Pages

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2018

Cây nhàu và kỹ thuật trồng cây nhàu

Cây nhàu và kỹ thuật trồng cây nhàu

Quả Nhàu ăn với muối dễ tiêu, nhuận tràng, là thuốc điều kinh, trị băng huyết, bạch đới, ho cảm, hen, thũng, đau gân, đái đường. Nướng chín ăn để chữa lỵ.


Họ: Cà phê (Rubiaceae)

Tên khác: Cây Ngao, Nhàu núi, Nhàu lớn, Nhàu rừng, Giầu.

Mô tả:

Cây cao chừng 6-8m, thân nhẵn. Cây có nhiều cành to, lá mọc đối, hình bầu dục, nhọn ở đầu, dài 12-30cm, rộng 6-15cm, bóng loáng, dạng màng.

Hoa trắng, hợp thành đầu, đường kính 2-4cm.

Quả hình trứng, xù xì, dài khoảng 5-6cm. Khi quả non có màu xanh nhạt, chín có màu trắng hoặc hồng, mùi nồng và cay. Thịt quả có một lớp cơm mềm ăn được, chính giữa có một nhân cứng. Nhân dài 6-7mm, rộng 4-5mm, có hai ngăn chứa một hạt nhỏ mềm.

Phân bố và đặc điểm sinh học:

Phân bố: Đây là loài thuộc vùng nhiệt đới thuộc Châu Á và châu Úc, ngoài ra còn phân bố ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Mùa hoa nở từ tháng 1-2, quả chín tháng 7-8.ở nước ta cây thường mọc hoang ở những nơi ẩm thấp, góc vườn, dọc sông suối. Cây tái sinh dễ dàng bằng cách ươm hạt.

Bộ phận dùng:

Rễ thu hái vào mùa đông. Lá vào mùa xuân. Quả vào mùa hạ. Rễ phơi khô. Lá và quả dùng tươi.

Thành phần hóa học:

Trong thành phần của vỏ và rễ cây Nhàu có chứa Glucocid, anthraquimonic gọi là modrin, kết tinh thành tinh thể hình kim, màu vàng cam, tan trong nước sôi và các chất kiềm, ít tan trong nước lạnh và không tan trong ete. Ngoài ra còn có 1-metoxyrubiazin, mordrin và 1-Oxy-2,3-Dimetoxy anthraquinon. Lá cũng có modrin. Năm 1982, tác giả Đàm Trung Bảo ( Đại Học Dược Hà Nội) cho biết trong cây Nhàu còn có nhiều Selenium.

Công dụng:

Quả Nhàu ăn với muối dễ tiêu, nhuận tràng, là thuốc điều kinh, trị băng huyết, bạch đới, ho cảm, hen, thũng, đau gân, đái đường. Nướng chín ăn để chữa lỵ. Rễ Nhàu ngoài công dụng để nhuộm đỏ quần áo vải lụa, người Việt Nam còn đào về, thái nhỏ, sao vàng ngâm rượu uống chữa nhức mỏi, đau lưng (dùng quả Nhàu non, thái mỏng, sao khô thay rễ). Lá Nhàu giã nát đắp chữa mụn nhọt, mau lên da non. Sắc uống chữa đi lỵ, chữa sốt và làm thuốc bổ, lá Nhàu còn dùng nấu canh lươn ăn bổ. Vỏ cây Nhàu dùng để nấu nước cho phụ nữ sau khi sinh uống bổ máu.

Một số bài thuốc từ cây Nhàu:

- Chữa huyết áp cao: rễ Nhàu 30-40g, sắc uống thay nước chè, sau hai tuần là có kết quả, sau đó giảm bớt liều, uống liên tục trong 2-3 tháng.

- Chữa nhức mỏi tay chân, đau lưng: quả Nhàu non thái mỏng sao khô, 300g ngâm trong 2 lít rượu 30-40 độ sau hai tuần, uống ngày hai lần, lần một ly con 30-40ml.

