Pages

Cây giống cây ăn quả

Cung cấp các loại giống cây ăn quả mới với chất lượng cây giống tốt nhất

Hoa lan giống

Cung cấp các loại lan giống như: Đai châu, Hồ điệp, Vũ nữ, Cattleya, Vanda và Dendro

Cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây trồng rừng

Cung cấp các loại cây cảnh, cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây trồng rừng như: Cây Sưa đỏ, Cây Xoan đào, Xoan ta, Mây nếp ...

Giống rau, giống cây nông nghiệp

Cung cấp các loại giống rau, giống mới, giống cây nông nghiệp ngắn ngày năng suất cao, : Cây chùm ngây, cây su su, gấc cao sản

Kỹ thuật trồng cây

Kỹ thuật trồng cây ăn quả, kỹ thuật trồng rau, kỹ thuật trồng hoa và cây cảnh.

Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

Kỹ thuật giâm cành bưởi diễn

Kỹ thuật giâm cành bưởi diễn

Kỹ thuật giâm cành là kỹ thuật nhân giống vô tính và có hệ số nhân giống tương đối cao so với kỹ thuật chiết cành. Đối với kỹ thuật giâm cành thì cây con mau cho trái, quần thể trồng tương đối đồng đều và đồng nhất về đặc tính giống.


Bưởi diễn là một trong những loại cây có giá trị kinh tế cao nhưng lại là loại cây rất khó ra rễ khi giâm cành. Tuy nhiên, nếu bà con áp dụng đúng kỹ thuật giâm cành, cây bưởi diễn vẫn có thể nhân giống được bằng cách giâm cành. Để đạt kết quả tốt khi giâm cành bưởi diễn, bà con cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nhân giống, bao gồm từ khâu chọn cây giống mẹ, chọn cành giâm, hóa chất sử dụng để kích thích ra rễ, giá thể giâm cành đến những yếu tố ngoại cảnh như ẩm độ, nhiệt độ, ánh sáng. Tổng hợp những yếu tố này sẽ quyết định thành công của kỹ thuật giâm cành Bưởi diễn.

Quy trình trong kỹ thuật giâm cành bưởi diễn

1. Chọn cây Bưởi diễn đầu dòng để giâm cành:

Cây đầu dòng được sử dụng để nhân giống phải khỏe mạnh, không mang mầm bệnh và những côn trùng nguy hiểm. Cây bưởi diễn đầu dòng dùng để lấy cành giâm không nên sử dụng để khai thác trái, vì khi vừa khai thác trái cây vừa làm cây để giâm cành sẽ làm cho cây kiệt sức rất mau.

2. Chuẩn bị cành giâm:

Cành Bưởi diễn được sử dụng để giâm có thể lấy ở hai vị trí cành là cành ngang (mang trái) hoặc là cành đứng (cành vượt). Cành ngang thì chỉ lấy từ ngọn vào bên trong khoảng 20-25 cm. chú ý lấy cành giâm ở giai đoạn cây không ra hoa. Cành vượt có thể lấy từ phía ngọn vào trong 40-50 cm, cây con từ cành vượt này  sẽ có sức sống mạnh.

Chú ý: Cành giâm nên được thu lúc sáng sớm và trong tình trạng trương nước. Có thể giữ cành bưởi trong các bao plastic lớn, có phun nước bên trong và cột miệng bao để tránh tình trạng mất nước. Để bao plastic ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng tiếp xúc trực tiếp làm nhiệt độ bên trong bao tăng cao.

Chiều dài cành giâm từ khoảng 15-20cm. Tỉa bớt lá phía dưới đáy cành, giữ lại 5-7 lá. Cắt bớt 1/2 chiều dài lá để giảm thoát hơi nước. Vạt xéo đáy cành 1 góc 45 độ và dùng dao rạch vài đường ở đáy cành để tạo mô sẹo nhằm kích thích sự ra rễ ở mô sẹo.

3. Chuẩn bị hóa chất:

Hóa chất được sử dụng để giâm cành Bưởi diễn là các auxin tổng hợp, bao gồm 2,4-D và NAA . Nồng độ sử dụng: 500 ppm 2,4-D + 4.000 ppm NAA để kích thích ra rễ cành giâm bưởi diễn. Các hóa chất này bà con có thể mua ở các cửa hàng bán hóa chất tinh khiết và thường được chỉ dẫn cách pha trong cồn.

4. Giá thể giâm cành:

Giá thể giâm cành có 4 chức năng: giữ ẩm tốt, cố định cành giâm,  thoáng khí và che tối cho đáy cành. Có thể dùng trấu hoặc mụn xơ dừa để làm giá thể giâm cành. Dụng cụ giâm cành có thể là bồn chứa, rổ nhựa, khay bên trong chứa giá thể giâm cành. Đặt dụng cụ giâm cành trong nhà giâm cành hay đơn giản hơn là trùm lại bằng tấm nhựa kín, khoảng trống phía trên càng cao càng tốt, vì khi đó nó sẽ tăng khả năng giữ ẩm độ và giảm được nhiệt độ bên trong.

5. Cách giâm cành:

Lấy các cành giâm đã được chuẩn bị sẵn,sau đó nhúng đáy cành giâm vào hóa chất trong thời gian từ 3-4 giây. Cành giâm sau khi xử lý xong  ta để cho hóa chất thấm vào đáy cành. Khi hóa chất thấm khô, cắm cành giâm vào giá thể giâm.

6. Chăm sóc sau khi giâm cành:

Điều kiện ngoại cảnh sẽ ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ ra rễ, sức sống hay tỷ lệ chết của cành giâm. Nhiệt độ trong môi trường tốt nhất khoảng 2o-30 độ C. Nhiệt độ cao sẽ làm cho lá cành giâm trở nên vàng và rụng. Tỷ lệ lá còn trên cành ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ ra rễ của cành giâm. Chú ý, Ẩm độ của nơi giâm cành phải được duy trì ở mức 85-90% trong suốt thời gian giâm cành. Ánh sáng ở nơi giâm cành không quá cao, nên sử dụng ánh sáng khuếch tán trong khoảng 1.000 – 2.000lux. Tốt nhất, bà con nên để trong nhà có mái che bằng lá và không có ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Ba yếu tố ngoại cảnh trên ảnh hưởng đến 60% sự thành công. Trong suốt quá trình giâm cành, bà con chú ý nếu thấy lá trên cành giâm còn xanh, không rụng, không vàng thì mức độ thành công sẽ trên 50%. Nên theo dõi nhiệt độ và ẩm độ thường xuyên, cần phải bảo đảm các yếu tố này trong khoảng tối hảo thì tỉ lệ thành công mới cao.

Phòng trừ sâu bệnh hại bưởi Diễn

Phòng trừ sâu bệnh hại bưởi Diễn

Bưởi Diễn là một trong những loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều loại sâu bệnh gây hại tới đối tượng cây trồng này.


Sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citrella)

Triệu chứng: Là loại sâu phá hoại cây ở thời kỳ lộc non, nhất là đợt lộc xuân. Sâu non nở ra ăn các lớp biểu bì trên lá non, cành non, quả non tạo thành các lớp ngoằn ngoèo có phủ sáp trắng, lá non xoăn lại cuối đường cong vẽ trên mặt lá, có sâu non bằng đầu kim. Sâu phá hoại mạnh ở tất cả các tháng trong năm, mạnh nhất từ tháng 2 - 10.

Biện pháp phòng trừ: Phun thuốc Polytrin 440 EC 25 ml/10 lít nước hoặc Selecron 500 EC 25 ml/10 lít nước, phun phòng 1 - 2 lần trong mỗi đợt cây có lộc non, quả non và hiệu quả nhất lúc lộc non dài từ 1 - 2 cm, quả non có đường kính 2 - 3 cm, phun ướt hết mặt lá non, quả non.

Bọ xít xanh (Rhynchocoris humeralis)

Triệu chứng: Trưởng thành và ấu trùng dùng vòi để chích hút dịch quả từ khi quả còn rất nhỏ. Chỗ vết chích có một chấm nhỏ và một quầng màu nâu. Trái còn nhỏ đã bị bọ chích hút nhiều thì sẽ vàng, rám và rụng sớm. Quả đã lớn bị bọ xít xanh gây hại thì dễ bị thối rụng.

Biện pháp phòng trừ: Dùng vợt tay để bắt bọ xít vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Thường xuyên kiểm tra quả và những lá gần quả để phát hiện và thu gom ổ trứng đem tiêu hủy. Sử dụng một số loại thuốc như Bascide 50EC, dầu khoáng SK, Enspray 99 EC, Hoppercin 50 EC… để phun trừ.

Nhện đỏ (Panonychus citri)

Triệu chứng: Phát sinh quanh năm hại lá, chủ yếu vào vụ xuân. Nhện đỏ rất nhỏ, màu đỏ thường tụ tập thành những đám nhỏ ở dưới mặt lá, hút dịch lá làm cho lá bị héo đi. Trên lá nơi nhện tụ tập, mặt lá có những vòng tròn, lá bị bạc và hơi phồng.

Biện pháp phòng trừ: Dùng thuốc Comite 73EC 10 ml/10 lít nước; Ortus 5 SC, dầu khoáng SK, Newsodan 5.3 EC pha theo nồng độ khuyến cáo của nhà SX, phun ướt cả 2 mặt lá, phun lúc cây ra lộc non, quả non và phun sau khi cây đậu quả 10 - 15 ngày để phòng ngừa.

Rệp muội xanh (Aphis spiraecola) và rệp muội đen (Toxoptera aurantii)

Triệu chứng: Rệp muội xanh và rệp muội đen là 2 loài gây hại phổ biến với mật độ cao, làm lá vàng úa, phủ kín muội đen, dẫn đến giảm khả năng quang hợp, năng suất cũng như chất lượng quả. Rệp muội gây hại chủ yếu trên lá non, cành non, lá bị xoắn rộp, rệp tiết nước nhờn khiến lá bị muội đen.

Bón phân cho cây bưởi

Bón phân cho cây bưởi

Để duy trì tuổi thọ cây, từ khi bưởi bắt đầu cho trái, mỗi năm xới gốc bón 2 đợt phân hữu cơ hoai, mỗi đợt 1 bao phân cút hoặc phân gà trộn tro trấu, chủ yếu là sau thu hoạch và lúc đậu trái non.


Nếu đất chua cần bón vôi để nâng pH = 5,5 - 6 trước khi trồng.

Cây mới trồng, bón lót 10kg phân chuồng, 0,5kg phân lân, 0,2kg vôi. Lượng phân bón tuỳ thuộc vào tình trạng sinh trưởng của cây:

- Cây 1 - 3 năm tuổi, bón 1 - 3kg NPK (16-16- 8), 0,5 - 1kg super lân.

- Cây 4 - 6 năm tuổi, bón 4 -7kg NPK (16 - 16 -8), 0,5 - 1kg super lân.

- Cây 7 - 9 năm tuổi, bón 8 -15kg NPK (16 -16 -8), 0,5 - 1kg super lân.

Cách bón phân như sau:

- Cây từ 1-3 tuổi nên pha vào nước, tưới định kỳ 1 - 2 lần/tháng.

- Cây từ năm thứ 3 trở đi, bón 4 lần/năm, bón theo tán cây với lượng phân bón cho mỗi gốc:

Lần 1, sau khi thu hoạch, bón 10kg phân chuồng kèm 1/3 lượng phân NPK.
Lần 2, trước khi ra hoa 1 tháng, bón 1/3 lượng phân NPK.
Lần 3, sau khi đậu trái 1 tháng, bón 1/3 lượng phân NPK.
Lần 4, trước khi thu hoạch 1 - 2 tháng, bón 1 -2kg Kali.

Tăng cường phân bón vào những năm được mùa.

Ruồi – côn trùng mới đang gây hại trên bưởi

Ruồi – côn trùng mới đang gây hại trên bưởi

Hiện nay trên các vườn bưởi ở tỉnh Bến Tre đang bị đe dọa bởi một loại dịch hại mới phát triển và gây hại phổ biến trên các đọt bưởi mới ra, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng và phát triển của cây bưởi, đó là ruồi hại đọt bưởi


Trong những năm gần đây, diện tích trồng bưởi ngày càng mở rộng, nhất là bưởi da xanh, vì đây là loại trái cây có giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, hiện nay trên các vườn bưởi ở tỉnh Bến Tre đang bị đe dọa bởi một loại dịch hại mới phát triển và gây hại phổ biến trên các đọt bưởi mới ra, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng và phát triển của cây bưởi, đó là ruồi hại đọt bưởi

Ruồi thuộc bộ Diptera họ Cecidomyiidae, tên tiếng Anh là Gall midge. Ruồi trưởng thành rất nhỏ, màu vàng nâu, dài khoảng 1,5mm. Chúng đẻ trứng trên các đọt bưởi vừa mới nhú ra như búp trà, sau đó nở ra dòi. Trứng rất nhỏ, mắt thường khó có thể nhìn thấy. Trứng nở trong vòng 1-2 ngày. Ấu trùng dạng dòi, mới nở màu trắng, tuổi lớn ngã màu vàng, dài khoảng 1,9mm. Chúng sống trong các đọt non chưa mở ra. Ấu trùng sống khoảng 8-12 ngày. Ấu trùng sau khi đẫy sức bún mình xuống đất hóa nhộng. Nhộng có màu vàng sáng khi mới và chuyển màu vàng đen khi sắp thành ruồi.

Đây là loại côn trùng mới xuất hiện trong thời gian gần đây, phá hại rất nhiều vườn bưởi, gây thiệt hại khá nặng. Triệu chứng để nhận biết sự xuất hiện của côn trùng này là những lá non bị nâu đen và rụng, chỉ còn trơ lại cọng đọt. Tuy nhiên, nếu nông dân phát hiện giai đoạn này thì quá trễ mà phải quan sát khi đọt vừa mới nhú ra khoảng 1-2cm, dùng tăm vạch lá non sẽ thấy dòi sinh sống trong đó với mật số rất cao.

Ruồi thuộc loài đa ký chủ ký sinh trên nhiều loại cây trồng.

Biện pháp phòng trừ:

Đây là loại côn trùng mới phát triển trong thời gian gần đây nên những nghiên cứu cũng như kinh nghiệm phòng trừ chưa nhiều, song bước đầu có những khuyến cáo như sau:

+ Ruồi gây hại ở giai đoạn đọt non mới phát triển, vì thế nên phun thuốc vào lúc lá non chưa mở, mới có sự hiện diện của chúng.

+ Cần vệ sinh vườn cho thông thoáng.

+ Dùng bẫy màu vàng để bắt ruồi trưởng thành.

+ Phủ màng bạc nylon ở gốc để ngăn cản sự hóa nhộng của ruồi.

+ Có thể phun dầu khoáng SK Enspray 99 ngay lúc ra đọt non.

+ Một số thuốc hóa học có hiệu quả như Map Jono 700WP + Map Green 6AS ( liều lượng 1gr + 8ml / bình 8 lít ) ; Map Winner 5 WG + Map Green 6AS ( liều lượng 2gr + 8ml / bình 8 lít ), Confidor 100SL liều lượng 6ml / bình 8 lít.

Chú ý: Ruồi rất mau tái nhiễm trở lại khi cây có đọt non mới, do đó phải theo dõi thường xuyên khi đọt non ra để xử lý.

Bưởi đỏ Luận Văn

Bưởi đỏ Luận Văn

Theo các bậc cao niên ở làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) giống bưởi đỏ nơi đây vốn là quả tiến vua có từ thời Hậu Lê.


Những năm gần đây các ngành chức năng đã phục tráng thành công và khuyến cáo sản xuất đại trà giống bưởi này. Vùng bảo hộ chỉ dẫn địa lý của bưởi Luận Văn được xác định của 2 xã Thọ Xương và Xuân Bái và một số xã phụ cận của huyện Thọ Xuân với diện tích 955 ha.

Đặc điểm thực vật


Bưởi Luận Văn thuộc nhóm bưởi đơn (Citrus grangdis), họ cây có múi (Citrus), là cây thân gỗ, cao trung bình 3 – 4m, vỏ thân có màu vàng nhạt, các cành nhỏ có gai nhỏ, nhọn. Lá hình trứng, có thùy, dài 11 – 12 cm, rộng 4,5 – 5,5 cm. Hoa kép, màu trắng, mọc thành chùm, thường nở vào tháng 2 ở Thanh Hóa và các tỉnh Bắc Trung bộ.

Quả hình cầu dẹt, đường kính trung bình 15 – 16 cm, khối lượng bình quân đạt 1 – 1,2 kg/quả. Vỏ quả màu xanh, khi chín chuyển dần từ màu vàng, màu hồng và cuối cùng là màu đỏ gấc rất hấp dẫn. Cùi màu hồng, nhiều hạt, tép màu đỏ tươi, ăn giòn, nhiều nước, dôn dốt ngọt, vị đậm, không the đắng và có mùi thơm đặc trưng. Bắt đầu chín từ tháng 12 dương lịch đến hết tháng 1 năm sau, trùng vào dịp tết cổ truyền của dân tộc.

Điều đáng quý đối với quả bưởi đỏ Luận Văn là có thể bảo quản trong điều kiện tự nhiên được 3 tháng mà không bị hỏng, chất lượng và hương vị không thay đổi. Bưởi Luận Văn khá sai quả, nếu chăm sóc, thâm canh tốt, ở tuổi kinh doanh thứ 5 có thể cho 150 – 200 quả/cây.

Bưởi Luận Văn vỏ đỏ hấp dẫn khách hàng

Hiệu quả kinh tế

Thấy được giá trị và hiệu quả kinh tế của giống bưởi đặc sản, sau khi được phục tráng và được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, huyện Thọ Xuân đã quyết định đưa giống bưởi Luận Văn làm cây mũi nhọn trong cơ cấu các giống cây trồng của địa phương trong thời gian tới.

Theo thống kê, ngoài 5 ha trồng theo dự án ở xã Thọ Xương, toàn huyện hiện có khoảng 500 hộ tham gia trồng bưởi đỏ Luận Văn với diện tích trên 50 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Thọ Xương, Xuân Bái, Xuân Lam và một số xã lân cận. Một số hộ có diện tích trồng tập trung lớn như hộ ông Lê Minh Tâm, Nguyễn Văn Mậu, Nguyễn văn Tường (thôn Mục Ngoại, xã Thọ Xương), Trần Công Thắng, Lê Văn Nghiệp (thôn 2, xã Xuân Bái)… Hộ ông Trần Công Thắng trồng 70 gốc, trong đó có 60 gốc đang cho thu hoạch. Với giá bán bình quân từ 80 – 100 ngàn đồng/quả, mỗi năm cho thu nhập trên 30 triệu đồng. Ông Lê Trí Nhạc ở làng Luận Văn cho biết, hiện ông có 50 gốc bưởi, trong đó có 20 cây 10 năm tuổi, với giá bán buôn tại vườn từ 80 – 100 ngàn đồng/quả, vụ tết này ông cầm chắc 100 triệu đồng.

Đánh giá về hiệu quả của dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình, trồng, thâm canh bưởi đặc sản Luận Văn” đang thực hiện tại địa phương, lãnh đạo xã Thọ Xương khẳng định, giống bưởi này sinh trưởng khỏe, phát triển nhanh, cho quả sai, chất lượng tốt, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng ngày càng cao nên bán được giá, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác.

Một số khuyến cáo

Từ các kết quả nghiên cứu về đặc điểm sinh lý, sinh thái của giống, điều kiện thổ nhưỡng, qui trình canh tác… để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho giống bưởi Luận Văn, ngoài việc áp dụng các biện pháp trong Quy trình kỹ thuật trồng bưởi do Bộ NN-PTNT đã ban hành, các nhà khoa học khuyến cáo bà con cần làm tốt một số điểm sau đây:

– Trồng bằng cây giống khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, được nhân bằng phương pháp ghép từ mắt ghép của những cây đầu dòng đã được Sở NN-PTNT Thanh Hóa công nhận.

– Nên ưu tiên phát triển trong vùng bảo hộ đã được xác định có diện tích 955 ha của 2 xã Thọ Xương, Xuân Bái và một số xã phụ cận của huyện Thọ Xuân. Chất lượng đặc thù của sản phẩm gắn liền với đặc điểm nông hóa thổ nhưỡng đặc biệt của khu vực địa lý (đất đỏ vàng trên nền đất sét và đá biến chất, đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng, tầng đất mặt dày trên 30 cm, tơi xốp, pH (KCL) trung tính. Vùng chỉ dẫn địa lý có thể được mở rộng bằng các biện pháp kỹ thuật canh tác được chuẩn hóa của ngành chức năng và người dân địa phương.

– Theo kinh nghiệm của một số người trồng bưởi Luận Văn giỏi ở Thọ Xương: Bưởi sẽ phát triển tốt và cho quả sai, chất lượng tốt, mã quả đẹp nếu được trồng trên đất thịt nhẹ, đất phù sa; được tưới nước, bón phân đầy đủ, cân đối các thành phần và đúng thời điểm cây cần. Có thể sử dụng nhiều loại phân khác nhau như: phân vi sinh, phân NPK tổng hợp, phân hữu cơ… trong đó quan trọng nhất vẫn là phân chuồng được ủ hoai mục sẽ giúp bền cây, ít sâu bệnh, tăng cường chất lượng và hương vị. Thường xuyên theo dõi, phát hiện để có biện pháp phòng trị kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại.

Những năm đầu khi cây bưởi chưa khép tán có thể trồng xen thêm một số cây ổi vừa có thêm thu nhập, vừa để ngăn ngừa, xua đuổi rầy chổng cánh, một đối tượng gieo rắc bệnh greening rất nguy hiểm cho cây bưởi.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng bưởi Quế Dương

Hướng dẫn kỹ thuật trồng bưởi Quế Dương

Cây giống phải được nhân từ cây mẹ đầu dòng tuyển chọn và phải đạt tiêu chuẩn ngành 10 TCN – 2001, cụ thể: cây giống sản xuất bằng phương pháp ghép phải được tạo hình cơ bản trong vườn ươm, có ít nhất 2 cành cấp 1 và không nhiều quá 3 cành.


I. Nguồn gốc giống

Bưới Quế Dương có nguồn gốc lâu đời ở Thôn Quế Dương, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Quả hình tròn, hơi dẹt, khối lượng bình quân 1,2-1,5kg, có nhiều quả to tới 5kg/quả, cùi mỏng, khi chín vỏ có màu vàng đất đẹp, rất thơm; múi dày, tép nhiều nước, màu đỏ hồng, độ ngọt vừa phải (11-12% độ Brix) nên rất hấp dẫn người tiêu dùng. Năng suất rất cao, mỗi gốc bưởi cho từ 400-500 quả. Đây là giống bưởi chín sớm vào khoảng rằm tháng Tám âm lịch, vừa kịp phục vụ nhu cầu Tết Trung thu của các cháu, người trồng vừa có thời gian chăm sóc, phục hồi, dưỡng cây cho vụ quả tiếp theo nên giống bưởi này hầu như không có tính cách niên, mất mùa như các giống bưởi khác. Ngoài ra, Bưởi Quế Dương có khả năng kháng sâu bệnh và chịu úng rất tốt.

II. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

1. Tiêu chuẩn giống trồng

Cây giống phải được nhân từ cây mẹ đầu dòng tuyển chọn và phải đạt tiêu chuẩn ngành 10 TCN – 2001, cụ thể: cây giống sản xuất bằng phương pháp ghép phải được tạo hình cơ bản trong vườn ươm, có ít nhất 2 cành cấp 1 và không nhiều quá 3 cành. Đường kính cành ghép cách điểm ghép đạt từ 0,5 – 0,7 cm; dài từ 50 cm trở lên; có bộ lá xanh tốt, không sâu, bệnh.

2. Chọn đất trồng và chuẩn bị đất trồng

- Chọn đất: Bưởi Quế Dương thích nghi tốt với loại đất thịt pha cát hay đất phù sa ven sông nên rất bền cây, khỏe mạnh, ít bị sâu bệnh hại và khả năng chịu úng ngập rất cao.

– Chuẩn bị đất trồng

Bao gồm: phát quang, san mặt bằng; thiết kế vườn trồng; đào hố; bón phân lót và lấp hố; các công việc khác như làm đường, mương rãnh tưới tiêu nước,…

+ Phát quang và san ủi mặt bằng

Đối với những đồi rừng chuyển sang trồng cây ăn quả nói chung và trồng bưởi Quế Dương đều phải phát quang, thậm chí phải đánh bỏ toàn bộ rễ cây rừng và san ủi tạo mặt phẳng tương đối để cho việc thiết kế vườn được dễ dàng. Trừ những nơi đất quá dốc (từ khoảng 100 trở lên) sẽ áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu, nghĩa là chỉ phát quang, dãy cỏ, san lấp những chỗ quá gồ ghề sau đó thiết kế và đào hố trồng cây, còn ở những nơi đất không quá dốc hoặc bằng, sau khi phát quang, san ủi sơ bộ có thể dùng cày máy hoặc cày trâu cày bừa một lượt để vừa sạch cỏ vừa tạo cho bề mặt vườn tơi xốp ngăn được sự bốc hơi nước của vườn sau khi bị phát quang.

Đối với các loại đất chuyển đổi khác sang trồng bưởi Quế Dương cũng cần phải dọn sạch và tạo lại mặt bằng trước khi thiết kế.

– Thiết kế vườn trồng

+Tuỳ theo quy mô diện tích và địa hình đất mà có thiết kế vườn trồng một cách phù hợp. Đối với đất bằng hoặc có độ dốc từ 3 – 50 nên bố trí cây theo kiểu hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình tam giác (kiểu nanh sấu). Đất có độ dốc từ 5 – 100 phải trồng cây theo đường đồng mức, khoảng cách của hàng cây là khoảng cách của đường đồng mức. Ở độ dốc 8 – 100  nên thiết kế đường đồng mức theo kiểu bậc thang đơn giản, dưới 80 có thể áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu, trên 100 phải thiết kế đường đồng mức theo kiểu bậc thang kiên cố.

+ Bố trí mật độ, khoảng cách 4 m (tương ứng với 500 cây/ha). Đối với những vùng đất tốt hoặc có điều kiện đầu tư thâm canh và áp dụng các biện pháp đốn tỉa hàng năm có thể bố trí mật độ dày hơn (600 cây/ha). Mật độ trồng phụ thuộc vào và khả năng đầu tư thâm canh. Thông thường đối với bưởi Quế Dương trồng với khoảng cách 5 m

Ở những vùng đất dốc, hàng cây được bố trí theo đường đồng mức và khoảng cách giữa 2 đường đồng mức là khoảng cách giữa 2 hình chiếu của cây. Khoảng cách cây được xác định như nhau trên cùng một đường đồng mức, đường đồng mức dài hơn thì có số cây nhiều hơn.

– Đào hố trồng và bón lót

+ Kích thước hố rộng 0,8 – 1 m sâu 0,8 – 1 m. Đất xấu cần đào rộng hơn.

+ Bón phân lót cho 1 hố:

Bót lót cho mỗi hố 30 – 50 kg phân chuồng hoai (hoặc 5 – 7 kg phân vi sinh) + 1 kg supelân + bón vôi đủ điều chỉnh pH đất về ngưỡng thích hợp (từ 6 – 6,5). Toàn bộ lượng phân lót trên được trộn đều với tầng đất mặt và lấp hố. Lượng đất lấp hố cao hơn bề mặt hố từ 7 – 10 cm, dùng cọc thiết kế vườn đánh dấu tâm hố. Hố cần phải chuẩn bị trước khi trồng ít nhất 1 tháng.

3. Thời vụ trồng và cách trồng

– Thời vụ trồng tốt nhất vào tháng 2, 3 (có thể trồng vào tháng 8, 9).

– Cách trồng: Đào 1 hố nhỏ chính giữa hố trồng, đặt cây vào hố lấp đất vừa bằng cổ rễ hoặc cao hơn 2- 3 cm. Không được lấp quá sâu, trồng xong phải tưới ngay và dùng cỏ mục ủ gốc (lưu ý phải cách gốc từ 10- 15 cm để tránh sâu bệnh xâm nhập).

4. Chăm sóc sau khi trồng

– Tưới nước

Thường xuyên giữ ẩm trong vòng 20 ngày đến 1 tháng để cây hoàn toàn bén rễ và phục hồi. Sau đó tuỳ thời tiết nắng mưa để chống hạn hoặc chống úng cho cây. Trước khi thu hoạch 1 tháng ngừng tưới nước.

Về lượng nước tưới và số lần tưới phải dựa vào khả năng giữ nước của đất, lượng bốc hơi và lượng mưa để quyết định, phương pháp tưới có thể là tưới bề mặt hoặc tưới nhỏ giọt,… mỗi lần bón phân cần phải tưới nước để phân có thể hoà tan tạo điều kiện cho cây hấp thụ tốt hơn.

– Cắt tỉa tạo hình

+ Cắt tỉa cho cây trong thời kỳ chưa mang quả: Việc cắt tỉa được tiến hành ngay từ khi trồng. Để có được dạng hình hợp lý (hình bán cầu), cần thực hiện theo các bước sau:

Tạo cành cấp 1: Khi cây con đạt chiều cao 45 – 50 cm, cần bấm ngọn để tạo cành cấp 1. Chỉ để lại 3 – 4 cành cấp 1 phân bố tương đối đều về các hướng. Các cành cấp 1 này thường chọn  cành khoẻ, ít cong queo, cách nhau 7 – 10 cm trên thân chính và tạo với thân chính một góc xấp xỉ 450 – 600 để khung tán đều và thoáng.

Tạo cành cấp 2: Khi cành cấp 1 dài 25 – 30 cm, ta bấm ngọn để tạo cành cấp 2. Thông thường trên cành cấp 1 chỉ giữ lại 3 cành cấp 2 phân bố hợp lý về góc độ và hướng.

Tạo cành cấp 3: Cành cấp 3 là những cành tạo quả và mang quả cho những năm sau. Các cành này phải khống chế để chúng không giao nhau và sắp xếp theo các hướng khác nhau giúp cây quang hợp được tốt.

+ Cắt tỉa cho cây trong thời kỳ mang quả

Cắt tỉa sau thu hoạch: Được tiến hành sau khi thu hoạch quả. Cắt tỉa tất cả các cành sâu bệnh, cành chết, cành vượt, những cành quá dày, cắt tỉa bớt cành cấp 1 (nếu số cành cấp 1/cây quá dày) sao cho cây có bộ khung tán cân đối. Đối với cành thu, cắt bỏ những cành yếu, mọc quá dày.

Cắt tỉa vụ xuân: Được tiến hành vào giữa tháng 1 đến giữa tháng 3 hàng năm: Cắt bỏ những cành xuân chất lượng kém, cành sâu bệnh, cành mọc lộn xộn trong tán, những chùm hoa nhỏ, dầy, dị hình.

Cắt tỉa vụ hè: được tiến hành từ tháng 4 đến hết tháng 6: Cắt bỏ những cành hè mọc quá dày hoặc yếu, cành sâu bệnh, tỉa bỏ những quả nhỏ, dị hình.

– Bón phân