Pages

Cây giống cây ăn quả

Cung cấp các loại giống cây ăn quả mới với chất lượng cây giống tốt nhất

Hoa lan giống

Cung cấp các loại lan giống như: Đai châu, Hồ điệp, Vũ nữ, Cattleya, Vanda và Dendro

Cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây trồng rừng

Cung cấp các loại cây cảnh, cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây trồng rừng như: Cây Sưa đỏ, Cây Xoan đào, Xoan ta, Mây nếp ...

Giống rau, giống cây nông nghiệp

Cung cấp các loại giống rau, giống mới, giống cây nông nghiệp ngắn ngày năng suất cao, : Cây chùm ngây, cây su su, gấc cao sản

Kỹ thuật trồng cây

Kỹ thuật trồng cây ăn quả, kỹ thuật trồng rau, kỹ thuật trồng hoa và cây cảnh.

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Kỹ thuật trồng dừa

Kỹ thuật trồng dừa

Khoảng cách trồng dừa tùy theo giống, độ màu mỡ của đất, điều kiện khí hậu và mô hình có trồng xen hay không


I. Kỹ thuật trồng:

1. Mùa vụ:


Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nên trồng vào tháng 6-7 dương lịch (đã vào mùa mưa) để giảm chi phí tưới trong giai đoạn cây con. Tuy nhiên, nếu chủ động được nguồn nước tưới thì có thể trồng vào bất kỳ thời gian nào trong năm.

2. Đào mương lên liếp:

Ở ĐBSCL ngoài đất giồng cát, thì tất cả các loại đất từ đất phù sa ven sông hay đất phèn đều phải lên liếp khi trồng cây lâu năm như cây dừa. Tuy nhiên, kiểu lên liếp tùy thuộc vào từng loại đất và mô hình canh tác. Đối với vùng đất phù sa không phèn có thể lên liếp theo kiểu cuốn chiếu, tức là lớp đất mặt bị đưa xuống dưới và tầng đất ở dưới sâu được đưa lên mặt, dần dần liếp được hình thành. Đối với vùng đất có phèn, tùy thuộc vào độ sâu xuất hiện tầng phèn mà xác định độ sâu của mương, tránh đưa tầng đất phèn tiềm tàng lên tầng mặt, đất oxid hóa sinh ra phèn hoạt động sẽ làm chết cây dừa. Ngoài ra, nên áp dụng biện pháp kê liếp để không làm đảo lộn tầng đất, không đưa đất phèn lên tầng mặt.

3. Kích thước liếp:

Tùy thuộc vào loại đất và mô hình canh tác mà liếp được lên theo kiểu liếp đơn với chiều rộng mặt từ 4-6 m hay liếp đôi với chiều rộng mặt từ 6-8 m, thậm chí từ 10-12 m. Đối với vùng đất phù sa, không phèn, có thể lên liếp đôi để tiện việc trồng xen hoa màu trong giai đọan kiến thiết cơ bản, đồng thời cũng dễ áp dụng các mô hình đa canh khi cây trưởng thành. Đối với vùng đất có phèn, mặn nên lên liếp đơn để liếp mau rửa phèn và thường áp dụng mô hình độc canh hay xen canh với một số cây có khả năng chịu phèn như chuối, khóm.

- Đất cát pha địa hình bằng phẳng, dễ thoát nước: Không cần lên liếp. Dọn sạch đất, cày tơi xốp. Định hướng trồng, đóng cọc định vị hố trồng.

- Đất thịt khó thoát nước: Phải đào mương lên liếp. Kích thước và kiểu liếp thay đổi tùy theo điều kiện thực tế, nhưng điều kiện quan trọng là phải có tầng đất mặt dày 1m để bảo đảm cho bộ rễ dừa phát triển. Có 2 loại liếp: liếp đơn và liếp đôi.

- Liếp đôi: (Hình 23-24): Bề rộng liếp đôi thường là 10 m. Trồng hai hàng dừa ở 2 bên, cách bờ mương 1-1,5 m.


Đối với đất có tầng canh tác dày > 50 cm có thể lên liếp hoàn chỉnh ngay từ đầu. Đối với đất có tầng canh tác < 50 cm có thể tiến hành lên ụ với các bước sau:

- Năm đầu tiên: đắp ụ dạng hình nón cụt chiều cao 1m, bề mặt trên có cạnh rộng 2,5m, cạnh đáy rộng 3,5m.

- Năm thứ 2: mở rộng ụ thêm 1m mỗi cạnh.

- Năm thứ 3: nối các ụ lại với nhau để hình thành liếp hoàn chỉnh.

Nếu trồng trên ụ, kích thước không nên quá nhỏ, cây sẽ bị hốc nước vào mùa khô, ít nhất cạnh đáy ụ phải được 3,5m, cạnh ở mặt ụ 2,5m.

4. Khoảng cách trồng:

Khoảng cách trồng tùy theo giống, độ màu mỡ của đất, điều kiện khí hậu và mô hình có trồng xen hay không. Giống dừa cao do có lá dài 5-6m nên thường trồng thưa hơn giống dừa lùn với lá dài 3-4m. Vùng đất màu mỡ, mưa nhiều, không có các yếu tố bất lợi của môi trường cây dừa sẽ phát triển mạnh nên trồng thưa hơn so với vùng đất đai không màu mỡ và khí hậu khô hạn, lượng mưa thấp. Ngoài ra, mô hình có trồng xen nên trồng thưa nhằm bảo đảm nhu cầu ánh sáng cho cây trồng xen. Trồng quá thưa sẽ lảng phí đất canh tác nhưng nếu trồng quá dầy cây cạnh tranh ánh sáng, vươn cao, lóng dài cho năng suất thấp. Trồng theo kiểu hình tam giác có mật độ cao hơn 15% so với trồng theo kiểu hình vuông. Tuy nhiên, trồng theo kiểu hình vuông hay hình chữ nhật thích hợp cho mô hình trồng xen hơn trồng theo kiểu tam giác (Bảng 1).

- Giống dừa cao: khoảng cách 9m x 9m hình tam giác đều, mật độ 143 cây/ha.

- Giống dừa lai: khoảng cách 8.5m x 8,5m  hình tam giác đều, mật độ 160 cây/ha.

- Giống dừa lùn: khoảng cách 8m x 8m hình tam giác đều, mật độ 180 cây/ha.

Bảng 1. Số cây dừa/ha tương ứng theo mật độ trồng và phương pháp trồng
Khoảng cách trồng (m) Phương pháp Hình vuông Phương pháp Tam giác đều
7 x 7 204 236
7,5 x 7,5 178 205
8 x 8 156 180
8,5 x 8,5 138 160
9 x 9 123 143

- Nếu có trồng xen, khoảng cách trồng có thể thưa hơn (từ 9 – 10m) tùy theo đối tượng cây trồng xen. Tùy theo loại đất: đất xấu trồng dầy, đất tốt trồng thưa. Mật độ trung bình nên từ 160-180 cây/ha.

Bảng 2. Khoảng cách và mật độ trồng của dừa cao và dừa lùn trên đất phù sa và đất phèn (Nguyễn Bảo Vệ và csv., 2004)
STT Giống Khoảng cách trồng (m x m) Mật độ (cây/ha)
Hình vuông Hình tam giác
1 Dừa cao
- Đất phù sa 8,0 x 8,0 156 180
- Đất phèn 7,5 x 7,5 178 205
2 Dừa lùn
- Đất phù sa 7,0 x 7,0 204 236
- Đất phèn 6,5 x 6,5 237 273

5. Đấp mô hoặc chuẩn bị hố trồng:

Ở vùng đất thấp nên trồng cây trên mô để tránh bị đọng nước cho cây. Mô hình chóp, có kích thước từ 60-80cm, cao từ 30-40cm. Dùng đất phù sa hay đất mặt trộn với 5-10kg phân hữu cơ, 0,5kg phân lân đấp mô 1-2 tuần trước khi trồng. Vùng đất cao nên trồng trong hố có kích thước 60x60x60 cm. Trộn đều đất mặt với phân hữu cơ hoai mục, phân lân cho vô hố như đấp mô. (hình 25a)

6. Chuẩn bị cây con:

Đối với cây con được ươm trực tiếp trên đất nên dùng len xén đứt rễ xung quanh rồi nhấc cây lên khỏi liếp ươm. Không nên dùng tay nắm lá kéo đứt rễ dừa sẽ làm gãy gốc thân. Cắt ngắn rễ còn từ 3-5cm, nhúng cây con vô dung dịch thuốc trừ nấm để tránh cho rễ không bị nhiễm bệnh và mau phục hồi. Nên trồng cây con càng sớm càng tốt, tốt nhất là ngay trong ngày sau khi được bứng ra khỏi vườn ươm. Cây con được ươm trong túi nhựa dẻo sẽ thuận tiện và đơn giản hơn khi được chuyển đi trồng. (hình 26)

7. Cách trồng cây con:

Đào một lỗ có kích thước bằng trái dừa trên mô hay trong hố sau đó đặt cây dừa con vô hố, lấp đất khoảng 2/3 trái. Nên đạp đất, nén xung quanh cây con giúp cho cây được giữ chặt vô đất. Dùng nẹp tre cột vô gốc thân để cây không bị lung lay và dùng lá dừa che mát cho cây con vào mùa khô.

- Trường hợp ươm dừa trên luống: Bón lót vào hố đã đào trước đây, đặt cây con xuống và bón phân vô cơ trộn với đất mặt ở chung quanh gốc, cuối cùng lấp đất lại cho ngang mặt đất, phủ gốc độ 3cm, giẫm nhẹ xung quanh gốc, tưới nước

- Đối với cây con ươm trong túi nhựa dẻo: Dùng dao rạch một đường cách đáy túi 1cm, không rạch sâu để tránh tổn thương cho rễ, nâng cây con đặt nhẹ vô hố, cẩn thận không làm bể đất lộ bộ rễ ra. Tiếp theo rạch một đường dọc, cho đất lấp bầu đất từ từ, sau đó kéo túi PE ra khỏi hố. Cần cẩn thận tránh làm vở bầu đất khi trồng để không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây con
II. Chăm sóc vườn dừa:

1. Trồng dậm:

Trồng dậm ngay khi cây chết hoặc ở mùa mưa tiếp theo để các cây dừa trong vườn cho trái đồng đều. Thông thường dự trữ thay cây chết khoảng 5%.

2. Che mát và đậy gốc:

Nhằm hạn chế sự bốc thoát nước, giúp cây phục hồi nhanh sau khi trồng cần che mát cho đến khi cây bén rễ, phát triển tốt. Ngoài ra, để giảm bớt lượng nước bốc hơi trong mùa khô, cần đậy gốc cho cây con bằng cách dùng vỏ dừa, bụi xơ dừa hay lục bình phủ quanh gốc dừa.

3. Làm cỏ:

Dọn sạch cỏ dại xung quanh mô hay hố không để cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng, nước và ánh sáng với cây dừa sẽ làm cho cây dừa chậm lớn. Trong giai đọan cây dừa chưa mang trái nên trồng xen canh các loại cây ngắn ngày hay cỏ làm thức ăn cho gia súc, cây họ đậu để che phủ đất, hạn chế sự rửa trôi chất dinh dưỡng bề mặt, đồng thời tăng thêm chất hữu cơ bồi dưỡng cho đất, giảm chi phí chăm sóc và tăng thu nhập cho nhà vườn.

4. Bón phân:

Qua kết quả phân tích sự huy động các chất dinh dưỡng của cây dừa (Bảng 3) cho thấy ba chất dinh dưỡng quan trọng nhất đối với cây dừa được xếp theo thứ tự là Kali (K), Clorua (Cl) và đạm (N). Tiếp theo là Canxi (Ca), Natri (Na), lân (P), Ma-nhê (Mg) và cuối cùng là lưu huỳnh (S).

Bảng 3: Sự huy động một số chất dinh dưỡng (kg/ha) của cây dừa
Năng suất N P2O5 K2O Mg Ca S Na Cl
100 trái/cây (Ouvier và Ochs, 1978) 49 16 115 8 5 4 11 64
6,7 tấn copra/ha (Ouvier và Ochs, 1978)
- Trái 108 39 232 15 9 9 20 125
- Cả cây 174 40 299 39 75 30 54 240
1 tấn copra (Ashgar, 1988) 16,2 5 33 2 1,4 1,3 2,5 19,7

- Kali cần thiết cho sự tạo thành cơm dừa và dầu dừa. Bón kali sớm ở giai đọan vườm ươm cây con sẽ mọc mạnh, ra trái sớm, sai trái, làm tăng năng suất từ 15-20%. Thiếu kali ở giai đọan đầu sẽ ảnh hưởng sâu xa đến năng suất dừa về sau mặc dù thời gian sau được bón kali đầy đủ. Kali có ảnh hưởng đến việc tăng số buồng, số hoa cái, tỉ lệ đậu trái, trọng lượng trái, giúp cây chống bệnh đốm lá. Do đó, cây dừa thiếu kali thường cho ít trái, trái nhỏ và năng suất thấp. Triệu chứng thiếu kali trên cây dừa cũng điển hình như các cây trồng khác là lá bị vàng và nâu ở chóp lá và bìa lá, có hình chữ V, sau lan dần và cả lá bị khô nếu tình trạng thiếu kali kéo dài. Triệu chứng biểu hiện trên tàu lá cũng như trên từng lá chét. Triệu chứng thiếu kali dễ nhận biết trên cây dừa là lá bên dưới tán chết sớm, khô nhưng không rụng nên thường có 5-6 tàu lá dừa khô còn dính trên cây.

- Đạm, ngoài vai trò giúp cho sự tăng trưởng của cây, còn giúp cho cây dừa phát triển mạnh và ra hoa sớm, đạm còn có vai trò quan trọng là giúp cho cây dừa sản xuất nhiều hoa cái. Nhiều nghiên cứu ở Ấn Độ cho biết khi số hoa cái/phát hoa ít hơn 20 hoa thì nên nghĩ ngay đến việc bổ sung đạm. Đạm còn có tác dụng hổ tương với kali. Đạm giúp cho cây dừa sử dụng kali hữu hiệu hơn. Cây dừa thiếu đạm thường tăng trưởng chậm, cả tàu lá bị vàng. Lá non vẫn có màu xanh nhạt nhưng không láng như cây đầy đủ đạm. Triệu chứng thường biểu hiện rõ ở lá già do đạm lá một chất di động trong cây. Tuy nhiên, nếu cây dừa thiếu kali mà bón nhiều phân đạm thì lá vẫn vàng và năng suất vẫn thấp.

- Clorua được xem như một chất đa lượng đối với cây dừa hơn là một chất vi lượng so với các loại cây trồng khác. Trên cây con, clorua có ảnh hưởng đến sự gia tăng chu vi gốc thân và giúp cho cây chống lại bệnh đốm lá do nấm Pestalotiopsis sp. gây ra. Clorua giúp gia tăng sự hấp thụ các chất kali, lân, canxi và ma-nhê nên giúp cho cây ra trái sớm. Đối với năng suất, clorua có vai trò quan trọng trong việc thành lập cơm dừa. Khi thiếu clorua dừa cho trái nhỏ nhưng số trái/buồng không giảm. Triệu chứng thiếu chlor thường dễ nhầm lẫn với triệu chứng thiếu kali. Cần chú ý là giữa chlor và lưu huỳnh có sự đối kháng rõ rệt. Chlor làm tăng chu vi gốc thân trong khi lưu huỳnh làm tăng chiều cao cây. Bón nhiều lưu hùynh sẽ làm giảm hàm lượng chlor trong lá rõ rệt. Chế độ phân bón tùy thuộc vào tuổi cây và loại đất. Công thức bón phân cho dừa mới trồng ở nhiều loại đất khác nhau được trình bày trong Bảng 4. Lượng phân bón cho dừa các độ tuổi khác nhau ở vùng đất phù sa và đất sét được khuyến cáo trong Bảng 4 và 5

Bảng 4: Lượng phân (g/cây/năm) bón cho cây dừa giai đọan kiến thiết cơ bản và trưởng thành ở vùng đất sét và đất phù sa

Tuổi cây(Năm) Loại phân
Urê Super phosphate KCl
1 150 400 300
2 200 400
3 300 800 500
4 400 600
5 500 1000 800
>5 800-1.000 800-1.000

Bảng 5: Lượng phân (g/cây/năm) bón cho cây dừa giai đọan kiến thiết cơ bản và trưởng thành ở vùng đất phèn
Tuổi cây (Năm) Loại phân
Urê Super phosphate KCl
1 150 2.000 200
2 200 400
3 400 2.000 500
4 600 500
5 800 2.000 600
>5 1.000-2.000 800-1.000
Ngoài phân hóa học, việc bón phân hữu cơ cho dừa cũng cần được quan tâm nhằm cung cấp thêm phân vi lượng, cải tạo đất, giúp cho cây sinh trưởng tốt, tăng sức đề kháng và đạt năng suất cao. Từ năm thứ hai trở đi nên bón 20kg phân hữu cơ/cây, sau đó tăng dần mỗi năm 5kg/cây và từ năm thứ bảy trở đi bón 50kg phân hữu cơ/cây/năm. Phân hữu cơ có thể là các loại phân chuồng hoai mục, xác bã thực vật, rơm rạ, cỏ mục. Phù sa sông hay bùn ao cũng là nguồn cung cấp chất hữu cơ và góp phần cung cấp chất dinh dưỡng cho vườn dừa ở ĐBSCL. Có thể bồi bùn mỗi năm hay 2 năm một lần. Nên bồi vào mùa nắng, khi bồi chỉ nên trải một lớp bùn dầy khoảng 3-5cm. Bồi quá dầy có thể đưa phèn lên mặt liếp, có thể ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây.

III. Trồng xen trong vườn dừa:

Vì rễ dừa ăn cạn và tán lá thưa nên cần trồng xen trong vườn dừa nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và ánh sáng dưới tán dừa và tăng thu nhập cho nhà vườn. Yacoob (1995) cho biết rễ dừa tập trung ở độ sâu 1m và ăn rộng 2m (Hình 29), do đó ngoài phạm vi nầy có thể trồng xen để tận dụng đất, tăng thu nhập. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy trồng dừa với khoảng cách 8 x 8 m thì dưới tán dừa còn lại từ 70-75% ánh sáng.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của các mô hình trồng xen trong vườn dừa là sự cạnh tranh về ánh sáng, dinh dưỡng và nhu cầu nước giữa cây dừa và cây trồng xen không dẫn đến sự giảm năng suất và hiệu quả kinh tế của cả cây dừa và cây trồng xen. Để tránh sự cạnh tranh về dinh dưỡng và nhu cầu nước giữa cây dừa và cây trồng xen nên trồng cách gốc dừa tối thiểu 2m và cây trồng xen phải là những cây ưa bóng râm hay có thể chịu đựng điều kiện có bóng râm.

Điều cần chú ý ở các mô hình trồng xen là cây dừa và cây trồng xen có cùng ký chủ gây hại như nấm Phytopthora sp. gây bệnh thối đọt trên cây dừa nhưng đồng thời cũng gây bệnh thối trái, khô cành trên cây ca cao hay rụng lóng trên cây tiêu. Do đó cần có biện pháp phòng trừ thích hợp nhằm tránh thiệt hại cho cả cây dừa và cây trồng xen.

Dựa vào loại cây trồng xen hay loại hình xen canh mà ta có các kiểu xen canh trong vườn dừa là trồng xen, đa canh và đa tầng canh tác (Nguyễn Bảo Vệ và csv., 2004).

1. Xen canh:

Xen canh là hình thức trồng xen các loại hoa màu, rau hay cây ngắn ngày trong vườn dừa. Trong giai đọan kiến thiết cơ bản có thể trồng xen lúa rẫy, rau, đậu. Xen canh là phương châm “lấy ngắn nuôi dài” khi thành lập các vườn cây lâu năm. Việc xen canh trong các vườn mới trồng còn giảm chi phí tưới nước và làm cỏ cho cây dừa. Khi cây trưởng thành nên trồng các loại cây có củ như khoai lang, khoai mở, gừng.

2. Đa canh:

Đa canh là hình thức trồng xen cây dài ngày trong vườn dừa. Các mô hình đa canh trong vườn dừa bao gồm các loại cây ăn trái như đu đủ, chuối, cây có múi, măng cụt, bòn bon, dâu hay các loại cây công nghiệp như ca cao, tiêu. Mô hình đa canh nếu trồng không đúng như mật độ dừa quá cao, cây trồng xen không chịu được bóng râm sẽ dẫn đến sự cạnh tranh dinh dưỡng, nước và ánh sáng làm cho cả năng suất dừa và cây trồng xen trong mô hình đều giảm, trở thành một kiểu “vườn tạp” không có hiệu quả kinh tế. Sau đây là một số mô hình trồng xen thích hợp và có hiệu quả trong vườn dừa:

- Mô hình dừa-cây có múi (chanh, cam, quýt, bưởi…): Do cây có múi không thích ánh sáng trực xạ nên rất thích hợp trong mô hình đa canh với dừa. Mô hình thường áp dụng cho các vùng đất phù sa, đất thịt pha cát, nói chung là đất có tầng canh tác dầy, hàm lượng dinh dưỡng trong đất từ trung bình đến cao, chủ động được nguồn nước. (Hình 33)

- Mô hình Dừa-khóm (thơm): thường áp dụng cho vùng đất nhiễm phèn. Trồng với mật độ khoảng 4.000 cây khóm/ha. Trong điều kiện có nước tưới trái khóm có thể đạt trọng lượng 1,5 kg.

- Dừa-lúa: áp dụng cho vườn dừa trồng theo kiểu lên mô, lên ụ (Hình 34)

- Dừa-ca cao:  Đây là mô hình tương đối lý tưởng và đem lại hiệu quả kinh tế cao hiện nay. Dừa và ca cao có tác dụng hổ tương rất tốt. Dừa che nắng và chắn gió cho ca cao trong khi lá ca cao có tác dụng giữ ẩm và cung cấp chất hữu cơ cho dừa. Do đó, mô hình xen canh dừa-ca cao có hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình độc canh. Với khoảng cách 2,5-3m, có thể trồng xen từ 400-600 cây ca cao/ha, năng suất 50-60 trái/cây/năm (Hình 35)

- Dừa-chuối: Cây chuối rất thích hợp trong mô hình đa canh. Các giống chuối già lùn, già Hương đều thích hợp dưới bóng râm cây dừa. Có thể trồng chuối với mật độ 1.000 cây/ha cùng với 125 cây dừa

3. Đa tầng canh tác:

Đa tầng canh tác là mô hình tận dụng nguồn năng lượng mặt trời và nguồn dinh dưỡng trong đất. Đây là một mô hình đa canh với các cây trồng có chiều cao khác nhau cũng như bộ rễ ăn sâu cạn khác nhau. Như mô hình đa tầng canh tác với dừa, tiêu, ca cao, khóm hay rau lang dùng làm thức ăn cho gia súc. Trong mô hình nầy dừa là cây cao nhất đồng thời cũng là cây nọc cho cây tiêu và che mát cho cây ca cao bên dưới. Rau lang hay khóm ở tầng cuối cùng. Sự phân bố theo chiều cao cũng tương tự như bộ rễ trong đất, trong đó rễ dừa ăn sâu nhất và cạn nhất là rau lang. Do sự phân bố nầy nên sự cạnh tranh giữa các cây trồng trong mô hình rất ít so với với sự hỗ trợ lẫn nhau để đạt được hiệu quả kinh tế cao.

4. Canh tác hỗn hợp trong vườn dừa:

Canh tác hỗn hợp trong vườn dừa bao gồm các loại cây trồng trong vườn dừa kết hợp với chăn nuôi hay thủy sản. Một số mô hình canh tác hỗn hợp trong vườn dừa có hiệu quả ở ĐBSCL được khuyến cáo như: Dừa-Tôm, cá; Dừa- Gà/ vịt; Dừa- cỏ- dê/ bò - Biogas; Dừa - ca cao- tôm, cá- ong mật

Kỹ thuật trồng dừa xiêm hiệu quả

Kỹ thuật trồng dừa xiêm hiệu quả

Bón đủ và cân đối lượng phân, bón đúng lúc, đúng kỹ thuật sẽ giúp cho vườn dừa nâng cao năng suất, chất lượng trái và hạn chế được sâu bệnh hại.

Tuyển chọn giống tốt:



- Chọn những trái phát triển cân đối, không bị dị hình từ phía giữa buồng đến cuối buồng, bỏ những trái ở đầu buồng để tránh hiện tượng cây ra buồng có cổ bông dài, dễ bị gãy quày. Trong vườn ươm, nên chọn những cây có nhiều lá, bản lá rộng nhưng cuống ngắn thường là những cây sẽ cho sản lượng cao.

Chăm sóc:

- Khi xen canh, các cây trồng khác phải trồng cách gốc dừa ít nhất 2 m.

- Không nên vô cớ đốn tỉa các tàu lá non, nhất là thời kỳ cây chưa cho trái sẽ làm giảm sức sinh trưởng của cây, cây chậm ra hoa. Với các cây đang cho trái, nếu các tàu lá bị đốn tỉa trước khi hoa tự nở sẽ làm cho hoa ở nách lá đó bị hư hại, hoặc nếu buồng có phát triển được thì sau này cũng dễ bị gãy cổ quày.

- Tưới nước đầy đủ trong giai đoạn cây con; trong vườn phải có hệ thống mương rãnh thoát nước tốt để tránh úng ngập khi mưa lũ.

- Thường xuyên xới xáo vườn dừa vào đầu mùa mưa để cắt bỏ phần rễ chết, tạo thông thoáng cho đất giúp rễ mới phát triển.

- Làm sạch cỏ tranh (kể cả thân ngầm) vì chính những thân ngầm này sẽ phát triển khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển trở lại đồng thời rễ của nó có chứa nhiều độc tố có thể đâm xuyên rễ dừa gây chết cây hàng loạt.

- Hàng năm nên vét mương, bồi bùn đắp gốc vừa để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây, vừa bảo vệ vùng rễ, tạo điều kiện cho việc thoát nước tốt hơn, tránh để úng ngập gốc. Tuy nhiên, không nên bồi bùn quá dày, làm cho vùng rễ thiếu ô xy dễ gây nên hiện tượng rụng quả non.

- Bón đủ và cân đối lượng phân, bón đúng lúc, đúng kỹ thuật sẽ giúp cho vườn dừa nâng cao năng suất, chất lượng trái và hạn chế được sâu bệnh hại.

Phòng trừ sâu bệnh hại:

Ngoài các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại đối với cây dừa nói chung, bà con cần đặc biệt chú ý phòng trừ kịp thời 2 đối tượng gây hại quan trọng rất mẫn cảm với giống dừa xiêm là sâu đuông và bọ cánh cứng.

- Đuông dừa là côn trùng gây hại nguy hiểm nhất, sức gây hại rất lớn vì rất khó phát hiện. Con trưởng thành thường đẻ trứng vào những lỗ đục của kiến vương trên thân những cây dừa bị thương tích hoặc ở những vết nứt trên thân cây. Sâu non nở ra và bắt đầu gây hại bằng cách khoét những lỗ nhỏ trên thân hoặc ngọn cây để ăn đọt non, lá non làm cho lá héo khô dần dẫn đến chết cây.

Biện pháp phòng ngừa sự phá hại của kiến vương cũng là phòng ngừa sâu đuông, vì sâu đuông là đối tượng xâm nhập thứ cấp. Thường xuyên kiểm tra và chăm sóc tốt vườn dừa, kịp thời phát hiện sâu đuông. Khi phát hiện, dùng một trong các loại thuốc hóa học như Basudin 50ND, Pyrimex 20EC, Actara 25WG… để phun trừ. Với những cây thấp có thể dùng bông gòn tẩm các loại thuốc trên nhét vào các lỗ xâm nhập của sâu đuông, bên ngoài dùng đất sét trám bít lại.

- Bọ dừa cũng là một trong những đối tượng gây hại nguy hiểm trên cây dừa. Loại bọ cánh cứng này phá hại cả ở giai đoạn sâu non và trưởng thành. Bọ dừa tấn công trên bề mặt của những lá dừa non chưa mở. Chúng ăn hết lớp biểu bì, làm lá bị khô, héo, mất khả năng quang hợp. Thả ong ký sinh để diệt bọ cánh cứng hại dừa là biện pháp sinh học đưa lại hiệu quả cao nhất, ít tốn kém mà lại không gây ô nhiễm môi trường hiện đang được ứng dụng phổ biến và rộng rãi trên nhiều vùng trồng dừa chuyên canh của nước ta.
- Nên chọn những cây sinh trưởng, phát triển tốt, không có triệu chứng các bệnh hại nguy hiểm trong vườn trồng thuần giống dừa xiêm để lấy quả nhân giống.

Thụ phấn cho dừa sáp

Thụ phấn cho dừa sáp

Thực hiện từ sáng đến 12 giờ trưa thì nghỉ, vì theo nhịp sinh học qua trưa bông cái thụ phấn rất ít, không đạt kết quả mong muốn.


Dừa sáp chỉ có ở Cầu Kè, Trà Vinh. Điểm khác biệt của dừa sáp đặc ruột và ruột mềm như sáp đèn cầy. Một cây dừa sáp chỉ cho ra được vài trái có ruột sáp. Mới đây, tỉnh Trà Vinh đã nghiên cứu thành công việc thụ phấn cho dừa sáp.

Thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh có loại dừa sáp thơm, ngọt. Dừa sáp khác các loại dừa khác ở chỗ đặc ruột và ruột mềm như sáp đèn cầy. Loại dừa đặc sản sản này giá một trái từ 60.000-120.000 đồng (tùy lớn, nhỏ). Đắt là phải vì một cây dừa sáp chỉ cho ra được vài trái có ruột sáp. Mới đây, Viện Cây có dầu và Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Trà Vinh đã thành công trong việc thụ phấn để tăng số lượng trái dừa sáp ở mỗi cây.

Ruột của trái dừa sáp.


Cho tới tận đầu năm 2000, dừa sáp chỉ là thứ “ăn chơi” của người dân địa phương. Có lúc, người ta đã chặt bỏ loại cây “choán đất” này. Nhưng, nào ai biết, trong một sớm một chiều, dừa sáp bỗng trở thành một mặt hàng “nóng”, được nhiều người khắp nơi ưa thích. Và giá cứ leo thang vùn vụt, trở thành loại dừa đắt nhất ở Việt Nam.

Năm 2004 giá chỉ 25.000 đồng/trái, năm 2007 đã tăng lên tới 60.000 đồng/trái nhỏ. Mới đây, nhân Năm Du lịch quốc gia Mekong Cần Thơ 2008 với chủ đề: Miệt vườn sông nước Cửu Long, tại Hội chợ Du lịch – Thương mại và tại Liên hoan văn hóa ẩm thực món ngon Nam bộ, dừa sáp được bán 100.000 đ/trái nhỏ và 120.000 đ/trái lớn. Được vậy, nhờ dừa sáp là loại trái giải khát độc đáo của Cầu Kè, không đâu có được, kể cả xứ nổi tiếng về dừa là Bến Tre.

Dừa sáp còn gọi là dừa đặc ruột, dừa kem, thuộc giống dừa cao, thụ phấn chéo. Ít nhất, có năm loại dừa sáp: dừa tròn, dừa dài, dừa có cạnh, dừa vỏ xanh, dừa vỏ vàng. Dừa sáp trồng khoảng 4 năm có lưỡi mèo, càng về lâu về dài càng sai trái. Dừa sáp cũng giống như các loại dừa khác ở nước ta như dừa xiêm, dừa ta, dừa dâu, dừa bung, dừa bị… Nhưng dừa sáp có lớp cơm màu trắng rất dày (có khi choán hết cả phần ruột) giống như sáp đèn cầy, chính giữa là chất lỏng sệt như nước cơm chắt. Không như cơm dừa bình thường, nếu còn non thì mềm và ngọt, nếu già thì cứng. Cơm dừa sáp mềm và dẻo như bột quánh lại, béo và có mùi thơm đặc trưng. Nước dừa sáp cũng vậy. Để phân biệt dừa sáp và dừa thường, người trong nghề dùng sống dao thử. Gõ sống dao vào gáo dừa đã lột vỏ. Dừa thường dày cơm gõ nghe tưng tưng, tiếng trong. Còn dừa sáp gõ nghe lộp bộp, tiếng trầm.

Thông thường, một quày dừa sáp 12 trái, chỉ có khoảng 4-5 trái có sáp, thậm chí không có trái nào, tuỳ theo nhiều yếu tố.

Khác với dừa thường, dừa sáp có độ dầu cao hơn, mùi hương đặc trưng hơn. Đó là đặc điểm quý cần nghiên cứu ứng dụng trong việc sản xuất bánh kẹo và các sản phẩm khác đem lại nguồn lợi kinh tế cao. Có tài liệu cho biết, dừa sáp, sau khi hái xuống, có thể sản xuất cơm dừa, thạch dừa (nata de coco), mứt dừa, kem dừa, nhựa thu được từ các cụm bông dừa được lên men để sản xuất rượu vang dừa (ở Philippines gọi là tuba), cơm dừa sấy khô, mụn xơ dừa, than hoạt tính…

Trên thị trường quốc tế, các mặt hàng sản phẩm từ dừa đều có giá trị kinh tế cao. Giá FOB (giá giao hàng tại cảng) của mụn xơ dừa khỏang 6.500 USD/tấn, than hoạt tính (làm từ gáo dừa): 1.000-1.200 USD/tấn, cơm dừa sấy khô: 600-700 USD/tấn và dao động tùy theo từng thời điểm. Chính do dừa có giá trị kinh tế, Viện Cây có dầu và Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Trà Vinh đã kết hợp đầu tư nghiên cứu thụ phấn cho dừa sáp.

Ba năm qua, các kỹ sư của Trung tâm Sản xuất thực nghiệm Đồng Gò (thuộc Viện Cây có dầu, Bộ Nông nghiệp, toạ lạc tại xã Lương Hoà, tỉnh Bến Tre) đã điều tra, đánh dấu phân nhóm và tuổi cây dừa rồi sau đó mới “thụ phấn trợ lực cho dừa, tăng tỷ lệ sáp trên từng cây dừa sáp” (gọi tắt là “thụ phấn”).

Thụ phấn cho dừa sáp

Kỹ sư Ngô Thanh Trung, Trung tâm Sản xuất thực nghiệm Đồng Gò cho biết ,công việc thụ phấn dừa sáp được giao cho 2 kỹ sư thực hiện. Việc thụ phấn được thực hiện trên tất cả các cây dừa sáp đang cho trái trên địa bàn huyện Cầu Kè, trung bình mỗi ngày họ phun khoảng 40–50 cây. Công việc khá cực nhọc vì phải đưa phấn đực vào đúng bông cái. Vừa phun phấn đực cho bông cái xong, nếu mưa đổ xuống, coi như công cốc, phải làm lại. Thực hiện từ sáng đến 12 giờ trưa thì họ nghỉ, vì sau đó, theo nhịp sinh học, bông cái thụ phấn rất ít, không đạt kết quả mong muốn.

Anh Trung tâm sự, khi bắt tay làm công việc này, các anh gặp nhiều khó khăn, vì người địa phương (đa số là đồng bào dân tộc Khmer) sợ họ làm mất sáp trên buồng dừa. Các anh phải phân tích rằng dừa sáp phải trồng mật độ dày mới có sáp vì thụ phấn chéo. Cây dừa sáp có phấn đực nằm trên gió, gió mới đưa phấn đực đến bông cái của cây dừa sáp dưới gió để thụ phấn, nhưng xác suất không đảm bảo. Nếu gió ngược, coi như dừa chẳng thể cho trái sáp.

Cũng giống như thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò, heo và cá, thụ phấn cho dừa sáp chắc chắn sẽ đạt kết quả tốt. Công việc này mới thực nghiệm, phải đợi đến 10–11 tháng sau mới biết kết quả (tính từ ngày 26-6-2007). Nhưng chắc chắn hiệu quả từ việc thụ phấn cho dừa sáp này sẽ đem đến kết quả cao. Thấy các anh làm việc chăm chỉ, cẩn thận, có “máy móc” phụ trợ, bà con mới dần tin.

Anh Thạch Phumi, phó ấp Chông Nô 2, cho biết hiện tại xã Hoà Tân có khoảng 6.000 cây dừa sáp, trong đó có gần 700 cây cho trái. Người dân trồng dừa sáp, cứ tính bình quân từ 2 tới 3 cây thu hoạch trên 1 triệu đồng/đợt. Mà dừa sáp có trái quanh năm. Đời sống của người trồng dừa dần ổn định. Trong tương lai, huyện Cầu Kè sẽ trồng đại trà dừa sáp trên mảnh đất Hòa Ân, tạo thành vùng chuyên canh cây công nghiệp có dầu, điểm tham quan du lịch sinh thái hấp dẫn.

Cách thụ phấn cho dừa sáp

Trước khi thụ phấn, phải lấy phấn đực trên cây sáp mo bung 2-3 ngày. Đây là lúc phấn đực già, đủ mạnh, bông cái sẽ thụ phấn mạnh hơn. Phấn đực (tuyệt đối không có phấn lạ) lấy về được nghiền vỡ, cho vào thùng kín, phơi ngoài trời trong bóng râm để có nhiệt độ đúng yêu cầu từ 37-40 độ C (có đặt nhiệt kế theo dõi). Phơi khoảng 2 ngày sẽ có mủ màu nâu, nghiền tiếp đến khi phấn bung màu vàng hột gà thì rây lấy bột mịn. Lấy một phần bột này đem thử tỷ lệ nảy mầm, nếu thấp thì bỏ tất cả; còn mạnh thì trộn với bột phấn theo tỷ lệ nhất định, cho vào dụng cụ phun tự chế gắn dài theo thân cây tầm vông khô. Dụng cụ phun gồm một cây tầm vông khô dài khoảng 5-6 thước. Một ống nhựa trong dài cũng chừng ấy thước. Một ống cao su giống trái bầu. Một bộ phận đựng phấn đực và cho phấn đực lan toả khắp xung quanh bông cái mới nở khi bóp quả bầu. Phun suốt từ 6 tới 8 ngày thì kết thúc, tùy số bông cái trên buồng. Khi bông cái thụ phấn xong, cuống chuyển sang màu nâu.

Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Cam Cara

Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Cam Cara

Cam Cara Cara là loại trái cây có giá trị dinh dưỡng cao, cũng như những tác dụng rất tốt đối với sức khỏe của toàn bộ cơ thể. Chiều cao cây trưởng thành khoảng 4 -6m rộng tán 4 x 4m; tuổi thọ của cây từ 40 - 50 năm.



Thông tin về cây cam Cara Cara:

1. Tên giống: Cam Cara Cara.

2. Tên khoa học: Cara Cara Navel - Citrus sinensis

3. Đặc tính cơ bản: Cam Cara Cara rất thích hợp với khí hậu Địa Trung Hải và cận nhiệt đới, chúng có màu sắc vỏ cũng như thịt quả rất đẹp, có đặc điểm nổi trội đó là màu sắc ruột quả đỏ. Cam Cara Cara được đặc trưng bởi một quả phụ nhỏ nằm ở phần cuối bầu nhụy của quả chính. Quả tương đối lớn, không hạt. Ruột quả màu đỏ là do trong thành phần có chứa Lycopene và Carotenoid, là những hoạt chất chính có trong carrot và cà chua. Nên có thể nói, Cam Cara Cara là loại trái cây có giá trị dinh dưỡng cao, cũng như những tác dụng rất tốt đối với sức khỏe của toàn bộ cơ thể. Chiều cao cây trưởng thành khoảng 4 -6m rộng tán 4 x 4m; tuổi thọ của cây từ 40 - 50 năm.

4. mùa thu hoạch: quanh năm

5. Năng xuất từ khi trồng đến năm thứ 3, sản lượng đạt được khoảng 25 - 30 tấn/ha/ năm.

6. Đặc điểm thực vật học chủ yếu:

+ Cây trồng lâu năm
+ Cây trồng hàng năm

Đặc điểm cơ bản và quan trọng nhất đối với cây ăn quả lâu năm là phải có gốc ghép thích hợp với từng điều kiện khí hậu  và thổ những khác nhau, cũng như tính chống chịu bệnh hại cao, khả năng chịu được những thay đổi khắc nghiệt của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa như Việt Nam. Bên cạnh đó, tuổi thọ của cây ăn quả cũng là 1 yếu tố tất quan trọng để người nông dân chú ý đến 1 giống cây ăn quả mới như cây Cam Cara Cara.

Ngoài ra, cũng nên trồng thêm cỏ Ventiver, là 1 loại thực vật có tác dụng hỗ trợ rất tốt đối với việc cải tạo đất bạc màu và à là nguồn cũng cấp phân xanh cũng như Oxygen rất tôt cho cây trồng. Nên sử dụng thêm các loại phân xanh tự nhiên như cỏ rác không nên cuốc bỏ hẳn mà nên cắt rồi ủ quanh gốc khoảng 1 gang tay để giữ ẩm và làm mát cho gốc.

7. Địa điểm trồng: Thôn K'Long, Xã Hiệp An, Đức Trọng, Lâm Đồng.

Kỹ thuật gieo trồng:

Đất thích hợp là đất đỏ bazan hay đất có lẫn cát (cát pha).

Nhiệt độ: 0°C đến + 35°C.

Thời vụ trồng : khoảng tháng 4 đến tháng 6.(đầu mùa mưa), nếu có nguồn nước thuận tiện thì không phụ thuộc vào thời gian trồng.

Độ PH: 6 - 6.5.

Cây trồng có mật độ 5 x 5m( 400 cây - 450 cây/1ha).

Hố trồng có kích thước 80 x 80 x 80cm.

Phân bón: bón lót - 10kg phân chuồng, 0.5kg NPK - trộn đều với đất đào lên và đổ trở vào hố, nếu đất có độ pH >6 thì thêm 0.5kg vôi bột trộn lẫ với đất và phân lót.