- Chữa lỵ, tiêu chảy, cảm sốt: lá Nhàu tươi 3-6 lá, rửa sạch nấu với 500ml đun đến khi nước còn 200ml chia hai lần uống trong ngày. Uống liên tục trong 2-5 ngày.

Cách trồng và chăm sóc:

* Tạo và chăm sóc cây con:

- Nguồn giống: Thu hái quả lúc bắt đầu chín, hong trong râm, nơi khô ráo, thoáng mát, xát vỏ, loại tạp vật rồi đem gieo ngay.

- Cây Nhàu con được gieo từ hạt. Hạt được xử lý bằng nước nóng (3 sôi 2 lạnh) và nước lạnh với thời gian 15-30 phút, sau đó gieo trong cát ẩm. Sau hơn 1 tháng hạt nảy mầm rộ thì bứng cây cấy vào bầu.

- Tạo bầu: Cỡ bầu: Rộng 6-8cm, cao 12-15cm; thành phần ruột bầu: 90% đất sạch dưới tán rừng +10% phân chuồng hoai. Bầu được xếp vào luống có chiều rộng từ 1-1,2m.

- Kỹ thuật giâm cây con: Dùng que nhọn chọc lỗ sâu 3-5cm, cắm rễ cây con vào lỗ, ép chặt đất vào gốc cây. Để nâng cao khả năng thành công của hom giâm, cần cắm giàn che bóng 25%.

- Chăm sóc cây con: Tưới đủ nước cho cây, nếu thời tiết nắng nóng cần tưới nước hằng ngày vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối. Làm cỏ phá váng định kỳ 1 lần/tháng để tránh sự cạnh tranh dinh dưỡng của cỏ dại và tạo cho đất tơi xốp, thoáng khí. Bón thúc bằng phân chuồng hoai 1 lần/tháng. Khi cây con có chiều cao khoảng 20-30cm, phát triển cân đối thì có thể đem trồng.

* Kỹ thuật trồng:

- Điều kiện trồng: Cây thích nghi ở những nơi ẩm thấp, đất trồng Feralit phát triển trên các loại đá mẹ: Grannit, Gnai, phiến thạch sét, phiến thạch mica, sa phiến thạch… Đất còn tương đối tốt, tỷ lệ mùn tầng mặt 2-3%, thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình, tầng đất dày trên 60cm, tơi xốp, khả năng thấm nước và thoát nước tốt.

Có thể trồng dưới tán rừng ẩm, độ tàn che 0,4- 0,7. Chọn địa hình thuận lợi cho cây trồng phân tán hay trong các mô hình nông lâm kết hợp ở những nơi đất giàu mùn và đủ ẩm.

- Tiêu chuẩn cây con đem trồng: cao 20-30cm, cây phát triển cân đối, không sâu bệnh.

- Thời vụ trồng: vụ xuân khi có mưa phùn hoặc đầu mùa mưa.

- Làm đất theo hố, quy cách hố: 40x40x40cm, khoảng cách giữa hàng với hàng là 3mm, giữa hố với hố là 3m. Hố bố trí so le giữa các hàng theo hình nang sấu. Khi cuốc hố tách riêng phần đất tốt, đất xấu. Lấp hố bằng đất tốt khi cuốc lên và đất xung quanh cùng với cỏ rác, thảm khô mục lấp phần đáy hố. Vun đất theo hình mai rùa. Thời gian cuốc hố phải hoàn thành trước lúc trồng rừng 1 tháng.

- Bón phân: Mỗi hố bón lót 3-5kg phân chuồng và 50g lân.

- Kỹ thuật trồng: Trồng bằng cây con có bầu. Trồng cây vào những ngày có mưa nhỏ hoặc râm mát. Rạch vỏ bầu, bới 1 lỗ giữa hố sâu bằng chiều cao của bầu cây trồng. Đặt cây sao cho cổ rễ ngang mặt hố, rồi vun đất xung quanh gốc cây, tránh dẫm vào bầu làm vỡ bầu. Chú ý phải tạo độ che bóng cho cây trong giai đoạn mới trồng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét