng đậm) lên bề mặt của lá giống như lớp bột cám, khi mở kẽ lá ra ấu trùng dễ rơi xuống đất do cơ thể dính một lớp bột phân. Gặp mưa hoặc thời tiết ẩm ướt, lớp phân sẽ tạo ra một môi trường dơ bẩn nơi chúng cư trú. Chúng cạp ăn biểu bì của lá, tạo ra những vết màu nâu đen chạy song song với gân lá. Nếu bị hại nặng lá đọt sẽ có màu nâu đen.

Khi đọt mở ra, lá chét đã bị chết khô, tưa ra và rủ xuống. Lúc này con trưởng thành di chuyển xuống cuống lá hay bẹ lá chờ lá đọt kế tiếp xuất hiện sẽ di chuyển đến phá đọt mới này. Nếu mật số bọ cao, lá mới mọc ra đến đâu sẽ bị bọ cắn phá và chết dần đến đó, cây dừa sẽ bị còi cọc, cho năng suất rất thấp, hoặc không cho trái, nếu nặng cây có thể bị chết.

Thực tế cho thấy, cây dừa còn nhỏ thường bị bọ gây hại nhiều hơn cây dừa già. Vào mùa khô bọ gây hại nhiều hơn mùa mưa. Con ấu trùng cắn phá nhiều hơn con trưởng thành.

Để hạn chế tác hại của bọ dừa, cần phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp. Sau đây là một số biện pháp chính:

- Trước khi vận chuyển cây dừa giống hoặc những cây thuộc họ cau dừa Arecaceae (cau bụng, cau vàng, cau trắng, cau đỏ, cau champane, cọ cảnh, đủng đỉnh, dừa nước...) và cây thiên tuế (họ Cycadaceae) từ vùng này sang vùng khác, bà con cần kiểm tra kỹ các lá đọt, nếu phát hiện có bọ phải diệt trừ ngay tại chỗ không để chúng phát tán ra diện rộng.

- Thường xuyên kiểm tra đọt non cây dừa và những cây thuộc họ cau dừa, cây thiên tuế để kịp thời phát hiện và dùng thuốc diệt trừ.

Do việc khoác bình xịt nặng hàng chục kg leo lên ngọn cây là cực kỳ khó khăn. Mặt khác nếu phun xịt thuốc tràn lan sẽ dẫn đến tiêu diệt những loài thiên địch của bọ cánh cứng, đặc biệt là ong ký sinh Asecodes hispinarum đã được ngành BVTV nhập khẩu, nuôi nhân và phóng thích rất vất vả trong những năm vừa qua.

Vì thế, bà con nên dùng thuốc Diaphos 10G (dưới dạng túi lọc, mỗi gói chỉ nặng 30 gram) trèo lên ngọn rồi nhét 1-2 gói thuốc vào đọt non cây dừa để tiêu diệt bọ đang sinh sống bên trong. Ngoài tác dụng tiếp xúc, vị độc, thấm sâu thuốc Diaphos 10G còn có tác dụng xông hơi nên hiệu quả diệt trừ bọ rất cao. Hiệu lực của thuốc có thể kéo dài tới 3 tháng và rất an toàn cho người ăn do không để lại dư lượng của thuốc trong nước dừa.

- Với những cây đang bị hại nặng (mật số bọ cao), nên chặt bỏ đọt non đưa ra khỏi vườn đốt tiêu hủy để tiêu diệt cả bọ trưởng thành, bọ non, nhộng và trứng đang nằm bên trong.

Bọ cánh cứng hại dừa có khả năng di chuyển và phát tán rất mạnh, khả năng tái nhiễm trở lại của những cây đã được phòng trừ rất cao. Vì thế, công tác phòng trừ phải được tiến hành đồng loạt trên diện rộng, đây có thể được coi là một trong vài yếu tố quan trọng hàng đầu.

Lưu Ý Khi Trồng Dừa Xiêm

Mặc dù dừa xiêm là loại cây dễ trồng, song để có sản lượng cao luôn đòi hỏi sự quan tâm đúng mức của nhà vườn.

Trước kia dừa xiêm được xem là cây trồng phụ, chỉ trồng xen trong những vườn dừa ta hoặc cây ăn trái để làm nước giải khát khi khách đến nhà. Tuy nhiên , ngày nay dừa xiêm lại trở thành cây có giá trị kinh tế cao mà lại  ít  vốn đầu tư, mau cho trái, và đặc biệt là ít tốn công chăm sóc, bón phân, phun thuốc như những cây ăn trái khác. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ dừa xiêm ngày càng cao, có lẽ vì nước dừa là loại giải khát thiên nhiên vừa ngon, bổ mà lại rất tinh khiết và phát triển thích hợp với vùng đất Bến Tre. Vì thế hiện nay nông dân đang có khuynh hướng mở rộng diện tích trồng dừa xiêm.

Môi trường sống và kỹ thuật canh tác tác động mạnh mẽ đến sự sinh trưởng và phát triển của cây dừa xiêm. Để đạt sản lượng cao và ổn định, cần lưu ý một số điều khi trồng:

- Tuyển chọn giống: chọn những trái trong vườn trồng thuần dừa xiêm( không trồng xen với các loại giống khác), vì dừa dễ bị lai tạp. Nên ưu tiên chọn các trái giữa buồng rồi đến trái cuối buồng, nên bỏ những trái ở đầu buồng vì về sau cây sẽ cho những buồng có cổ bông dài, dễ bị gãy cổ.

- Trong vườn ươm, chọn cây con có nhiều lá, cuống lá ngắn, rộng và phiến lá rộng thường là những cây cho sản lượng cao.

- Rễ thường phát triển ở phạm vi bán kính 2m, do đó khi trồng xen các cây khác nên cách gốc dừa ít nhất 2m.

- Bẹ lá là một gía đỡ để bảo vệ buồng trái, vì thế không nên vô cớ đốn tỉa các tàu lá non sẽ làm giảm sức tăng trưởng của cây. Đối với những cây dừa đang cho trái, nếu tàu lá bị mất đi trước khi hoa tự nở sẽ làm cho hoa tự ở nách lá đó bị hư, hoặc nếu buồng trái phát triển sau này dễ bị gãy cổ.

- Rễ chính có thể sống được lâu nhưng rễ phụ có đời sống ngắn, dễ bị chết khi gặp khô hạn hay bị ngập úng, do đó nên chú ý tưới nước đầy đủ trong giai đoạn cây con và mương vườn cần có hệ thống thoát nước tốt.

- Thường xuyên xới xáo vườn dừa vào đầu mùa mưa để cắt bỏ phần rễ chết, tạo sự thoáng khí cho đất cho rễ mới mọc ra là một việc làm cần thiết trong quá trình chăm sóc dừa.

- Làm sạch cỏ tranh vì thân ngầm của nó khi gặp điều kiện ẩm sẽ tái sinh trưởng và có thể đâm thủng qua các rễ dừa, các chất độc do cỏ tiết ra có thể làm chết rễ dừa.

- Hàng năm nên vét mương, bồi bùn vừa cung cấp thêm đất cho bộ rễ vừa cung cấp thêm dưỡng chất cho cây và vừa tạo điều kiện cho vườn dừa thoát nước dễ dàng, tránh ngập úng. Tuy nhiên, không nên bồi bùn quá dày vì có thể làm ngộp và nóng rễ cây gây hiện tượng rụng trái non, cũng không nên chỉ bồi phủ chung quanh gốc dừa vì rễ non sẽ không hút được chất dinh dưỡng đồng thời còn làm bộ rễ có khuynh hướng ăn trồi lên trên ( mau trồi gốc).

- Mỗi năm cây dừa sản xuất ra một khối lượng vật chất thực vật rất lớn ( rễ , thân, lá, hoa, trái ), vì thế nhu cầu dinh dưỡng đối với cây dừa là rất lớn và rất cần thiết. Cho nên việc bón phân hợp lý là một biện pháp kỹ thuật tích cực và quan trọng để thâm canh vườn dừa cao sản. Điều cần lưu ý là nếu để cây dừa thiếu hụt dinh dưỡng trong một thời gian dài rồi mới bù đắp cho nó thì không thể nào phục hồi được năng suất như mong muốn.

- Trên dừa xiêm cần chú ý hai đối tượng quan trọng là sâu đuông  và bọ cánh cứng hại dừa ( dừa xiêm rất mẫn cảm đối với các côn trùng này).

+ Đuông dừa: Đuông là côn trùng gây hại nguy hiểm nhất, bởi vì rất khó phát hiện khi nó bắt đầu tấn công, đến khi phát hiện thì đỉnh sinh trưởng đã bị phá huỷ. Đuông trưởng thành đẻ trứng trên thân dừa bị thương tích và trên những vết nứt của thân. Phá hại chủ yếu giai đoạn sâu non. Ấu trùng khoét những lổ nhỏ trên thân hoặc trên ngọn cây. Khi ấu trùng bắt đầu tấn công và ăn đọt dừa, những lá non bắt đầu héo và ngã xuống, báo hiệu cây dừa sắp chết. Biện pháp phòng ngừa sự phá hại của kiến vương cũng là phòng ngừa sâu đuông, vì sâu đuông là côn trùng xâm nhập thứ cấp (đẻ trứng trên vết đục của kiến vương). Thường xuyên kiểm tra và chăm sóc vườn dừa để kịp thời phát hiện sâu đuông, dùng bông gòn tẩm các loại thuốc hóa học như Basudin 50ND, Pyrinex 20 EC, Actara 25WG,…nhét vào các lổ xâm nhập của sâu đuông sau đó dùng đất sét trám bít lổ lại.

+ Bọ cánh cứng hại dừa (Bọ dừa): phá hại ở cả giai đoạn sâu non và trưởng thành. Bọ dừa tấn công bề mặt của lá non chưa mở. Chúng ăn lớp biểu bì làm lá bị héo khô, mất khả năng quang hợp. Hiện nay, việc thả ong ký sinh để diệt bọ cánh cứng hại dừa là biện pháp sinh học được ứng dụng phổ biến, đạt hiệu quả cao, ít tốn kém và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường.

Mặc dù dừa xiêm là loại cây dễ trồng, song để có sản lượng cao luôn đòi hỏi sự quan tâm đúng mức của nhà vườn.

Thụ Phấn Cho Dừa Sáp

Thực hiện từ sáng đến 12 giờ trưa thì nghỉ, vì theo nhịp sinh học qua trưa bông cái thụ phấn rất ít, không đạt kết quả mong muốn.

Dừa sáp chỉ có ở Cầu Kè, Trà Vinh. Điểm khác biệt của dừa sáp đặc ruột và ruột mềm như sáp đèn cầy. Một cây dừa sáp chỉ cho ra được vài trái có ruột sáp. Mới đây, tỉnh Trà Vinh đã nghiên cứu thành công việc thụ phấn cho dừa sáp.

Thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh có loại dừa sáp thơm, ngọt. Dừa sáp khác các loại dừa khác ở chỗ đặc ruột và ruột mềm như sáp đèn cầy. Loại dừa đặc sản sản này giá một trái từ 60.000-120.000 đồng (tùy lớn, nhỏ). Đắt là phải vì một cây dừa sáp chỉ cho ra được vài trái có ruột sáp. Mới đây, Viện Cây có dầu và Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Trà Vinh đã thành công trong việc thụ phấn để tăng số lượng trái dừa sáp ở mỗi cây.

Ruột của trái dừa sáp.


Cho tới tận đầu năm 2000, dừa sáp chỉ là thứ “ăn chơi” của người dân địa phương. Có lúc, người ta đã chặt bỏ loại cây “choán đất” này. Nhưng, nào ai biết, trong một sớm một chiều, dừa sáp bỗng trở thành một mặt hàng “nóng”, được nhiều người khắp nơi ưa thích. Và giá cứ leo thang vùn vụt, trở thành loại dừa đắt nhất ở Việt Nam.

Năm 2004 giá chỉ 25.000 đồng/trái, năm 2007 đã tăng lên tới 60.000 đồng/trái nhỏ. Mới đây, nhân Năm Du lịch quốc gia Mekong Cần Thơ 2008 với chủ đề: Miệt vườn sông nước Cửu Long, tại Hội chợ Du lịch – Thương mại và tại Liên hoan văn hóa ẩm thực món ngon Nam bộ, dừa sáp được bán 100.000 đ/trái nhỏ và 120.000 đ/trái lớn. Được vậy, nhờ dừa sáp là loại trái giải khát độc đáo của Cầu Kè, không đâu có được, kể cả xứ nổi tiếng về dừa là Bến Tre.

Dừa sáp còn gọi là dừa đặc ruột, dừa kem, thuộc giống dừa cao, thụ phấn chéo. Ít nhất, có năm loại dừa sáp: dừa tròn, dừa dài, dừa có cạnh, dừa vỏ xanh, dừa vỏ vàng. Dừa sáp trồng khoảng 4 năm có lưỡi mèo, càng về lâu về dài càng sai trái. Dừa sáp cũng giống như các loại dừa khác ở nước ta như dừa xiêm, dừa ta, dừa dâu, dừa bung, dừa bị… Nhưng dừa sáp có lớp cơm màu trắng rất dày (có khi choán hết cả phần ruột) giống như sáp đèn cầy, chính giữa là chất lỏng sệt như nước cơm chắt. Không như cơm dừa bình thường, nếu còn non thì mềm và ngọt, nếu già thì cứng. Cơm dừa sáp mềm và dẻo như bột quánh lại, béo và có mùi thơm đặc trưng. Nước dừa sáp cũng vậy. Để phân biệt dừa sáp và dừa thường, người trong nghề dùng sống dao thử. Gõ sống dao vào gáo dừa đã lột vỏ. Dừa thường dày cơm gõ nghe tưng tưng, tiếng trong. Còn dừa sáp gõ nghe lộp bộp, tiếng trầm.

Thông thường, một quày dừa sáp 12 trái, chỉ có khoảng 4-5 trái có sáp, thậm chí không có trái nào, tuỳ theo nhiều yếu tố.

Khác với dừa thường, dừa sáp có độ dầu cao hơn, mùi hương đặc trưng hơn. Đó là đặc điểm quý cần nghiên cứu ứng dụng trong việc sản xuất bánh kẹo và các sản phẩm khác đem lại nguồn lợi kinh tế cao. Có tài liệu cho biết, dừa sáp, sau khi hái xuống, có thể sản xuất cơm dừa, thạch dừa (nata de coco), mứt dừa, kem dừa, nhựa thu được từ các cụm bông dừa được lên men để sản xuất rượu vang dừa (ở Philippines gọi là tuba), cơm dừa sấy khô, mụn xơ dừa, than hoạt tính…

Trên thị trường quốc tế, các mặt hàng sản phẩm từ dừa đều có giá trị kinh tế cao. Giá FOB (giá giao hàng tại cảng) của mụn xơ dừa khỏang 6.500 USD/tấn, than hoạt tính (làm từ gáo dừa): 1.000-1.200 USD/tấn, cơm dừa sấy khô: 600-700 USD/tấn và dao động tùy theo từng thời điểm. Chính do dừa có giá trị kinh tế, Viện Cây có dầu và Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Trà Vinh đã kết hợp đầu tư nghiên cứu thụ phấn cho dừa sáp.

Ba năm qua, các kỹ sư của Trung tâm Sản xuất thực nghiệm Đồng Gò (thuộc Viện Cây có dầu, Bộ Nông nghiệp, toạ lạc tại xã Lương Hoà, tỉnh Bến Tre) đã điều tra, đánh dấu phân nhóm và tuổi cây dừa rồi sau đó mới “thụ phấn trợ lực cho dừa, tăng tỷ lệ sáp trên từng cây dừa sáp” (gọi tắt là “thụ phấn”).

Thụ phấn cho dừa sáp

Kỹ sư Ngô Thanh Trung, Trung tâm Sản xuất thực nghiệm Đồng Gò cho biết ,công việc thụ phấn dừa sáp được giao cho 2 kỹ sư thực hiện. Việc thụ phấn được thực hiện trên tất cả các cây dừa sáp đang cho trái trên địa bàn huyện Cầu Kè, trung bình mỗi ngày họ phun khoảng 40–50 cây. Công việc khá cực nhọc vì phải đưa phấn đực vào đúng bông cái. Vừa phun phấn đực cho bông cái xong, nếu mưa đổ xuống, coi như công cốc, phải làm lại. Thực hiện từ sáng đến 12 giờ trưa thì họ nghỉ, vì sau đó, theo nhịp sinh học, bông cái thụ phấn rất ít, không đạt kết quả mong muốn.

Anh Trung tâm sự, khi bắt tay làm công việc này, các anh gặp nhiều khó khăn, vì người địa phương (đa số là đồng bào dân tộc Khmer) sợ họ làm mất sáp trên buồng dừa. Các anh phải phân tích rằng dừa sáp phải trồng mật độ dày mới có sáp vì thụ phấn chéo. Cây dừa sáp có phấn đực nằm trên gió, gió mới đưa phấn đực đến bông cái của cây dừa sáp dưới gió để thụ phấn, nhưng xác suất không đảm bảo. Nếu gió ngược, coi như dừa chẳng thể cho trái sáp.

Cũng giống như thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò, heo và cá, thụ phấn cho dừa sáp chắc chắn sẽ đạt kết quả tốt. Công việc này mới thực nghiệm, phải đợi đến 10–11 tháng sau mới biết kết quả (tính từ ngày 26-6-2007). Nhưng chắc chắn hiệu quả từ việc thụ phấn cho dừa sáp này sẽ đem đến kết quả cao. Thấy các anh làm việc chăm chỉ, cẩn thận, có “máy móc” phụ trợ, bà con mới dần tin.

Anh Thạch Phumi, phó ấp Chông Nô 2, cho biết hiện tại xã Hoà Tân có khoảng 6.000 cây dừa sáp, trong đó có gần 700 cây cho trái. Người dân trồng dừa sáp, cứ tính bình quân từ 2 tới 3 cây thu hoạch trên 1 triệu đồng/đợt. Mà dừa sáp có trái quanh năm. Đời sống của người trồng dừa dần ổn định. Trong tương lai, huyện Cầu Kè sẽ trồng đại trà dừa sáp trên mảnh đất Hòa Ân, tạo thành vùng chuyên canh cây công nghiệp có dầu, điểm tham quan du lịch sinh thái hấp dẫn.

Cách thụ phấn cho dừa sáp

Trước khi thụ phấn, phải lấy phấn đực trên cây sáp mo bung 2-3 ngày. Đây là lúc phấn đực già, đủ mạnh, bông cái sẽ thụ phấn mạnh hơn. Phấn đực (tuyệt đối không có phấn lạ) lấy về được nghiền vỡ, cho vào thùng kín, phơi ngoài trời trong bóng râm để có nhiệt độ đúng yêu cầu từ 37-40 độ C (có đặt nhiệt kế theo dõi). Phơi khoảng 2 ngày sẽ có mủ màu nâu, nghiền tiếp đến khi phấn bung màu vàng hột gà thì rây lấy bột mịn. Lấy một phần bột này đem thử tỷ lệ nảy mầm, nếu thấp thì bỏ tất cả; còn mạnh thì trộn với bột phấn theo tỷ lệ nhất định, cho vào dụng cụ phun tự chế gắn dài theo thân cây tầm vông khô. Dụng cụ phun gồm một cây tầm vông khô dài khoảng 5-6 thước. Một ống nhựa trong dài cũng chừng ấy thước. Một ống cao su giống trái bầu. Một bộ phận đựng phấn đực và cho phấn đực lan toả khắp xung quanh bông cái mới nở khi bóp quả bầu. Phun suốt từ 6 tới 8 ngày thì kết thúc, tùy số bông cái trên buồng. Khi bông cái thụ phấn xong, cuống chuyển sang màu nâu.

Kỹ Thuật Trồng Dừa Xiêm Hiệu Quả

Bón đủ và cân đối lượng phân, bón đúng lúc, đúng kỹ thuật sẽ giúp cho vườn dừa nâng cao năng suất, chất lượng trái và hạn chế được sâu bệnh hại.

Tuyển chọn giống tốt:

- Nên chọn những cây sinh trưởng, phát triển tốt, không có triệu chứng các bệnh hại nguy hiểm trong vườn trồng thuần giống dừa xiêm để lấy quả nhân giống.

- Chọn những trái phát triển cân đối, không bị dị hình từ phía giữa buồng đến cuối buồng, bỏ những trái ở đầu buồng để tránh hiện tượng cây ra buồng có cổ bông dài, dễ bị gãy quày. Trong vườn ươm, nên chọn những cây có nhiều lá, bản lá rộng nhưng cuống ngắn thường là những cây sẽ cho sản lượng cao.

Chăm sóc:

- Khi xen canh, các cây trồng khác phải trồng cách gốc dừa ít nhất 2 m.

- Không nên vô cớ đốn tỉa các tàu lá non, nhất là thời kỳ cây chưa cho trái sẽ làm giảm sức sinh trưởng của cây, cây chậm ra hoa. Với các cây đang cho trái, nếu các tàu lá bị đốn tỉa trước khi hoa tự nở sẽ làm cho hoa ở nách lá đó bị hư hại, hoặc nếu buồng có phát triển được thì sau này cũng dễ bị gãy cổ quày.

- Tưới nước đầy đủ trong giai đoạn cây con; trong vườn phải có hệ thống mương rãnh thoát nước tốt để tránh úng ngập khi mưa lũ.

- Thường xuyên xới xáo vườn dừa vào đầu mùa mưa để cắt bỏ phần rễ chết, tạo thông thoáng cho đất giúp rễ mới phát triển.

- Làm sạch cỏ tranh (kể cả thân ngầm) vì chính những thân ngầm này sẽ phát triển khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển trở lại đồng thời rễ của nó có chứa nhiều độc tố có thể đâm xuyên rễ dừa gây chết cây hàng loạt.

- Hàng năm nên vét mương, bồi bùn đắp gốc vừa để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây, vừa bảo vệ vùng rễ, tạo điều kiện cho việc thoát nước tốt hơn, tránh để úng ngập gốc. Tuy nhiên, không nên bồi bùn quá dày, làm cho vùng rễ thiếu ô xy dễ gây nên hiện tượng rụng quả non.

- Bón đủ và cân đối lượng phân, bón đúng lúc, đúng kỹ thuật sẽ giúp cho vườn dừa nâng cao năng suất, chất lượng trái và hạn chế được sâu bệnh hại.

Phòng trừ sâu bệnh hại:

Ngoài các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại đối với cây dừa nói chung, bà con cần đặc biệt chú ý phòng trừ kịp thời 2 đối tượng gây hại quan trọng rất mẫn cảm với giống dừa xiêm là sâu đuông và bọ cánh cứng.

- Đuông dừa là côn trùng gây hại nguy hiểm nhất, sức gây hại rất lớn vì rất khó phát hiện. Con trưởng thành thường đẻ trứng vào những lỗ đục của kiến vương trên thân những cây dừa bị thương tích hoặc ở những vết nứt trên thân cây. Sâu non nở ra và bắt đầu gây hại bằng cách khoét những lỗ nhỏ trên thân hoặc ngọn cây để ăn đọt non, lá non làm cho lá héo khô dần dẫn đến chết cây.

Biện pháp phòng ngừa sự phá hại của kiến vương cũng là phòng ngừa sâu đuông, vì sâu đuông là đối tượng xâm nhập thứ cấp. Thường xuyên kiểm tra và chăm sóc tốt vườn dừa, kịp thời phát hiện sâu đuông. Khi phát hiện, dùng một trong các loại thuốc hóa học như Basudin 50ND, Pyrimex 20EC, Actara 25WG… để phun trừ. Với những cây thấp có thể dùng bông gòn tẩm các loại thuốc trên nhét vào các lỗ xâm nhập của sâu đuông, bên ngoài dùng đất sét trám bít lại.

- Bọ dừa cũng là một trong những đối tượng gây hại nguy hiểm trên cây dừa. Loại bọ cánh cứng này phá hại cả ở giai đoạn sâu non và trưởng thành. Bọ dừa tấn công trên bề mặt của những lá dừa non chưa mở. Chúng ăn hết lớp biểu bì, làm lá bị khô, héo, mất khả năng quang hợp. Thả ong ký sinh để diệt bọ cánh cứng hại dừa là biện pháp sinh học đưa lại hiệu quả cao nhất, ít tốn kém mà lại không gây ô nhiễm môi trường hiện đang được ứng dụng phổ biến và rộng rãi trên nhiều vùng trồng dừa chuyên canh của nước ta.

Hướng Dẫn Kỹ Thuật Chọn Dừa Giống

Dừa là loại cây lâu năm, có thể sinh trưởng tại vùng đất cát ven biển đến đất phù sa nhiễm mặn nhẹ

Dừa thuộc lớp đơn tử diệp, họ Arecaceae (Palmae), chi Cocos, loài Cocos nucifera. Hiện nay, trên thế giới diện tích dừa khoảng 11,5 triệu ha, có mặt tại 86 quốc gia, tập trung nhiều các nước cận đường xích đạo, nhất là Châu Á và Tháí Bình Dương, Việt nam có khoảng 200.000 ha dừa.

Mỗi quốc gia, tùy theo vùng khí hậu địa lý, cây dừa đã tự thích nghi và tồn tại lưu niên nên có những giống dừa rất đặc trưng nơi đó mà đem đến nơi khác để trồng và sinh trưởng có khi không được hoặc cho sản phẩm thu hoạch không như mong muốn. Ví dụ: như lấy một số giống dừa từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) mang về Bến Tre trồng sẽ có những kết quả không như mong  đợi: không trái, trái ít, trái nhỏ, cây chậm phát triển… Vì cây không thích hợp khí hậu, đất đai, thời gian chiếu sáng trong ngày, trong năm, cường độ ánh sáng từng mùa tại Bến Tre…nhưng có thể các giống tại Philipine, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Thái Lan thì rất gần gũi vĩ độ cùng Bến Tre thì có thể cây dừa trồng và phát triển được tốt.

Bến Tre hiện có khoảng 47.000 ha dừa, là tỉnh có quần thể giống dừa khá phong phú do tập hợp các nguồn giống từ hai trăm năm qua ở trong nước và các nước  láng giềng nên các giống dừa tại đây được đánh giá là thích nghi, năng suất, chất lượng cao. Điều đó khẳng định chúng ta nên tuyển chọn các giống dừa đã có tại địa phương Bến Tre để trồng là tốt nhất.

Dừa là loại cây lâu năm, có thể sinh trưởng tại vùng đất cát ven biển đến đất phù sa nhiễm mặn nhẹ. Vùng nước lợ tỉnh Bến Tre cây dừa phát triển 50-60 năm, giống dừa Dâu cho thu hoạch khoảng 90-120 trái/năm, dừa Ta thu hoạch khoảng 70-100 trái/năm. Nếu chọn giống dừa từ cây dừa mẹ không tốt, ít trái, trái nhỏ, mặc dù cây dừa mẹ cho trái khá nhưng nằm trong quần thể vườn dừa có nhiều cây ít trái lân cận, nó đã thụ phấn chéo, bị lai và cho trái vẫn ít.

I. Chọn giống dừa:

Khi trồng dừa việc đầu tiên phải nghĩ đến chọn giống là khâu quan trọng nhất, vì nó quyết định cho sự thành bại kinh doanh trồng dừa trên mảnh vườn của mình, gắn liền gần suốt một đời người. Qua thực tế nhận thấy nhiều nơi vùng trọng điểm trồng dừa của tỉnh (vùng lợ), hàng năm bị nước mặn 4%o xâm nhập 3-4 tháng nhưng nhiều giống dừa phát triển rất tốt, năng suất cao, chứng tỏ các giống dừa thích hợp nhiều ở vùng nước lợ. Do đó, khi chọn giống chúng ta cần phân biệt có hai nhóm giống dừa: dừa cao, dừa lùn.

- Giống dừa cao: dừa Ta (xanh, vàng); dừa Dâu (xanh, vàng); dừa Bung, dừa Sáp.

+ Dừa Ta, dừa Bung thường gốc to, đường kính gốc 0,6-0,7m, thân to khoảng 0,30m, cây cao 20-25m, tuổi thọ 50-60 năm, cho trái to hơn dừa Dâu, cơm dừa dày, thường 8-12trái/tháng, hàm lượng dầu từ 63-67%, đến khi dừa lão vẫn cho trái ổn định, gốc rễ chắc chắn, chống chịu tốt, có thể chịu được gió bão. Nhóm dừa nầy thụ phấn chéo hoàn toàn nên khi ra trái cũng bị lai hoàn toàn.

+ Dừa Dâu thường gốc nhỏ, đường kính gốc 0,5-0,6m, thân nhỏ khoảng 0,25m, cây cao 10-15m, tuổi thọ 35-45năm, cho trái nhỏ hơn dừa Ta, cơm dừa mỏng hơn dừa Ta, hàm lượng dầu ít hơn dừa Ta, thường 12-15trái/tháng, nếu ít bón phân, thiếu chăm sóc, thiếu đất bồi, dừa Dâu có thể giảm năng suất, tuổi cao dừa nhỏ đọt, lá ngắn, trống cổ. Nhóm dừa nầy (trên thực tế gần như nhóm trung gian giữa dừa cao và dừa lùn) vừa có thụ phấn chéo nhưng vừa có tự thụ phấn, khi ra trái vẫn cho trái giống bị lai, rõ ràng khi trồng ra từ một giống nhưng cho các cây trái màu xanh, màu vàng…

- Giống dừa lùn: dừa Xiêm (xanh, đỏ, lục, núm); dừa Ẻo (xanh, vàng); dừa Tam Quan; dừa Mã Lai, dừa Dứa (loại trái nhỏ)…, thường đường kính gốc khoảng 0,35m, cây cao 10-12m, tuổi thọ 25-35 năm, trái nhỏ, thường 12-15trái/tháng, tính chống chịu kém, nếu ít bón phân, thiếu chăm sóc, thiếu đất bồi, nhóm dừa này cũng cho trái nhỏ, tuổi cao dừa nhỏ đọt, lá ngắn. Nhóm dừa nầy tự thụ phấn, rất ít khi bị lai.

Trong tỉnh hiện có các giống dừa lai nhân tạo do Trung tâm nghiên cứu dừa Đồng Gò (Xã Lương Hòa - huyện Giồng Trôm) sản xuất có các giống như:

- PB 121: dừa lùn vàng Mã Lai x Cao Tây Phi.
- PB 141: dừa lùn xanh Ghiné xích đạo x Cao Tây Phi.
- JVA 1  : dừa lùn vàng Mã Lai x Cao Hijo.
- JVA 2  : dừa lùn đỏ Mã Lai x Cao Hijo.

Các giống trên sau khi trồng 3-4 năm cho trái, năng suất 100-150trái/cây/năm, cây thấp dễ thu hoạch, chịu hạn tốt, có khả năng kháng sâu bệnh. Không nên để giống đời F2 vì sự phân ly (bị lai) rất nhiều.

Giống dừa Sọc (trái dừa, bẹ dừa có sọc) uống nước ngọt, trồng nhiều tại Trung tâm nghiên cứu dừa Đồng Gò, dừa Sọc dễ bị lai, sau khi trồng cho trái giống rất ít cây còn giống như dừa mẹ; dừa Bông còn gọi dừa ngọt, vỏ trái khi khô lốc ra xơ dừa tơi xớp như bông, dễ thấm nước, lúc non ăn cả vỏ ngọt, có ở Xã Phong Nẫm. Các giống dừa nầy khi trồng tại Bến Tre khuyến cáo nên cân nhắc kỹ như: dừa Bung trái rất to nhưng rất ít trái; dừa Sáp tỷ lệ cây có trái sáp khoảng 50%, tỷ lệ trái sáp trên quày 10-20%; dừa Xiêm đỏ (màu đỏ hơn dừa Tam Quan, màu đẹp nhưng uống nước ít ngọt); dừa Bông (dừa ngọt) con chuột, con sóc ăn phá dữ.

Ngoài ra, tại Trung tâm nghiên cứu dừa Đồng Gò có 4-5 cây dừa cấy phôi đã trồng năm 2004, nay đã lớn nhưng do đất đai ít mầu mỡ nên chưa cho trái. Dừa cấy phôi được người ta dùng kỹ thuật cao lấy từ cái mộng dừa đem vào trong một chậu chứa hổn hợp nhân tạo để trong điều kiện môi trường thích hợp, phôi phát triển ra lá, thành cây rồi đưa ra trồng ngoài vườn, nghĩa là không trồng bằng trái mà trồng bằng mộng dừa. Sau khi trồng khoảng 7-8 năm cho trái, chậm hơn trồng từ trái dừa. Dùng phương pháp cấy phôi tạo cây dừa giống rất tốn kém, chậm cho trái, kém hiệu quả kinh tế.

Hiện nay có 3 phương pháp lai tạo giống mới:

- Thụ phấn nhân tạo: Bông đực ở cây mẹ được loại bỏ, bông cái bao cách ly. Cây cha, bông đực cũng được bao cách ly, sau đó thụ phấn, xử lý và phun lên hoa cái của cây mẹ.

- Định hướng thụ phấn tự nhiên: Trong vườn trồng xen kẽ dừa cao và dừa lùn. Tới thời điểm cho trái, người ta loại hoa đực của cây dừa lùn, các bông cái của cây mẹ sẽ được thụ bằng phấn của cây dừa cao để tự nhiên.

- Thụ phấn có trợ lực: Tương tự như thụ phấn nhân tạo, người ta trồng các cây dừa lùn (làm mẹ) và cây dừa cao (làm cha) ở những nơi riêng biệt, được cách ly đảm bảo, sau đó loại bỏ hết bông đực ở vườn cây mẹ và thu hoạch bông đực ở vườn cây cha để phun lên hoa cái ở vườn cây mẹ.

II. Chọn cây dừa mẹ:

Tuổi cây mẹ: Giống dừa cao: Từ 15-20 năm. Giống dừa lùn: Từ 10-15 năm.

Năng suất: Dừa cao từ 70-100 trái/cây/năm. Dừa lùn từ 100-120 trái/cây/năm.

Thân phát triển bình thường, không dị dạng, sẹo lá khít, thân khỏe, mọc thẳng.

III. Chọn trái giống:

Tuổi trái: khi vỏ trái đã khô. Trái giống đều đặn, không dị dạng, không bị sâu bệnh. Trái giống được chọn từ cây dừa mẹ được bình tuyển.

IV. Cách để trái dừa lên giống:


Vạt vỏ trên đầu trái cho dễ thấm nước. Để trái nằm ngang cho nước dừa dễ tiếp xúc với mộng dừa, cung cấp dinh dưỡng cho mộng phát triển ra chồi non. Dăm dừa xuống đất, tủ mụn dừa và tưới ẩm thường xuyên. Khi trái lên 4-5 lá đem trồng ra vườn.

Kinh Nghiệm Nhân Giống Dừa Sáp

Trái dừa hái xuống, treo lên dây phơi khô, sau đó vạt mặt, xếp xuống đất hoặc cho vào bịch nylon có chứa xơ dừa trộn phân chuồng, đưa vào vườn ươm.

Theo chân ông Lê Văn Bé, Phó chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Trà Vinh, chúng tôi tới thăm cơ sở nhân giống dừa sáp của anh Thạch Phu My (người Khmer) ở ấp Chông Nô 2, xã Hoà Tân (huyện Cầu Kè).

Anh My là người tiên phong trong việc nhân giống dừa sáp, cung cấp nguồn giống chất lượng cao cho thị trường, đồng thời mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bé cho biết, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Trà Vinh rất phù hợp phát triển dừa sáp bởi dừa có lượng cơm dày, mềm xốp, nước có vị ngọt và mùi thơm rất đặc trưng. Diện tích dừa sáp tập trung ở hai xã Hoà Tân, Hoà An và thị trấn Cầu Kè. Chỉ tính riêng diện tích trồng dừa sáp của xã Hoà Tân đã có khoảng 100ha, tương đương 16.000 cây. Dừa sáp đã trở thành đặc sản, một thức uống nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh, chính vì vậy giá bán trên thị trường rất cao, khoảng 120.000 – 130.000 đồng/trái. Hiện lượng dừa sáp thu hoạch không đủ cung cấp cho thị trường.

Anh Thạch Phu My, chủ cơ sở nhân giống dừa sáp cho hay: “Dừa sáp đã xuất hiện ở Việt Nam trên 80 năm, do giá cả không ổn định, cây dừa trồng lâu năm bị thoái hoá, dẫn tới năng suất kém, người dân không mặn mà với cây dừa. Hàng ngày nhìn thấy bà con chặt dừa làm củi đun, anh My buồn lắm, nhiều đêm không biết làm cách nào để bà con không chặt phá dừa nữa, làm sao giữ được giống dừa mà ông cha đã dày công để lại. Anh My đã lặn lội tìm kiếm thông tin trên báo, đài, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, mạnh dạn mua dừa trái về nhân giống thử. Lúc đầu do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, cây giống bị chết nhiều, không nản chí, anh tiếp tục mày mò nghiên cứu, cuối cùng sự cần mẫn của anh cũng được bù đắp, anh đã cho ra đời được giống dừa tốt, sạch bệnh.

Xin giới thiệu kinh nghiệm nhân giống dừa sáp của anh My:


Chọn giống: Nhân giống dừa sáp chủ yếu bằng trái, dừa làm giống được tuyển chọn từ những cây đầu dòng trên 10 năm tuổi, cây dừa có sáp, khoẻ mạnh, không bị bệnh. Chọn buồng nhiều trái, trái to, màu sắc đẹp (lưu ý chọn trái dừa nước) nếu chọn trái sáp thì trái không nảy mầm.

Trái dừa hái xuống, treo lên dây phơi khô, sau đó vạt mặt, xếp xuống đất hoặc cho vào bịch nylon có chứa xơ dừa + phân chuồng, đưa vào vườn ươm.

Làm giàn lưới để che bớt ánh sáng, ngày tưới 1 lần, mùa mưa không cần tưới. Sau khi đưa vào vườn ươm khoảng 35 ngày, trái nảy mầm. Khi nảy mầm, dùng phân bón lá phun kích thích cho lá và rễợ phát triển. Tiếp tục chăm sóc thêm 25 ngày, khi cây dừa cao 50cm và rễ đâm ra khỏi vỏ dừa là xuất bán được.

Cách trồng: Dừa sáp rất thích hợp với đất cát pha nhẹ, có thể trồng xung quanh bờ ao, bờ kênh, nếu trồng diện tích lớn, nên trồng tập trung. Đào hố rộng 80 x80cm, hoặc lên mô, cây cách cây 8 x 8m rồi trộn phân chuồng + tro trấu + phân hữu cơ, lấp một lớp đất mỏng. Hạ cây dừa xuống, lấp đất chặt, kín ngang mặt bầu.

Chăm sóc: Trồng xong tưới nước ngày 1 lần, dừa trồng được 30 ngày tiến hành bón urê, lượng phân không đáng kể, mỗi gốc 1 nắm. Khi cây trổ bông, bón 1kg phân NPK 16 - 16 - 8 + 10kg phân hữu cơ Humix. Bón bằng cách đào rãnh xung quanh gốc dừa, cách gốc 1, 5m bỏ phân xuống rồi lấp đất lại. Muốn cây dừa sáp đạt tỷ lệ sáp cao (cơm dày), khi cây trổ bông cần thụ phấn nhân tạo.

Phòng trừ sâu bệnh: Một năm rửa tán, cắt bẹ lá khô 2 lần để tránh chuột cắn phá. Dừa ít bệnh, tuy nhiên hay gặp bọ dừa phá hoại, vì vậy trong vườn dừa cần nuôi thả ong ký sinh để tiêu diệt bọ cánh cứng.

Thu hoạch: Trồng dừa sáp nếu chăm sóc tốt, năm thứ 3 bắt đầu cho thu hoạch (thu hoạch tốt vào năm thứ 5). Một cây dừa sáp có thể cho 100 trái/năm, tỷ lệ trái sáp đạt 30%. Hiện mỗi tháng anh My xuất bán hàng nghìn cây dừa sáp giống với giá 45.000 đồng/cây.

Anh My cho biết thêm, so với các cây ăn trái khác thì trồng dừa nhàn hơn nhiều, công chăm sóc thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ trồng và sản xuất cây dừa sáp giống, gia đình anh My đã có cuộc sống khá giả, một tháng đạt thu nhập 4–5 triệu đồng. Hiện cơ sở của anh đã trở thành địa chỉ học tập uy tín, bà con trong vùng tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm đều được anh hướng dẫn tận tình.

Kỹ Thuật Trồng Dừa

Khoảng cách trồng dừa tùy theo giống, độ màu mỡ của đất, điều kiện khí hậu và mô hình có trồng xen hay không

I. Kỹ thuật trồng:

1. Mùa vụ:


Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nên trồng vào tháng 6-7 dương lịch (đã vào mùa mưa) để giảm chi phí tưới trong giai đoạn cây con. Tuy nhiên, nếu chủ động được nguồn nước tưới thì có thể trồng vào bất kỳ thời gian nào trong năm.

2. Đào mương lên liếp:

Ở ĐBSCL ngoài đất giồng cát, thì tất cả các loại đất từ đất phù sa ven sông hay đất phèn đều phải lên liếp khi trồng cây lâu năm như cây dừa. Tuy nhiên, kiểu lên liếp tùy thuộc vào từng loại đất và mô hình canh tác. Đối với vùng đất phù sa không phèn có thể lên liếp theo kiểu cuốn chiếu, tức là lớp đất mặt bị đưa xuống dưới và tầng đất ở dưới sâu được đưa lên mặt, dần dần liếp được hình thành. Đối với vùng đất có phèn, tùy thuộc vào độ sâu xuất hiện tầng phèn mà xác định độ sâu của mương, tránh đưa tầng đất phèn tiềm tàng lên tầng mặt, đất oxid hóa sinh ra phèn hoạt động sẽ làm chết cây dừa. Ngoài ra, nên áp dụng biện pháp kê liếp để không làm đảo lộn tầng đất, không đưa đất phèn lên tầng mặt.

3. Kích thước liếp:

Tùy thuộc vào loại đất và mô hình canh tác mà liếp được lên theo kiểu liếp đơn với chiều rộng mặt từ 4-6 m hay liếp đôi với chiều rộng mặt từ 6-8 m, thậm chí từ 10-12 m. Đối với vùng đất phù sa, không phèn, có thể lên liếp đôi để tiện việc trồng xen hoa màu trong giai đọan kiến thiết cơ bản, đồng thời cũng dễ áp dụng các mô hình đa canh khi cây trưởng thành. Đối với vùng đất có phèn, mặn nên lên liếp đơn để liếp mau rửa phèn và thường áp dụng mô hình độc canh hay xen canh với một số cây có khả năng chịu phèn như chuối, khóm.

- Đất cát pha địa hình bằng phẳng, dễ thoát nước: Không cần lên liếp. Dọn sạch đất, cày tơi xốp. Định hướng trồng, đóng cọc định vị hố trồng.

- Đất thịt khó thoát nước: Phải đào mương lên liếp. Kích thước và kiểu liếp thay đổi tùy theo điều kiện thực tế, nhưng điều kiện quan trọng là phải có tầng đất mặt dày 1m để bảo đảm cho bộ rễ dừa phát triển. Có 2 loại liếp: liếp đơn và liếp đôi.

- Liếp đôi: (Hình 23-24): Bề rộng liếp đôi thường là 10 m. Trồng hai hàng dừa ở 2 bên, cách bờ mương 1-1,5 m.
Mô hình trồng dừa luống đôi - liếp đôi
Hình 23: Mô hình trồng dừa với luống đôi
Mô hình trồng dừa luống đôi - liếp đôi với mương xen giữa
Hình 24: Mô hình trồng dừa với luống đôi - liếp đôi có mương ở giữa
- Liếp đơn: (hình 25): Bề rộng mặt liếp khoảng 5 m. Trồng một hàng dừa ở giữa liếp.
Mô hình trồng dừa với liếp đơn
Hình 25: Mô hình trồng dừa với luống đơn (liếp đơn)
Đối với đất có tầng canh tác dày > 50 cm có thể lên liếp hoàn chỉnh ngay từ đầu. Đối với đất có tầng canh tác < 50 cm có thể tiến hành lên ụ với các bước sau:

- Năm đầu tiên: đắp ụ dạng hình nón cụt chiều cao 1m, bề mặt trên có cạnh rộng 2,5m, cạnh đáy rộng 3,5m.

- Năm thứ 2: mở rộng ụ thêm 1m mỗi cạnh.

- Năm thứ 3: nối các ụ lại với nhau để hình thành liếp hoàn chỉnh.

Nếu trồng trên ụ, kích thước không nên quá nhỏ, cây sẽ bị hốc nước vào mùa khô, ít nhất cạnh đáy ụ phải được 3,5m, cạnh ở mặt ụ 2,5m.

4. Khoảng cách trồng:

Khoảng cách trồng tùy theo giống, độ màu mỡ của đất, điều kiện khí hậu và mô hình có trồng xen hay không. Giống dừa cao do có lá dài 5-6m nên thường trồng thưa hơn giống dừa lùn với lá dài 3-4m. Vùng đất màu mỡ, mưa nhiều, không có các yếu tố bất lợi của môi trường cây dừa sẽ phát triển mạnh nên trồng thưa hơn so với vùng đất đai không màu mỡ và khí hậu khô hạn, lượng mưa thấp. Ngoài ra, mô hình có trồng xen nên trồng thưa nhằm bảo đảm nhu cầu ánh sáng cho cây trồng xen. Trồng quá thưa sẽ lảng phí đất canh tác nhưng nếu trồng quá dầy cây cạnh tranh ánh sáng, vươn cao, lóng dài cho năng suất thấp. Trồng theo kiểu hình tam giác có mật độ cao hơn 15% so với trồng theo kiểu hình vuông. Tuy nhiên, trồng theo kiểu hình vuông hay hình chữ nhật thích hợp cho mô hình trồng xen hơn trồng theo kiểu tam giác (Bảng 1).

- Giống dừa cao: khoảng cách 9m x 9m hình tam giác đều, mật độ 143 cây/ha.

- Giống dừa lai: khoảng cách 8.5m x 8,5m  hình tam giác đều, mật độ 160 cây/ha.

- Giống dừa lùn: khoảng cách 8m x 8m hình tam giác đều, mật độ 180 cây/ha.

Bảng 1. Số cây dừa/ha tương ứng theo mật độ trồng và phương pháp trồng
Khoảng cách trồng (m)Phương pháp Hình vuôngPhương pháp Tam giác đều
7 x 7204236
7,5 x 7,5178205
8 x 8156180
8,5 x 8,5138160
9 x 9123143

- Nếu có trồng xen, khoảng cách trồng có thể thưa hơn (từ 9 – 10m) tùy theo đối tượng cây trồng xen. Tùy theo loại đất: đất xấu trồng dầy, đất tốt trồng thưa. Mật độ trung bình nên từ 160-180 cây/ha.

Bảng 2. Khoảng cách và mật độ trồng của dừa cao và dừa lùn trên đất phù sa và đất phèn (Nguyễn Bảo Vệ và csv., 2004)
STTGiốngKhoảng cách trồng (m x m)Mật độ (cây/ha) 
   Hình vuôngHình tam giác
1Dừa cao   
 - Đất phù sa8,0 x 8,0156180
 - Đất phèn7,5 x 7,5178205
2Dừa lùn   
 - Đất phù sa7,0 x 7,0204236
 - Đất phèn6,5 x 6,5237273

5. Đấp mô hoặc chuẩn bị hố trồng:

Ở vùng đất thấp nên trồng cây trên mô để tránh bị đọng nước cho cây. Mô hình chóp, có kích thước từ 60-80cm, cao từ 30-40cm. Dùng đất phù sa hay đất mặt trộn với 5-10kg phân hữu cơ, 0,5kg phân lân đấp mô 1-2 tuần trước khi trồng. Vùng đất cao nên trồng trong hố có kích thước 60x60x60 cm. Trộn đều đất mặt với phân hữu cơ hoai mục, phân lân cho vô hố như đấp mô. (hình 25a)
Chuẩn bị hố trồng dừa
Hình 25A: Hố trồng dừa
6. Chuẩn bị cây con:

Đối với cây con được ươm trực tiếp trên đất nên dùng len xén đứt rễ xung quanh rồi nhấc cây lên khỏi liếp ươm. Không nên dùng tay nắm lá kéo đứt rễ dừa sẽ làm gãy gốc thân. Cắt ngắn rễ còn từ 3-5cm, nhúng cây con vô dung dịch thuốc trừ nấm để tránh cho rễ không bị nhiễm bệnh và mau phục hồi. Nên trồng cây con càng sớm càng tốt, tốt nhất là ngay trong ngày sau khi được bứng ra khỏi vườn ươm. Cây con được ươm trong túi nhựa dẻo sẽ thuận tiện và đơn giản hơn khi được chuyển đi trồng. (hình 26)

7. Cách trồng cây con:

Cây dừa giốngĐào một lỗ có kích thước bằng trái dừa trên mô hay trong hố sau đó đặt cây dừa con vô hố, lấp đất khoảng 2/3 trái. Nên đạp đất, nén xung quanh cây con giúp cho cây được giữ chặt vô đất. Dùng nẹp tre cột vô gốc thân để cây không bị lung lay và dùng lá dừa che mát cho cây con vào mùa khô.

- Trường hợp ươm dừa trên luống: Bón lót vào hố đã đào trước đây, đặt cây con xuống và bón phân vô cơ trộn với đất mặt ở chung quanh gốc, cuối cùng lấp đất lại cho ngang mặt đất, phủ gốc độ 3cm, giẫm nhẹ xung quanh gốc, tưới nước

- Đối với cây con ươm trong túi nhựa dẻo: Dùng dao rạch một đường cách đáy túi 1cm, không rạch sâu để tránh tổn thương cho rễ, nâng cây con đặt nhẹ vô hố, cẩn thận không làm bể đất lộ bộ rễ ra. Tiếp theo rạch một đường dọc, cho đất lấp bầu đất từ từ, sau đó kéo túi PE ra khỏi hố. Cần cẩn thận tránh làm vở bầu đất khi trồng để không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây con
II. Chăm sóc vườn dừa:

1. Trồng dậm:

Trồng dậm ngay khi cây chết hoặc ở mùa mưa tiếp theo để các cây dừa trong vườn cho trái đồng đều. Thông thường dự trữ thay cây chết khoảng 5%.

2. Che mát và đậy gốc:

Nhằm hạn chế sự bốc thoát nước, giúp cây phục hồi nhanh sau khi trồng cần che mát cho đến khi cây bén rễ, phát triển tốt. Ngoài ra, để giảm bớt lượng nước bốc hơi trong mùa khô, cần đậy gốc cho cây con bằng cách dùng vỏ dừa, bụi xơ dừa hay lục bình phủ quanh gốc dừa.

3. Làm cỏ:
Dọn sạch cỏ dại xung quanh mô hay hố không để cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng, nước và ánh sáng với cây dừa sẽ làm cho cây dừa chậm lớn. Trong giai đọan cây dừa chưa mang trái nên trồng xen canh các loại cây ngắn ngày hay cỏ làm thức ăn cho gia súc, cây họ đậu để che phủ đất, hạn chế sự rửa trôi chất dinh dưỡng bề mặt, đồng thời tăng thêm chất hữu cơ bồi dưỡng cho đất, giảm chi phí chăm sóc và tăng thu nhập cho nhà vườn.

4. Bón phân:

Qua kết quả phân tích sự huy động các chất dinh dưỡng của cây dừa (Bảng 3) cho thấy ba chất dinh dưỡng quan trọng nhất đối với cây dừa được xếp theo thứ tự là Kali (K), Clorua (Cl) và đạm (N). Tiếp theo là Canxi (Ca), Natri (Na), lân (P), Ma-nhê (Mg) và cuối cùng là lưu huỳnh (S).

Bảng 3: Sự huy động một số chất dinh dưỡng (kg/ha) của cây dừa
Năng suấtNP2O5K2OMgCaSNaCl
100 trái/cây (Ouvier và Ochs, 1978)49161158541164
6,7 tấn copra/ha (Ouvier và Ochs, 1978)        
- Trái10839232159920125
- Cả cây1744029939753054240
1 tấn copra (Ashgar, 1988)16,253321,41,32,519,7

- Kali cần thiết cho sự tạo thành cơm dừa và dầu dừa. Bón kali sớm ở giai đọan vườm ươm cây con sẽ mọc mạnh, ra trái sớm, sai trái, làm tăng năng suất từ 15-20%. Thiếu kali ở giai đọan đầu sẽ ảnh hưởng sâu xa đến năng suất dừa về sau mặc dù thời gian sau được bón kali đầy đủ. Kali có ảnh hưởng đến việc tăng số buồng, số hoa cái, tỉ lệ đậu trái, trọng lượng trái, giúp cây chống bệnh đốm lá. Do đó, cây dừa thiếu kali thường cho ít trái, trái nhỏ và năng suất thấp. Triệu chứng thiếu kali trên cây dừa cũng điển hình như các cây trồng khác là lá bị vàng và nâu ở chóp lá và bìa lá, có hình chữ V, sau lan dần và cả lá bị khô nếu tình trạng thiếu kali kéo dài. Triệu chứng biểu hiện trên tàu lá cũng như trên từng lá chét. Triệu chứng thiếu kali dễ nhận biết trên cây dừa là lá bên dưới tán chết sớm, khô nhưng không rụng nên thường có 5-6 tàu lá dừa khô còn dính trên cây.

- Đạm, ngoài vai trò giúp cho sự tăng trưởng của cây, còn giúp cho cây dừa phát triển mạnh và ra hoa sớm, đạm còn có vai trò quan trọng là giúp cho cây dừa sản xuất nhiều hoa cái. Nhiều nghiên cứu ở Ấn Độ cho biết khi số hoa cái/phát hoa ít hơn 20 hoa thì nên nghĩ ngay đến việc bổ sung đạm. Đạm còn có tác dụng hổ tương với kali. Đạm giúp cho cây dừa sử dụng kali hữu hiệu hơn. Cây dừa thiếu đạm thường tăng trưởng chậm, cả tàu lá bị vàng. Lá non vẫn có màu xanh nhạt nhưng không láng như cây đầy đủ đạm. Triệu chứng thường biểu hiện rõ ở lá già do đạm lá một chất di động trong cây. Tuy nhiên, nếu cây dừa thiếu kali mà bón nhiều phân đạm thì lá vẫn vàng và năng suất vẫn thấp.

- Clorua được xem như một chất đa lượng đối với cây dừa hơn là một chất vi lượng so với các loại cây trồng khác. Trên cây con, clorua có ảnh hưởng đến sự gia tăng chu vi gốc thân và giúp cho cây chống lại bệnh đốm lá do nấm Pestalotiopsis sp. gây ra. Clorua giúp gia tăng sự hấp thụ các chất kali, lân, canxi và ma-nhê nên giúp cho cây ra trái sớm. Đối với năng suất, clorua có vai trò quan trọng trong việc thành lập cơm dừa. Khi thiếu clorua dừa cho trái nhỏ nhưng số trái/buồng không giảm. Triệu chứng thiếu chlor thường dễ nhầm lẫn với triệu chứng thiếu kali. Cần chú ý là giữa chlor và lưu huỳnh có sự đối kháng rõ rệt. Chlor làm tăng chu vi gốc thân trong khi lưu huỳnh làm tăng chiều cao cây. Bón nhiều lưu hùynh sẽ làm giảm hàm lượng chlor trong lá rõ rệt. Chế độ phân bón tùy thuộc vào tuổi cây và loại đất. Công thức bón phân cho dừa mới trồng ở nhiều loại đất khác nhau được trình bày trong Bảng 4. Lượng phân bón cho dừa các độ tuổi khác nhau ở vùng đất phù sa và đất sét được khuyến cáo trong Bảng 4 và 5

Bảng 4: Lượng phân (g/cây/năm) bón cho cây dừa giai đọan kiến thiết cơ bản và trưởng thành ở vùng đất sét và đất phù sa

Tuổi cây(Năm)Loại phân  
 UrêSuper phosphateKCl
1150400300
2200 400
3300800500
4400 600
55001000800
>5800-1.000 800-1.000

Bảng 5: Lượng phân (g/cây/năm) bón cho cây dừa giai đọan kiến thiết cơ bản và trưởng thành ở vùng đất phèn
Tuổi cây (Năm)Loại phân  
 UrêSuper phosphateKCl
11502.000200
2200 400
34002.000500
4600 500
58002.000600
>51.000-2.000 800-1.000
Ngoài phân hóa học, việc bón phân hữu cơ cho dừa cũng cần được quan tâm nhằm cung cấp thêm phân vi lượng, cải tạo đất, giúp cho cây sinh trưởng tốt, tăng sức đề kháng và đạt năng suất cao. Từ năm thứ hai trở đi nên bón 20kg phân hữu cơ/cây, sau đó tăng dần mỗi năm 5kg/cây và từ năm thứ bảy trở đi bón 50kg phân hữu cơ/cây/năm. Phân hữu cơ có thể là các loại phân chuồng hoai mục, xác bã thực vật, rơm rạ, cỏ mục. Phù sa sông hay bùn ao cũng là nguồn cung cấp chất hữu cơ và góp phần cung cấp chất dinh dưỡng cho vườn dừa ở ĐBSCL. Có thể bồi bùn mỗi năm hay 2 năm một lần. Nên bồi vào mùa nắng, khi bồi chỉ nên trải một lớp bùn dầy khoảng 3-5cm. Bồi quá dầy có thể đưa phèn lên mặt liếp, có thể ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây.

III. Trồng xen trong vườn dừa:

Vì rễ dừa ăn cạn và tán lá thưa nên cần trồng xen trong vườn dừa nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và ánh sáng dưới tán dừa và tăng thu nhập cho nhà vườn. Yacoob (1995) cho biết rễ dừa tập trung ở độ sâu 1m và ăn rộng 2m (Hình 29), do đó ngoài phạm vi nầy có thể trồng xen để tận dụng đất, tăng thu nhập. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy trồng dừa với khoảng cách 8 x 8 m thì dưới tán dừa còn lại từ 70-75% ánh sáng.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của các mô hình trồng xen trong vườn dừa là sự cạnh tranh về ánh sáng, dinh dưỡng và nhu cầu nước giữa cây dừa và cây trồng xen không dẫn đến sự giảm năng suất và hiệu quả kinh tế của cả cây dừa và cây trồng xen. Để tránh sự cạnh tranh về dinh dưỡng và nhu cầu nước giữa cây dừa và cây trồng xen nên trồng cách gốc dừa tối thiểu 2m và cây trồng xen phải là những cây ưa bóng râm hay có thể chịu đựng điều kiện có bóng râm.

Điều cần chú ý ở các mô hình trồng xen là cây dừa và cây trồng xen có cùng ký chủ gây hại như nấm Phytopthora sp. gây bệnh thối đọt trên cây dừa nhưng đồng thời cũng gây bệnh thối trái, khô cành trên cây ca cao hay rụng lóng trên cây tiêu. Do đó cần có biện pháp phòng trừ thích hợp nhằm tránh thiệt hại cho cả cây dừa và cây trồng xen.

Dựa vào loại cây trồng xen hay loại hình xen canh mà ta có các kiểu xen canh trong vườn dừa là trồng xen, đa canh và đa tầng canh tác (Nguyễn Bảo Vệ và csv., 2004).

1. Xen canh:

Xen canh là hình thức trồng xen các loại hoa màu, rau hay cây ngắn ngày trong vườn dừa. Trong giai đọan kiến thiết cơ bản có thể trồng xen lúa rẫy, rau, đậu. Xen canh là phương châm “lấy ngắn nuôi dài” khi thành lập các vườn cây lâu năm. Việc xen canh trong các vườn mới trồng còn giảm chi phí tưới nước và làm cỏ cho cây dừa. Khi cây trưởng thành nên trồng các loại cây có củ như khoai lang, khoai mở, gừng.
2. Đa canh:

Đa canh là hình thức trồng xen cây dài ngày trong vườn dừa. Các mô hình đa canh trong vườn dừa bao gồm các loại cây ăn trái như đu đủ, chuối, cây có múi, măng cụt, bòn bon, dâu hay các loại cây công nghiệp như ca cao, tiêu. Mô hình đa canh nếu trồng không đúng như mật độ dừa quá cao, cây trồng xen không chịu được bóng râm sẽ dẫn đến sự cạnh tranh dinh dưỡng, nước và ánh sáng làm cho cả năng suất dừa và cây trồng xen trong mô hình đều giảm, trở thành một kiểu “vườn tạp” không có hiệu quả kinh tế. Sau đây là một số mô hình trồng xen thích hợp và có hiệu quả trong vườn dừa:

- Mô hình dừa-cây có múi (chanh, cam, quýt, bưởi…): Do cây có múi không thích ánh sáng trực xạ nên rất thích hợp trong mô hình đa canh với dừa. Mô hình thường áp dụng cho các vùng đất phù sa, đất thịt pha cát, nói chung là đất có tầng canh tác dầy, hàm lượng dinh dưỡng trong đất từ trung bình đến cao, chủ động được nguồn nước. (Hình 33)

- Mô hình Dừa-khóm (thơm): thường áp dụng cho vùng đất nhiễm phèn. Trồng với mật độ khoảng 4.000 cây khóm/ha. Trong điều kiện có nước tưới trái khóm có thể đạt trọng lượng 1,5 kg.

- Dừa-lúa: áp dụng cho vườn dừa trồng theo kiểu lên mô, lên ụ (Hình 34)

- Dừa-ca cao:  Đây là mô hình tương đối lý tưởng và đem lại hiệu quả kinh tế cao hiện nay. Dừa và ca cao có tác dụng hổ tương rất tốt. Dừa che nắng và chắn gió cho ca cao trong khi lá ca cao có tác dụng giữ ẩm và cung cấp chất hữu cơ cho dừa. Do đó, mô hình xen canh dừa-ca cao có hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình độc canh. Với khoảng cách 2,5-3m, có thể trồng xen từ 400-600 cây ca cao/ha, năng suất 50-60 trái/cây/năm (Hình 35)

- Dừa-chuối: Cây chuối rất thích hợp trong mô hình đa canh. Các giống chuối già lùn, già Hương đều thích hợp dưới bóng râm cây dừa. Có thể trồng chuối với mật độ 1.000 cây/ha cùng với 125 cây dừa

3. Đa tầng canh tác:

Đa tầng canh tác là mô hình tận dụng nguồn năng lượng mặt trời và nguồn dinh dưỡng trong đất. Đây là một mô hình đa canh với các cây trồng có chiều cao khác nhau cũng như bộ rễ ăn sâu cạn khác nhau. Như mô hình đa tầng canh tác với dừa, tiêu, ca cao, khóm hay rau lang dùng làm thức ăn cho gia súc. Trong mô hình nầy dừa là cây cao nhất đồng thời cũng là cây nọc cho cây tiêu và che mát cho cây ca cao bên dưới. Rau lang hay khóm ở tầng cuối cùng. Sự phân bố theo chiều cao cũng tương tự như bộ rễ trong đất, trong đó rễ dừa ăn sâu nhất và cạn nhất là rau lang. Do sự phân bố nầy nên sự cạnh tranh giữa các cây trồng trong mô hình rất ít so với với sự hỗ trợ lẫn nhau để đạt được hiệu quả kinh tế cao.

4. Canh tác hỗn hợp trong vườn dừa:

Canh tác hỗn hợp trong vườn dừa bao gồm các loại cây trồng trong vườn dừa kết hợp với chăn nuôi hay thủy sản. Một số mô hình canh tác hỗn hợp trong vườn dừa có hiệu quả ở ĐBSCL được khuyến cáo như: Dừa-Tôm, cá; Dừa- Gà/ vịt; Dừa- cỏ- dê/ bò - Biogas; Dừa - ca cao- tôm, cá- ong mật

Kỹ Thuật Trồng Cây Dừa

Những nơi trong phạm vi giữa 2 vĩ tuyến 200 Bắc - Nam là có điều kiện khí hậu thuận lợi để trồng dừa.

Lượng mưa 1500mm/năm phân bổ đều trong năm thì dừa không bị hạn. Nhiệt độ trung bình 270C là thích hợp nhất để trồng dừa. Dừa ưa khí hậu nóng, ẩm nhưng không chịu được độ ẩm không khí quá cao hoặc quá khô. Dừa yêu cầu đất thoáng khí và tiêu nước tốt, đất cát rất thích hợp để trồng dừa. Đất có độ sâu tối thiểu 80 - 100cm, pH 5 - 7,5.
Kỹ thuật trồng dừa
1. Mật độ trồng:

Kiểu trồng ô vuông phổ biến hơn trồng hình tam giác. Kích thước hố 0,9 x 0,9m hoặc 1,2 x 1,2 x 0,9m; mật độ 143 - 160 cây/ha. Mỗi hố bón 50kg vỏ xơ dừa, 50kg phân hữu cơ và tuỳ từng loại đất có thể bón thêm đạm, lân, kali. Dùng đất mặt lấp hố ngang mặt đất và trồng dừa.

2. Chỉ nên trồng dừa sau trận mưa đầu tiên trong mùa mưa:

Bứng cây con từ vườn ươm vào sáng sớm hoặc sẩm tối và thao tác trồng rất nhanh để tránh bị khô rễ. Lấp đất phủ quả sau đồng có ý nghĩa rất quan trọng. Phủ lớp đất lên quả khoảng 5cm, nếu lấp đất quá dày cây mất sức ngoi lên và mọc vống; lấp nông quả sẽ bị khô héo.

Sau trồng phải che bóng để tránh tổn hại đến cây đừ con. Giống dừa lùn vàng dễ ảnh hưởng hơn lùn xanh lục và dừa lùn đỏ.

3. Chăm sóc :

- Kiểm tra các cây mới trồng, không để mưa xô đất lấp phủ quả quá mức lấp đất như trên.

- Gieo trồng cây cải tạo và phủ đất bằng các cây họ đậu.

- Tủ gốc cho cây con: Dùng cỏ khô, rơm rạ hoặc tốt nhất dùng các nửa vỏ dừa xếp sát nhau quanh gốc với đường kính 1,5m.

- Chú ý trồng giặm lại những cây bị chết, làm sạch cỏ dại quanh gốc dừa còn nhỏ phòng trừ loại kiến Vương.

- Bón phân: Dừa cần đạm, lân, kali (làm tăng số buồng hoa, số hoa, tỷ lệ đậu quả, khối lượng quả), một số chất vi lượng. Dùng phân hữu cơ hoai mục 50kg/ cây rải quanh gốc xới xáo hoặc dùng máy phay trộn; hoặc bón vào hố đào giữa 2 hàng dừa. Dùng vỏ xơ dừa bón vào cho dừa rất tốt. Thời kỳ bón tốt nhất là trước mùa mưa. Có thể kết hợp chăn nuôi ở vườn dừa.

4. Phòng trừ sâu bệnh:

Có khoảng 165 loại sâu hại dừa. Trong đó có loại gây hại nhiều là kiến Vương, sâu đuông, sâu đục lá, mọt, sâu hại cùi dừa khô, rệp dính, mối và các loại động vật khác như chuột, dơi, cua dừa. Các loại bệnh như chết vàng, lá khô đồng đỏ, bệnh rễ cây, bệnh thối nõn… cũng gây hại đáng kể. Dùng các biện pháp phòng trừ tổng hợp và theo hướng dẫn của chuyên ngành bảo vệ thực vật./.

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Các Biện Pháp Kỹ Thuật Mới Trong Canh Tác Dứa

Canh tác dứa hiện nay của nông dân quá dầy về mật độ – khoảng cách trồng, cũng như việc xử lý cây giống – đất chưa được chú trọng, do đó đã tạo điều kiện cho rệp sáp gây hại nghiêm trọng và tỷ lệ dứa bị nhiễm bệnh đỏ đầu lá (wilt) gia tăng, thiệt hại càng lớn, ảnh hưởng nhiều đến năng suất.

Các biện pháp kỹ thuật mới trong trồng dứaDưới đây, chúng tôi giới thiệu tiêu chuẩn và các biện pháp kỹ thuật mới trong canh tác dứa.

1. Tiêu chuẩn chọn vườn lấy giống

Là khâu rất quan trọng quyết định năng suất và phẩm chất của dứa.

- Chọn vườn đúng giống, chất lượng ngon, cây giống đồng đều, khỏe mạnh, không nhiễm bệnh hoặc triệu chứng bị bệnh đỏ đầu lá (mập, xanh đậm, phiến lá dầy, rộng), trọng lượng 180 – 200 gam/chồi.

- Chồi (chồi nách, chồi cuống, chồi ngọn) có độ đồng đều cao, khỏe mạnh, không nhiễm bệnh hoặc triệu chứng bị bệnh đỏ đầu lá. Nếu là chồi cuống đem giâm thì không để quá già, trọng lượng từ 180-200 gam/chồi.

- Quản lý bệnh héo đỏ đầu lá/héo rũ/bệnh wilt theo các nguyên tắc như sau:

+ Nếu ít hơn 3% cây có triệu chứng bệnh thì nhổ bỏ cây bệnh và tiêu hủy.

+ Nếu hơn 3% cây có triệu chứng bệnh thì tiến hành phun thuốc phòng trừ rệp sáp.

+ Nếu hơn 10% cây có triệu chứng bệnh thì không sử dụng khu ruộng đó làm nguồn giống cho vụ kế tiếp.

2. Xử lý giống

Là biện pháp tiêu diệt mầm rệp sáp rất hữu hiệu, hạn chế sự phát sinh và phát triển, hạn chế/giảm nhiều chi phí quản lý rệp sáp trong canh tác.

- Chuẩn bị dung dịch Basudin 10H (10%) với dầu khoáng (5%) hoặc dung dịch nước rửa chén Mỹ Hảo (10%), ngâm cây giống trong dung dịch trên trong vòng 10-15 phút và sau đó để chổng ngược ít nhất 15 phút. Sau đó đem đi trồng.

3. Biện pháp xử lý đất canh tác dứa

- Làm đất cày xới, loại bỏ cỏ dại và tàn dư thực vật (đào hố, để cây khô và đốt; trong điều kiện phát triển trong tương lai, nên sử dụng máy nghiền tàn dư thực vật và sử dụng làm phân xanh để bón).

- Loại bỏ cỏ dại ở các mương giữa các liếp nhằm ngăn chặn sự di chuyển của kiến từ liếp này sang liếp kia.

- Xử lý đất, rải thuốc bảo vệ thực vật gốc lân như Basudin 10H (0,5-0,7kg/1.000m2) và 100kg vôi/1.000m2, tưới ướt nhẹ và dùng vải nhựa phủ lên liếp khoảng 2-3 ngày nhằm tiêu diệt nguồn rệp sáp còn tồn đọng trong vườn.

4. Chọn mật độ thích hợp để dễ quản lý chăm sóc và đạt năng suất cao

Khoảng cách trồng: 40 x 40 x 60cm (hàng cách hàng 40cm, trong cùng một hàng cây cách cây 40 cm, bố trí hàng ba và hàng ba này cách hàng ba kia là 60 cm), bảo đảm mật độ 6.000 con giống/1.000m2.

Ưu điểm:

+ Dễ chăm sóc như làm cỏ, bón phân hay xử lý ra hoa.

+ Dễ phát hiện và quản lý rệp sáp hay các đối tượng dịch hại khác.

+ Khoảng cách giữa các cây 40cm, phù hợp để cây sinh trưởng và độ đồng đều cao.

+ Lối đi phù hợp: tiết kiệm được diện tích đất.

+ Thế hệ dứa thứ 2: chồi to mập

Xử Lý Dứa Ra Hoa Theo Ý Muốn

Giống dứa, nên dùng giống Cayen Cách xử lý ra hoa, quả trái vụ: Có hai sản phẩm dùng để xử lý dứa ra quả trái vụ, đó là đất đèn dạng khô hay dung dịch và thuốc dấm hoa quả Trung Quốc pha loãng nhỏ vào nõn đỉnh sinh trưởng dứa.

Xử lý dứa ra hoa theo ý muốnThông thường dùng đất đèn đập thành viên nhỏ bằng hạt đậu xanh, buổi sáng sớm (6-8 giờ) hay chiều mát (17-19 giờ), thả viên đất đèn đã chuẩn bị sẵn vào đọt dứa, dùng gáo nhỏ tưới 10-20ml nước vào, đất đèn phản ứng hoá học với nước sinh ra dung dịch Etylen kích thích pha phát triển ra hoa, đậu quả cho dứa.

Hoặc dùng chất Ethrel có trong thuốc dấm hoa quả Trung Quốc khi pha loãng với nước sẽ sinh ra dung dịch Etylen kích thích pha phát triển ra hoa, đậu quả cho dứa. Cách dùng với liều lượng như sau, dùng 4 lọ thuốc (5ml/lọ) + 0,2kg đạm ure hoà vào 12lít nước sạch, nhỏ vào nõn dứa 10ml dung dịch thuốc đã pha vào buổi sáng 6-7 giờ hoặc 17-19 giờ chiều, áp dụng với những cây dứa sinh trưởng tốt, có 35-40 lá hoạt động. Sau khi xử lý 35-40 ngày sẽ đạt 90-95% số cây ra hoa.

Chú ý, trong thời gian xử lý (từ lúc trước thời điểm nhỏ thuốc 30 ngày đến trước khi thấy hoa xuất hiện) không được tưới ẩm, bón phân để làm tăng hiệu quả xử lý.

Có thể tham khảo lịch xử lý dứa, thời gian ra hoa và thu quả dự kiến theo ý muốn như sau:
Tháng xử lýTháng ra hoaTháng thu quả
1-23-46-7
3-45-68-9
5-67-811-12
7-88-912-1
9-10113-4
11-12125-6

Đối với giống dứa Cayen, tốt nhất xử lý vào tháng 9, tháng 10, cây ra hoa, quả từ tháng 11 năm trước, cho thu quả vào tháng 3, tháng 4 năm sau, đây là thời gian có nhiệt độ thấp và mát, rất thích hợp cho quả dứa phát triển, không bị rám vỏ quả do gặp nắng rát như dứa chính vụ, trọng lượng quả đạt trung bình 1,2-1,5kg.

Để dứa trái vụ năng suất cao, chất lượng tốt cần tưới đủ ẩm, bón đủ phân từ khi cây có hoa đến trước lúc thu hoạch 10-15 ngày.

Sử dụng sản phẩm Vườn sinh thái phun cho dứa 10 ngay/lần cho năng suất tăng 20-30%, chất lượng dứa cũng được cải thện đáng kể.

Kỹ Thuật Nhân Giống Vô Tính Dứa Cayen

Cây dứa cũng giống như một số loại cây ăn quả khác là có thể nhân giống bằng phương pháp vô tính và hữu tính, tuy nhiên nhân giống bằng phương pháp hữu tính chỉ có ý nghĩa trong công tác chọn tạo giống

Mầm dứa cayenĐiều khác biệt với một số cây trồng khác là: trong phương pháp nhân vô tính, cây dứa không thể nhân giống bằng phương pháp chiết, ghép mà chỉ được thực hiện bằng biện pháp kỹ thuật nuôi cấy mô, giâm hom, tách chồi.

- Đối với phương pháp nuôi cấy mô (invitro) có ưu điểm là hệ số nhân giống cao nhưng thời gian tạo cây con dài và giá thành cây giống đắt.

- Phương pháp kích thích ra chồi tự nhiên (như: bẻ hoa tự, khoét điểm sinh trưởng, cắt quả non, phun chất kích thích,...) có ưu điểm là rút ngắn được thời gian tạo chồi và chồi rất khoẻ, nhưng hệ số nhân giống thấp.

- Đối với các biện pháp kỹ thuật giâm hom (thân già) thì có hệ số nhân giống cao hơn và dễ áp dụng. Hiện nay một số nước trồng dứa trên thế giới vẫn còn sử dụng phương pháp nhân giống này.

1. Kỹ thuật nhân giống dứa bằng chồi

a. Phương pháp kích thích ra chồi tự nhiên

- Bẻ hoa tự: xử lý Axetilen hoặc Ethrel cho dứa ra hoa đồng loạt, sau đó bẻ hết hoa và bón thúc nuôi chồi. Việc xử lý được tiến hành vào vụ Đông để chồi đẻ sớm và sinh trưởng vào vụ Hè nhiệt độ cao, ẩm độ cao. Sau thời gian hai năm kể từ khi trồng mỗi cây tỉa được 6-8 chồi đạt tiêu chuẩn.

- Hủy đỉnh sinh trưởng: tiến hành rút khoảng 3 lá nõn ở tâm, sử dụng đục lõi bằng kim loại có chiều dài 30-50cm tùy theo cỡ cây đặt vào tâm của phần ngọn, xoáy 2 vòng theo chiều kim đồng hồ, xong lấy đục ra, trên mũi đục phải có kèm theo đỉnh sinh trưởng của cây. Sau đó phun thuốc phòng ngừa bệnh hại. Cây sau khi hủy đỉnh sinh trưởng cần ngưng tưới nước 5-7 ngày nhằm giúp vết thương nhanh lành sẹo.

- Thu quả thúc chồi:
 Sau thời gian trồng 28-30 tháng, tiến hành thu quả vụ I và bón thúc nuôi chồi. Bình quân một cây có thể thu được 5-6 chồi đạt tiêu chuẩn.

- Phun thuốc kích thích chồi: Sau khi bẻ hoa tự hoặc thu quả, phát bỏ ngọn lá già cách gốc 35 – 40 cm, phun thuốc 2,4D nồng độ 20 ppm (250 ml/cây) để kích thích chồi mọc nhiều và nhanh.

b. Bón phân thúc nuôi chồi:
Lượng bón cho 1ha là 600 kg urê và 500 kg kali clorua. Chia ra bón 3 lần, mỗi lần bón phân kết hợp với tưới nước:

+ Lần 1: bón 1/3 lượng phân sau bẻ hoa hoặc thu quả vụ I,

+ Lần 2: bón 1/3 lượng phân sau tỉa chồi lần một,

+ Lần 3: bón nốt lượng phân còn lại sau tỉa chồi lần 2.

c. Tỉa chồi:

Khi chồi đạt trọng lượng khoảng 250 gam phải tỉa chồi. Tỉa chồi làm nhiều đợt cách nhau 1,5 - 2 tháng. Tỉa đợt cuối sau khi bẻ hoa hoặc sau khi thu hoạch quả 10-12 tháng, còn lại những chồi nhỏ dưới tiêu chuẩn thì tỉa đưa vào vườn ươm.

2. Nhân giống bằng phương pháp giâm hom

a. Cắt hom:

Vật liệu nhân giống gồm: thân dứa và chồi ngọn.

- Thân cây dứa: Những cây dứa đã thu quả vụ I hoặc vụ II, thân còn tươi, không bị dập nát, thối héo hoặc nhiễm bệnh. Chọn đoạn thân khoảng 20 cm kể từ ngọn, bóc sạch lá, cắt hết rễ trên thân, dùng dao sắc cắt khoanh (dày 2-2,5cm).

- Chồi ngọn: Chọn những chồi to, khoẻ được thu về sau khi thu quả, còn tươi. Dùng dao sắc chẻ dọc chồi thành 4 phần. Từ mỗi phần dọc cắt ngang thành nhiều miếng nhỏ sao cho mỗi miếng còn dính 1 hoặc 2 gốc lá.

b. Xử lý hom:

Nhúng ngập hom trong dung dịch Benlatte trong 3 phút, hong khô trong bóng râm một ngày, sau đó giâm vào cát.

c. Tạo cây con trong nhà giâm:

- Thời vụ giâm: vụ xuân - hè từ tháng 2 - 4., vụ thu từ tháng 7- 9.

- Làm luống cát trong nhà giâm: Làm 2 luống, để lối đi ở giữa rộng 0, 4m. Luống rộng 1,2-1,4 m, dài tuỳ theo độ dài của nhà, cao 15 cm.

- Mật độ giâm:

+ Đối với khoanh thân: 150-170 khoanh/m2 (khoảng cách khoanh 1,5cm), đặt khoanh nằm ngửa, phần ngọn lên trên, lấp cát dày 2-3 cm trên khoanh.

+ Đối với chồi ngọn: 200-220 hom/m2, vùi cát vừa kín gốc lá (không vùi sâu quá 1 cm). Các hom có lá quay theo một hướng.

- Chăm sóc:

+ Tưới nước: Trước khi giâm một ngày, tưới đẫm luống cát, sau khi giâm xong tưới nước đủ ẩm bằng thùng ô doa hạt nhỏ, không làm nước xối cát để hở khoanh hoặc hom ra. Giữ ẩm thường xuyên bằng dụng cụ tưới có hạt nước nhỏ, không để cát bị khô hoặc sũng nước.

+ Bón phân: Sau khi giâm 1-1,5 tháng, khoảng 80% số hom có chồi đã nhú lên khỏi mặt cát 1-2 cm thì bắt đầu bón phân thúc bằng urê pha loãng 0,2% phun đều lên toàn bộ mặt luống. Lượng phun: 10 lít dung dịch đã pha cho 40 m2 mặt luống. Phun định kỳ 10 ngày /lần.

Khi chồi đã cao 7 cm trở lên thì tách chồi đưa đi giâm vào đất.

d. Vườn giâm chồi con:

- Chuẩn bị đất: Chọn loại đất nhẹ, nhiều mùn, thoát nước, bằng phẳng. Cày sâu 10-15 cm, bừa kỹ nhặt hết cỏ dại. Lên luống cao 10-15cm, rộng 1,2 m, dài tuỳ địa thế đất. Đất trên luống nhỏ (đường kính không quá 1cm) nhưng không thành bột.

- Phân bón lót cho 1m2: 2kg phân chuồng hoai mục, 0,2 kg phân lân vi sinh. Các loại phân được trộn đều với đất trên luống. Nếu đất khô phải tưới ẩm một ngày trước khi giâm.

- Tách chồi con để giâm: Các chồi trong nhà giâm hom cao từ 7cm trở lên được tách khỏi hom đưa đi giâm. Hom mẹ và các chồi nhỏ được giữ nguyên ở vị trí cũ tiếp tục chăm sóc.

- Giâm chồi: các chồi đã được tách đưa đi giâm ngay vào luống đất đã chuẩn bị. Mật độ giâm 50 cây /m2, khoảng cách 10cm x 20cm, chú ý không để đất rơi vào nõn chồi.

- Chăm sóc:

+ Làm cỏ giữa các chồi bằng dụng cụ nhỏ hoặc nhổ bằng tay, không làm ảnh hưởng đến chồi đã giâm.

+ Bón thúc phân đạm và kali theo tuổi chồi. Một tháng sau khi giâm: pha dung dịch urê 1% (100g/10lít nước) để tưới. Định mức 10 lít dung dịch tưới cho 5 m2 (250 cây), sau đó tưới nước lã rửa lá chồi dứa. 15 ngày sau tưới phân đạm một lần nữa. Sau 2 tháng: bón đạm và kali vào đất giữa các hàng dứa. Lượng phân hàng tháng như sau:
Số tháng sau giâm3456Tổng sốĐạm Urê (g/m2)120130140150540Kali sunphat (g/m2) 130140140150560

Cách bón phân: Rạch hàng sâu 5cm giữa các hàng cây, trộn phân đều bón vào rãnh, lấp đất kín phân, tưới nước lã cho tan phân.

+ Tưới nước giữ ẩm, phá váng sau khi mưa, làm cho đất vườn ươm thoáng, đủ ẩm.

+ Phòng trừ sâu bệnh: Bệnh thưòng gặp là bệnh thối nõn. Khi phát hiện có bệnh phải nhổ bỏ cây bị bệnh. Phun toàn bộ vườn bằng Aliette 0,2-0,3 %, phun lặp lại hai lần cách nhau 7 ngày.

Những Tác Hại Khi Ăn Quá Nhiều Dứa

Dứa là loại trái cây chứa nhiều vitamin và rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên sử dụng dứa quá nhiều sẽ gây nên những hậu quá đáng tiếc cho cơ thể.

Tùy theo từng địa phương mà gọi là dứa hay trái thơm, khóm… tên khoa học là Annanascomosus (L) merr (ananas sativus schult F), được trồng khắp nơi ở các nước vùng nhiệt đới, là cây bản địa của Paraguay và miền Nam Brazil. Ở nước ta dứa được trồng nhiều ở mọi vùng trong nước, phân bố từ Phú Thọ đến Kiên Giang. Tiền Giang là tỉnh có sản lượng dứa đứng đầu cả nước.

Ăn dứa quá nhiều không tốt cho sức khỏeQuả dứa thực ra là trục của bông hoa và các lá bắc mọng nước tụ hợp lại. Còn quả thật là các “mắt dứa”. Quả dứa có nhiều nước, vị ngọt pha chua rất ngon, mùi thơm đặc biệt, là một trong các thứ hoa quả tươi được nhiều người ưa chuộng. Đông y phân loại dứa thuộc vị ngọt chát, tính bình, có tác dụng giải khát nóng, lợi tiêu hóa, ngừng tả. Men dứa giúp dạ dày phân giải protein, làm thức ăn dễ tiêu. Sau khi ăn nhiều thịt, mỡ, ăn dứa rất có lợi. Ngoài ra, chất đường, muối và men trong dứa còn có tác dụng lợi tiểu, chữa viêm thận, cao huyết áp, phù thũng. Đối với bệnh viêm phế quản, ho, nó cũng có tác dụng điều trị hỗ trợ.

Đã có công trình nghiên cứu cho thấy enzyme có trong dứa có khả năng chữa bệnh tim do có thể làm tan máu tụ dẫn đến cơn đau tim. Có báo cáo trong 140 bệnh nhân mắc bệnh tim được điều trị bằng phương pháp này thì chỉ có 2% số người bị tử vong do lên cơn đau tim so với trước đó không dùng phương pháp này thì có tới 20% tử vong. Trong sách ở Việt Nam có hướng dẫn người bị cao huyết áp nên ăn dứa hàng ngày để lợi tiểu.

Mỗi ngày uống một cốc nước ép thơm hoặc ăn 1/2 quả thơm chín có thể thay thế được các loại thuốc chống đông (coumarin, warfarin…) vốn là những chất thường gây nhiều tác dụng phụ chảy máu (do đó tránh dùng dứa cho những người có các bệnh xuất huyết).

Nếu không sử dụng dứa một cách khoa học, hợp lý và đúng lượng cần thiết hàng ngày, dứa cũng sẽ là loại thực phẩm gây nguy hiểm đối với sức khỏe của bạn.

Bệnh dạ dày


Không nên ăn dứa tươi vào lúc đói, vì các acid hữu cơ của dứa và bromelin tác động mạnh vào niêm mạc dạ dày, ruột, dễ gây nôn nao, khó chịu. Bên cạnh đó, nếu ăn dứa quá nhiều trong vòng một ngày các axit hữu cơ và một số enzym có tác dụng làm tiêu protein, không có lợi cho người dau dạ dày. Đồng thời, gây viêm loét niêm mạc dạ dày.

Ngộ độc
Trong thực tế, có người ăn dứa đã gặp tai biến, thậm chí tử vong. Sau khi ăn dứa 30-60 phút, họ thấy khó chịu, mệt mỏi, ngứa khắp người, gãi xước da chảy máu vẫn ngứa, nổi mày đay. Về tiêu hóa, có những triệu chứng của ngộ độc thức ăn: đau bụng dữ dội, nôn mửa, ỉa chảy. Về hô hấp, tuần hoàn, có thể có mạch nhanh nhỏ, khó thở, huyết áp hạ.

Nếu ngộ độc nhẹ, khoảng 3 giờ sau, nạn nhân sẽ khỏi. Nếu nặng, nạn nhân khó thở, trụy tim mạch, mê man và tử vong. Vì thế, trong nhân dân, người ta còn cho là nạn nhân ăn phải dứa có nọc rắn phun. Thực ra, thủ phạm là một loại vi nấm có độc tính cao. Vi nấm thường có trên mặt đất ẩm, phát triển mạnh trong mùa hè, trùng với mùa dứa chín. Dứa mọc ở sát đất, thu hái xong cũng để dưới đất, vỏ dứa xù xì, mắt dứa làm thành những cái hốc là nơi cư trú tốt cho nấm. Mặt khác, dịch bào của dứa có độ ẩm, có hàm lượng đường cao và pH acid, là những điều kiện thuận lợi cho nấm độc phát triển. Nếu dứa bị dập nát, dịch bào thấm ra, nấm sẽ phát triển, có điều kiện xâm nhập sâu vào trong quả dứa, gây độc cho người ăn.

Để phòng ngừa tai biến trên, cần chọn dứa tươi và nguyên lành. Không ăn dứa dập nát, gọt dứa phải hết lớp vỏ, cắt sâu cho hết mắt, sau đó xát qua ít muối rồi rửa sạch mới bổ ra ăn.

Rát lưỡi

Bên cạnh dó, nếu ăn dứa quá nhiều, chúng ta sẽ mất cảm giác ngon miệng, kích thích niêm mạc miệng dẫn tới rát lưỡi, nướu.

Đau đầu


Gốc amin trong dứa là một nitơ có chứa vật chất hữu cơ, nó làm cho mạch máu thu hẹp và huyết áp tăng cao. Chính vì vậy nếu ăn quá nhiếu dứa bạn sẽ cảm thấy đau đầu.

Ngứa

Chất glycosides trong dứa có tính kích thích nhất định đến da dẻ và vòm họng gây nên hiện tượng ngứa.

Dứa có tác dụng phân hủy fibrin chống tụ huyết nên có tài liệu khuyên: những người có bệnh chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu (người hay chảy máu cam, sốt xuất huyết, vết thương lớn, phụ nữ băng huyết…) không nên ăn dứa.

Làm thai nhi yếu


Phụ nữ đang mang thai, cho con bú không ăn dứa tươi quá liều lượng (2 khoanh 30g) hoặc dứa chín rục (20g). Chất pepin chứa trong nước dứa là con dao hai lưỡi. Nếu điều trị được bệnh viêm họng, tái tạo mô thanh quản thì làm hạ thấp lượng estrogen làm tắc sữa, giảm magnesium làm cho thai nhi yếu.

Trị Bệnh Từ Cây Dứa Dại

Cây Dứa dại còn gọi là dứa gỗ, dứa gai… tên khoa học là Pandanus odoratissium L.F. thuộc họ Dứa dại Pandaceae. Là loại cây mọc hoang ở nhiều vùng trong nước ta, trên các bãi cát ẩm, dọc ven bờ suối, bờ sông ngòi.

Dứa dại có nhiều tác dụng chữa bệnhTheo lưu truyền dân gian cây Dứa dại có tác dụng trị viêm gan, xơ gan cổ trướng. Thực tế, loài cây này còn được sử dụng để chữa nhiều căn bệnh khác như viêm thận phù thũng, viêm tinh hoàn, sỏi thận..

Đông y dùng cây dứa dại làm thuốc từ lâu đời từ những lá hay rễ dứa hoặc quả dứa, hạt quả. Song ngọn đọt non của cây dứa dại người ta dùng làm rau ăn, ngay cả gốc trắng mềm của lá dứa dại cũng làm rau ăn. Để làm thuốc dứa dại cũng được thu hái quanh năm, rửa sạch, thái lát phơi hay sấy khô cất đế dùng dần.

Bộ phận dùng làm thuốc của dứa gai là rễ, thu hái quanh năm, đọt non vào mùa xuân và quả vào mùa hè thu.Loại rễ non chưa bén đất càng tốt, đào về, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô. Theo kinh nghiệm của nhân dân miền Nam, rễ dứa gai phối hợp với vỏ cây đại, hương nhu, tía tô, hoắc hương, mỗi vị 8g, hậu phác 12g, rễ si 8g, rễcau non 4g, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày, chữa phù thũng.

Theo đông y lá cây dứa dại có vị đắng cay, thơm với công năng sát khuẩn, hạ nhiệt làm long đờm, lợi niệu. Rễ dứa dại được sử dụng làm thuốc nhiều hơn, có vị ngọt nhạt, tính mát, công hiệu lương huyết, lợi tiểu, tiêu độc, trừ đàm, phát hãn (ra mồ hôi), nên dùng trị cảm mạo, phát sốt, viêm thận, thủy thũng, viêm đường tiết niệu, viêm gan, xơ gan cổ trướng, viêm kết mạc mắt. Ngoài ra còn dùng quả dứa dại trị lỵ, ho, hạt quả trị viêm tinh hoàn hay trĩ…

Những bài thuốc trị bệnh từ cây dứa gai:


Liều sử dụng trung bình: Cho lá dứa dại cho dạng thuốc sắc từ 15 - 30 g/ngày. Rễ dứa dại khô ngày dùng 15 - 30g cho dạng sắc (có thể sử dụng độc vị hoặc phối hợp với các vị thuốc khác). Quả hay hạt dùng 30 - 60g, sắc uống mỗi ngày.

Để tham khảo và áp dụng xin giới thiệu những phương thuốc trị bệnh chứng từ cây dứa dại.


* Chữa đau đầu mất ngủ:
 Rễ dứa dại 20 - 30g, sao thơm, sắc lấy nước, chia 2 lần uống trong ngày.

* Chữa tiểu buốt, đái ít: Rễ dứa 20 - 30g, rễ dứa gai (trái thơm) 20 - 30g, sắc lấy nước chia 2 lần uống trong ngày.

* Chữa sỏi thận, tiết niệu: Rễ dứa dai hoặc dứa quả dại 12 - 20g, hạt quả chuối hột 10 - 12g, rễ cỏ tranh 10 - 12g, bông mã đề 8 - 10g, kim tiền thảo (lá đồng tiền hay gọi lá mắt trâu) 15 - 20g, rễ cây lau 10 - 12g, củ cỏ ống 10 - 12g, sắc lấy nước uống làm 2 - 3 lần trong ngày vào trước bữa ăn, mỗi lần khoảng 100 - 150 ml.

* Trị viêm thận phù thũng: Rễ dứa dại 30 - 60g, thịt lợn nạc 150 - 200g, nấu thành canh ăn ngày một lần, một tuần cần ăn 3 – 4 lần. Kết hợp hằng ngày dùng rau dừa nước khô (Du long thái) 30 - 60g, rau má 12 - 16g, Bông mã đề 10 - 12g, Bồ công anh 12 - 16g, sắc với nước uống vào trước bữa ăn ngày 2 lần, mỗi lần 150 ml.

* Trị viêm gan, xơ gan cổ trướng: Rễ dứa dại hoặc quả dứa dại 20 – 30g, lá quao nước 20 - 30g, lá cây ô rô 12 - 20g, sắc lấy nước thuốc uống ngày 2 lần, mỗi lần chừng 150 ml vào trước bữa ăn.

* Hoặc bài thuốc chữa xơ gan cổ trướng:
 quả dứa gai 200g, thân cây ráy gai 200g, vỏ cây quao nước, vỏ cây vọng cách, lá cối xay, lá trâm bầu, rễ cỏ xước, mỗi vị 50g. Có thể thêm 50g cỏ hàn the hoặc 50g cỏ tranh, tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc uống ngày 1 thang.
Chữa viêm gan mạn tính: quả dứa gai 100g, chó đẻ răng cưa 50g, thái nhỏ, phơi khô, sắc uống làm 2 lần.
* Chữa đái tháo đường: dứa gai 9 hạt giã nhỏ, nhồi vào khúc ruột già lợn, ninh thật nhừ ăn cái, uống nước làm một lần trong ngày.

* Chữa chứng viêm tinh hoàn: Lấy hạt quả dứa dại 30 - 60g, lá tử tô 30g, lá quất hồng bì 30g, nấu kỹ lấy nước để còn ấm rửa hằng ngày.

* Ăn uống kém sau sinh: Rễ dứa dại 15 - 20g, vỏ cây chòi mòi (Antidesma ghaesembilla Gaertn, thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae) 7 miếng cỡ 4×6 cm, sắc lấy nước uống ngày 2 lần vào trước bữa ăn, mỗi lần khoảng 100 ml.

* Bệnh viện Ba Vì- Hà Tây đã chữa chứng tiểu rắt, tiểu ít, nước tiểu vàng đục, phù thận bằng bài thuốc kinh nghiệm sau: rễ dứa gai 200g, râu ngô 150g, củ sả 50g, trấu gạo nếp 50g, sao thơm, nõn tre 25g, cam thảo dây 25g.Tất cả nấu với 2 lít nước cho sôi kỹ trong 30 phút đem lọc thêm đường uống trong hai ngày.
Người lớn: mỗi lần 200-300ml, trẻ em tuỳ tuổi 100-150ml, ngày 2-3 lần.Một đợt điều trị là 5 ngày, nghỉ 3 ngày tiếp tuc đợt nữa cho khỏi hẳn. để chữa ra cát sỏi, lấy rễ dứa gai, mộc thông cỏ tháp bút, sinh địa mỗi vị 20g thái nhỏ, sắc uống làm 3-5 lần trong ngày với bột hoạt thạch 10g.