Sâu bệnh hại chính: sâu vẽ bùa, rệp sáp, rầy đỏ, ngoài ra còn 1 số loại nấm gây hại mà công ty chúng tôi sử dụng Ridomil để phòng trừ.

Chăm sóc: phun thuốc trừ sâu chống sâu vẽ bùa, Rệp sáp và rầy hàng tháng.

Tiếp theo cứ 6 Tháng cho thê một lần 0.2kg NPK vào đầu và cuối mùa mưa.

Kỹ thuật chọn giống và trồng xoài

Kỹ thuật chọn giống và trồng xoài

Xoài là một loại cây ăn trái được trồng phổ biến, cây dễ trồng nhưng muốn đạt hiệu quả cao, chúng ta nên tuân thủ một số phương pháp kỹ thuật trong chọn giống, trồng và chăm sóc.


Hiện nay, trên thị trường có khoảng 50 giống xoài các loại, có một số giống nhập từ nước ngoài về cho năng suất cao và chất lượng ngon. Tuy nhiên những giống xoài được người tiêu dùng ưa thích là: cát Hòa Lộc, Cát Chu, Thái Lan, ĐT-X15…

1/ Chọn giống

- Xoài cát Hòa Lộc xuất xứ từ tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, có đặc tính trái to, trọng lượng 0,6-0,7kg/trái. Đây là giống xoài ngon có tiếng, cơm dày, thịt vàng, không có xơ, hạt nhỏ hương vị thơm ngon.

- Xoài Cát Chu có 2 loại, Chu Đen và Chu Trắng. Đây là giống xoài được xếp thứ 2 sau xoài cát Hòa Lộc. Đặc điểm của giống xoài này là trọng lượng trái khoảng 0,4-0,5kg/trái, cơm dày, hạt nhỏ, không xơ và ngọt.

- Xoài Thái Lan được nhập về  từ vài năm nay, trái giống xoài Thanh Ca nhưng tròn hơn và vỏ dày xanh đậm hơn. Trọng lượng trung bình của trái 0,3- 0,35 kg/trái. Trái ăn có vị ngọt.

- Xoài ĐT-15, đây là giống xoài xanh của Thái Lan có chất lượng ngon đang được thị trường ưa chuộng. Tỷ lệ đậu trái cao, cây 5 tuổi cho năng suất từ 60-70kg/cây. Trọng lượng trung bình của trái 0,35-0,4kg/trái. Trái tròn dài, hơi cong ở phía đuôi, vỏ xanh đậm có thể ăn xanh, chín đều rất ngon.

- Khi trồng nên chọn giống ghép, cây phải khỏe mạnh, sạch bệnh, đúng giống. Vị trí ghép cách gốc từ 15-20cm, chiều cao cây 50-70cm tính từ mặt bầu lên.

2/ Thiết kế vườn trồng

- Vườn trồng phải thoát nước tốt trong mùa mưa.

- Vườn làm chống xói mòn để đảm bảo độ phì cho đất.

- Vườn phải thông thoáng, hạn chế sâu bệnh gây hại cho cây.

- Tùy theo địa hình nên bố trí mương thoát nước cho phù hợp. Mương thoát nước phụ rộng 0,3-0,4m, sâu 0,3-0,4m. Mương chính rộng 0,5-0,8m và sâu 0,5-0,7m.

3/ Thời vụ và cách trồng

- Trồng xoài vào đầu mùa mưa, từ tháng 5-7 để có đủ nước tưới trong giai đoạn đầu.

- Đào hố kích thước khoảng 60x60x60 cm, mỗi hố trộn 30-50 kg phân hữu cơ đã hoai mục và 0,5kg vôi bột, 0,5kg lân và 1 muỗng cà phê phèn xanh vào lớp đất mặt. Cho tất cả các hỗn hợp này xuống hố để từ 20-30 ngày mới trồng. Khi trồng trộn thêm khoảng 2kg phân hữu cơ vi sinh/gốc.

- Khoảng cách trồng tùy vào độ màu mỡ của đất, nhưng mật độ thường là 6x6m hay 8-9m/cây. Có thể trồng theo hình vuông. Nếu trồng xoài ĐT-15 mật độ 3x3m/cây song phải tạo tán thường xuyên. Tuy nhiên, ở những vùng cao nên trồng thưa để cây có tán lớn, tuổi thọ cao.

4/ Bón phân


- Giai đoạn cây tơ bón 100-150 gram phân NPK 20-20-15+TE/gốc/lần. cây con năm đầu tiên nên pha phân vào nước tưới 2 tháng/lần.

- Giai đoạn cây lớn, khi cây cho trái gia tăng lượng phân bón sau khi thu hoạch để cây đủ sức nuôi trái năm sau.

- Trên đất màu mỡ không nên bón nhiều phân ure cho cây.

- Ở một số loại xoài bón nhiều phân ure, Kali trái bị nứt, có vị chát. Gặp trường hợp này bón thêm vôi, CaSO4.

- Cắt tỉa cành bị sâu bệnh và cành vượt tránh lây lan dịch bệnh.

5/ Tỉa cành, tạo tán

- Xoài là cây ra hoa đậu trái ở đầu cành, tạo tán tròn đều nhận ánh sáng từ mọi phía sẽ thuận lợi cho việc ra hoa đậu trái. Khi cây có chiều cao 1m cắt tỉa cành chỉ để lại chiều cao khoảng 0,8m, cây phát triển 5-7 cành mới cắt chỉ để 3 cành khung tỏa đều 3 hướng làm cành cấp I. Khi cành cấp I dài 0,5-0,8m tỉa tiếp và chỉ để lại 3 cành làm cấp II và từ cành cấp 2 chỉ tỉa để lại 3 cành cấp III. Sau đó ngưng tỉa để cây phát triển tự nhiên, lúc này cây sẽ có bộ khung vững chắc và tán sẽ phát triển theo dạng tròn.

- Hàng năm sau khi thu hoạch nên tỉa bỏ cành sâu bệnh, cành khuất trong tán, cành mất cân đối, để cây thông thoáng. Việc tỉa cành nên làm ngay sau khi thu hoạch trái để dễ dàng xử lý cây ra hoa.