Pages

Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Nhân giống huệ tây bằng phương pháp nuôi cấy vẩy củ

Huệ tây hiện được trồng bằng củ nên tốc độ nhân giống chậm, cần nghiên cứu những phương pháp nhân nhanh gống Huệ tây bằng con đường nuôi cấy vẩy củ.

Hoa huệ tây (Lilium longiflorum, Liliaceae) là một loại hoa có kích thước lớn, mùi thơm mát dịu, có nhiều màu sắc đẹp.

Ở Việt Nam, giống hoa Huệ tây trắng được trồng nhiều ở Đà Lạt, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.

Mấy năm gần đây, hoa Huệ tây là mặt hàng xuất khẩu cho nên việc cung cấp giống hoa chất lượng tốt cho sản xuất trở thành một vấn đề quan tâm.

Do được nhập trồng ở Đà Lạt đã nhiều năm, không được định kỳ phục tráng giống nên hiện nay giống Huệ tây Đà Lạt đang trên đà thoái hoá trầm trọng do các bệnh virus gây ra, đặc biệt là các bệnh virus khảm lá.

Huệ tây hiện được trồng bằng củ nên tốc độ nhân giống chậm, cần nghiên cứu những phương pháp nhân nhanh gống Huệ tây bằng con đường nuôi cấy vẩy củ.

I - VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NUÔI CẤY

Tách lấy vẩy  của củ hoa Huệ, rửa sạch bằng xà phòng, sau đó rửa qua cồn 70° trong 40 giây, dùng nước cất vô trùng rửa lại từ  3 đến 6 lần và cuối cùng vẩy được khử trùng bằng  HgCl2 (2%) trong 5 phút. Trước khi sử dụng, dùng nước cất vô trùng rửa sạch vẩy để tránh chết mẫu.

Các mẫu vô trùng được đặt vào môi trường nuôi, đựng trong ống nghiệm đóng chặt bằng nút bông đã được khử trùng ở 121°C (1 atm).

Môi trường nuôi cấy là môi trường MS (Murashige-Skoog, 1962) đã được cải tiến, có thành phần như bảng 1.

Điều kiện phòng nuôi cấy: ánh sáng (3000 lux), số giờ chiếu sáng: 16h/ngày, nhiệt độ 23-25°C.

Sau khoảng thời gian nuôi các mẫu vẩy trong điều kiện từ 5 đến 8 tuần, chúng tôi nhận được từ 4-6 chồi trên một vẩy, các chồi này tiếp tục phát triển thành cây non với rễ phát triển mạnh.

II- NHÂN NHANH GIỐNG CÂY CON BẰNG PHƯƠNG PHÁP TÁCH VẨY

Để tăng hệ số nhân giống cũng như  làm sạch bệnh của cây, chúng tôi tiếp tục tiến hành tách vẩy từ những cây con thu được trong ống nghiệm và cấy trong môi trường tương tự. Chúng tôi thu được nhiều cây con có đủ lá và rễ để trồng ra ngoài.

III- ĐƯA CẤY RA KHỎI ỐNG NGHIỆM VÀ CHẾ ĐỘ CHĂM SÓC CÂY CON

1- Đưa cây ra khỏi ống nghiệm

Để hạn chế đứt rễ khi ra cây, chúng tôi đã giảm nồng độ thạch của môi trường nuôi cấy những cây chuẩn bị đưa ra đất xuống 7g/l.

Cây con lấy từ ống nghiệm được rửa nhẹ nhàng bằng nước sạch cho hết lớp thạch bám quanh gốc.

2- Chế độ chăm sóc cây con

Cây được trồng vào khay đựng loại đất cát thịt hoặc đất pha cát, trộn lẫn với phân chuồng và phân hoá học.

Để diệt các côn trùng hại củ, phải bơm thuốc Basudin, Furadan vào trong đất. Trong 15 ngày đầu, cây con cần được che nắng và mỗi ngày được tưới một lần bằng dung dịch dưỡng Knôp pha loãng 50% (Knudson C).

Theo dõi và phun thuốc trừ sâu bệnh.

Trong vòng 6 tháng, cây ra hoa và cho thu hoạch hoa đồng loạt.

IV- KẾT LUẬN

Quy trình nhân nhanh giống hoa Huệ tây bằng phương pháp nuôi cấy vẩy củ cho phép tạo ra được số lượng lớn cây giống trong thời gian ngắn, phục tráng giống hoa Huệ tây Đà Lạt đang trên đà thoái hoá hiện nay.

Nhân giống bằng vẩy củ có thể chủ động trong cung cấp giống theo từng thời vụ trong năm, để bảo quản giống khi cần thiết, đồng thời có thể thu hoạch hoa đồng loạt đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Aartrijk V.J, Blom-Barnhoorn G.J, 1980; Acta Horticulturae, V. 109, 297-302.

2- Aartrijk V.J, Blom-Barnhoorn G.J,1981: Scientia Horticulturae, V.14, 261-268.

3- Bigot C, 1970: Bull. Soc. Bot. Fr. Mérn.V.117, 66-72.

4- Holdgate P.D, 1977: Plant cell, tissue and organ culture. Edited by Reuiert.J and Bajaj Y.P.S

0 nhận xét:

Đăng nhận xét